Tiểu sử chính thức của Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng thời trẻ, ông từng đến một phòng tiếp dân của chi nhánh KGB địa phương để hỏi về cách thức trở thành một cán bộ tình báo. Khi đó ông nhận được câu trả lời như sau: Hãy cố lấy một tấm bằng đại học hoặc đi nghĩa vụ quân sự trước đã.
Ngoài những người tình nguyện gia nhập KGB, cơ quan này còn chủ động tổ chức tuyển nhân viên và điệp viên, đôi khi trái với ý nguyện của người đó.
Ai làm trong trong KGB?
Hàng ngũ nhân viên KGB gồm những người có các xuất thân khác nhau.
KGB là một thể chế lớn, cấu trúc phức tạp, tích hợp nhiều tổng cục khác nhau, mỗi tổng cục đều có những trách nhiệm nghiệp vụ đặc thù. Do vậy, KGB phải tuyển nhân viên từ các đối tượng đa dạng về tài năng và chuyên môn.
Andrei Milekhin – một cựu Sĩ quan KGB, cho biết: “Về công việc, Tổng cục I (tình báo) khác biệt hẳn với Tổng cục Phản gián. Có nhiều đơn vị chuyên môn hóa, đơn vị tác chiến, kỹ thuật, phản gián quân sự, lực lượng biên phòng (với cơ cấu tình báo riêng), Tổng cục liên lạc đặc biệt, Cục Cảnh vệ...”.
Mặc dù KGB tuyển đủ mọi típ người, họ vẫn rất thận trọng với những người lạ và những người tự tìm đến họ.
Thường thì bộ phận tuyển dụng của KGB sẽ tích cực lọc các ứng viên tiềm năng ở nhiều nơi khác, không nhất thiết liên quan đến cơ quan an ninh, như trường học, quân đội, nhà máy,....
Cán bộ tuyển dụng của KGB thường quan sát và đánh giá các ứng cử viên ngay tại nơi làm việc của họ. Các nhân viên KGB tương lai thường không hay biết là họ đang được đánh giá để tuyển chọn vào làm tại KGB.
Cựu Sĩ quan KGB Milekhin cho biết, các tân binh của tổ chức này được giáo dục và huấn luyện một cách rất hiệu quả.
Milekhin nhớ lại: “Tôi chưa bao giờ thấy nơi đâu có sự huấn luyện và tổ chức hiệu quả hơn thế. Tôi cho rằng KGB đi đầu về công tác tư tưởng và quản lý ở Liên Xô”.
Việc tuyển chọn người của KGB là rất kỹ càng.
Mạng lưới điệp viên
Để hoàn thành nhiệm vụ của mình, KGB còn dựa vào một mạng lưới rộng lớn các chỉ điểm. Cả công dân Liên Xô lẫn công dân nước ngoài được thuyết phục, thậm chí dẫn dụ, làm việc cho KGB.
Các Sĩ quan KGB hoạt động ở nước ngoài (đặc biệt ở phương Tây) thường nhắm tới các đối tượng như những người đã đạt được danh tiếng nhất định hoặc những người có tiềm năng đạt được điều đó trong tương lai.
Một tờ hướng dẫn nội bộ bí mật của KGB (nay được công bố trên mạng) nói rằng các đặc vụ của KGB trước tiên phải tập trung nỗ lực tuyển dụng vào các thể chế chịu trách nhiệm về kiểm soát chính sách đối ngoại của đất nước mà KGB nhắm tới: “Nội các, bộ ngoại giao, các trung tâm lãnh đạo của các chính đảng, các đại công ty độc quyền,...”.
Các cán bộ KGB đặc biệt chú ý đến những người bất mãn trong công tác và những người có cảm tình với mục tiêu, lý tưởng của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết.
Các trường đại học trên thế giới cũng là nguồn cung cấp điệp viên phong phú cho KGB.
Gennady Gudkov – cựu Sĩ quan của KGB (thời Liên Xô) rồi FSB (Nga), cho hay: “Cách tuyển dụng kinh điển là khi người được tuyển biết mình được tuyển. Anh ta sẽ có một mật danh, ký vào một văn bản (với nội dung đồng ý làm việc cho KGB). Anh ấy được dạy những kỹ thuật nghiệp vụ cơ bản và nâng cao như kết nối, mật khẩu, mật mã... Nếu nói đến chuyện đưa trinh sát xâm nhập các băng đảng tội phạm, các tổ chức khủng bố... thì chúng ta cần đến việc huấn luyện điệp viên một cách rất nghiêm túc”.
Lịch sử chỉ ra rằng có những trường hợp các đại diện của giới trí thức (nhà văn, nghệ sĩ...) và các vận động viên được KGB tuyển dụng để theo dõi các phần tử bất đồng chính kiến trong cộng đồng nghề nghiệp của mình.
Ai không được gia nhập KGB?
Đối với điệp viên thì KGB tuyển dụng mà hầu như không có sự phân biệt nào. Nhưng đối với đội ngũ cán bộ cơ hữu, KGB sẽ sàng lọc kỹ càng bằng những quy định ngặt nghèo. Chẳng hạn, nếu có scandal hoặc một khiếm khuyết cơ thể nào đó, ứng viên sẽ mãi mãi không được tuyển vào ngành tình báo.
KGB ưa thích những người có ngoại hình bình thường chứ không phải bề ngoài khác biệt dễ bị nhận ra như có tật máy giật, khiếm khuyết ở mắt và chứng mắt lác, rối loạn nói, răng hô, bớt da to, chưa nói đến các khuyết tật thể chất rõ ràng. KGB quan niệm các đặc điểm này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ của ứng viên trong quá trình hoạt động bí mật.
Một cựu Sĩ quan KGB còn tiết lộ rằng có một quy định bất thành văn là hạn chế tuyển các tộc người như Do Thái, Tatar Crimea, Karachai, Kalmyk, Chechnya, Ingush, Hy Lạp, Đức, Triều Tiên, và Phần Lan vì KGB ngầm cho rằng các nhóm người này “không đáng tin cậy”. Thực tế này là trái với quan điểm chính thống của Liên Xô về chống phân biệt chủng tộc.
TRUNG HIẾU/VOV
Chiến tích hào hùng của lực lượng mật mã Liên Xô trong chiến tranh