/ Luật sư - Bạn đọc
/ Ổ nhóm ma túy hoạt động ngay tại phòng điều trị - Lãnh đạo Bệnh viện buông lỏng quản lý?

Ổ nhóm ma túy hoạt động ngay tại phòng điều trị - Lãnh đạo Bệnh viện buông lỏng quản lý?

01/04/2021 13:49 |

(LSVN) – Liên quan đến vụ việc ổ nhóm ma túy hoạt động ngay trong bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng để trình trạng này kéo dài cho đến hiện nay là trách nhiệm của nhiều cơ quan, cá nhân.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law.

Theo thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội, ngày 31/3 vừa qua đã triệt phá thành công một đường dây mua bán ma túy với số lượng lớn tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I do nghi can Nguyễn Xuân Quý cầm đầu. 

Nghi can Quý có tiền sử bệnh tâm thần, vào điều trị tại bệnh viện Tâm thần Trung ương I từ tháng 11/2018. Trong thời gian điều trị, do ở bệnh viện lâu nên Quý tạo được mối quan hệ thân thiết với một số cán bộ phục vụ và được tạo điều kiện tự do đi lại, sinh hoạt, bố trí ăn ở theo nhu cầu. Lợi dụng kẽ hở này, Quý cải tạo phòng điều trị thành một phòng có cách âm, lắp dàn loa lớn, đèn laze để phục vụ việc sử dụng trái phép chất ma túy cho bản thân và các đối tượng khác trong và ngoài bệnh viện. Ngoài sử dụng, Quý còn tổ chức mua bán ma túy tại bệnh viện. 

Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SB Law) cho rằng, trong vụ việc lần này, thiết nghĩ cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong bệnh viện. "Việc một tụ điểm ăn chơi, một đường dây ma túy xuất hiện trong bệnh viện tâm thần – nơi mà đáng ra phải giúp các bệnh nhân điều trị, ổn định sức khỏe là điều không thể chấp nhận được. Đáng buồn hơn là điều này lại tồn tại trong khoảng thời gian dài", Luật sư nói.

Luật sư nhận định, để có thể cải tạo buồng bệnh thành phòng có cách âm, lắp loa và đèn laze thì chắc chắn các nghi can này phải có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Đó có thể là việc trợ giúp mua sắm đồ đạc, vật tư, cải tạo phòng hoặc bao che, che giấu cho các hành vi vi phạm. Đặc biệt khi mới đây, cơ quan điều tra cho biết một cán bộ trong bệnh viện cũng dương tính với ma túy.

Bên cạnh đó, cũng cần phải xem xét việc nghi can lấy ma túy từ đâu để bán, ai là người cung cấp ma túy cho nghi can? Và tại sao ở trong bệnh viện tâm thần, nơi mà đáng ra phải được kiểm soát nghiêm ngặt 24/24 lại để xảy ra tình trạng người ngoài mang ma túy vào cho bệnh nhân và các bệnh nhân buôn bán ma túy với nhau, và bán cả cho những người ở ngoài bệnh viện, giả danh là người nhà chăm sóc bệnh nhân.

Theo Luật sư Hà: "Qua vụ việc này có thể thấy, trách nhiệm rõ nhất là những lãnh đạo Bệnh viện trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của bệnh viện; trách nhiệm của các cán bộ, nhân viên y tế điều trị cho những bệnh nhân vi phạm".

Luật sư cũng đưa ra giả thuyết, nếu kết luận của cơ quan điều tra cho thấy đúng là những người làm công tác quản lý và khám chữa bệnh vi phạm quy định pháp luật cũng như quy định của bệnh viện thì trước tiên, họ sẽ bị xử lý kỷ luật theo nội quy, quy chế của Bệnh viện tâm thần Trung ương I với các chế tài như: bị kỷ luật, cách chức, sa thải. 

Mặt khác, nếu xét thấy có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì các đối tượng vi phạm có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Che giấu tội phạm” được quy định tại Điều 389; hoặc tội "Không tố giác tội phạm” được quy định tại Điều 390.

Để sự việc ổ nhóm ma túy hoạt động trong suốt một thời gian dài ngay tại một bệnh viện Tâm thần lớn trong lòng Hà Nội, Luật sư Hà khẳng định sự việc này chính là một hồi chuông cảnh báo cho tình trạng buông lỏng quản lý đối với các bệnh nhân tâm thần tại các bệnh viện tâm thần nói riêng và cơ sở khám chữa bệnh nói chung. Hành vi của các đối tượng này cũng làm dấy lên lo ngại về việc có thể đã xảy ra hiện tượng làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần, biến bệnh viện tâm thần thành nơi thoát tội. Chính vì vậy, các đối tượng liên quan cần phải được điều tra làm rõ, trừng trị nghiêm minh, đúng người đúng tội để làm tiền lệ cho sau này.

Trên thực tế, việc quản lý các bệnh nhân tâm thần trong bệnh viện tâm thần là một vấn đề rất phức tạp, đặc biệt là đối với những bệnh nhân đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bởi tính chất hung hãn khó lường của những bệnh nhân này trong quá trình điều trị.

Trong khi đó, theo Điều 9 Nghị định 64/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì “Việc quản lý và điều trị người bị bắt buộc chữa bệnh được thực hiện như đối với những người bị bệnh tâm thần khác và không được phân biệt đối xử”. Quy định này đã gây ra nhiều bất cập trong việc thực thi đối với các bác sĩ như việc xảy ra nhiều hiện tượng như tấn công, đe dọa bác sĩ, nhân viên y tế. Trong khi đó, bác sĩ, nhân viên y tế là những người chỉ thực hiện công việc chuyên môn của mình là khám chữa bệnh cho những bệnh nhân tâm thần, nhưng đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm trong hoạt động quản lý.

Bên cạnh đó, Nghị định này cũng không quy định cụ thể trách nhiệm quản lý của từng cơ quan. Chính vì vậy, để tránh những tình trạng này lại có thể tiếp diễn tại một sơ sở khám chữa bệnh khác thì Nghị định này cần được sửa đổi, bổ sung để việc quản lý các bệnh nhân tâm thần là những đối tượng bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh hiệu quả hơn. Ngoài ra, việc giám sát và quản lý đối với quy trình làm hồ sơ, bệnh án tâm thần cũng cần được thực hiện chặt chẽ hơn, để tránh việc cái đối tượng thực hiện tội phạm lợi dụng kẽ hở này để thoát tội.     

VŨ THỦY

Triệt phá ổ nhóm ma túy ngay trong Bệnh viện Tâm thần trung ương I

Lê Minh Hoàng