Ảnh minh họa.
Hà Nội đã làm theo cách này và thu được kết quả mỹ mãn: Có tới 72% những người tham gia khảo sát đồng tình với việc tăng học phí. Nhưng, trong một cuộc họp phản biện thì đại diện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỏ ra nghi ngờ con số này. Họ cho rằng, đối tượng tham gia lấy ý kiến đó là giáo viên và phụ huynh thì không được chính xác và khách quan cho lắm, giáo viên thuộc thành phần bị quản lý bởi ngành Giáo dục còn phụ huynh thì “cả nể” bảo sao nghe vậy thôi. Hãy lắng nghe dư luận xã hội một chút trên các trang mạng thì thấy rằng chẳng ai muốn tăng học phí cả. Thêm nữa, trên Cổng Thông tin Điện tử Hà Nôi có đưa vấn đề này lên để mọi người cho ý kiến nhưng không có một ý kiến nào. Rõ ràng, mọi người cũng chẳng quan tâm gì lắm hoặc có cho ý kiến thì chắc gì đã được lắng nghe, sử dụng, thôi thì cho qua, các ông quyết thế nào thì dân cũng phải chịu thôi.
Mặt khác, để tỏ rõ quyết tâm tăng học phí, nhà chức trách của sự nghiệp giáo dục Thủ đô xác định rõ ràng rằng nếu năm nay không tăng thì năm sau phải tăng gấp đôi, năm sau nữa phải tăng gấp ba. Ông dẫn chứng, TP. Hồ Chí Minh không tăng học phí trong 03 năm liền giờ phải tăng gấp 5. Thế thì tăng thôi, khỏi bàn cãi! Chỉ tiếc rằng cái “nguyên lý” này không được áp dụng cho tăng lương nhỉ? Lộ trình tăng lương đã trì hoãn hết năm này sang năm khác, cũng đề ra sáng kiến “lấy ý kiến nhân dân”, phương án 1 là tăng ngay 10%, phương án 2 để đến sang năm tăng 15%. Cuối cùng chẳng có phương án nào thành hiện thực cả, mãi sau mới tăng thêm 10%. Thế thì “lấy ý kiến nhân dân” để làm gì!
Ai cũng biết, bất kỳ ở thể chế nào mà áp dụng một nền giáo dục không mất tiền, hoàn toàn miễn phí thì là sự thể hiện rõ rệt nhất tính ưu việt của chế độ. Chúng ta lại khác, hết “moi túi” phụ huynh bằng sách giáo khoa và tham khảo rồi đến lượt tăng học phí sau một cơn đại dịch mà dân tình đã kiệt quệ cả về sức khỏe và kinh tế lại phải đang chống chọi với giá xăng tăng chóng mặt. Vậy, cứ để thư thư rồi tính đến chuyện tăng các loại thuế phí để “khoan sức dân” được không?
NHỊ NGỌC