Anh hùng, Liệt sĩ Lê Thiệu Huy: Một biểu tượng của tình đoàn kết keo sơn hai nước Việt - Lào

09/07/2023 16:59 | 10 tháng trước

(LSVN) - Anh hùng, Liệt sĩ Lê Thiệu Huy, sinh ngày 06/3/1921 ở xã Trung Lễ (nay là xã Trung Lâm Thủy) huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Một người thông minh, tài ba, giàu lòng yêu nước, là biểu tượng cho tình đoàn kết, keo sơn hai nước Việt - Lào.

Được mệnh danh “Thần đồng Đông Dương”      

Lê Thiệu Huy sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, trí thức yêu nước. Cha là Giáo sư Lê Thước, bậc trí giả uyên bác cổ kim Đông Tây, nhà biên khảo, nhà giáo dục lớn đầu thế kỷ XX, xin không làm quan để làm thầy, mẹ là bà Phan Thị Đích thuộc dòng họ Phan Đình Phùng. 

Lê Thiệu Huy, một người tài ba, được mệnh danh “Thần đồng Đông Dương”. (Ảnh tư liệu).

Năm lên 10 tuổi, Lê Thiệu Huy thi vào lớp Đệ lục Trường Trung học Albert Sarraut, một Trường Trung học nổi tiếng nhất Đông Dương. Học sinh Việt Nam muốn vào học trường danh giá này phải qua một kỳ thi chặt chẽ, nghiêm túc. Học tập tại đây, ông đã khiến các bạn và thầy cô đều khâm phục, với học lực giỏi, năm nào cũng đứng đầu lớp ở tất cả các môn học. Giáo viên và học sinh trong Trường đều gọi ông là “nhà vô địch không có đối thủ”. 

Năm 16 tuổi, Lê Thiệu Huy đứng đầu tú tài I xếp loại giỏi. Năm 1938, mới 17 tuổi 3 tháng ông thi đậu tú tài toàn phần ban Toán xếp loại giỏi. Kỳ thi lần II năm đó, ông thi tiếp bằng tú tài Văn chương, đậu xếp vào loại giỏi. Cùng năm đó, ông là thủ khoa thi học sinh giỏi môn Toán, học sinh Trung học phổ thông toàn nước Pháp và Pháp quốc hải ngoại. Tài năng của Lê Thiệu Huy làm cho cả nước Pháp lúc bấy giờ hết sức ngạc nhiên, được mệnh danh “Thần đồng Đông Dương”. Khâm phục sự thông minh của ông, Toàn quyền Đông Dương đích thân mời thân mẫu của ông là bà Phan Thị Đích ra Hà Nội cùng nhận giải, mục đích tìm hiểu về một người phụ nữ Việt Nam đã sinh ra một người con xuất chúng như vậy. Do ông chưa đủ 18 tuổi nên Toàn quyền Đông Dương thông báo cho cha mẹ phải viết giấy cam đoan, bảo lãnh trách nhiệm cho chuyến đi du ngoạn ở nước Pháp của Lê Thiệu Huy trong vòng 1 tháng. Nhưng do đại chiến thế giới lần thứ II bùng nổ, chuyến đi du ngoạn của Lê Thiệu Huy bị dừng lại. 

Nhiều người ngạc nhiên không hiểu ông học bằng cách nào mà khi đang còn rất trẻ đã biết thông thạo nhiều ngoại ngữ, như: Anh, Pháp, La tinh, Hán ngữ... 

Năm 1942, được sự đồng ý của Bộ Đại học Pháp, chính quyền Đông Dương mở Trường Đại học Khoa học ở Hà Nội đào tạo cử nhân khoa học trong 3 năm. Lê Thiệu Huy là một học viên xuất sắc, trong 2 năm đã tốt nghiệp: Toán đại cương, Vật lý đại cương, Cơ lý thuyết..., tất cả đều xếp loại tối ưu. Giáo sư Barchet gốc Do Thái, nhà Toán học, dạy môn Toán ngạc nhiên thốt lên: “Tôi chưa thấy một sinh viên nào xuất chúng như Lê Thiệu Huy, ít kẻ tài ba như vậy”.

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (đồng hương cùng ông) dạy môn Cơ lý thuyết khâm phục nhận xét: “Tôi có hai người học trò cùng quê Đức Thọ, một là Lê Văn Thiêm, hai là Lê Thiệu Huy, học giỏi ít có trò nào sánh kịp”.  

Lê Thiệu Huy không những học giỏi còn có tầm hiểu biết rộng trên nhiều lĩnh vực, như lịch sử dân tộc, ca dao tục ngữ, thơ ca yêu nước và các môn khoa học khác. 

Ngày 09/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, nạn đói làm cho đất nước ta điêu tàn. Nạn ngoại xâm, nạn đói khiến Trường Đại học ở Hà Nội đóng cửa, Lê Thiệu Huy cùng bạn đi cứu tế, chôn cất người chết đói. Do có tầm hiểu biết rộng, ông cảm nhận được đất nước sắp bước vào giai đoạn mới, thời kỳ đấu tranh gay go, quyết liệt với kẻ thù, nên tháng 5/1945, Lê Thiệu Huy cùng Hoàng Xuân Bình (em trai Giáo sư Hoàng Xuân Hãn), Nguyễn Thế Văn, Đặng Văn Việt vào Huế học Trường Võ bị Thanh niên tiền tuyến do Phan Anh và Tạ Quang Bửu sáng lập, với mục đích rèn luyện bản thân, trang bị kiến thức quân sự chờ thời cơ đứng lên khởi nghĩa giành độc lập, tự do cho dân tộc. 

Lê Thiệu Huy yêu nước nồng nàn, từ bỏ mọi cám dỗ, đi theo cách mạng, trở thành một chiến sĩ cộng sản, cán bộ quân đội. (Ảnh tư liệu).

Cách mạng Tháng 8 bùng nổ, ông cùng anh em Trường Võ bị Thanh niên tiền tuyến tham gia Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền ở Huế ngày 23/8/1945. Ngày 30/8/1945, Ủy ban Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế giao cho ông dẫn đầu một nhóm sinh viên tình nguyện ra Hiền Sĩ (cách Huế 18km) vây bắt toán lính Pháp nhảy dù xuống, do Thiếu tá Castena chỉ huy, theo lệnh Chính phủ Đơ-gôn Pháp nhằm tái lập nền thống trị của Pháp ở Đông Dương.

Ngày 04/9/1945, Chính phủ lâm thời đã triệu tập Lê Thiệu Huy ra Hà Nội làm việc tại Bộ Ngoại giao, lúc này do Chủ tịch Hồ Chí Minh kiêm nhiệm. Ông được giao làm phái viên đặc trách liên lạc giữa Chính phủ ta với phái đoàn Anh, Mỹ. 

Cuối tháng 9/1945, mặc dù bị đau đang nằm trên giường bệnh nhưng Lê Thiệu Huy vẫn theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế. Ông cùng với một số bạn bè có lòng yêu nước nồng nàn đã thảo ra một Đề án báo trình lên Chủ tịch Hồ Chủ tịch và Bộ Quốc phòng, Đề án mang tên “Đường 9”; với mục tiêu là quét sạch các cứ điểm của quân Pháp vừa mới tái lập trên đường 9, giữ cho được con đường từ Lào xuyên vào Trung bộ (Đông Hà - Savannakhet). Đây là con đường huyết mạch nối nước ta và Quốc tế (Lào-Xiêm-Miến Điện). Con đường mà ta dùng để vận chuyển vũ khí, xăng dầu, thuốc men, đồ dùng cần thiết cung cấp cho kháng chiến. Đẩy mạnh các tổ chức liên quân Việt-Lào, tăng cường giúp đỡ Chính phủ kháng chiến Phathet Lào; liên hệ với các tổ chức Việt kiều ở Lào và Xiêm, giúp đỡ huấn luyện quân sự cho thanh niên. Huấn luyện xong, các thanh niên này bí mật được đưa về nước tăng cường lực lượng cho cuộc kháng chiến chống Pháp. 

Một chiến sĩ quân tình nguyện lập nhiều chiến công, hy sinh cao cả

Cuối tháng 11/1945, Bộ Quốc phòng chuẩn y Đề án đường 9, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đích thân giao cho Lê Thiệu Huy làm Trưởng đoàn. Trong Đoàn có: Hoàng Xuân Bình; Nguyễn Trọng Thường, sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Y và Đại học Luật Hà Nội, học Trường Võ bị Thanh niên tiền tuyến Huế; Dương Tự Tẩm, cựu học sinh Trường Bách nghệ Huế; bốn người lập tức rời Hà Nội vào Chiến khu 4. Ông Lê Thiết Hùng, Chỉ huy trưởng chiến khu 4 ra quyết định thành lập Bộ Chỉ huy liên quân Lào - Việt mặt trận đường 9, gồm: Ông Hoàng Điền, Tham mưu trưởng Chiến khu 4 được giao làm Chỉ huy trưởng; Lê Thiệu Huy, Tham mưu trưởng; Đặng Văn Việt, Tham mưu phó trực tiếp chỉ huy Trung đoàn Nguyễn Thiện Thuật; Hoàng Nguyên Bình, Trưởng ban Tác chiến. Về phía Lào cử Thao Ô làm Phó Chỉ huy trưởng mặt trận.

Vừa mới thành lập, vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng nhưng liên quân Việt - Lào đã lập được nhiều chiến công vang dội, giải phóng căn cứ Động Hến, Ken Khang, đập tan cuộc hành binh quy mô lớn của của quân Pháp, chiếm lại Mường Phìn. Liên quân Việt - Lào làm chủ được đường 9. 

Anh hùng, Liệt sĩ Lê Thiệu Huy (người đứng hàng trước) đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh cao cả. (Ảnh tư liệu).

Ngày 06/3/1946, ta và Chính phủ Pháp ký Hiệp định Sơ bộ. Theo lệnh của trên Lê Thiệu Huy, Hoàng Xuân Bình, Nguyễn Trọng Thường (lúc này Dương Tự Tẩm được điều đi làm nhiệm vụ khác) cải trang thành các sĩ quan quân đội Quốc dân Đảng vượt qua các trạm kiểm soát của quân Pháp và quân Chính phủ Lào vào Savannakhet, vượt sông Mê Kông qua Thái Lan đi vòng về Thakhet để hội kiến với Chính phủ lâm thời kháng chiến Phathet Lào. Tại Thakhet, Lê Thiệu Huy được cử làm Bí thư riêng, phụ tá cho Hoàng thân Xuphanuvong lúc đó là Bộ trưởng Ngoại giao, kiêm Tổng Tư lệnh Phathet Lào. 

Ngày 21/3/1946, mới mờ sáng quân Pháp huy động 2 Tiểu đoàn bộ binh, có 1 Trung đội xe tăng, máy bay, pháo binh yểm trợ tấn công nhiều hướng nhằm tái chiếm thị xã Thakhet, Lê Thiệu Huy cùng với đồng đội và Hoàng thân Xuphanuvong kiên cường, dũng cảm, linh hoạt đánh lùi nhiều đợt tấn công của kẻ thù. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt từ sáng đến chiều. Tương quan lực lượng quân địch lớn hơn nhiều, được trang bị hiện đại, có xe tăng, máy bay, pháo binh yểm trợ, nên liên quân Việt - Lào gặp nhiều bất lợi, do đó quyết định tạm lui sang Thái Lan để bảo toàn lực lượng. Lê Thiệu Huy tháp tùng Hoàng thân Xuphanuvong xuống thuyền vượt sông Mê Kông sang Thái Lan dưới làn đạn pháo kích cấp tập của kẻ thù. Thuyền ra giữa sông thì 2 chiếc máy bay của địch đuổi theo truy sát, nhằm thuyền nhả đạn. Lê Thiệu Huy trúng đạn hy sinh trên thuyền. Đồng đội đã làm lễ truy điệu mai táng ông tại Km269 đường U Bon-Nakhon, cạnh bờ sông Kóng, một nhánh của sông Mê Kông. 

Đến tháng 11/1946, Giáo sư Lê Thước đang công tác tại Ủy ban Hành chính kháng chiến Liên khu 4 nhận được tin con trai hy sinh. Ông thể hiện nỗi đau khôn xiết của mình bằng bài thơ: 

"Đau lòng xót thế hỡi con ơi!

Hai sáu xuân xanh một kiếp người 

Thấy cảnh chỉn e tằm đứt ruột

Nghe tin nào khác sét bên tai

Treo gương liệt sĩ thờ ba nước

 Uổng kiếp tài ba mới nửa đời

Lai láng trời Tây hồn cố quốc

Quân thù chưa diệt hận chưa nguôi".

Tháng 7/1951, Hoàng thân Xuphanuvong gửi thư cho Giáo sư Lê Thước thuật lại sự hy sinh của Anh hùng, Liệt sĩ Lê Thiệu Huy, bày tỏ niềm thương tiếc và biết ơn gia đình đã cống hiến cho cách mạng Lào người con ưu tú. Trong thư của Hoàng thân Xuphanuvong có đoạn: “Thưa ngài! Anh Lê Thiệu Huy, người con yêu quý nhất của ngài mất đi không những gia quyến mất đi một người con yêu dấu mà nước Việt Nam và nhân dân Lào mất một người chiến sĩ đầy tinh thần hy sinh vì công lý. Riêng tôi, cái chết của anh Lê Thiệu Huy không khỏi làm tôi bùi ngùi thương tiếc. Anh Lê Thiệu Huy đã sát cánh cùng tôi chiến đấu để giải phóng cho đất nước Lào, cho dân tộc Lào.

Tinh thần hy sinh cao cả đã nhắc nhớ cho thanh niên Lào, cho nhân Lào luôn bền bỉ chiến đấu để diệt đế quốc xâm lăng và giành độc lập thực sự cho đất nước”. 

     

Thư Hoàng thân Xuphanuvong gửi Giáo sư Lê Thước, thân phụ Lê Thiệu Huy. (Ảnh tư liệu).

Với sự cống hiến to lớn của ông cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng các bộ tộc Lào và sự nghiệp quốc tế cao cả, Lê Thiệu Huy đã được Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng nhiều phần thưởng cao quý. Ngày 17/7/2011, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho Lê Thiệu Huy, chiến sĩ tình nguyện đã anh dũng hy sinh trên đất Lào ngày 21/3/1946. Chiều ngày 16/8/2011, Thành ủy, UBND thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức Lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Liệt sĩ Lê Thiệu Huy. 

Thân nhân, gia đình dự Lễ Truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho Lê Thiệu Huy. (Ảnh tư liệu).

Lê Thiệu Huy, một người tài ba, giàu lòng yêu nước, ông đã từ chối lời mời bằng những suất học bổng, những chuyến du học vô cùng ưu ái của nhà cầm quyền Pháp, Nhật, Mỹ; ông quyết chọn con đường cách mạng giải phóng dân tộc khi tài năng đang nở rộ. Lê Thiệu Huy trở thành một người con ưu tú, cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng, giành độc lập, tự do của hai nước Việt - Lào. Ông ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn cho các đồng chí, đồng đội của mình. Anh hùng, Liệt sĩ Lê Thiệu Huy là một biểu tượng cho tình đoàn kết, keo sơn của hai nước Việt - Lào anh em. 

HẢI HƯNG

Từ khoá : lsvn.vn LSVN Việt - Lào