/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Một số kiến nghị hoàn thiện Luật Xử lý vi phạm hành chính

Một số kiến nghị hoàn thiện Luật Xử lý vi phạm hành chính

03/07/2023 05:37 |

(LSVN) - Luật Xử lý vi phạm hành chính ra đời đã mang lại nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính, góp phần duy trì trật tự kỷ cương xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện Luật đã cho thấy một số quy định còn nhiều bất cập. Bài viết phân tích một số quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020), qua đó đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục những, vướng mắc, bất cập, góp phần nâng cao hiệu quả ngăn chặn, xử lý vi phạm hành chính trong giai đoạn hiện nay.

Ảnh minh họa.

Một số vướng mắc, bất cập của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020

Ngày 20/6/2012 tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật số 15/2012/QH13 (Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012), Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013, góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn vi phạm hành chính, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình áp dụng. Trước tình hình đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020) ra đời với mục đích khắc phục những hạn chế của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn đi vào áp dụng (kể từ ngày 01/01/2022 đến nay), Luật này đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập gây khó khăn cho chủ thể thực thi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cụ thể như sau:

Về giải thích từ ngữ còn thiếu quy định về yếu tố lỗi vi phạm, vụ việc vi phạm hành chính phức tạp, nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng

Tại khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 (về giải thích từ ngữ) quy định: “Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”. Tuy nhiên hiện nay chưa có quy định nào giải thích yếu tố lỗi trong vi phạm hành chính (lỗi cố ý, lỗi vô ý). Bên cạnh đó, các cụm từ mô tả tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm hành chính (như phức tạp, không nghiêm trọng, ít nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng…) vẫn còn bỏ ngỏ. Chẳng hạn, Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 quy định việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được áp dụng đối với “vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức”, nhưng thế nào là “vi phạm nghiêm trọng”, trường hợp nào là “lỗi cố ý” thì chưa có căn cứ để xác định. Thực tế này đã gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ. Tương tự, Điều 66 về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định: Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Quy định này thực tế gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình áp dụng giải quyết vụ việc vì không có căn cứ để xác định các tiêu chí “đặc biệt nghiêm trọng”, “có nhiều tình tiết phức tạp”...

Quy định về xử phạt theo thủ tục không lập biên bản còn chưa rõ ràng, gây hiểu nhầm trong quá trình áp dụng Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 quy định: Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ. Về áp dụng hình thức xử phạt tiền trong quy định là đến 250.000 đồng đối với cá nhân và đến 500.000 đồng đối với tổ chức, tuy nhiên lại không quy định rõ là mức phạt tiền thực tế ghi trong quyết định xử phạt hay tổng hợp mức phạt của các hành vi cộng lại không quá 250.000 đồng đối với cá nhân hay đến 500.000 đồng đối với tổ chức? Điều này gây lúng túng, khó khăn cho lực lượng chức năng khi áp dụng trong thực tế.

Ví dụ: Điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/ NĐ-CP của Chính phủ quy định:

"2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường;

b) Không giảm tốc độ và nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính.

Với hành vi nêu trên, nếu vụ việc không có tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng trách nhiệm hành chính thì mức tiền phạt là 250.000 đồng (trung bình cộng của mức tối thiểu và mức tối đa), nhưng trên thực tế mức phạt tiền của một chức danh được tính ở một hành vi và mức phạt tiền cao nhất khung tiền phạt trong hành vi đó".

Quy định về niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ thiếu tính khả thi

Đối với vụ việc vi phạm hành chính có tang vật, phương tiện bị tạm giữ khi thỏa mãn một trong ba căn cứ được quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 thì người có thẩm quyền tiến hành lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Tại khoản 5b Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 quy định: “Khi thực hiện việc tạm giữ, người lập biên bản, người có thẩm quyền tạm giữ phải niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, trừ các trường hợp sau đây: a) Động vật, thực vật sống; b) Hàng hóa, vật phẩm dễ hư hỏng, khó bảo quản theo quy định của pháp luật”. Đối với khoản 5a “Khi thực hiện việc tạm giữ… phải niêm phong tang vật, phương tiện”. Tuy nhiên, tại Điều 125 về áp dụng biện pháp này và tại Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính không có hướng dẫn thủ tục, cách thức niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, điển hình như xe đạp, mô tô, các loại xe tương tự xe mô tô, đồ gỗ, xe ô tô trường hợp bị tai nạn vỡ kính, dập nát cánh cửa, tàu thuyền… dẫn đến người thực thi công vụ rất lúng túng khi áp dụng trong thực tiễn.

Quy định về hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính còn mang tính chung chung

Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức.

Tại khoản 6 Điều 5 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, vật thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành, thì phải quy định tịch thu.

Như vậy, theo quy định của Điều 26 thì tịch thu là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính… Tuy nhiên, một số tang vật như pháo nổ, đồ chơi nguy hiểm… cần áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là tiêu hủy.

Quy định căn cứ khám người, khám phương tiện vận tải đồ vật, khám nơi cất dấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chưa rõ ràng, định tính khoản 1 Điều 127, khoản 1 Điều 128, khoản 1 Điều 129 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020 đều quy định “khi có căn cứ cho rằng…”, nhưng trên thực tế, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 và văn bản hướng dẫn thi hành không có hướng dẫn căn cứ ở đây là những căn cứ gì, nguồn từ đâu, dẫn đến cán bộ thực thi nhiệm vụ lúng túng khi áp dụng với tâm lý “e ngại, sợ sai, sợ không đúng căn cứ…”, đặc biệt nhiều khi bỏ lọt vi phạm.

Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật xử lý vi phạm hành chính

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, trong khuôn khổ nội dung bài viết, tác giả đề xuất một số kiến nghị, giải pháp khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 như sau:

Một là, tại Điều 2 về giải thích từ ngữ, cần bổ sung quy định đối với các khái niệm về yếu tố lỗi trong vi phạm hành chính (gồm lỗi cố ý và lỗi vô ý), mức độ của hành vi vi phạm (phức tạp, ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng…) để cơ quan chức năng, người có thẩm quyền có cơ sở pháp lý xác định, từ đó vận dụng, áp dụng đúng quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Hai là, cần quy định rõ về xử phạt theo thủ tục không lập biên bản đối với áp dụng hình thức phạt tiền quy định tại Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, có thể theo một trong hai hướng sau: bổ sung cụm từ “trên một hành vi” sau mức tiền 250.000 đồng và 500.000 đồng hoặc cụm từ “mức phạt tiền thực tế ghi trong quyết định xử phạt” để tránh gây lúng túng cho lực lượng chức năng trong quá trình áp dụng pháp luật.

Ba là, quy định lại việc niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại khoản 5b Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng “khi thực hiện việc tạm giữ, người lập biên bản, người có thẩm quyền tạm giữ có thể niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ trong trường hợp xét thấy cần thiết trừ các trường hợp... phù hợp với từng vụ việc và tính chất của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, tránh cứng nhắc, rập khuôn máy móc. Cần có văn bản hướng dẫn cách thức, thủ tục tiến hành niêm phong các loại tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Bốn là, cần có quy định về hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cụ thể theo hướng đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu nhưng không thể sung vào ngân sách nhà nước thì phải quy định tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

Năm là, cần bổ sung các căn cứ để tiến hành biện pháp khám người, khám phương tiện vận tải đồ vật, khám nơi cất dấu tang vật phương tiện vi phạm hành chính chi tiết cụ, thể theo hướng: Căn cứ do người thực hiện nhiệm vụ trực tiếp phát hiện như kiểm tra phương tiện, hàng hóa nhưng không có giấy tờ hợp pháp, đối tượng có biểu hiện như bỏ trốn, tiêu hủy, tẩu tán tang vật, phương tiện vi phạm; cản trở, chống đối lực lượng làm nhiệm vụ. Căn cứ thông qua phương tiện thông tin đại chúng, thông qua tin báo của quần chúng nhân dân, qua phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, qua lời khai của đối tượng vi phạm, qua biện pháp nghiệp vụ của ngành công an, có như vậy khi áp dụng trên thực tế mới bảo đảm chính xác, khách quan, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền công dân, quyền con người và đồng thời góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Xử lý vi phạm hành chính là công cụ quan trọng nhằm duy trì trật tự, kỷ cương trong quản lý nhà nước, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Đây là một lĩnh vực rộng liên quan đến cuộc sống hàng ngày của người dân, vì vậy, cơ quan xây dựng pháp luật cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung kịp thời đáp ứng các yêu cầu thực tiễn.

Tài liệu tham khảo

1. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật số 67/2020/QH14).

3. Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Thạc sĩ LÊ NGỌC KHUÊ

Thạc sĩ PHẠM VĂN TOÀN

Học viện Cảnh sát nhân dân

Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạch định chính sách tại Việt Nam hiện nay

Nguyễn Hoàng Lâm