Ảnh minh họa.
Thực trạng hoạt động hoạch định chính sách tại Việt Nam hiện nay
Việc hoạch định chính sách công bắt đầu từ khi Việt Nam giành độc lập và thành lập nên nền chính trị mới vào năm 1945. Kể từ đó, Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách với mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có sự ảnh hưởng của chiến tranh và các biến động chính trị, quá trình hoạch định chính sách công ở Việt Nam đã gặp phải nhiều khó khăn và thách thức. Từ đó, các chính sách được áp dụng và thực hiện có thể chưa đủ hiệu quả và đáp ứng được tốt yêu cầu phát triển của đất nước. Sau hơn 35 năm đổi mới, công tác hoạch định chính sách công đã không ngừng được hoàn thiện, nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Trong quá trình thực hiện vai trò, chức năng quản lý, điều hành xã hội, Nhà nước Việt Nam đã xây dựng, hoạch định và ban hành nhiều chính sách công. Các chính sách công này cùng hệ thống chính sách, giải pháp toàn diện, đồng bộ khác đã phát huy giá trị, hiệu quả, góp phần vào những thành tựu tăng trưởng, phát triển kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội của đất nước(1). Hiện nay, Việt Nam đã tập trung vào việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện chính sách công. Các cơ quan chức năng cũng đang nỗ lực đưa ra các chính sách phù hợp với tình hình phát triển của đất nước và đáp ứng yêu cầu của thị trường và người dân.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong hoạch định chính sách công vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế dẫn đến hiệu quả chưa cao. Thứ nhất, yếu tố chủ quan vẫn chi phối đối với hoạt động hoạch định chính sách, chưa đạt được tính tham gia và đóng góp đầy đủ của các bên liên quan, bao gồm các chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu động lực và hiệu quả của các chính sách công.
Chính sách phải phản ánh được thực tiễn cuộc sống, giải quyết được những vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra. Trong khi đó, thực tiễn cuộc sống phát sinh từ các mối quan hệ xã hội với sự tham gia của nhiều chủ thể: i) cơ quan nhà nước; ii) doanh nghiệp; iii) các tổ chức xã hội; iv) người dân. Do vậy, chính sách chỉ có thể phản ánh và giải quyết được các vấn đề từ cuộc sống thực tiễn, với điều kiện có sự tham vấn, đóng góp ý kiến từ các chủ thể ngoài nhà nước (doanh nghiệp, tổ chức xã hội, người dân – gọi tắt là “công chúng”). Như vậy, chủ thể tham gia, không thể thiếu, trong quá trình hoạch định chính sách là công chúng(2).
Thứ hai, năng lực dự báo của nhà hoạch định chính sách còn nhiều hạn chế. Thiếu dữ liệu và thông tin là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Để công tác nghiên cứu, hoạch định chiến lược, chính sách thực sự chất lượng và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tiễn quản lý cần phải hội tụ được các điều kiện cần và đủ, trong đó, thông tin, dữ liệu là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng và tính khả thi của chiến lược hoặc chính sách. Công tác hoạch định chính sách công còn đối mặt với khó khăn trong việc thu thập và phân tích dữ liệu, thông tin để đưa ra các quyết định chính sách hiệu quả. Dữ liệu thường chưa đầy đủ, chưa chính xác, gây khó khăn trong việc đánh giá tác động của chính sách và đưa ra các giải pháp thích hợp. Ví dụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã từng gặp vấn đề khi chưa có bất kỳ một bộ cơ sở dữ liệu thống nhất tích hợp đầy đủ các thông tin, dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng chiến lược, chính sách quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường(3).
Thứ ba, công tác hoạch định chính sách công còn chưa đạt được định hướng dài hạn, đồng thời còn phụ thuộc nhiều vào những tình huống ngắn hạn, khó khăn và áp lực từ thực tiễn, dẫn đến sự thiếu ổn định và không bền vững của các chính sách. Đất nước ta đang trong thời kỳ hội nhập quốc tế, mỗi chính sách khi ban hành đều có tác động, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước và của người dân. Môi trường kinh tế - xã hội Việt Nam thay đổi nhanh chóng và phức tạp, với nhiều thách thức mới xuất hiện. Bên cạnh đó, việc hoạch định các chính sách hiện nay còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, thường chỉ là bản liệt kê các chính sách mà thiếu kế hoạch hành động cụ thể. Mỗi bộ, ngành có nhiều kế hoạch nhưng lại không xác định được lĩnh vực ưu tiên(4). Việc đưa ra những chính sách phù hợp với tình hình mới còn đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có kỹ năng và tài nguyên đáp ứng kịp thời và hiệu quả.
Ví dụ, ngay khi Covid-19 tác động mạnh mẽ, Chính phủ đã có sự phản ứng bằng chính sách rất nhanh chóng. Cụ thể như, ngay lập tức Chính phủ đã có nghị quyết chỉ đạo các ngành có biện pháp ứng phó; có gói chính sách tiền tệ tín dụng nhằm cơ cấu lại, giãn - hoãn nợ và xem xét giảm lãi đối với tổng dư nợ của các đối tượng chịu ảnh hưởng; gói cho vay mới 300.00 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi; gói tài khóa giãn thuế, hoàn thuế, chậm nộp tiền thuê đất có tổng giá trị 180.000 tỉ đồng; gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng(5).
Chính sách hỗ trợ ngắn hạn cho các doanh nghiệp khi có đợt khủng hoảng kinh tế, thay vì tập trung vào các chính sách dài hạn để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Việc cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính ngắn hạn cho các doanh nghiệp có thể giúp giảm thiểu rủi ro và duy trì hoạt động kinh doanh trong thời điểm khó khăn, tuy nhiên, nếu không có các chính sách dài hạn đồng bộ để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, các vấn đề kinh tế có thể xuất hiện lại trong tương lai gần. Do đó, sau Covid-19, Việt Nam cần có một chiến lược phát triển kinh tế dài hạn, tập trung vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thông qua các chính sách và cải thiện môi trường kinh doanh, thay vì chỉ tập trung vào việc cứu trợ ngắn hạn khi có khủng hoảng.
Thứ tư, công tác hoạch định chính sách công ở Việt Nam vẫn chưa đạt được tính nhất quán và đồng bộ trong việc quy hoạch, thiết kế và triển khai chính sách công. Có thể xảy ra trùng lắp, chồng chéo hoặc mâu thuẫn giữa các chính sách, đồng thời chưa bảo đảm tính liên kết, đồng bộ giữa các cấp, các ngành và địa phương.
Ví dụ, trong quá trình quy hoạch đô thị, không có sự liên kết với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, dẫn đến việc xây dựng các khu đô thị mà không có đủ hạ tầng đi kèm. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng cộng đồng, không có sự liên kết với quy hoạch văn hóa, dẫn đến việc xây dựng các khu đô thị không bảo đảm sự đa dạng văn hóa và đa dạng nhận thức của người dân. Do đó, để bảo đảm tính nhất quán và đồng bộ của các chính sách đô thị, cần có sự kết nối giữa các chính sách liên quan, đồng thời cần có một kế hoạch và chiến lược tổng thể cho phát triển đô thị, bao gồm quy hoạch, hạ tầng, xây dựng cộng đồng, văn hóa và quản lý đô thị. Các chính sách cần được thiết kế và triển khai sao cho có thể tương thích và hỗ trợ lẫn nhau, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững của đô thị(6).
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạch định chính sách ở Việt Nam hiện nay
Hoạch định chính sách khoa học, phù hợp, dựa trên cơ sở lý luận, thực tiễn, phản ánh và đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của xã hội là tiền đề để chính sách đó đi vào cuộc sống, phát huy giá trị và mang lại hiệu quả cao; ngược lại, sẽ gây những tổn hại, thậm chí hậu quả tiêu cực trong quá trình quản lý, điều hành các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, không chỉ trước mắt mà còn lâu dài và ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước đối với niềm tin xã hội(7). Từ lẽ đó, việc tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạch định chính sách tại Việt Nam là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Giải pháp thứ nhất, chủ thể hoạch định chính sách công cần nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề cần định hướng chính sách. Việc làm này là cơ sở quan trọng để đưa ra các giải pháp hiệu quả. Do đó, Nhà nước cần tăng cường đầu tư ngân sách để đưa ra các nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề cần định hướng chính sách.
Giải pháp thứ hai, tăng cường phản biện xã hội và tham khảo ý kiến. Việc tham khảo ý kiến từ các chuyên gia, đại diện của các tầng lớp xã hội sẽ giúp cho các quyết định chính sách được đưa ra đầy đủ và cân nhắc hơn. Nhà nước cần xây dựng các cơ chế để thực hiện tư vấn và tham khảo ý kiến đầy đủ, minh bạch và đáp ứng các yêu cầu của người dân. Việc tăng cường sự tham gia của công dân vào quá trình hoạch định chính sách sẽ giúp bảo đảm tính minh bạch và đáp ứng các yêu cầu của dân cử. Nhà nước cần tạo điều kiện cho công dân tham gia vào quá trình hoạch định chính sách bằng cách mở rộng các kênh thông tin và tăng cường các hoạt động tư vấn, tham khảo ý kiến và phản ánh ý kiến của công dân.
Giải pháp thứ ba, áp dụng công nghệ thông tin. Việc áp dụng công nghệ thông tin vào hoạch định chính sách có thể giúp cho việc thu thập, xử lý và phân tích thông tin được nhanh chóng và chính xác hơn. Sự phát triển của công nghệ thông tin là giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề thiếu dữ liệu và thông tin trong quá trình hoạch định chính sách ở Việt Nam hiện nay.
Giải pháp thứ năm, tạo mối liên hệ thường xuyên, liên tục giữa các cơ quan chính quyền và các doanh nghiệp. Đây là việc làm cần thiết để tạo điều kiện cho các cơ quan chính quyền hiểu rõ hơn về hoạt động của các doanh nghiệp và đưa ra các chính sách hỗ trợ phù hợp.
Giải pháp thứ sáu, kiểm tra và đánh giá kết quả. Việc kiểm tra và đánh giá kết quả của các chính sách đã đưa ra là cần thiết để phát hiện và sửa chữa các sai sót, từ đó đưa ra các chính sách mới có tính hiệu quả hơn. Nhà nước cần xây dựng các cơ chế kiểm tra và đánh giá kết quả của các chính sách được đưa ra để bảo đảm tính minh bạch và chính xác.
Giải pháp thứ bảy, tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức hoạch định chính sách. Việc đào tạo và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức là cần thiết để bảo đảm các chính sách được đưa ra đầy đủ, chính xác và hiệu quả. Nhà nước cần đầu tư vào các chương trình đào tạo và nâng cao năng lực cho các cơ quan chính quyền.
Tóm lại, để nâng cao hiệu quả hoạch định chính sách ở Việt Nam, Nhà nước cần tăng cường đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu, tư vấn, đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ công chức và tăng cường quản lý và giám sát. Ngoài ra, việc tăng cường phản biện xã hội cũng là giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết vấn đề này.
(1) Trung tâm Thông tin khoa học - Học viện Báo chí và tuyên truyền, Nâng cao năng lực hoạch định chính sách công ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Thông tin chuyên đề số 4/2022, https://ajc.hcma.vn/thu-vien/Pages/thong-tin-chuyen-de. aspx?CateID=886&ItemID=14868 (2) TS Hoàng Ngọc Giao, Quy trình xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng trong quy trình lập pháp và thực trạng, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 5(309), tháng 3/2016. (3) Văn phòng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên môi trường, Hiện trạng thông tin, dữ liệu về chiến lược, chính sách quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, https://isponre.gov.vn/en/news/xay-dung-co-so-du-lieu/hien-trang-thong-tin-du-lieu-ve-chien-luoc- chinh-sach-quan-ly-tai-nguyen-va-bao-ve-moi-truong-964.html (4) ThS Phùng Thị Phương Thảo, Hoạch định chính sách công ở Việt Nam, thực trạng và giải pháp, https://tcnn.vn/news/detail/34239/ Hoach-dinh-chinh-sach-cong-o-Viet-Nam-thuc-trang-va-giai-phap.html#.ZDwgJZ04mrk (5) Minh Hạnh, Chính sách hỗ trợ ngắn hạn và lâu dài sẽ giúp vực dậy doanh nghiệp sau đại dịch, https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/ chinh-sach-ho-tro-ngan-han-va-lau-dai-se-giup-vuc-day-doanh-nghiep-sau-dai-dich-850467.vov (6) Hoàng Thị Hoa, Bảo đảm tính khả thi của quy hoạch quốc gia và quy hoạch tỉnh, https://www.vietnamplus.vn/dam-bao-tinh-kha- thi-cua-quy-hoach-quoc-gia-va-quy-hoach-tinh/777236.vnp, (7) Nguyễn Duy Nhiên, Thực trạng và giải pháp trong thực hiện chu trình chính sách công ở Việt Nam, https://phapluatquanly. vietnamhoinhap.vn/thuc-trang-va-giai-phap-trong-thuc-hien-chu-trinh-chinh-sach-cong-o-viet-nam-3576.htm |
Ths. NGUYỄN THU TRANG
Trường Đại học Luật Hà Nội