/ Pháp luật bốn phương
/ Anh sẽ sửa đổi luật nếu cần để ngăn chặn khủng bố, Cảnh sát Đức bắt hàng chục người sau vụ bạo loạn tại Stuttgart

Anh sẽ sửa đổi luật nếu cần để ngăn chặn khủng bố, Cảnh sát Đức bắt hàng chục người sau vụ bạo loạn tại Stuttgart

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Ngày 21/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lên án vụ tấn công bằng dao trước đó một ngày ở thành phố Reading, đồng thời tuyên bố nước này sẽ sửa đổi luật nếu cần thiết để ngăn chặn các vụ việc tương tự trong tương lai. Tại Đức, cùng ngày 21/6, cảnh sát Đức đã bắt giữ ít nhất 24 người, đồng thời mở rộng điều tra sau vụ bạo loạn, cướp phá cuối tuần qua ở thành phố Stuttgart của nước này.

Anh xem xét sửa đổi luật để ngăn tấn công khủng bố bằng dao

Cảnh sát Anh bảo vệ hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: The Guardian.

Phát biểu tại cuộc họp với giới chức an ninh, cảnh sát và các bộ trưởng, Thủ tướng Johnson khẳng định: "Nếu có những thay đổi cần thực hiện đối với hệ thống pháp lý của chúng ra để ngăn chặn các vụ việc tương tự tái diễn, chúng tôi sẽ không do dự hành động".

Trước đó cùng ngày, cảnh sát Anh đã mở cuộc điều tra vụ đâm dao ở Reading theo hướng có liên quan đến khủng bố.

Vụ việc xảy ra tại khu vực công viên trung tâm, nơi diễn ra cuộc biểu tình "Black Lives Matter" đòi quyền sống của người da màu, làm 3 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương.

Theo các thông tin do cảnh sát Anh cung cấp, nghi phạm của vụ đâm dao ở thị trấn Reading là một người tị nạn Lybia, 25 tuổi, có tên là Khairi Saadallah.

Người này đã từng nằm trong tầm ngắm của Cơ quan tình báo Anh và từng bị bí mật điều tra trong năm 2019 do có nhiều chuyến đi ra nước ngoài liên quan đến các nhóm cực đoan. Tuy nhiên, sau đó cơ quan tình báo Anh nhận định người này có vấn đề về tâm thần nên kết thúc điều tra cũng như không có biện pháp ngăn chặn.

Thông tin từ các nhân chứng cho biết, một đối tượng nam giới đã bất ngờ lao về phía một nhóm khoảng 8-10 người và dùng dao tấn công họ. Ngay sau vụ việc, cảnh sát đã có mặt và thông báo đang tiến hành điều tra. Một nghi can người Libya, 25 tuổi, đã bị bắt giữ. Ban đầu, cảnh sát cho rằng vụ việc dường như không liên quan tới khủng bố.

Các vụ tấn công bằng dao có yếu tố khủng bố đang gia tăng tại Anh trong thời gian qua. Tháng 11/2019, một kẻ từng ngồi tù vì khủng bố đã dùng dao sát hại 2 người trên cầu London ngay giữa trung tâm thủ đô London, trước khi bị cảnh sát Anh bắn hạ.

Mới nhất, vào tháng 2/2020, cảnh sát London cũng đã bắn hạ một đối tượng truyền bá tư tưởng Hồi giáo cực đoan khác khi tên này dùng dao tấn công người đi bộ trên một con phố đông đúc ở thủ đô London.

Cảnh sát Đức bắt hàng chục người sau vụ bạo loạn tại Stuttgart

Nhiều cửa hiệu ở Stuttgart bị đập phá và cướp bóc. Ảnh: AP.

Thông tin trong buổi họp báo chiều ngày 21/06, Cảnh sát trưởng thành phố Stuttgart, Frank Lutz cho biết, cảnh sát Đức đã bắt giữ 24 đối tượng, trong đó có 12 người quốc tịch Đức, 12 người là công dân các nước khác.

Đây là các phần tử đã tham gia vào vụ bạo loạn, đập phá và cướp bóc diễn ra trong đêm thứ Bảy, rạng sáng Chủ nhật, ngày 21/6 tại thành phố Stuttgart, thủ phủ bang Baden-Wurtemberg ở miền Nam nước Đức.

Vụ việc đã kéo dài trong nhiều giờ và chỉ kết thúc vào lúc 3h sáng ngày 21/06, khi đám đông khoảng 500 người, trong đó đa số là thanh niên, đã đốt phá xe cảnh sát, tấn công cảnh sát, đập phá các cửa hiệu và cướp bóc.

Theo cảnh sát Stuttgart, đã có 40 cửa hiệu bị đập phá, ít nhất 9 cửa hiệu bị cướp đồ. Khoảng 280 cảnh sát Đức đã được huy động để ngăn chặn vụ bạo loạn. Hàng chục cảnh sát đã bị thương do bị tấn công.

Vụ bạo loạn này đang gây chấn động nước Đức bởi đây là các sự cố hiếm khi xảy ra tại nước này. Báo chí Đức mô tả quang cảnh ở trung tâm thành phố Stuttgart bị đập phá, đốt cháy như trong thời chiến.

Theo các điều tra, nguyên nhân ban đầu xuất phát từ một vụ cảnh sát Đức kiểm tra một nhóm thanh niên do nghi ngờ buôn bán ma tuý, dẫn đến căng thẳng gia tăng. Các nhóm thanh niên sau đó kêu gọi nhau kéo về trung tâm thành phố Stuttgart để đập phá.

Lãnh đạo chính quyền cũng như nhiều đảng phái tại Đức đang kêu gọi điều tra đến cùng và trừng phạt thật nặng những kẻ gây ra bạo loạn. Cảnh sát Đức không loại trừ có các động cơ chính trị, nhất là của phe thiên tả, trong vụ bạo loạn này. Ngoài ra, yếu tố nhập cư cũng đang được nhắc đến nhiều.

Theo Phó cảnh sát trưởng thành phố Stuttgart, ông Thomas Berger, đây là thực tế không thể bỏ qua: “Những thủ phạm đến từ nhiều nước khác nhau, từ Bosnia, Bồ Đào Nha, Iran, Iraq, Croatia, Somalia, Aghanistan. Vì thế, dù chúng ta không thể quy nó về vấn đề tị nạn nhưng đây đơn giản là sự thật trong tình huống này. Ngay trong số những thủ phạm người Đức, cũng có 3 người có gốc nhập cư”.

LÂM HOÀNG(t/h)

/hoi-nghi-cap-cao-asean-36-sap-dien-ra-theo-hinh-thuc-truc-tuyen.html