/ Dọc đường tố tụng
/ Áp dụng biện pháp tư pháp phục hồi phù hợp với người chưa thành niên

Áp dụng biện pháp tư pháp phục hồi phù hợp với người chưa thành niên

05/01/2021 18:14 |

(LSVN) - Chiều 23/11, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Tập huấn về tư pháp phục hồi cho người chưa thành niên do Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, Giáo dục pháp luật (PBGDPL) Ngô Quỳnh Hoa chủ trì.

Đây là hoạt động được tổ chức trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường tiếp cận tư pháp và bảo vệ người chưa thành niên có liên quan đến pháp luật” do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tài trợ. Hội nghị được tổ chức ở điểm cầu Hà Nội (Việt Nam) và điểm cầu Paris (Pháp).

Tỷ lệ hoà giải thành trung bình đạt 79,36%

Phát biểu khai mạc, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, Giáo dục pháp luật Ngô Quỳnh Hoa khẳng định vấn đề người chưa thành niên vi phạm pháp luật là một thách thức đối với cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Vì thế, Việt Nam đang cố gắng, nỗ lực đưa ra những chính sách tư pháp phục hồi cho họ với triết lý lấy giáo dục thay cho trừng trị. Mục đích giúp người vi phạm pháp luật hoàn lương, hướng thiện trở lại cộng đồng một cách thuận lợi nhất, nhanh chóng nhất, để các em có thể tự mình đứng dậy và tự mình hoàn thiện bản thân, trở thành những công dân có ích trong tương lai.

Do đó, việc nghiên cứu, tham khảo, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm chuẩn mực quốc tế về vấn đề chuyển hướng phục hồi tư pháp cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật là điều hết sức cần thiết với Việt Nam hiện nay, đặc biệt là đối với những người làm việc trong các cơ quan tư pháp.

Về thực tiễn thi hành biện pháp hoà giải tại cộng đồng đối với người chưa thành niên phạm tội, theo thống kê của Bộ Tư pháp, trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước tiếp nhận 61.040 vụ việc hoà giải (giảm 5,86% so với cùng kỳ năm 2019). Trung bình tỷ lệ hoà giải thành đạt 79,36% góp phần quan trọng trong ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thực tiễn xét xử nhiều năm qua cũng thể hiện tinh thần nhân văn của biện pháp hoà giải tại cộng đồng đối với người chưa thành niên phạm tội. Việc hoà giải giữa người phạm tội với người bị hại còn có tác dụng giúp họ hàn gắn mâu thuẫn, thù oán. Lợi ích của việc hoà giải trong vụ án hình sự nhiều khi đem lại những tiện ích to lớn không chỉ đối với hai gia đình mà còn đối với cả xã hội.

Ưu tiên áp dụng tư pháp phục hồi

Tại Hội nghị, bà Jessica Filippi, chuyên gia người Pháp đã trao đổi về tư pháp phục hồi tại Bỉ trong hệ thống tư pháp người chưa thành niên. Theo đó, pháp luật của Bỉ ưu tiên sử dụng tư pháp phục hồi cho trẻ vị thành niên, sau đó sử dụng đến các biện pháp giáo dục thông thường, cuối cùng mới là sử dụng các biện pháp cứng rắn hơn. Ở Bỉ, chế tài giáo dục chính là biện pháp khắc phục để sửa sai, đặc biệt dành cho những người trẻ tuổi. Bên cạnh đó, bà Jessica cũng nhấn mạnh đối với những tội danh nghiêm trọng, biện pháp tư pháp phục hồi là một biện pháp bổ sung, song hành với các biện pháp tư pháp truyền thống nhằm giáo dục người phạm tội.

Trình bày về tư pháp phục hồi tại Pháp trong hệ thống tư pháp người chưa thành niên, chuyên gia Janique Lepage cho biết tư pháp phục hồi là một trong những biện pháp ưu tiên trong đào tạo về Bảo vệ Tư pháp cho giới trẻ. Pháp ưu tiên chế độ giáo dục hơn là áp dụng các chế tài pháp luật. Để bảo vệ trẻ chưa thành niên, bà Janique cho biết pháp luật Pháp quy định hạn chế công khai các vụ xử về trẻ em cũng như không nêu tên tội phạm là trẻ em lên các phương tiện truyền thông, báo chí; trẻ chưa thành niên sẽ chịu các án giảm nhẹ 50% so với người thành niên…

Ở điểm cầu Việt Nam, các chuyên gia, đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, thảo luận để hiểu rõ hơn giá trị của việc áp dụng biện pháp tư pháp phục hồi và lợi ích đối với người chưa chưa thành niên cũng như hiểu rõ hơn quá trình thực hiện tư pháp phục hồi trong hệ thống tư pháp đối với các quốc gia khác. Ông Nguyễn Ngọc Hải (đại diện Học viện Cảnh sát nhân dân) cho rằng người chưa thành niên cũng là người thuộc nhóm đối tượng yếu thế, do đó biện pháp áp dụng thông qua tư pháp phục hồi là giáo dục, cải tạo.

Vì thế, Việt Nam phải nâng cao nguồn lực, cần có sự tham gia tích cực của gia đình, các tổ chức xã hội để đảm bảo việc thay đổi nhận thức của người chưa thành niên. Đồng tình với ông Hải, bà Cao Thị Oanh – giảng viên Đại học luật Hà Nội cũng cho rằng buổi hoà giải là những buổi có tính chất giáo dục, sử dụng kỹ thuật phù hợp với từng trường hợp nên cần áp dụng tư pháp phục hồi làm sao cho phù hợp với trẻ em; đồng thời phải nâng cao nhận thức của gia đình, xã hội; nâng cao cơ sở vật chất như phòng xử án thân thiện, phòng họp có hiệu quả…

PHƯƠNG MAI/PLVN

/de-nghi-xu-ly-nghiem-chu-quan-bao-hanh-tre-em-o-bac-ninh.html