(LSO) - Một sự kiện pháp lý rất đáng quan tâm là mới đây, trong cuộc họp của Thường trực Chính phủ trực tuyến với các tỉnh, thành toàn quốc về phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục kiểm soát trường hợp nhập cảnh trái phép, cơ sở lưu trú. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phối hợp khởi tố tất cả trường hợp nhập cảnh, lưu trú trái phép, đặc biệt các đường dây đưa người vào Việt Nam trái pháp luật.
Yêu cầu của Thủ tướng cũng chính là sự chỉ đạo quyết liệt về mặt pháp lý đối với các hành vi làm bùng phát lại nạn dịch ở nước ta trên tinh thần "chống dịch như chống giặc". Cũng có ý kiến lo ngại từ các chuyên gia pháp luật về việc áp dụng các điều khoản của Bộ luật Hình sự đối với hành vi nhập cảnh trái phép chỉ phải xử phạt vi phạm hành chính, tái phạm mới xử lý hình sự. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến bày tỏ trên mạng xã hội ủng hộ việc áp dụng pháp luật này trong tình thế cấp thiết hiện nay nhằm bảo vệ an toàn cho người dân và đất nước trước sự "xâm thực" đáng sợ của dịch bệnh.
Hành vi nhập cảnh trái phép, lưu trú "chui", đưa người qua biên giới không đơn thuần như ở điều kiện bình thường là mưu sinh, du lịch,... mà chính là hành vi gieo rắc dịch bệnh khiến chúng ta không thể kiểm soát nổi nếu không có những biện pháp quyết liệt để chặn đứng sự "thẩm thấu" chết người này. Một trong những biện pháp quyết liệt đó là xử lý hình sự đối với các hành vi trên. Động thái này không vi phạm pháp luật hình sự, trái lại, đó là cách áp dụng pháp luật đúng đắn và kịp thời trong bối cảnh hiện tại. Thậm chí, có ý kiến của chuyên gia pháp luật cho rằng phải xử lý các hành vi này theo tội "Xâm phạm an ninh quốc gia"!
Áp dụng pháp luật đúng đắn, kịp thời rất được lòng dân ủng hộ.
Tại một diễn biến khác, theo Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát giao thông thì chỉ được dừng xe trong 4 trường hợp rất cụ thể. Quy định này có hiệu lực vào ngày 05/8 tới đây. Cần nhớ lại, khi dịch bệnh vừa "dứt cơn" thì lập tức Cảnh sát giao thông "ra quân" kiểm tra tất cả các phương tiện giao thông, dừng xe trong bất kể trường hợp nào,... chủ trương này đã vấp phải không ít những ý kiến không đồng tình từ dư luận xã hội.
Quy định mới của Thông tư này ngay lập tức được giới truyền thông phản ánh và người dân ủng hộ, coi như một bước tiến mới trong lĩnh vực giao thông tiệm cận văn minh xã hội và tuân thủ pháp luật. Chỉ riêng quy định chỉ được huy động phương tiện trong trường hợp tối cần thiết chứ không được "trưng dụng" như trước nữa cũng đã chứng minh bước tiến đó.
Áp dụng pháp luật đúng đắn, kịp thời chính là phương cách tốt nhất để nâng cao ý thức pháp luật trong mỗi thành viên trong cộng đồng và bảo vệ trật tự xã hội.
NHỊ NGỌC