/ Dọc đường tố tụng
/ Áp dụng thủ tục rút gọn trong xử lý trách nhiệm hình sự của người phạm tội: Đòi hỏi cấp thiết trong thời điểm dịch bệnh Covid-19

Áp dụng thủ tục rút gọn trong xử lý trách nhiệm hình sự của người phạm tội: Đòi hỏi cấp thiết trong thời điểm dịch bệnh Covid-19

10/08/2021 03:25 |

(LSVN) - "Thông thường, một vụ việc hình sự được giải quyết cũng phải trải qua rất nhiều các giai đoạn điều tra, thủ tục pháp lý phức tạp song gần đây, những vi phạm hình sự về phòng chống dịch đã được cơ quan tố tụng áp dụng những thủ tục rút gọn. Điều này liệu có vi phạm pháp luật và dẫn đến việc sai sót trong xử lý trách nhiệm hình sự của người phạm tội hay không? Hay việc áp dụng những thủ tục rút gọn này có nhắm đến tính hợp hiến, hợp pháp của pháp luật và tính khả thi khi áp dụng vào trong thực tế hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 vô cùng phức tạp như hiện nay?"

Ảnh minh họa.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay đã và đang ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân. Mọi hoạt động, thói quen sinh hoạt thường ngày đều được cắt giảm, rút gọn, tránh tụ tập nơi đông người và chỉ duy trì những hoạt động thiết yếu. Vậy về phía hoạt động tư pháp, những thủ tục tố tụng liệu có bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh?

Thông thường, một vụ việc hình sự được giải quyết cũng phải trải qua rất nhiều các giai đoạn điều tra, thủ tục pháp lý phức tạp song gần đây, những vi phạm hình sự về phòng chống dịch đã được cơ quan tố tụng áp dụng những thủ tục rút gọn. Điều này liệu có vi phạm pháp luật và dẫn đến việc sai sót trong xử lý trách nhiệm hình sự của người phạm tội hay không? Hay việc áp dụng những thủ tục rút gọn này có nhắm đến tính hợp hiến, hợp pháp của pháp luật và tính khả thi khi áp dụng vào trong thực tế hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 vô cùng phức tạp như hiện nay?

Có rất nhiều dẫn chứng cho những vụ án liên quan đến hành vi vi phạm phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã được điều tra, truy tố và xét xử trong thời gian “siêu tốc”, có vụ chỉ trong vòng 06 ngày. Điển hình như vụ Phạm Văn Hiếu bị TAND huyện Phú Hòa (Phú Yên) phạt 09 tháng tù về tội "Chống người thi hành công vụ" vào ngày 30/7 về hành vi nằm ra đường “ăn vạ” chống đối tổ tuần tra chống dịch. Hay gần đây ngày 03/8, TAND TP. Tuy Hòa (Phú Yên) cũng phạt Nguyễn Tấn Thạch 09 tháng tù chỉ sau 14 ngày bị cáo này thực hiện hành vi "Chống người thi hành công vụ". Được biết, Thạch là người không mang khẩu trang, vượt chốt, cầm dao đe dọa và tấn công lực lượng bảo vệ ở khu phong tỏa tại thôn Thượng Phú, xã Bình Kiến, TP. Tuy Hòa.

Hay như gần đây nhất, ngày 06/8, Công an huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 02 tháng đối với Nguyễn Hữu Tuyên (Sinh năm 1970, trú xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc) về tội "Chống người thi hành công vụ" tại chốt kiểm soát dịch. Được biết, trước đó, ngày 04/8, tại chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 đầu cầu Hạc Trì (xã Bồ Sao, huyện Vĩnh Tường) đối tượng Nguyễn Hữu Tuyên đã điều khiển ô tô tải BKS 88C-155.86 đi vào làn đường dành cho xe có giấy ưu tiên (luồng xanh) mà không có giấy tờ theo quy định. Khi lực lượng Công an huyện Vĩnh Tường yêu cầu khai báo y tế thì Tuyên không có giấy kết quả xét nghiệm SARS-Cov-2 âm tính. Người này có hành vi chống đối lực lượng Công an, lên xe đóng chặt cửa, cố thủ ngồi trong ca bin nhằm mục đích gây ùn tắc để tổ công tác buộc phải xả chốt. Sau 20 phút cố thủ trên xe, Tuyên đã cố tình lái xe bỏ chạy.

Ngay sau đó, lực lượng Công an huyện Vĩnh Tường đã tổ chức bắt giữ. Và cơ quan chức năng cũng chỉ cần mất 02 ngày để khởi tố đối tượng Tuyên.

Lái xe Nguyễn Hữu Tuyên cố thủ trong ô tô gây ùn tắc.

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Ngô Ngọc Diễm - Công ty Luật ThinkSmart cho biết, sở dĩ các cơ quan tố tụng làm được điều này là nhờ sự tiên liệu của các cơ quan lập pháp, được thể hiện qua quy định về thủ tục tố tụng rút gọn. Đây là biểu hiện sinh động nhất của hoạt động pháp lý luôn gắn liền với thực tiễn cuộc sống, phù hợp với yêu cầu của công cuộc phòng chống dịch bệnh chung của cả nước.

Theo Luật sư Diễm, việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án trên theo thủ tục rút gọn không vi phạm trình tự, thủ tục tố tụng. Đây là đòi hỏi cấp thiết trong thời điểm tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và có dấu hiệu kéo dài, hoạt động tố tụng gặp nhiều trở ngại, nhiều vụ án phải tạm đình chỉ do quá thời hạn giải quyết. Về cơ bản, xét xử theo thủ tục rút gọn không phải đến thời điểm hiện tại mới được áp dụng.

"Đây là một thủ tục đã có từ lâu được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự qua các thời kỳ. Hiện nay Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (BLTTHS) hiện hành quy định về thủ tục rút gọn tại Điều 456", Luật sư Ngô Ngọc Diễm cho biết.

Cụ thể, khoản 1 Điều 456 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định 04 điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm như sau:

(i) Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú

(ii) Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng

(iii) Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng

(iv) Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng.

Luật sư Diễm cho biết, hơn một năm trở lại đây, tình hình tội phạm nói chung - đặc biệt là các tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid diễn ra ngày một nhiều, gây hoang mang trong dư luận, khiến công tác tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch trở nên khó khăn. Để cụ thể hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng thủ tục rút gọn trong thời điểm diễn ra dịch bệnh, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ban hành hướng dẫn tại Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Về cơ bản, hướng dẫn nêu trên của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã giúp cơ quan tiến hành tố tụng rất lớn trong việc xác định tội danh cho các hành vi vi phạm, rút ngắn thời gian tiến hành tố tụng, tạo điều kiện để giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn.

Luật sư Ngô Ngọc Diễm - Công ty Luật ThinkSmart.

"Trên quan điểm của Luật sư tôi cho rằng trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay, việc áp ụng xét xử theo thủ tục rút gọn không chỉ phát huy được ưu điểm là tính kịp thời, cấp bách mà còn giảm tải đáng kể khối lượng công việc cho cơ quan tiến hành tố tụng, giúp tiết kiệm thời gian và kinh phí. Tạo điều kiện để ta huy động nhân lực và vật lực vào mặt trận chống dịch. Thêm vào đó việc xét xử theo thủ tục rút gọn cũng đảm bảo được tính giáo dục và tính răn đe, làm gương cho các cá nhân, pháp nhân trong xã hội tuân thủ quy định phòng dịch, đảm bảo tính thượng tôn pháp luật. Đồng thời, việc xét xử kịp thời các vi phạm liên quan đến dịch Covid-19 còn giúp tạo sự đồng thuận lớn trong xã hội, góp phần củng cố niềm tin của mọi người dân vào chính sách của Đảng và nhà nước", Luật sư Diễm khẳng định.

Về hình phạt, TAND huyện Phú Hòa và TAND TP. Tuy Hoà (Phú Yên) đã tuyên phạt hai bị cáo Phạm Văn Hiếu và Nguyễn Tấn Thạch 09 tháng tù với cùng tội danh "Chống người thi hành công vụ". Luật sư cho rằng chế tài đối với hai hành vi vi phạm nêu trên đã đảm bảo phần nào tính răn đe, xác định đúng người, đúng tội, thể hiện sự chính xác của cơ quan tiến hành tố tụng.

"Qua theo dõi, tôi được biết phản ứng từ một bộ phận không nhỏ dư luận cho rằng nên áp dụng các tình tiết tăng nặng, xử phạt thật nghiêm khắc để tăng thêm tính răn đe đối với các hành vi nêu trên. Tuy nhiên, cá nhân tôi có quan điểm rằng mọi hành vi vi phạm đều phải được truy cứu trách nhiệm hình sự trên cơ sở các tội danh và khung hình phạt mà luật pháp đã quy định, do đó không thể tùy tiện áp dụng các biện pháp tăng nặng hay giảm nhẹ theo cảm tính như ý kiến của một số độc giả. Việc áp dụng khung hình phạt càng phải thận trọng và chính xác để đảm bảo tính công bằng và tuân thủ nguyên tắc pháp chế. Ngoài ra việc quyết định hình phạt còn phải phụ thuộc vào nhân thân của bị cáo và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, do đó rất khó để kết luận mức phạt mà TAND TP. Tuy Hoà đã tuyên có đủ sức răn đe hay không", Luật sư Diễm bày tỏ quan điểm.

Tóm lại, xét xử theo thủ tục rút gọn mang lại rất nhiều lợi ích như đảm bảo tính kịp thời, tiết kiệm các chi phí tố tụng và có ý nghĩa răn đe, giáo dục đối với cộng đồng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên việc áp dụng thủ tục rút gọn cần tuân thủ chặt chẽ các quy định của luật để đảm bảo tính chính xác, xét xử đúng người, đúng tội và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân.

VŨ HUY

Xử phạt hai chủ tài khoản Facebook chia sẻ thông tin hư cấu “bác sĩ rút máy thở cứu sản phụ”

Admin