(LSVN) - Tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đều quy định Toà án là cơ quan thực hiện chức năng xét xử mặc dù vậy nhưng cơ cấu, tổ chức, cơ chế vận hành của hệ thống Toà án ở mỗi nước là khác nhau. Vì vậy, bài viết này sẽ phân tích và mang đến những hiểu biết cần thiết về vai trò của Tòa án ở một số nước trên thế giới, đồng thời tiếp thu những tiến bộ trong pháp luật để góp phần tích cực vào công cuộc hội nhập và đổi mới vai trò của Tòa án ở Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Hệ thống Tòa án của Pháp được tổ chức và hoạt động theo tinh thần của Hiến pháp năm 1958, Luật về tổ chức Tòa án và Quy chế các Thẩm phán tòa hòa giải. Hệ thống Tòa án Pháp được tổ chức điển hình cho mô hình nhị nguyên tức là song song tồn tại hai hệ thống tòa án có chức năng xét xử riêng biệt, độc lập lẫn nhau là: Nhánh tòa thẩm quyền chung (tòa tư pháp) chuyên giải quyết các vấn đề dân sự, hình sự và nhánh tòa hành chính chuyên giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực hành chính, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Tòa án sơ thẩm của Pháp có Tòa vi cảnh, Tòa tiểu hình và Tòa đại hình. Trong đó, Tòa vi cảnh có thẩm quyền xét xử các vụ việc vi phạm pháp luật nhỏ, ít nghiêm trọng theo thủ tục đơn giản và việc xét xử thường do một Thẩm phán tiến hành; Tòa tiểu hình có thẩm quyền xét xử đối với các khinh tội, đối với những vụ án phức tạp, có nhiều hành vi phạm tội gồm cả khinh tội và tội vi cảnh cũng thuộc thẩm quyền của Tòa tiểu hình và việc xét xử thường được tiến hành bởi ba Thẩm phán của Tòa án sơ thẩm; Tòa đại hình có thẩm quyền xét xử đối với các trọng tội và không phải là cơ quan xét xử thường trực, được tổ chức tại các tỉnh, Hội đồng xét xử của Tòa đại hình gồm mười hai thành viên. Quyết định của Tòa án sơ thẩm có thể được khiếu nại lên Tòa án thượng thẩm cấp trên. Ngoài những Tòa án nêu trên, trên lãnh thổ của Pháp còn có những Tòa án hình sự đặc biệt như: Tòa vị thành niên, Tòa án quân sự, Tòa án tối cao, Tòa án công lý của nhà nước Cộng hòa.
Thứ hai, Tòa án thượng thẩm được thành lập theo các đơn vị hành chính tỉnh trực thuộc trung ương. Mỗi tỉnh hoặc có thể một vài tỉnh có chung một Tòa thượng thẩm. Theo pháp luật tố tụng hình sự của Pháp, Tòa thượng thẩm sẽ nhận phúc thẩm tất cả các bản án bị kháng cáo kháng nghị của tất cả các loại Tòa sơ thẩm, trừ Tòa Đại hình và việt xét xử phải có năm Thẩm phán. Ngoài ra, Tòa án thượng thẩm còn có thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ tội phạm phức tạp. Quyết định của Tòa án này chỉ có thể bị kháng nghị lên Tòa phá án.
Thứ ba, Tòa phá án là Tòa tối cao trong ngạch Tòa tư pháp của nước Cộng hòa Pháp, có trụ sở duy nhất tại Thủ đô Paris. Tòa phá án được chia làm sáu Tòa chuyên trách, bao gồm một Tòa hình sự có thẩm quyền xem xét tính hợp pháp và giải quyết các đơn thơ khiếu nại về quyết định và bản án của các Tòa án cấp dưới. Nếu phát hiện trái pháp luật, thì có quyền hủy và chuyển vụ việc cho Tòa án cấp dưới xét xử lại.
Mô hình tố tụng hình sự của Pháp có sự đan xem giữa mô hình tố tụng hình sự thẩm vấn và mô hình tố tụng hình sự tranh tụng, đồng thời trong tố tụng hình sự của Pháp có nhiều giai đoạn như: Giai đoạn điều tra, giai đoạn kết thúc điều tra, giai đoạn thẩm tra, giai đoạn xét xử và giai đoạn thi hành án. Do vậy, Tòa án trong tố tụng hình sự Pháp giữ vai trò then chốt trong việc giải quyết vụ án hình sự.
Hệ thống Tòa án Pháp có sự phân cấp Tòa án đảm bảo việc xét xử công bằng, minh bạch. Về cơ bản, tố tụng hình sự Pháp quy định các bản án của tòa án sơ thẩm được xét xử lại bởi Tòa thượng thẩm khi có kháng cáo, kháng nghị, đồng thời được xem xét lại bởi Tòa phá án được trao thẩm quyền hủy án khi có vi phạm pháp luật và chuyển vụ việc cho Tòa án cấp dưới xét xử lại. Quy định này đã tạo ra sự đồng bộ, thống nhất về thẩm quyền xét xử giữa các cấp, tăng cường trách nhiệm vai trò của tòa án. Qua đó, đảm bảo một bản án khi có vi phạm pháp luật đều phải được xét xử, xem xét lại bởi một Tòa án ở cấp cao hơn, hạn chế tối đa oan, sai cho người bị buộc tội, góp phần xác định được sự thật khách quan của vụ án. Đồng thời, cũng giống như thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm ở Việt Nam, thủ tục phá án của Tòa phá án không phải là một cấp xét xử mà chỉ là một cấp thẩm tra trên giấy tờ các bản án có đề nghị phá án. Tuy nhiên, hạn chế của nó là không được xem lại vấn đề tình tiết của vụ án, mà chỉ thẩm tra lại việc áp dụng pháp luật của Tòa án cấp dưới.
Tòa án trong mô hình tố tụng hình sự Pháp còn có vai trò quan trọng trong việc chứng minh tội phạm ngay từ trong giai đoạn điều tra. Quy định này xuất phát từ tinh thần của mô hình tố tụng thẩm vấn khi trao quyền cho tòa án được xem xét các chứng cứ mà các bên đưa ra và quyết định hình phạt cho người phạm tội. Do đó, Tòa án cần có trách nhiệm trong điều tra tội phạm để chắc chắn về tính hợp pháp của các chứng cứ được lưu tại hồ sơ vụ án.
Hoạt động điều tra của Tòa án trong việc giải quyết vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Pháp quy định khá cụ thể và chặt chẽ về thẩm quyền, công tác phối hợp với các cơ quan điều tra và công tố nhằm đảm bảo hoạt động giải quyết vụ án hình sự được diễn ra nhanh chóng, không chồng chéo thẩm quyền, chứng cứ được thu thập khách quan, chính xác, công bằng và đầy đủ. Đồng thời, tố tụng hình sự Pháp cũng quy định cụ thể Thẩm phán khi thực hiện hoạt động điều tra thì có thể thực hiện bất kì biện pháp điều tra nào nếu biện pháp đó có ích cho việc khám phá sự thật; tìm kiếm bằng chứng vô tội cũng như có tội, có quyền triệu tập các bên có liên quan đến vụ án để thực hiện việc xét hỏi, đến hiện trường nơi xảy ra vụ việc để tìm kiếm chứng cứ, thu thập bất kì thông tin, dữ liệu điện tử nào liên quan đến vụ án. Đây cũng là một điểm khác biệt khá lớn so với Việt Nam, khi theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định Tòa án chỉ tham gia thu thập bổ sung chứng cứ của vụ án sau khi Cáo trạng của Viện Kiểm sát và hồ sơ vụ án được chuyển cho Tòa án, chỉ tiến hành một số hoạt động điều tra đơn giản, đối với những chứng cứ quan trọng mà Tòa án không thể thu thập được thì phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung cho Viện kiểm sát.
Tòa án trong tố tụng hình sự Pháp có vai trò trung tâm tại phiên tòa, đảm bảo cho một vụ án hình sự được xét xử kịp thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Thẩm phán trực tiếp tham gia quá trình xét hỏi tại phiên toà và có vai trò quan trọng trong việc chứng minh tội phạm. Khác với những quốc gia đi theo mô hình tố tụng hình sự tranh tụng, Tòa án chỉ đóng vai trò trọng tài trung gian đưa ra quyết định hình phạt dựa trên phán quyết của Bồi thẩm đoàn dẫn đến việc cơ quan công tố và cơ quan tòa án không biểu hiện rõ thì ở Pháp, giữa cơ quan công tố và cơ quan tòa án có mối quan hệ phối hợp hết sức chặt chẽ nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là: Hành vi có tội hay không và người phạm tội phải chịu trách nhiệm như thế nào? Việc xét xử của Tòa án tại phiên tòa không chỉ dừng lại ở việc buộc tội hay chứng minh tội phạm thông qua hoạt động hỏi, kiểm tra các chứng cứ buộc tội bị cáo hay thẩm vấn, hỏi các nhân chứng như mô hình tố tụng thẩm vấn mà còn hỏi và kiểm tra lại những chứng cứ gỡ tội cho bị cáo, lắng nghe và tiếp thu những ý kiến của bên bào chữa và công tố viên trong quá trình tranh tụng để từ đó đưa ra những quyết định công bằng nhất. Đồng thời, cũng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Pháp, để đảm bảo sự khách quan, công bằng trong việc giải quyết vụ án hình sự thì khi một Thẩm phán đã thực hiện hoạt động điều tra thì Thẩm phán đó sẽ không được thực hiện việc xét xử, nếu một Thẩm phán vừa thực hiện việc điều tra và xét xử thì bản án đó sẽ bị coi là vô hiệu.
Từ đó, chúng ta có thể thấy được rằng Toà án ở Pháp không chỉ đóng vai trò xét xử mà còn tích cực tham gia vào quá trình chứng minh bị cáo có tội hay không có tội, giám sát hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng và cá nhân, tổ chức tham gia. Quá trình giải quyết vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Pháp trong mọi giai đoạn đều có sự tham gia của Tòa án. Thẩm quyền của Tòa án ở Pháp rất rộng, có sự ưu thế hơn hẳn so với Cơ quan điều tra và Viện công tố, với việc được trao thẩm quyền điều tra ngay từ ban đầu so với việc chỉ thực hiện điều tra thông qua việc hỏi, thẩm vấn, kiểm tra chứng cứ tại phiên tòa, Tòa án có nhiều điều kiện để tiếp xúc với hồ sơ, nắm bắt, tìm hiểu kĩ càng về vụ án từ đó đưa ra bản án một cách chính xác và công bằng nhất.
PHẠM VĂN PHƯƠNG
Toà án Quân sự Quân khu 7
Đề xuất Luật sư sao chụp tài liệu vụ án hình sự phải chịu chi phí