Bác Thưởng vinh dự được chụp ảnh với Bác Hồ (trong ảnh bác Thưởng ngồi bên phải Bác Hồ cùng bế cháu bé).
Chiều 27 Tết năm 1964, Bác cho mời Bộ trưởng Bộ Nội thương Hoàng Quốc Thịnh đến báo cáo tình hình lo Tết cho dân. Bác hỏi rất kỹ chuẩn bị Tết cho bộ đội, sau đó Bác mời Chủ tịch thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng đến báo cáo tình hình chuẩn bị Tết cho quân và dân thành phố, chăm lo gia đình chính sách, có công với nước; Bác mời Bộ trưởng Phan An sang nắm tình hình. Nghe các Bộ trưởng và Chủ tịch thành phố Hà Nội báo cáo xong Bác bảo với đồng chí Vũ Kỳ và các đồng chí cảnh vệ:
- Bác đi chợ Đồng Xuân xem dân sắm Tết như thế nào?
Đây là tình huống bất ngờ! Không thông qua Công an Hà Nội. Nhưng không thể không thực hiện. Biết Bác đến thế nào bà con ở chợ cũng kéo đến chúc mừng. Ai cũng muốn được gặp Bác một lần cho thỏa lòng ước mong. Để đảm bảo tuyệt đối an toàn, không làm xáo trộn chợ, anh em cảnh vệ quyết định hóa trang Bác. Chọn đồng chí Vũ Kỳ và đồng chí Phạm Lệ Ninh đội trưởng đội cảnh vệ ở Phủ Chủ tịch bởi hai người giống nhau. Hai người mặc quần áo, đeo râu giả, quàng khăn bông, mặc áo mưa, đội mũ giống như nhau. Sau khi hóa trang 2 người đứng quay lưng lại anh em cảnh vệ phát hiện không ra là đạt yêu cầu. Hóa trang xong, anh em cảnh vệ kiểm tra thì thấy đồng chí Vũ Kỳ thấp quá liền đưa đồng Vũ Thế Ngọc đội phó đội cảnh vệ Phủ Chủ tịch thay đồng chí Vũ Kỳ.
Toàn đoàn đi ghép trên 02 chiếc ô tô con. Ba giờ chiều xe xuất phát từ Phủ Chủ tịch đến dừng lại trước số 07 Phan Đình Phùng, đi bộ từ vườn hoa Hàng Đậu, qua Hàng Khoai vào chợ Bắc Qua. Phố nào cũng thấy dân tấp nập người đi sắm Tết. Đến trước cổng chợ Bắc Qua người chật như nêm. Bác và anh em trong đoàn len qua từng người mới vào được đến chợ. Vào chợ Đồng Xuân, Bác đi từ quầy bách hóa, sang quầy bán lương thực, thực phẩm. Bác dừng lại trước quầy bán thực phẩm tự do. Bác hỏi cô bán thịt:
- O ơi! Mảnh thịt này răng nấy!.
Nghe ông cụ nói tiếng xứ Nghệ, cô bán hàng ngờ ngợ dừng dao thái thịt trông Bác. Anh em trong đoàn thót tim, bà con mà phát hiện ra Bác thế nào chợ Đồng Xuân cũng bị vỡ. Vỡ chợ Đồng Xuân thì nguy to. Ngay tức khắc bác Thưởng nói đỡ Bác:
- Miếng thịt bò này bao nhiêu tiền cô?
Cô hàng thịt trả lời:
- Mười hai ngàn đồng ạ!
Cùng lúc đó đồng chí Phạm Lệ Ninh đẩy Bác lên phía trước. May quá không ai phát hiện được Bác. Sau tình huống đó mọi người đi trong đoàn ai cũng toát mồ hôi hột.
Rời quầy thực phẩm Bác đến Hàng Gai, Hàng Đào. Đi đến đâu nào Bác cũng dừng lại xem giá cả rất kỹ, xem sức mua của dân. Đặc biệt, ở các quầy hàng bán phân phối Bác chú ý xem bán có công bằng hay không. Đến hàng hoa, đồng chí Vũ Kỳ bảo bác Thưởng mua một bó. Bác đi rất nhanh, anh em trong đoàn có lúc vừa đi, vừa chạy mới theo kịp. Sau 2 tiếng đồng hồ đi bộ, cả đoàn lên xe về Phủ Chủ tịch, lúc đó trời cũng vừa tối. Bác rất vui thấy chợ Tết mặt hàng phong phú, đa dạng, giá cả không đắt, dân đi sắm Tết ai cũng vui vẻ, phấn khởi. Trước lúc chia tay Bác vui vẻ nói với mọi người:
- Bác cháu ta đi chợ Tết mà chẳng mua được gì?
Đồng chí Vũ Kỳ bảo:
- Thưa Bác, ta có mua được hoa?
Ông Thưởng cầm bó hoa, trong đó có nhiều hoa huệ, (thường ngày Bác rất thích hoa huệ) đang tỏa mùi hương thơm ngát đến tặng Bác. Bác nhận hoa rất vui nói:
- Bác cảm ơn các chú.
Sau khi Bác về đến Phủ Chủ tịch, đồng chí Vũ Kỳ điện thoại báo cáo đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn. Đồng chí Lê Duẩn rất bất ngờ. Đồng chí bảo:
- Các anh to gan thật, đưa Bác đi chợ Tết mà không báo cáo Bộ Chính trị.
Tiếp đó, đồng chí Vũ Kỳ điện cho đồng chí Chủ tịch thành phố Hà Nội Trần Huy Hưng. Đồng chí Chủ tịch thành phố Hà Nội tỏ ra tiếc và trách không cho biết để đi cùng Bác.
Mỗi năm Tết đến xuân về, ông Lê Minh Thưởng lại bồi hồi nhớ Bác Hồ.
Ông Thưởng cho biết, mỗi năm, cứ vào ngày 25 hoặc 26 tháng Chạp, Bác lại tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ trong Phủ Chủ tịch ăn Tết. Mọi người quây quần bên Bác như các con ở bên người cha thân yêu, không khí vô cùng ấm cúng. Bác vui vẻ chúc Tết, chúc sức khỏe mọi người. Lúc nào Bác cũng bảo không được lãng phí, ăn không hết thì các chú cảnh vệ lấy về tối mà ăn. Anh em trong Phủ Chủ tịch từ các đồng chí cảnh vệ đến cán bộ giúp việc ai cũng được Bác quan tâm.
Nhiều cái Tết đã qua, nhưng trong ký ức ông Thưởng không thể quên được những ngày tháng bên Bác. Mỗi lần nhớ lại, cảm xúc lại dâng trào, hai hàng nước mắt lại từ từ lăn trên đôi gò má dạn dày sương gió.
HẢI HƯNG
(Ghi theo lời kể của ông Lê Minh Thưởng)