Từ những hệ luỵ xảy ra do các chất kích thích như ma tuý, “bóng cười”, đã đến lúc cần phải có biện pháp mạnh tay như thu hồi giấy phép kinh doanh, đóng cửa vĩnh viễn với các cơ sở sai phạm, quy trách nhiệm chính quyền địa phương để tránh tình trạng “nhờn luật”, gây bức xúc trong dư luận.
Tại một số địa phương như tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An… cơ quan chức năng đã và đang siết chặt công tác quản lý về hoạt động kinh doanh “bóng cười”. Tuy nhiên vẫn còn xuất hiện tình trạng buôn bán bóng cười tại các quán bar khiến dư luận bức xúc.
Trao đổi với phóng viên, Trung tá Phạm Đình Sang, Đội trưởng Đội Đặc doanh, Phòng Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (Công an tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, liên quan đến sử dụng, kinh doanh “bóng cười”, UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo về nội dung này, đây là mặt hàng hoá chất hạn chế sản xuất kinh doanh do ngành công thương cấp phép. Các cở sở như bar, karaoke cũng được yêu cầu ký cam kết không sử dụng chất cấm, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm khắc.
Liên quan đến vấn đề trên, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật nêu quan điểm, trước thực trạng thanh, thiếu niên sử dụng “bóng cười” tràn lan tại các quán cà phê, bar, vũ trường… như hiện nay, để chủ động phòng ngừa, phát hiện, quản lí cũng như là xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “bóng cười” cần phải có sự phối hợp giữa các cấp chính quyền và người dân cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng.
Theo đó, cần tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh, cất giữ, bảo quản khí N20; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, yêu cầu chủ kinh doanh dịch vụ có điều kiện ký cam kết không mua bán, cất giữ, bảo quản khí N20 trái phép. Đặc biệt, các đơn vị cần thiết lập “đường dây nóng” để thu thập thông tin tố giác, tin báo tội phạm về tệ nạn ma túy nói chung, các hành vi kinh doanh trái phép khí N20 nói riêng…
Các phòng nghiệp vụ công an địa phương chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan, tăng cường nắm tình hình, tổ chức điều tra cơ bản, rà soát các cơ sở kinh doanh khí N20 không có giấy phép kinh doanh, không có biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất hoặc chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc tuyên truyền, kiểm tra, xử lý hoạt động kinh doanh “bóng cười” cần sớm được triển khai đồng bộ, quyết liệt, để tránh hậu quả xấu về lâu dài.
Ngoài ra, cùng với các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra và xử lý vi phạm trực tiếp, các lực lượng chức năng chủ động nắm bắt, phát hiện và ngăn chặn những thủ đoạn đối phó, biến tướng của các đối tượng kinh doanh “bóng cười”. Trong đó, công tác đấu tranh tập trung vào những “đầu nậu” cung cấp hàng cho các quán bar, cà phê. Chủ động nắm bắt tình hình và chuyển hướng đấu tranh kịp thời.
Hiện, Bộ Công an tiếp tục phối hợp lực lượng chức năng nắm tình hình, xác định thực trạng sử dụng “bóng cười” và các chất hướng thần mới ở trong nước, tham khảo quy định của Ban Kiểm soát ma túy quốc tế (INCB) và các nước trên thế giới về các chất này, khi có đủ căn cứ sẽ đề xuất Chính phủ đưa vào danh mục các chất ma túy và tiền chất để có căn cứ đấu tranh, xử lý các đối tượng mua bán, vận chuyển, sản xuất, tổ chức sử dụng trái phép các chất này.