Bài phát biểu của Luật sư tại phiên tòa hướng đến những nhóm chủ thể nào?

13/10/2021 22:20 | 2 năm trước

(LSVN) - Tại phiên tòa, bài bào chữa, bảo vệ của Luật sư chỉ cần hướng đến sự hài lòng của thân chủ, sự đồng tình, ghi nhận của Hội đồng xét xử là đủ, hay hướng đến những chủ thể nào?. Cùng tìm hiểu và làm rõ nội dung này góp phần hoàn thiện kỹ năng tranh tụng của Luật sư, tạo lập và khẳng định uy tín, vị thế của nghề Luật sư trong xã hội.

Ảnh minh họa.

Bài phát biểu bào chữa, bảo vệ của Luật sư tại phiên tòa là kết tinh hoạt động nghiệp vụ của Luật sư. Theo quan điểm cá nhân tôi, bài bào chữa, bảo vệ của Luật sư không những được thành viên Hội đồng xét xử (HĐXX), Kiểm sát viên, bị can, bị cáo, đương sự và người dân có mặt tại phiên tòa quan tâm, theo dõi đánh giá mà còn nhận được sự quan tâm, theo dõi, phân tích của nhóm chủ thể khác quan tâm không chỉ giới hạn trong phạm vi phiên tòa, giới hạn trong vụ án. Do đó, khi xây dựng, thể hiện bài phát biểu tại phiên tòa, Luật sư cũng cần hướng đến các nhóm chủ đó. Bài phát biểu của Luật sư tại phiên tòa theo tôi cần hướng đến các nhóm chủ thể sau:

Thứ nhất, bài phát biểu của Luật sư tại phiên tòa hướng đến khách hàng của Luật sư. Công việc của Luật sư là tìm ra các sự kiện pháp lý, đối chiếu quy định của pháp luật, sử dụng kỹ năng nghề nghiệp trên cơ sở nền tảng đạo đức để xử lý các sự kiện pháp lý đó theo hướng có lợi nhất cho khách hàng của mình.

Là người bào chữa, đại diện, bảo vệ cho thân chủ, người Luật sư phải truyền đạt mong muốn, nói lên nỗi lòng của thân chủ tại phiên tòa. Luật sư tạo sự đồng cảm, gần gũi, thiết lập mối liên hệ mật thiết giữa Luật sư và khách hàng.

Thành viên HĐXX, Kiểm sát viên tại phiên tòa đôi khi chưa thấu hiểu nghề Luật sư. Do vậy, khi Luật sư dành thời gian phát biểu giúp khách hàng bày tỏ mong muốn, giãi bày nỗi lòng của khách hàng tại phiên tòa hay bị HĐXX ngắt lời. Mặt khác, sự hài lòng của khách hàng tại phiên tòa đối với Luật sư không thể được thực hiện bởi việc lợi dụng tâm lý bất an, sự bức xúc hoặc bất mãn của người dân tại phiên tòa. 

Thứ hai, bài phát biểu của Luật sư tại phiên tòa hướng đến HĐXX. HĐXX giữ quyền tối cao tại phiên tòa, có quyền quyết định việc “Thắng – Thua” của khách hàng. 

Thành viên HĐXX cũng là con người, với niềm tin nội tâm và chủ kiến trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó, đôi khi thành viên HĐXX cho rằng nội dung vụ án đã rõ, hồ sơ, tài liệu đã đầy đủ, với thói quen “Trọng chứng hơn trọng cung”, HĐXX có xu hướng muốn Luật sư phát biểu ngắn gọn, phát biểu thẳng vào các vấn đề mà HĐXX cho là trọng tâm của vụ án. Nhưng nhận thức của Luật sư và thành viên HĐXX sẽ có sự khác biệt, có những vấn đề Luật sư đánh giá quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền lợi ích của khách hàng nhưng có thể HĐXX cho rằng ít quan trọng hoặc không liên quan đến vụ án. Vì vậy, khi Luật sư trình bày, phân tích sâu để làm rõ nội dung đó có thể bị HĐXX yêu cầu chấm dứt. Đây là một trong những nguyên nhân tạo ra mâu thuẫn, khiếu nại, kiến nghị hiện nay.

Tôn trọng, thiện chí, hợp tác, tiết chế, phối hợp là những yêu cầu đặt ra không chỉ với Luật sư mà còn với cả thành viên HĐXX và người tiến hành tố tụng khác trong tiến trình cải cách tư pháp hiện nay.

Thứ ba, bài phát biểu của Luật sư tại phiên tòa hướng đến Kiểm sát viên. Mối quan hệ giữa Kiểm sát viên và Luật sư có thể rất khác nhau trong cùng một vụ án, xuất phát từ việc Luật sư bào chữa, bảo vệ cho ai trong vụ án. Ví dụ Kiểm sát viên và Luật sư bảo vệ cho người bị hại trong vụ án hình sự khác so mối quan hệ của Kiểm sát viên và Luật sư bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa hoặc quan hệ Luật sư và Kiểm sát viên trong vụ án dân sự. Nhưng cho dù ở mối quan hệ nào Kiểm sát viên đều là người có tiếng nói, vai trò, vị thế góp phần quyết định “Thắng - Thua” của khách hàng của Luật sư vì họ là người tiến hành tố tụng. Mặt khác, tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm có nhiệm vụ kiểm sát hoạt động tư pháp bao gồm cả kiểm sát hoạt động của HĐXX và Luật sư.

Tìm kiếm sự đồng thuận bằng chứng cứ, lập luận hợp tình hợp lý, kiên trì theo đuổi vụ việc, “đấu lý để tìm ra chân lý”; tiết chế cái tôi, tìm kiếm sự đồng thuận, tránh sự đối đầu trực diện giữa Luật sư và Kiểm sát viên tại phiên tòa chưa bao giờ làm giảm quyền lợi của khách hàng hoặc làm giảm uy tín nghề Luật sư. 

Thứ tư, bài phát biểu của Luật sư tại phiên tòa hướng đến chủ thể có quyền lợi ích đối lập quyền lợi ích của khách hàng của Luật sư. Luật sư có trách nhiệm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của khách hàng. Nhưng điều đó không cho phép người Luật sư bất chấp đạo đức xã hội, quy định của pháp luật để “đổi trắng – thay đen”, vì nghề Luật sư có sứ mệnh bảo vệ công lý, công bằng xã hội. Các cụ ta có câu: “Nói phải củ cải cũng nghe”, cùng là một vấn đề người Luật sư lựa chọn cách thức diễn đạt sao cho phù hợp đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, đồng thời tránh gây bức xúc, đối đầu giữa các bên. Thay mặt bị cáo gửi lời xin lỗi và sẻ chia của Luật sư trước đau thương của gia đình bị hại, động viên họ giữ bình tĩnh, vững vào công lý trong vụ án giết người của Luật sư trước khi phân tích tình tiết vụ án không làm tăng nặng trách nhiệm của bị cáo. Khơi dậy tinh thần vị tha, hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp của các bên có quyền lợi đối lập trong vụ án.

Thứ năm, bài phát biểu của Luật sư tại phiên tòa hướng đến lãnh đạo Cơ quan tiến hành tố tụng. Tại phiên tòa, HĐXX độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nhưng việc giải quyết vụ án là cả một quá trình, đòi hỏi tuân thủ quy định pháp luật nội dung, tố tụng. Lãnh đạo Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an có thẩm quyền, trách nhiệm quản lý, phân công cán bộ, tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên. Truyền tải nội dung bài phát biểu, diễn biến phiên tòa đến các chủ thể góp phần đảm bảo việc giải quyết vụ án khách quan, toàn diện, triệt để và đầy đủ.

Thứ sáu, bài phát biểu của Luật sư tại phiên tòa hướng đến dư luận xã hội thông qua Cơ quan truyền thông, báo chí và mạng xã hội. Báo chí và Luật sư là người bạn đồng hành vì công lý. Phát biểu, ứng xử của Luật sư tại phiên tòa hiện nay có thể được phản ánh ngay trên báo chí, truyền thông, mạng xã hội mà đôi khi chính người Luật sư cũng không biết, không kiểm soát được.

Tranh tụng tại phiên tòa, diễn biến giải quyết vụ án luôn nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Phối hợp cơ quan truyền thông, báo chí Luật sư cung cấp thông tin cho xã hội, góp phần đấu tranh chống cái ác, lan tỏa tính nhân văn, cao đẹp nghề luật. Luật sư cần trung thực, khách quan, có trách nhiệm khi cũng cấp thông tín cho báo chí, không sử dụng cơ quan truyền thông, báo chí, mạng xã hội để gây sức ép đến cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nhằm đạt được lợi ích không chính đáng cho khách hàng hoặc bản thân.

Thứ bảy, bài phát biểu của Luật sư tại phiên tòa hướng đến cơ quan quản lý nhà nước. Hoạt động của người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng và Luật sư chịu sự quản, giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Cơ quan tư pháp, Cơ quan Nội chính,... Tháng 9/2021, Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị phiên tòa rút kinh nghiệm với chuyên đề: “Nâng cao chất lượng điều hành phiên tòa của hội đồng xét xử vụ án hình sự”. Đồng chí Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp tỉnh dự và chỉ đạo. Tham dự có Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, Cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, Thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp tỉnh; Thường trực các Huyện ủy, Thành ủy. Ban tổ chức lựa chọn vụ án "Giết người" và “Cố ý gây thương tích” do TAND tỉnh Bắc Giang xét xử sơ thẩm. Phiên tòa được theo dõi trực tiếp tại Hội trường xét xử TAND tỉnh, và được truyền hình trực tuyến hội nghị đến 10 điểm cầu đặt tại 10/10 huyện, thành phố của tỉnh, và điểm cầu Ban Nội chính Tỉnh ủy. Tại phiên tòa, Luật sư bào chữa cho bị cáo, Luật sư bảo vệ cho bị hại đều phát biểu đề nghị HĐXX hoàn trả hồ sơ để điều tra bổ sung, sau 03 ngày xét xử, HĐXX đã tuyên hoàn trả hồ sơ yêu cầu làm rõ 12 nội dung của vụ án.

Thứ tám, bài phát biểu của Luật sư tại phiên tòa hướng đến việc hoàn thiện pháp luật, bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Phát biểu của Luật sư tại phiên tòa không chỉ bảo vệ quyền lợi ích cho khách hàng trong vụ án, Luật sư có quyền và trách nhiệm bảo vệ công lý, công bằng xã hội, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Cùng việc đưa ra qua điểm, đề xuất để trực tiếp bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng, Luật sư còn kiến nghị hoàn thiện pháp luật; kiến nghị giải quyết các vấn đề chưa được giải quyết trong vụ án; kiến nghị giải quyết những nội dung mới chưa  được pháp luật điều chỉnh. Hiện nay, việc thực hiện quyền này chưa được Luật sư chú trọng, và khi Luật sư thực hiện cũng ít được HĐXX chấp nhận, ghi nhận vào bản án.

Tháng 9/2021, báo chí phản ánh việc Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố vụ án: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” trên cơ sở kiến nghị của Luật sư Hoàng Văn Hướng được ghi nhận trong Bản án Hình sự của TAND tỉnh Hà Giang tuyên tháng 10/2019 khi giải quyết một vụ án khác.

Phân tích, tìm hiểu, nhận diện đúng, đủ vai trò của các chủ thể có thể sẽ tiếp nhận bài phát biểu của Luật sư tại phiên tòa để từ đó định hướng xây dựng nội dung và cách thức thể hiện bài phát biểu là rất cần thiết. Thông qua đó, người Luật sư chủ động lựa chọn và có ứng xử phù hợp trong từng vụ án; định hình phong cách hành nghề, xây dựng và khẳng định thương hiệu cá nhân Luật sư. Đồng thời, giúp Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, Cơ quan quản lý có đánh giá đa chiều, toàn diện và đầy đủ về bản chất hoạt động Luật sư. 

Luật sư TRẦN VĂN AN

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang

Quyền của Luật sư trong hoạt động thi hành án dân sự

Từ khoá : lsvn.vn LSVN