/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Bản chất pháp lý của hợp đồng thông minh theo góc nhìn của Liên minh châu Âu và một số gợi mở cho Việt Nam

Bản chất pháp lý của hợp đồng thông minh theo góc nhìn của Liên minh châu Âu và một số gợi mở cho Việt Nam

29/07/2024 06:29 |

(LSVN) - Trên thế giới, khái niệm “hợp đồng thông minh” (smart contract) xuất hiện từ năm 1994, tuy nhiên phải đến khi xã hội công nghệ phát triển thì thuật ngữ này mới được chú ý và đưa ra nghiên cứu nhiều hơn. Dưới góc độ tiếp cận của pháp luật Việt Nam về hợp đồng hiện hành thì vẫn còn tồn tại nhiều rào cản, thách thức về mặt pháp lý đối với việc sử dụng hợp đồng thông minh. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của Liên minh châu Âu (EU), bài viết tập trung nghiên cứu ba vấn đề: (i) Khái quát về hợp đồng thông minh và công nghệ chuỗi khối Blockchain; (ii) Bản chất pháp lý của hợp đồng thông minh theo góc nhìn của Liên minh châu Âu (EU); (iii) Một số gợi mở, đề xuất cho pháp luật Việt Nam về xác định bản chất pháp lý của hợp đồng thông minh.

Ảnh minh hoạ. 

Đặt vấn đề

Cùng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những khái niệm, thuật ngữ mới đang dần xuất hiện và lan tỏa đến tất cả các lĩnh vực của đời sống con người. Trong đó, phải kể đến sự xuất hiện của công nghệ chuỗi khối blockchain và ứng dụng của hợp đồng thông minh trên nền tảng công nghệ số trong những năm gần đây. Việc áp dụng blockchain vào các lĩnh vực trong đời sống đáp ứng được phần lớn nhu cầu của con người hiện đại.

Với những lợi ích, ứng dụng đáng kể như vậy, blockchain cũng dần được áp dụng để tạo nên các hợp đồng thông minh (smart contract). Với những tiềm năng dồi dào của blockchain và hợp đồng thông minh đã mở ra nhiều vấn đề mới như bản chất của hợp đồng thông minh, pháp luật điều chỉnh hay giá trị pháp lý của loại hợp đồng này… Đây là những vấn đề cốt lõi cần được nghiên cứu, làm rõ và hướng tới quy định điều chỉnh cụ thể trong pháp luật của các quốc gia trước nhu cầu phát triển về công nghệ số như hiện nay. 

Khái quát về hợp đồng thông minh trên nền tảng blockchain

Hợp đồng thông minh là một trong những ứng dụng quan trọng của công nghệ chuỗi khối blockchain, được hình thành và hoạt động trên nền tảng này. Hiện nay, vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất nào xác định rõ bản chất của hợp đồng thông minh. Theo quan điểm của Nick Szabo - nhà khoa học máy tính, luật sư và nhà mật mã học, hợp đồng thông minh là “một giao thức giao dịch được máytính hóa thực hiện các điều khoản của hợp đồng”; hay theo tác giả Mykyta Sokolov thì cho rằng “Hợp đồng pháp lý thông minh là một thỏa thuận được thực hiện trong hợp đồng”... Vậy, liệu hợp đồng thông minh có được xem là một loại hợp đồng không, hay chỉ là một phương thức giao dịch được thỏa thuận có khả năng tự động thực hiện và được viết bằng mã máy tính chạy trên blockchain.

Có thể thấy hợp đồng thông minh cơ bản là các thỏa thuận được viết bằng mã máy tính và có khả năng tự động thực hiện mà không cần đến sự giao dịch của con người. Nó được vận hành bằng một phương thức khác biệt rõ rệt với hợp đồng truyền thống. Một khi hợp đồng được tạo lập thì không thể bị thay đổi bởi bất kỳ ai, điều đó làm cho giá trị của hợp đồng thông minh vô cùng vững chắc. Nó giúp giải quyết được các vấn đề về lừa dối, mơ hồ trong hợp đồng, cũng như tránh được các tranh chấp cho các bên, bởi một khi sự kiện được kích hoạt thì hợp đồng thông minh sẽ hoạt động và thực hiện các điều khoản đã được đồng thuận trước đó và tự động kiểm tra quá trình thực hiện những cam kết, điều khoản được nêu trong hợp đồng mà không cần có sự can thiệp của con người(1). Để phân biệt được hợp đồng thông minh với hợp đồng thông thường hay hợp đồng điện tử thì phải kể đến những đặc trưng chính của blockchain(2), đó là:

(i)      Ghi chép và lưu trữ: Khi một thông tin được đưa lên Blockchain thì thông tin đó sẽ được đối chiếu với các thông tin sẵn có, tức là blockchain sẽ thực hiện ghi chép và đối chiếu với các thông tin hiện có của người dùng nhằm mục đích loại bỏ các giao dịch lặp lại.

(ii)     Đồng thuận phân tán: Có thể hiểu đặc điểm này là một khi thông tin đã được chuỗi khối ghi chép lại thì không một ai có thể thay đổi thông tin đó, nó sẽ tồn tại mãi mãi trên chuỗi khối và chỉ khi mạng internet biến mất thì thông tin đó mới biến mất theo.

(iii)    Phi tập trung: Tính phi tập trung cho phép nhiều chủ thể có thể cùng lúc sử dụng blockchain, tuy nhiên blockchain không cho phép bất kỳ chủ thể nào có quyền quản lý hay sở hữu nó.

Trong cuộc sống công nghệ, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển như hiện nay, thì càng thấy được tiềm năng của việc ứng dụng hợp đồng thông minh trên nền tảng blockchain. Nó hỗ trợ hầu hết các lĩnh vực quan trọng từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Như trong lĩnh vực chính trị, hợp đồng thông minh được ứng dụng nhằm giải quyết được tình trạng thao túng kết quả bầu cử, bảo vệ các thông tin về phiếu bầu trước những sự xâm nhập từ bên ngoài, tạo ra nền tảng cho việc xây dựng chính phủ số. Trong lĩnh vực y tế, hợp đồng thông minh hỗ trợ việc quản lý bảo mật cho hồ sơ bệnh lý, đồng thời là một phương thức thanh toán các hóa đơn cho các cuộc phẫu thuật được lưu trữ trên blockchain và tự động chuyển cho bên bảo hiểm. Trong lĩnh vực vận tải, nền tảng blockchain hỗ trợ cung cấp các dịch vụ không qua trung gian, cho phép người lái kết nối trực tiếp khách hàng giúp giảm thiểu các chi phí phát sinh và kết nối dễ dàng hơn. Theo đó, hợp đồng thông minh sẽ giúp cho giá được cố định trên cơ sở tiêu chí cụ thể, mang lại một sự tin tưởng, minh bạch, an toàn. Các công ty taxi như Uber, Grab là một phần không thể thiếu của hệ thống giao thông côngcộng hiện tại, nên blockchain được coi là một giải pháp bằng cách phân cấp mọi hoạt động và loại bỏ sự cần thiết của bên thứ ba(3).

Bản chất pháp lýcủa hợp đồng thông minh theo góc nhìn của Liên minh châu Âu

Công nghệ blockchain và hợp đồng thông minh đang ngày càng được sử dụng rộng rãi và phổ biến tại các nước châu Âu. Tính đến hiện tại thì hành lang pháp lý của châu Âu đối với loại tài sản kỹ thuật số và hợp đồng thông minh phần lớn chỉ được quy định ở một số quốc gia riêng lẻ, ở dạng các quy tắc riêng, quyết định phân loại và thường sẽ quy định theo các hướng khác nhau, chưa có sự thống nhất. Nhận thức được nhu cầu đó, Liên minh châu Âu đã bắt đầu thể hiện sự quan tâm thông qua việc gia tăng các quy định về tài sản kỹ thuật số theo hướng hài hòa hóa. Đồng thời, Ủy ban châu Âu đề xuất thiết lập thị trường tài sản kỹ thuật số (MiCA) - điều này mở ra một kỷ nguyên mới về khung pháp lý cho tiền điện tử, tạo điều kiện cho tiền điện tử, cũng như hợp đồng thông minh phát triển. Sau khi MiCA được hoàn thiện và thông qua trên toàn Liên minh châu Âu thì MiCA đã đưa ra các định nghĩa tiêu chuẩn về các yếu tố thị trường tài sản kỹ thuật số mà trước đây chưa có quy định, gây cản trở đến sự phát triển của các quốc gia. Việc MiCA đưa ra các quy định khung như trên giúp cho châu Âu trở thành châu lục đầu tiên có quy định về tiền điện tử.(4)

Blockchain, cũng như hợp đồngthông minh đang ngày càng được cải tiến và thay đổi để hiện đại vàđáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Đây cũng được dự đoán trong tương lai sẽ là xu thế mới, một bước tiến thay đổi toàn cầu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với nhiều tiềm năng vượt trội của blockchain và thực tiễn hiện nay, hầu hết tất cả các hoạt động trong xã hội đều diễn ra trên mạng internet thì blockchain, cũng như hợp đồng thông minh cũng ngày càng được quan tâm bởi sự tác động vô cùng to lớn của nó trên nhiều lĩnh vực với phạm vi toàn cầu. Do đó, nhằm hiểu hơn về cách thức vận hành của hợp đồng thông minh thì cần làm rõ các vấn đề liên quan đến pháp luật áp dụng đối với hợp đồng này. Từ đó, giải quyết cho vấn đề về bản chất của hợp đồng thông minh, bởi hiện nay hợp đồng thông minh về bản chất chỉ là một dãy mã lệnh trên máy tính dẫn đến có rất nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề liệu có nên xem hợp đồng thông minh là một chủ thể được quản lý bởi pháp luật hay không. Đối với Liên minh châu Âu, nguồn luật để điều chỉnh trước hết về các vấn đề liên quan đến hợp đồng nói chung là các quy tắc chung châu Âu (Rome 1 - Quy chế Rome 1 với tiền thân trước đây là Công ước Rome). Theo đó, các hợp đồng được ký kết vào ngày hoặc sau ngày 17/12/2009 sẽ chịu sự điều chỉnh của Rome 1 và có hiệu lực cho tất cả các thành viên của Liên minh châu Âu, trừ Đan Mạch. Rome 1 sẽ điều chỉnh các vấn đề liên quan đến hợp đồng, trong đó có vấn đề về luật áp dụng trong trường hợp liên quan đến các nghĩa vụ hợp đồng dân sự hay thương mại.

Nguồn luật áp dụng đối với hợpđồng thông minh

Về vấn đề nguồn luật áp dụng, các quy tắc trong Quy chế Rome 1 chỉ giúp các quốc gia, cũng như tòa án xác định được pháp luật ápdụng đối với hợp đồng thông minh là pháp luật nào, chứ không xác định cụ thể các vấn đề như điều kiện có hiệu lực của hợp đồng; thực hiện giao kết hợp đồng; hình thức hợp đồng… trong hợp đồng thông minh được thiết lập. Các vấn đề trên sẽ được giải quyết khi xác định theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng. Pháp luật chung của châu Âu chỉ quy định chung về các vấn đề liên quan đến hợp đồng và xây dựng các nguyên tắc cơ bản về vấn đề xác định luật áp dụng cho hợp đồng. Do hợp đồng thông minh có sự khác biệt rõ rệt so với hợp đồng truyền thống lẫn hợp đồng điện tử nên khi xác định pháp luật áp dụng, các nguyên tắc mà Liên minh châu Âu thiết lập, cũng như Quy chế Rome chỉ điều chỉnh chung cho hợp đồng thông minh như một hợp đồng thông thường. Đồng thời, Liên minh châu Âu cho phép các quốc gia có quy định cụ thể về hợp đồng thông minh có thể áp dụng điều chỉnh các vấn đề liên quan đến hợp đồng thông minh. Chính vì vậy, Liên minh châu Âu không quy định riêng biệt về các vấn đề của hợp đồng, mà xem hợp đồng thông minh như một dạng của hợp đồng truyền thống và sử dụng các quy định về hợp đồng truyền thống để điều chỉnh cho hợp đồng thông minh. Theo đó, có thể thấy Liên minh châu Âu xem hợp đồng thông minh như một dạng thức khác của hợp đồng. Tuy nhiên, hợp đồng thông minh vẫn thể hiện các đặc điểm và tính chất riêng biệt của nó khi so sánh với hợp đồng truyền thống dựa trên các tiêu chí như hình thức; chủ thể; đối tượng… Dựa vào các tiêu chí này có thể thấy được nó có sự khác biệt rất lớn so với hợp đồng truyền thống.

Bản chất pháp lý của hợp đồngthông minh

Ngày 23/02/2022, Ủy ban châu Âu đã công bố các đề xuất của mìnhnhằm hài hòa các quy tắc về quyền truy cập và sử dụng dữ liệu một các công bằng, thông qua Đạo luật dữ liệu(5). Theo Đạo luật dữ liệu, hợp đồng thông minh được định nghĩa là các chương trình máy tính trên sổ cái điện tử, có chức năng thực hiện và giải quyết các giao dịch dựa trên các điều kiện đã xác định từ trước. Như vậy, châu Âu công nhận giá trị pháp lý của hợp đồng thông minh là chương trình điện tử. Thực chất hợp đồng thông minh của các bên cũng chính là một dãy lệnh được mã hóa, không có hình thức rõ ràng và hiển thị cụ thể như hợp đồng truyền thống. Hình thức của hợp đồng truyền thống theo quy định của Liên minh châu Âu sẽ căn cứ vào pháp luật của từng quốc gia, các nguyên tắc Liên minh châu Âu thiết lập không quy định. Về nguyên tắc thì hợp đồng được điều chỉnh bởi Bộ nguyên tắc của luật hợp đồng châu Âu (PECL) không phải tuân theo bất kỳ yêu cầu nào về hình thức hay bất kỳ bằng chứng nào để xác định hợp đồng hợp lệ(6). Tuy nhiên, theo quy định điều chỉnh về hợp đồng trong Quy chế Rome 1, thì Liên minh châu Âu áp dụng pháp luật về hợp đồng thông thường để điều chỉnh cho hợp đồng thông minh và các vấn đề liên quan hợp đồng thông minh sẽ căn cứ và pháp luật từng quốc gia cụ thể. Có thể thấy, pháp luật Liên minh châu Âu chưa thực sự có quy định khung để áp dụng chung cho tất cả các quốc gia và vẫn đang bỏ ngỏ về bản chất của hợp đồng thông minh.

Khi xem xét về hình thức, bảnchất, cũng như cơ chế vận hành của hợp đồng thông minh, cho thấy hợp đồng thông minh chỉ là một công cụ để thực hiện hợp đồng, chứ nó thực sự không phải là một hợp đồng đúng nghĩa hay là cơ sở để thực hiện các nghĩa vụ(7). Sở dĩ Liên minh châu Âu cóthể áp dụng các quy định về hợp đồng truyền thống vào điều chỉnh hợp đồng thông minh là bởi có tiền đề về một tổ chức chuyên quản lý về giao dịch điện tử chính là Ủy ban châu Âu, với nền tảng là sự công nhận tiền điện tử là tài sản(8). Bên cạnh đó, Theo Bộ nguyên tắc của luật hợp đồng châu Âu thì pháp luật châu Âu cho phép hợp đồng dưới mọi hình thức, do đó hợp đồng thông minh thỏa mãn điều kiện về hình thức, cũng như có các nguyên tắc pháp lý chung được quy định chặt chẽ do Liên minh châu Âu thiết lập.

Pháp luật Việt Nam về hợp đồng thông minh

Thực tiễn hiện nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có một quy định cụ thể về hợp đồng thông minh. Để một hợp đồng có hiệu lực theo pháp luật Việt Nam thì cần xem xét cả về nội dung lẫn hình thức của nó. Theo đó, xét về các yếu tố để hợp đồng có hiệu lực theo pháp luật Việt Nam gồm có: chủ thể phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; các bên giao kết trên nguyên tắc tự nguyện, tự do ý chí; mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức giao dịch dân sự được thể hiện dưới dạng văn bản, lời nói hoặc hành vi cụ thể. Theo đó, khi so sánh giữa hợp đồng thông minh và hợp đồng truyền thống, sẽ có một số khác biệt như sau:

(i)      Về hình thức của hợp đồng: Ở hợp đồng truyền thống thì hình thức giao dịch bằng văn bản, lời nói hoặc hành vi cụ thể(9), còn hợp đồng thông minh được thể hiện thông qua một hoặc nhiều điều khoản hoặc các điều kiện của thỏa thuận nhưngkhông được ghi và lưu trữ bằng văn bản hoặc các hình thức tương tự như văn bản, mà được thiết kế để xử lý được bằng hệ thống máy tính. Hợp đồng thông minh không sử dụng ngôn ngữ tự nhiên như hợp đồng thông thường, mà nó sử dụng ngôn ngữ máy tính để cung cấp dữ liệu cho máy tính phân tích, tự động hóa, truyền đạt, lưu trữ các nghĩa vụ của hợp đồng. Tuy nhiên, một điểm bất lợi từ việc sử dụng ngôn ngữ máy tính đó là không phải mọi vấn đề mà các bên thỏa thuận đều có thể được thể hiện dưới dạng dữ liệu mà máy tính có thể xử lý được.

(ii)     Về chủ thể: Đối với hợp đồng truyền thống, các bên chủ thể đều là con người, nếu có sự tham gia của bên thứ ba thì cũng là con người. Tuy nhiên, đối với hợp đồng thông minh, hệ thống máy tính cũng là một trong các bên quan trọng trong hợp đồng.

(iii)    Về nội dung: Nội dung của hợp đồng thông minh sẽ được mã hóa bằng ngôn ngữ máy tính và các điều khoản hợp đồng đó không thể sửa đổi sau khi đã mã hóa. Điều đó phần nào giúp cho các bên bảo đảm được tối đa khả năng thực thi hợp đồng trên thực tế. Tuy nhiên, nó cũng gây ra trở ngại cho các bên vì trên thực tế có thể xuất hiện sự kiện bất ngờ gây ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng. Do đó, để khắc phục được tình trạng trên, cũng như vận dụng được tối đa lợi ích của nó, đòi hỏi người soạn thảo hợp đồng phải dự liệu được trước khả năng hợp đồng có thể bị thay đổi và liệt kê những trường hợp đó ra qua việc mã hóa các dòng lệnh. Trong khi đó, với hợp đồng thông thường thì việc bổ sung, sửa đổi, thay thế hợp đồng sẽ dễ dàng hơn và các bên có thể tự do thỏa thuận theo ý chí của mình.

(iv)    Giá trị của hợp đồng: Hợp đồng thông minh không được xemlà một hợp đồng pháp lý thông thường mà chỉ được xem là việc thực thi các nghĩa vụ hay chỉ một phần của hợp đồng.

Qua đó, nhận thấy bản chất của hợp đồng thông minh và hợp đồng truyền thống có những điểm khác biệt đáng kể, hợp đồng thông minh dường như chỉ là một phương thức giao dịch, một điều khoản trong hợp đồng chứ không hẳn là một hợp đồng nhất định. Cơ chế hoạt động của hợp đồng thông minh giống như chiếc máy bán hàng tự động, nhận lệnh theo cú pháp nếu- thì (if - then). Chúng sẽ tự động thực hiện những điều khoản đã được lập trình sẵn từ trước khi đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết đã được đặt ra. Khi một sự kiện được kích hoạt bằng cách thực thi một giao dịch trên blockchain, các hợp đồng thông minh sẽ hoạt động và thực thi các điều khoản đã được đồng thuận trước đó. Điều này dẫn đến các bên không thể thay đổi nội dung đã thỏa thuận nhưng bù lại sẽ không có sự lừa dối, mơ hồ trong cách hiểu hợp đồng cũng như bảo đảm được sự trung thực và khả năng thực thi của điều khoản. Với sự khác biệt rõ rệt như trên, không thể áp dụng các quy định về hợp đồng ở Việt Nam để điều chỉnh cho hợp đồng thông minh.

Một số gợi mởcho Việt Nam về xác định bản chất pháp lý hợp đồng thông minh

Hiện nay, về bản chất của hợp đồng thông minh thì đang có hai luồng quan điểm trái chiều nhau. Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng hợp đồng thông minh là một dạng của hợp đồng pháp lý, theo đó có thể áp dụng pháp luật về hợp đồng để điều chỉnh hợp đồng thông minh(10).

Luồng quan điểm thứ hai thì cho rằng hợp đồng thông minh đơn thuần là chỉ là phương thức thanh toán, với chức năng hỗ trợ cho việc thực hiện hợp đồng chính(11).

Với luồng quan điểm thứ nhất sẽ đặt ra rất nhiều vấn đề pháp lý về việc vận hành hợp đồng thông minh, như quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên hợp đồng thì chuyển sang mã hóa trên máy tính như thế nào. Bên cạnh đó, các chủ thể tham gia hợp đồng nói chung theo pháp luật dân sự phải là cá nhân hoặc pháp nhân có đầy đủ năng lực dân sự. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc bảo mật danh tính trên nền tảng blockchain sẽ làm cho việc xác định tư cách chủ thể của các bên tham gia hợp đồng trở nên khó khăn bởi thực hiện hợp đồng trên không gian mạng, dẫn đến rất khó khăn cho các bên trong việc xác định bên còn lại có đầy đủ tư cách tham gia hợp đồng hay không.

Thêm vào đó, vấn đề về việc xác định ý chí của các bên liệu có tự nguyện hay không cũng không hề đơn giản, bởi trong hợp đồng thông minh không có quy định rõ về nội dung của hợp đồng mà chỉ đơn thuần là một đoạn mã máy tính được thiết lập. Đồng thời, do tính bất biến của hợp đồng thông minh cũng sẽ làm cho các bên gặp nhiều thách thức khi không thể thực hiện hợp đồng do các nguyên nhân khách quan như hoàn cảnh thay đổi cơ bản, các sự cố phát sinh, sự kiện bất khả kháng… Điều đó dường như gây nên sự bất tiện thay vì khai thác được ưu điểm của nó. Trong khi đó, nếu theo luồng quan điểm thứ hai tiếp cận từ góc độ mục đích sử dụng của hợp đồng thông minh, xem hợp đồng thông minh chỉ là một phương tiện dùng để thúc đẩy hoặc tự động hóa quy trình thực hiện hợp đồng (software agent)(12)thì lúc này hợp đồng thông minh chỉ là một công cụ hữu ích giúp các bên trong việc hỗ trợ thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng và hợp đồng thông minh sẽ trở thành đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp này, hợp đồng thông minh sẽ không có hiệu lực pháp lý, dẫn đến một bất cập là khi nó xảy ra lỗi thì các quyền và lợi ích chính đáng của các bên sẽ không được bảo vệ(13).

Có thể thấy, để quy định bản chất pháp lý của hợp đồng thông minh là một dạng của hợp đồng sẽ rất khó khăn, bởi pháp luật Việt Nam chưa có các tiền đề, nền tảng như Liên minh châu Âu đã được phân tích ở trên. Do đó, nếu đi theo quan điểm thứ nhất sẽ gặp nhiều rào cản bởi lý do cốt lõi là sự khác biệt rất lớn giữa các quy định về hợp đồng trong hệ thống pháp luật Việt Nam so với phương thức vận hành của hợp đồng thông minh(14). Theo quan điểm của tác giả, nên quy định về bản chất của hợp đồng thông minh là một phương thức giao dịch, hỗ trợ các bên thực hiện giao dịch của mình. Bởi, nếu trong trường hợp các bên giao kết hợp đồng trước, đồng thời các bên cũng thỏa thuận hợp đồng thông minh thì khi này hợp đồng thông minh không thực sự là một hợp đồng đúng nghĩa, mà thực chất hợp đồng thông minh chỉ là một cách thức để thực hiện nghĩa vụ của các bên, giúp các bên thực hiện giao dịch. Đồng thời, nếu trong trường hợp các bên không có hợp đồng ở bên ngoài mà chỉ thực hiện thỏa thuận trên hợp đồng thông minh, thì khi này thực chất hợp đồng thông minh chỉ là một mã code được lập trình để thực hiện các giao dịch. Điều đó cho thấy bản chất của nó cũng chỉ là một hành vi, bằng chứng thể hiện các bên tồn tại một thỏa thuậnvới nhau, chứ không thực sự là một hợp đồng đúng nghĩa. Chính vì vậy, tác giả gợi mở về quy định bản chất của hợp đồng thông minh theo hướng là một phương thức thanh toán chứ không phải là một dạng hợp đồng nhất định. Bởi khi này sẽ đúng bản chất của hợp đồng thông minh, cũng như phù hợp với các quy định của pháp luật về hợp đồng tại Việt Nam, giúp cho không phải thay đổi quá nhiều khi ứng dụng hợp đồng thông minh vào trong thực tiễn.

Kết luận

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo nên một bước đột phá làm thay đổi mạnh mẽ toàn bộ hệ thống quản lý, vận hành, sản xuất của xã hội loài người. Trong đó, phải kể đến sự xuất hiện công nghệ chuỗi khối Blockchain và hợp đồng thông minh đã góp phần thay đổi chất lượng cuộc sống của con người và hỗ trợ hiệu quả việc quản lý các vấn đề trong xã hội. Hiện nay, ứng dụng của blockchain nói chung và hợp đồng thông minh nói riêng đã xuất hiện và có mặt trong hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục… Tuy nhiên, vẫn chưa có một quy định nào xác định “danh phận” cho hợp đồng thông minh, cũng như chưa có quy định về cơ chế vận hành hay điều chỉnh đối với loại hợp đồng này. Việc nghiên cứ về bản chất pháp lý của hợp đồng thông minh từ kinh nghiệm của liên minh châu Âu (EU) để từ đó đưa ra được các giải pháp, kiến nghị phù hợp nhằm hướng tới hợp thức hóa loại hợp đồng này trong pháp luật Việt Nam là điều rất quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

= = =

(1)     Vũ Thị Diệu Thảo, Đàm phán với những mã lệnh: SC và vấn đề pháp lý còn bỏ ngỏ, https://vnlawfind.com.vn/dam-phan-voi- nhung-ma-lenh-hop-dong-thong-minh-va-van-de-phap-ly-con-bo-ngo/, ngày 18/3/2024.

(2)     Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đặc điểm nổi trội của Blockchain, https://insight.isb.edu.vn/dac-diem-noi-troi-cua- blockchain/, ngày 18/3/2024.

(3)     LeewayHertz, Blockchain to disrupt uber : entering ridesharing industry, https://www.leewayhertz.com/blockchain-disrupting- uber-platform/#:~:text=%E2%80%9CUber%20Blockchain%20can%20connect%20drivers%20directly%20with%20riders,in%20 almost%20all%20the%20countries%20of%20the%20world, ngày 18/3/2024.

(4)     Council of the EU, Digital Finance: agreement reached on European crypto - assets regulation (MiCA), https://www.consilium. europa.eu/en/press/press-releases/2022/06/30/digital-finance-agreement-reached-on-european-crypto-assets-regulation-mica/, ngày 18/3/2024.

(5)     Alexander Schmalenberger, Smart contracts in the Data Act, https://www.taylorwessing.com/en/interface/2022/smart- contracts/smart-contracts-in-the-data-act, ngày 18/3/2024.

(6)     Pace International Law Review, The Formation of Contracts & the Principles of European Contract Law, https://digitalcommons. pace.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1215&context=pilr, ngày 18/3/2024.

(7)     Harriet Jones-FenleighAdam, Sanitt Jonathan, Hawkins, Smart Legal contract under English law, https://www.nortonrosefulbright.com/en/inside-disputes/blog/202202-smart-legal-contracts-under-english-law-introduction#:~:text=A%20smart%20legal%20 contract%20is%20%E2%80%9Ca%20legally%20binding%20contract%20in,advantage%20of%20the%20automation%20process, ngày 18/3/2024.

(8)     Rahul Nambiampurath, European Council Approves Crypto Regulation Bill, https://www.investopedia.com/eu-on-crypto- regulations-6747785, ngày 18/3/2024.

(9)     Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015.

(10)   Vũ Thị Diệu Thảo, Hợp đồng thông minh: bước nhảy vào thế giới viễn tưởng, https://vnlawfind.com.vn/hop-dong-thong-minh- buoc-nhay-vao-the-gioi-vien-tuong/, ngày 18/3/2024.

(11)   Vũ Thị Diệu Thảo, tlđd.

(12)   Vũ Thị Diệu Thảo, tlđd.

(13)   Nguyễn Phạm Thảo Linh, Thực trạng các quy định pháp luật về hợp đồng thông minh và một số giải pháp hoàn thiện, https:// tapchitoaan.vn/thuc-trang-cac-quy-dinh-phap-luat-ve-hop-dong-thong-minh-va-mot-so-giai-phap-hoan-thien6947.html, ngày 18/3/2024.

(14)   Nguyễn Phạm Thảo Linh, tlđd.

 ThạcTRẦN LINH HUÂN

Trường Đại học Luật TP. HCM

Nguyễn Mỹ Linh