/ Tích hợp văn bản mới
/ Chính phủ ban hành 3 văn bản quy phạm pháp luật trong tháng 6

Chính phủ ban hành 3 văn bản quy phạm pháp luật trong tháng 6

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Theo Thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp, trong tháng 6/2022, Chính phủ đã ban hành 3 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 3 nghị định.

11 văn bản QPPL được ban hành trong tháng 6/2021

Ảnh minh họa. 

Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý hành chính Nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu

Ngày 06/6/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2022/NĐ-CP  sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Về sự cần thiết ban hành Nghị định này, thông cáo nêu rõ, thực tiễn thi hành các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong những năm qua cho thấy, nhiều quy định về mức phạt tiền, biện pháp khắc phục hậu quả... chưa tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra dẫn đến không bảo đảm tính giáo dục, răn đe, tình trạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực các nghị định này điều chỉnh vẫn diễn biến phức tạp.

Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu thiếu cơ sở pháp lý để xử phạt và quản lý hoạt động sản xuất, sử dụng tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ, vì vậy cần bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính về tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ. Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Việt Nam để phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định pháp luật có liên quan.

Khắc phục những bất cập, tạo lập cơ sở pháp lý vững chắc, ổn định, khả thi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam.

Tạo điều kiện để triển khai các định hướng lớn về cung cấp dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước

Ngày 24/6/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2022/NĐ-CP quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng. Thông cáo nêu rõ, ngày 13/6/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2011/NĐ-CP quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước. Sau 10 năm thực hiện Nghị định, việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Nhà nước đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, làm cho hoạt động của các cơ quan Nhà nước được minh bạch, hiệu quả hơn; góp phần phòng, chống tham nhũng, thực hiện cải cách hành chính toàn diện. 

Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, trong cả thực tế triển khai và môi trường pháp lý, đồng thời cũng cần nghiên cứu vận dụng kinh nghiệm quốc tế về cung cấp dịch vụ trực tuyến vào thực tiễn phát triển của Việt Nam. Nhằm khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế, đồng thời cập nhật các nội dung mới phù hợp với sự phát triển công nghệ, thực tiễn cung cấp dịch vụ trực tuyến trong nước và quốc tế, bảo đảm tính khả thi khi thực hiện các mục tiêu phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số nói chung và mục tiêu cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội nói riêng, việc xây dựng và ban hành một nghị định mới thay thế Nghị định số 43/2011/NĐ-CP là hết sức cần thiết. Trong đó, môi trường pháp lý phải tạo điều kiện để triển khai các định hướng lớn về cung cấp dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Nhà nước trong giai đoạn mới. 

Cụ thể như: Cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến đa dạng, bất cứ lúc nào, bất cứ đâu và trên bất cứ phương tiện gì; Chỉ cung cấp một lần đối với dữ liệu yêu cầu người dùng cung cấp cho cơ quan Nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến có giao diện thân thiện, dễ sử dụng, an toàn bảo mật, được chuẩn hoá, cá thể hóa; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình được quản lý và giám sát; Tích hợp dịch vụ xung quanh nhu cầu người dân và doanh nghiệp; Thay đổi văn hoá làm việc, thể chế để cung cấp kịp thời dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Nhà nước; Sản phẩm phần mềm dịch vụ công trực tuyến được cung cấp dưới dạng dịch vụ; Cùng người dùng tạo dịch vụ công trực tuyến và tạo kênh tương tác tích cực với người dân, doanh nghiệp; Tạo hệ sinh thái cung cấp dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Nhà nước.

Hoàn thiện quy định liên quan đến xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản

Sau 6 năm (từ 2016-2022) triển khai thực hiện xây dựng, quản lý và sử dụng Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản (Hệ thống thông tin) theo quy định của Nghị định số 117/2015/NĐ-CP, bên cạnh các kết quả đã đạt được thì cũng xuất hiện những tồn tại, khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật hiện hành và việc tổ chức thi hành pháp luật ở các cấp, khiến Hệ thống thông tin vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là việc quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản. 

Trong đó các khó khăn, vướng mắc tập trung ở các nguyên nhân chính: Về quy định liên quan đến chế độ báo cáo, biểu mẫu thu thập thông tin nhiều, phức tạp, chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan, đơn vị; nguồn lực về tài chính, nhân sự còn hạn hẹp; chế tài áp dụng đối với các hành vi vi phạm chưa mang tính răn đe; công tác phối hợp, tổ chức thực hiện chưa được quan tâm đúng mức cần thiết. Do vậy, việc sửa đổi Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ và thay thế bằng Nghị định số 44/2022/NĐ-CP ngày 29/6/2022 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng Hệ thống thông tin là hết sức cần thiết.

Nghị định số 44/2022/NĐ-CP ngày 29/6/2022 của Chính phủ được ban hành nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến việc xây dựng, quản lý và sử dụng Hệ thống thông tin, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương có liên quan, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và các nhu cầu chính đáng khác trong xã hội đồng thời đảm bảo phù hợp, tương thích với Khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam.

PV

Hướng dẫn sử dụng biên lai điện tử theo quy định mới

Lê Minh Hoàng