Trong đó, Nghị định số 104/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2021 của Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
Nghị định quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 10 và tháng 11 năm 2021 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, cụ thể như sau:
- Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 10 năm 2021 chậm nhất là ngày 20/12/2021.
- Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 11 năm 2021 chậm nhất là ngày 30/12/2021.
Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống ma túy. Nghị định khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện các quy định hiện hành có liên quan; góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý chặt chẽ, thuận lợi, bảo đảm sự đồng bộ thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về hoạt động phối hợp giữa Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; đáp ứng được những yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống ma túy trong tình hình mới, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Nghị định số 108/2021/NĐ-CP ngày 07/12/2021 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng. Theo đó, tăng thêm 7,4% đối với các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng trước ngày 01/01/2022.
Các đối tượng nghỉ hưu trước ngày 01/01/1995 sau khi thực hiện điều chỉnh mức 7,4% mà có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng dưới 2.500.000 đồng/tháng, thì tiếp tục được điều chỉnh: tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp từ 2.300.000 đồng/người/tháng trở xuống và tăng lên bằng 2.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp từ 2.300.000 đồng/người/tháng đến dưới 2.500.000 đồng/người/tháng.
Nghị định số 112/2021/NĐ-CP ngày 10/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Trong đó, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (doanh nghiệp dịch vụ) phải thực hiện ký quỹ 2 tỷ đồng tại một ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Đối với doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ cho chi nhánh thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải ký quỹ thêm 500 triệu đồng đối với mỗi chi nhánh được giao nhiệm vụ.
Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nghị định quy định về: Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính; quy định về vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính; áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính và quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
Nghị định số 120/2021/NĐ-CP ngày 24/12/2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Nghị định gồm 05 Chương và 56 Điều quy định về: Thủ tục lập hồ sơ, xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và biện pháp quản lý tại gia đình; thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; thi hành quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Nghị định số 125/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới. Nghị định bổ sung hành vi, hình thức và tăng mức xử phạt đối với nhiều hành vi để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa: Bổ sung quy định xử phạt đối với một số hành vi vi phạm về bình đẳng giới. Cụ thể như: hành vi phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định; hành vi ép buộc hoặc nghiêm cấm người khác lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp vì định kiến giới; hành vi vận động, xúi giục, ép buộc hoặc cản trở người khác tham gia học tập, đến trường, lựa chọn môn học, ngành, nghề học tập, đào tạo vì lý do giới tính,… Tăng mức xử phạt đối với các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm từ 200.000 đến 500.000 đồng lên 2.000.000 đến 3.000.000 đồng.
Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em. Trong đó, Nghị định quy định về cấm bạo lực với trẻ em; cấm lạm dụng, bóc lột trẻ em; cấm sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác; về quyền bày tỏ ý kiến, nguyện vọng và tham gia vào các vấn đề về trẻ em; hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em; cung cấp các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thông tin, truyền thông có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em.
Nghị định số 139/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa; Các hành vi vi phạm về hoạt động của phương tiện thủy nội địa ngoài phạm vi luồng và vùng nước chưa được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải, bao gồm: Vi phạm của phương tiện thủy nội địa; thuyền viên, người lái phương tiện; quy tắc giao thông và tín hiệu của phương tiện; vận tải đường thủy nội địa; tai nạn giao thông đường thủy nội địa và tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa.
Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Nghị định ban hành nhằm bảo đảm sự phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính; đồng thời, bảo đảm tính thống nhất của Nghị định trong hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan và phù hợp với các Điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Thể chế hoá quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội nói chung nhằm góp phần tạo môi trường an toàn, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế.
Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Quyết định có 8 điều quy định phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc phân bổ vốn; nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách Trung ương trung hạn và hằng năm; tiêu chí, định mức và phương pháp phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương; quy định tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình; danh mục 10 phụ lục kèm theo.
Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước. Theo đó, về nội dung và mức hỗ trợ từ Quỹ, Quyết định quy định cụ thể các trường hợp hỗ trợ cho người lao động, hình thức hỗ trợ và mức hỗ trợ. Hồ sơ, thủ tục đề nghị hỗ trợ của người lao động được quy định đơn giản, dễ thực hiện cho người lao động. Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong hoạt động khai thác, phát triển thị trường mới, mở rộng và ổn định thị trường lao động ngoài nước, hoặc giải quyết vụ việc phức tạp, nghiêm trọng liên quan đến tính mạng, nhân phẩm, tài sản hợp pháp của người lao động hoặc hỗ trợ đưa thi hài, di hài của người lao động bị chết về nước.
PV
UBTV Quốc hội xem xét, quyết định việc thực hiện trang phục xét xử của Hội thẩm nhân dân