/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Bản quyền tư liệu truyền hình: Rủi ro tiềm ẩn

Bản quyền tư liệu truyền hình: Rủi ro tiềm ẩn

20/01/2025 07:27 |3 tháng trước

(LSVN) - Truyền hình là một loại hình truyền thông đại chúng chuyển tải thông tin bằng hình ảnh và âm thanh bằng sóng vô tuyến điện. Truyền hình xuất hiện vào đầu thế kỷ thứ XX và phát triển với tốc độ như vũ bão nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ, tạo ra một kênh thông tin quan trọng trong đời sống xã hội. Ngày nay, truyền hình là phương tiện thiết yếu cho mỗi gia đình, mỗi quốc gia, dân tộc. Truyền hình đã trở thành công cụ hữu hiệu trong quản lý, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đáp ứng các giá trị tinh thần cho toàn xã hội.

Trong những năm 2000, một dịch vụ mới đại diện cho sự phát triển quan trọng đầu tiên trong công nghệ truyền hình kể từ khi truyền hình màu, đó là truyền hình kỹ thuật số. Truyền hình kỹ thuật số là việc truyền tải âm thanh và video bằng cách xử lý tín hiệu kỹ thuật số và ghép kênh, ngược lại hoàn toàn với các tín hiệu kênh analog được sử dụng bởi truyền hình analog. Tivi kỹ thuật số có thể hỗ trợ nhiều hơn một chương trình trong các băng thông cùng kênh.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ. 

Chương trình truyền hình là tập hợp các tin, bài trên báo hình theo một chủ đề trong thời lượng nhất định, có dấu hiệu nhận biết mở đầu và kết thúc (theo Thông tư số 03/2018/TT-BTTTT về Định mức kinh tế - kỹ thuật về sản xuất chương trình truyền hình của Bộ Thông tin và Truyền thông). Trong thực tế, rất khó cho một cá nhân có thể thực hiện toàn bộ các khâu sáng tạo nên tác phẩm truyền hình. Sản phẩm này là sự hợp tác từ nhiều tác giả, từ kịch bản, kỹ thuật, dựng hình... Các sản phẩm truyền hình là các tác phẩm có đồng tác giả.

Bên cạnh đó, nhiều chương trình truyền hình đã phải sử dụng các tư liệu, chất liệu từ nhiều nguồn khác nhau của các đồng nghiệp. Có thể minh họa như sau: một chương trình về lịch sử âm nhạc thì không thể thiếu các đoạn nhạc nền - một cấu thành quan trọng tác động đến hiệu quả truyền thông của chương trình đó. Rất dễ hiểu là các phóng viên, biên tập viên không thể là người sáng tác các đoạn nhạc đó hoặc là người hòa âm, phối khí cho đoạn nhạc được; các bộ phim tài liệu lịch sử chính trị vẫn thường sử dụng các cảnh quay ở các thời khắc lịch sử của đất nước. Do đó, việc sử dụng các chất liệu, tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau là việc làm thông thường của các phóng viên truyền hình. Với sự sáng tạo tiếp nối đã làm phong phú thêm kho tư liệu truyền hình.

Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005 (sửa đổi năm 2009 và năm 2022) có nhiều quy định về việc được khai thác, trích dẫn tác phẩm của người khác vào tác phẩm của mình.

Nhiều trường hợp pháp luật cho phép trích dẫn hợp lý tác phẩm thì không cần phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Theo quy định tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ (Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH ngày 08/7/2022), có 12 trường hợp được coi là trích dẫn hợp lý tác phẩm (Ví dụ: trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận, giới thiệu hoặc minh họa trong tác phẩm của mình; để viết báo, sử dụng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát sóng, phim tài liệu...). Tất nhiên, khi trích dẫn phải bảo đảm thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.

Bên cạnh đó, đối với tổ chức phát sóng, pháp luật cũng dành các ngoại lệ được khai thác tác phẩm của tác giả khác vì mục tiêu phụng sự xã hội. Điều 26 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về giới hạn quyền tác giả đã ghi nhận vấn đề này. Theo đó, các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền, phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm bao gồm:

- Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố, tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép định hình trên bản ghi âm, ghi hình công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng. Mức tiền bản quyền và phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận; trường hợp không đạt được thỏa thuận thì thực hiện theo quy định của Chính phủ. Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố, tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép định hình trên bản ghi âm, ghi hình công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng theo quy định của Chính phủ;

- Trường hợp tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép định hình trên bản ghi âm, ghi hình công bố nhằm mục đích thương mại thì tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình này trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm đó theo thỏa thuận kể từ khi sử dụng; trường hợp không đạt được thỏa thuận thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Khi các phóng viên, biên tập viên tuân thủ các quy định nói trên thì tác phẩm truyền hình của họ được pháp luật bảo hộ. Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động truyền hình, vấn đề này không phải lúc nào cũng thực hiện chuẩn chỉ, đúng luật. Vấn đề này có các nguyên nhân thực tiễn và lịch sử sau đây:

- Ý thức pháp luật về bản quyền của đội ngũ phóng viên, biên tập viên không phải ai cũng toàn diện. Nhiều người có sự hiểu biết hạn hẹp, không rõ ràng về bản quyền. Thậm chí, nhiều người biết nhưng lơ đãng, xem nhẹ vấn đề xin phép tác giả, ghi thông tin trích dẫn đến tác phẩm... Dù sao đi nữa, ở tầm xã hội, vấn đề bản quyền vẫn được coi là lĩnh vực mới và rất phức tạp tại Việt Nam.

- Thời gian sản xuất chương trình, bản tin hạn hẹp, các phóng viên bị cuốn vào guồng quay gấp rút của mạng lưới truyền thông. Chậm có nghĩa là bị mất khán giả, mất rating, mất tin nóng. Do đó, trong sản xuất chương trình thì một số phóng viên, biên tập viên đã cố tình lược bỏ công đoạn xin phép tác giả hoặc viện dẫn thông tin bản quyền cần thiết.

- Nhiều kho tư liệu của các tổ chức phát sóng được hình thành từ những năm 70 của thế kỷ trước (như của Đài Truyền hình Việt Nam...). Cùng với sự phát triển của đất nước, kho tư liệu này cũng phong phú dần lên. Trong khi đó, Luật Sở hữu trí tuệ đến năm 2005 mới được ban hành. Thời gian trước đó, mặc dù cũng có một số quy định về bản quyền tại Bộ luật Dân sự, nhưng khá đơn sơ và lỏng lẻo. Do đó, cũng khó lòng bảo đảm sự tuân thủ tuyệt đối vấn đề bản quyền trong các tư liệu truyền hình được lưu trữ.

- Khi một chương trình được đưa vào lưu trữ, các phóng viên được quyền khai thác với mặc nhiên hiểu rằng, chương trình đó đã thuộc quyền sở hữu của tổ chức phát sóng. Nhưng họ không hiểu rằng, một số tư liệu, trích yếu trong đó không bảo đảm tính bản quyền (hoặc là chưa được tác giả cho phép, hoặc là tác giả chỉ cho phép sử dụng ở chương trình gốc mà không được đưa sang chương trình khác...). Điều đó dẫn đến chương trình tiếp sau đã vô tình vi phạm bản quyền. Khi chương trình tiếp sau được đưa vào lưu trữ thì vòng quay vi phạm lại tiếp tục lặp lại.

Từ thực tiễn lưu trữ chương trình truyền hình tại các tổ chức phát sóng, hầu như có rất ít thông tin về bản quyền của các chương trình được lưu trữ và các chất liệu được sử dụng trong đó. Cần lưu ý rằng, có thể toàn bộ chương trình là thuộc sở hữu của tổ chức phát sóng đó, nhưng có nhiều chi tiết chưa bảo đảm yêu cầu bản quyền khi sử dụng trích yếu từ tác phẩm của tác giả khác.

Trong kỷ nguyên số, khi các tổ chức phát sóng đưa chương trình của mình lên internet thì nguy cơ vi phạm bản quyền là rất rõ ràng. Các tác phẩm được đưa lên internet nói chung và đưa lên các trang mạng nói chung sẽ được rà soát tự động bằng các phần mềm AI chuyên kiểm tra đối chiếu các thông tin bản quyền. Đơn giản là chỉ cần vài bit audio trong chương trình bị trùng lặp với tác phẩm của người chủ sở hữu đã upload trước đó thì toàn bộ chương trình của tổ chức phát sóng sẽ bị đánh chặn tự động. Trên mạng xã hội Youtube, mỗi lần bị takedown do vi phạm bản quyền thì được tính là “cờ” vi phạm. 5-6 lần bị cắm cờ thì toàn bộ tài khoản của tổ chức phát sóng sẽ bị đánh sập, bị hạn chế tương tác, bị giảm doanh thu...

Đây là vấn đề thuộc về công nghệ, kỹ thuật bảo vệ bản quyền trong thời kỳ phát triển hạ tầng số. Không có cách nào tránh được khả năng đánh chặn từ công nghệ kỹ thuật, từ phần mềm AI. Đây là một trong các nguyên nhân quan trọng mà nhiều tổ chức phát sóng không thể vội vàng cung cấp kho tư liệu lên hạ tầng số. Nhưng không sử dụng thế mạnh về tư liệu nội dung của mình thì các tổ chức phát sóng cũng gặp nhiều khó khăn cạnh tranh trong truyền thông.

Với thực tế lưu trữ tư liệu của các tổ chức phát sóng, chủ trương khai thác, sử dụng tư liệu truyền hình trên hạ tầng số đang đối mặt với nguy cơ hiện hữu. Những rủi ro về uy tín, vật chất cho các tổ chức phát sóng là có thể lường trước được. Vấn đề này đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ và nhanh chóng về quan điểm sản xuất và lưu trữ chương trình truyền hình trong kỷ nguyên số của các tổ chức phát sóng. Sự cạnh tranh trong lĩnh vực truyền thông không chờ đợi một ai, phải làm ngay bây giờ hoặc chấp nhận thụt lùi trong sự phát triển.

Luật sư NGUYỄN THỊ QUỲNH ANH

Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam