Ảnh minh họa.
Báo chí đã đưa tin, đăng bài của nhiều bạn đọc, chuyên gia tâm lý, luật gia, giáo viên, các chức sắc trong ngành giáo dục…Hoàn hảo nhất, chất lượng nhất, ý nghĩa nhất phải kể đến cuộc tọa đàm “Tròbắt nạtthầy: Căn nguyên ở đâu’’ do Báo Dân trí tổ chức ngày 08/12/2023 phát sóng trên mạng xã hội. Khách mời của Tọa đàm gồm: Một tiến sĩ nguyên là giáo viên Trường Chu văn An; một PGS, TS, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học quốc gia Hà Nội; một Tiến sĩ, Chủ tịch Công đoàn giáo dục, Bộ GD&ĐT.
Phát biểu của 3 vị khách mời trong Tọa đàm trên đây đã đi sâu tìm nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục vấn nạn BLHĐ nhằm vào 3 môi trường giáo dục học sinh là gia đình, nhà trường, xã hội. Cuộc tọa đàm đã rút ra các giải pháp rất cơ bản:
-Về phía gia đình: Phải ngăn chặn ảnh hưởng xấu của mạng xã hội đối với học sinh, hướng cho học sinh phấn đấu trở thành trò giỏi, con ngoan, dù thế nào cũng phải tôn trọng người thầy theo lời dạy của “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy’’.
- Về phía xã hội: Cần nhìn nhận đúng đắn về năng lực, nhân cách của giáo viên. Qua các vụ việc, xã hội thường đứng về phía học sinh, phía sau giáo viên chỉ có chiếc bảng trắng; truyền thông đừng làm cho dư luận bùng lên. Mỗi vụ việc xảy ra đều chỉ là sự việc đơn lẻ nằm trong điều kiện cụ thể của một trường chứ không phải phổ biến, không nên gây tư tưởng hoang mang, chán nản cho giáo viên.
- Về phía nhà trường: Giáo viên phải nâng cao vị thế của mình bằng cách nâng cao năng lực, nhân cách của mình, nâng cao kỹ năng ứng xử trong quản trị lớp học. Nhà trường cần tạo môi trường an toàn, thân thiện, hạnh phúc cho học sinh và giáo viên, nhà trường cần quan tâm giúp giáo viên; và giáo viên cần tự chăm sóc sức khỏe tâm thần và chế ngự được điểm sôi cảm xúc trong từng sự việc.
Qua theo dõi tọa đàm, có thể nhận ra rằng các giải pháp trên cũng đã được áp dụng trong cuộc sống nhưng không phải là hoàn toàn và hoàn hảo.
Ở góc độ quản lý nhà nước, nhận thức được tầm quan trọng của cách ứng xử trong các mối quan hệ thuộc nhà trường, Bộ GD&ĐT đã có Thông tư số 31/2017/TT-BGD&ĐT ngày 18/12/2017 hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Nội dung của công tác này được quy định trong khoản 2,3 Điều 5 của Thông tư này. Sáu năm đã qua đi mà hiệu lực của Thông tư trên vẫn chưa phát huy được như mong đợị. BLHĐ vẫn cứ diễn ra, ngày càng trầm trọng.
Hậu quả trên, theo tác giả có hai nguyên nhân bao trùm: Một là quan niệm của nhà cầm quyền, người định ra chính sách công về vị trí, vai trò, mối quan hệ giữa kinh tế và đạo đức; Hai là việc tu thân (tu dưỡng) trong xã hội hiện đại.
Điều dễ nhận thấy là trong chính sách công của hầu hết các Nhà nước trên thế giới đều chỉ thấy đề cập đến kinh tế mà không đề cập đến tư cách đạo đức của con người. Trụ cột, tâm điểm của nền kinh tế thị trường, đường lối, chính sách của mọi quốc gia đều tập trung vào GDP, RGDP. Từ cương lĩnh đến các kế hoạch kinh tế - xã hội dài hạn, trung hạn, ngắn hạn đều lấy phấn đấu đẩy mạnh GDP, RGDP là mục tiêu chính. Cạnh tranh thứ hạng của các nước cũng dựa vào các tiêu chí này.Ở chiều ngược lại, không hề có nước nào đề ra chỉ số đạo đức trong chính sách kinh tế- xã hội của mình.
Tại Liên Hiệp Quốc có Báo cáo thường niên của WHR về WHI. WHI được định nghĩa là thước đo đúng đắn của tiến bộ xã hội và mục tiêu của chính sách công. Duy chỉ có quốc gia Butan không lấy chỉ số GDP mà lấy Chỉ số hạnh phúc làm cơ sở cho chính sách kinh tế- xã hội của mình.
Ở Việt Nam, giai đoạn hiện nay chỉ có Đảng bộ tỉnh Yên Bái lấy Chỉ số hạnh phúc làm cơ sở cho chính sách kinh tế - xã hội của tỉnh. Chỉ số hạnh phúc của Yên Bái có 3 yếu tố:Sự hài lòng về cuộc sống; Sự hài lòng về môi trường sống; Tuổi thọ trung bình và số năm sống khỏe trên tuổi thọ trung bình.
Riêng trong lĩnh vực giáo dục, những mặt tiêu cực của một xã hội coi trọng vật chất, coi trọng kinh tế, xem nhẹ gia trị tinh thần đã hủy hoại tư cách, đạo đức của học sinh; đồng thời những tiêu cực đó cũng tấn công vào những thầy cô kém bản lĩnh, ham giàu có, tự hạ thấp giá trị của mình, tự dời bò chức năng cao quý của mình. Tất cả những điều đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn BLHĐ.
Do đó, trong tư duy chiến lược của người xây dựng chính sách công cần xác lập mối quan hệ đúng đắn giữa kinh tế và đạo đức. Kinh tế được xem là thành tố cơ bản trong hạ tầng cơ sở thì Đạo đức cũng phải được xem là thành tố cơ bàn trong thượng tầng kiến trúc. Giữa kinh tế và đạo đức phải có mối quan hệ hữu cơ, tương thích thì xã hội mới phát triển bình thường được. Nghĩa là phải đề cao đạo đức để đạo đức chế ước kinh tế theo cơ chế trên đây. Nhà nước cần đúc rút những mặt tốt về đạo đức xã hội thành tiêu chí đánh giá chất lượng quản lý nhà nước ở từng cấp hành chính. Nếu biểu đồ này hàng năm đi lên tức là đạo đức xã hội được nâng cao, khi đó BLHĐ sẽ giảm bớt; bởi vì nguyên nhân đạo đức xã hội giảm sút là nguyên nhân bao trùm khiến BLHĐ tăng.
Vấn đề bao trùm thứ hai, ấy là vấn đề tu thân trong xã hội hiện đại. Cách mạng tư sản đã giải phóng con người trong mọi quan hệ xã hội. Điều đó kích thích con người tự do sáng tạo để phát triển. Nhưng đúng ra, về mặt đạo đức, cần giữ lại những vấn đề gì là cốt lõi vì con người là sinh vật cao cấp cần một đời sống nhân văn, văn minh. Và vì sống chung trong cộng đồng nên mỗi cá nhân cần phải tuân theo những tiêu chuẩn chung cho nên tu thân là một đòi hỏi khách quan. Vậy mà hiện nay, nói chung, các Nhà nước chưa đặt ra hoặc đặt ra chưa đúng tầm, chưa chính thống yêu cầu mỗi cá nhân trong cộng đồng phải tu dưỡng theo những tiêu chuẩn về tư cách, đạo đức. Nói đúng hơn, chúng ta có thể có những tiêu chuẩn đạo đức riêng lẻ ở một ngành, giới nào đó, nhưng những tiêu chuẩn đạo đức cơ bản cho một con người chuẩn mực đích thực nói chung thì chưa có, chưa được đưa vào cương lĩnh, vào chính sách công được xã hội đồng thuận.
Trở lại lịch sử, trong các triết gia phương đông, có lẽ Khổng Tử là người có những đóng góp vĩ đại về vấn đề tu thân. Khổng Tử cho rằng, động lực chính yếu để duy trì trật tự xã hội không phải là pháp luật mà là sự rèn luyện nhân phẩm. Khổng Tử đã thành công trong việc xây dựng hình mẫu người quân tử đến mức nó trở thành thần tượng trong xã hội phong kiến phương Đông. Theo Khổng Tử, quân tử là hình mẫu lý tưởng mà vua chúa và thứ dân cần noi theo và thực hành. Quân từ là hạng người có nhân phẩm cao quý, đức hạnh, chuộng nhân nghĩa, đạt lý cao minh, chăm lo đạo lý, coi thường cái nghèo (ưu đạo, bất ưu bần), nói ít, làm nhiều, giao dịch với người trên không xiểm nịnh, với người dưới không độc ác…
Để xây dựng Hệ tiêu chuẩn đạo đức trong điều kiện của chúng ta có lẽ cấp bách nhất là xây dựng Hệ tiêu chuẩn tư cách đạo đức cho từng giới, từng ngành nghề. Chẳng hạn, xây dựng hình mẫu về tư cách, đạo đức lứa tuổi học trò, như: Kính trọng, lễ phép với thầy cô, ngoan ngoãn, đoàn kết thân yêu giúp đỡ bạn bè, thật thà, không nói tục, chửi bậy, lễ phép, kính trọng người già, yêu trẻ, chăm học, chăm làm…
Điều quan trọng là gia đình, nhà trường và xã hội phải cùng nhau đề cao tư cách học trò, làm cho trẻ tự hào về danh hiệu học trò của mình, thấy mình là học trò phải khác đứa không phải là học trò, từ đó mà có cách ứng xử hợp chuẩn.
Rõ ràng rằng, trong một xã hội mà kinh tế và đạo đức được nhìn nhận đúng mức, xã hội không còn người xem nhẹ tư cách, đạo đức của mình thì tiêu cực xã hội nói chung và BLHĐ nhất định sẽ giảm.
NGUYỄN VĂN HOAN