/ Trao đổi - Ý kiến
/ Bàn về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp bản án, quyết định bị hủy, sửa

Bàn về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp bản án, quyết định bị hủy, sửa

20/10/2022 16:55 |

(LSVN) - Tại khoản 2, Điều 133 của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 có quy định như sau: "Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa".

Ảnh minh họa.

So sánh quy định này với quy định tại khoản 2, Điều 138 của BLDS năm 2005: “Trong trường hợp tài sản giao dịch là bất động sản hoặc là động sản phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa” thì thấy rằng có sự khác nhau về điều kiện để bảo vệ quyền lợi của người thứ bao ngay tình và hậu quả pháp lý trong giao dịch với người thứ ba ngay tình. Vấn đề đặt ra là tại sao BLDS năm 2015 lại có quy định khác như vậy và việc sửa đổi quy định này trong thực tế có hiện nay có phù hợp không hoặc là có bất cập gì.

Bài viết này tập trung phân tích các quy định của pháp luật hiện hành như sau:

1. Về sự khác biệt trong quy định tại khoản 2, Điều 138 của BLDS năm 2005 và quy định tại khoản 2, Điều 133, của BLDS năm 2015 về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp bản án, quyết định bị hủy, sửa

Thứ nhất, BLDS năm 2015 không phân biệt tài sản được giao dịch với người thứ ba ngay tình là động sản hay bất động sản như quy định của BLDS năm 2005 mà chỉ quy định chung là tài sản. Theo quy định tại Điều 105 của BLDS năm 2015 thì “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.

Thứ hai, BLDS năm 2015 quy định tài sản được giao dịch với người thứ ba ngay tình là tài sản thuộc trường hợp phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Như vậy, tài sản giao dịch phải là tài sản mà pháp luật có quy định phải đăng ký và việc đăng ký phải thực hiện tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đăng ký tài sản.

Theo Điều 106 của BLDS năm 2015 quy định về đăng ký tài sản như sau: “Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản được đăng ký theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đăng ký tài sản. Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là động sản không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật về đăng ký tài sản có quy định khác. Việc đăng ký tài sản phải được công khai”. Theo quy định hiện nay một số tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản như:

Tài sản phải đăng ký

Căn cứ pháp lý

 

Đất đai

Luật đất đai 2013

 

Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai

Luật nhà ở 2014

 

Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng

 

Tài sản khác (bất động sản) theo quy định của pháp luật.

 

Đăng ký tàu biển

Nghị định 171/2016/NĐ-CP về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển

 

Đăng ký phương tiện nội thủy địa

Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004

 

Đăng ký tàu cá

Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT

 

Đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ

Thông tư 15/2014/TT-BCA quy định về đăng ký xe

 

Đăng ký quyền sở hữu tàu bay

Nghị định 68/2015/NĐ-CP

 

Đăng ký phương tiện giao thông đường sắt

Thông tư 21/2018/TT-BGTVT

 

Đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

Luật Di sản văn hóa 2001

 

Đăng ký tài sản là vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017

 

Thứ ba, Việc bán đấu giá tài sản theo BLDS năm 2015 phải thực hiện tại “tổ chức có thẩm quyền”. Tức là việc bán đấu giá phải do tổ chức cò thẩm quyền thực hiện và đúng trình tự, thũ tục theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 4, Luật Đấu giá tài sản năm 2016, tài sản phải bán thông qua đấu giá, bao gồm:

- Tài sản Nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước;

- Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật;

- Tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

- Tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm;

- Tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;

- Tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước, tài sản kê biên để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

- Tài sản là hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia;

- Tài sản cố định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

- Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản;

- Tài sản hạ tầng đường bộ và quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

- Tài sản là quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản;

- Tài sản là quyền sử dụng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng;

- Tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện;

- Tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật;

- Tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá.

Theo quy định tại Điều 22 và Điều 23 của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 thì tổ chức đấu giá tài sản gồm:

Một là, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập. Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp;

Hai là, Doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập, tổ chức và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh theo quy định pháp luật.

2. Điều kiện để xác định giao dịch với người thứ ba ngay tình không bị vô hiệu trong trường hợp bản án, quyết định bị hủy, sửa theo BLDS năm 2015.

Nghiên cứu quy định tại khoản 2, Điều 133 của BLDS năm 2015 thì thấy rằng để xác định giao dịch với người thứ ba ngay tình không bị vô hiệu trong trường hợp bản án, quyết định bị hủy, sửa phải có các điều kiện sau:

Thứ nhất, tài sản giao dịch với người thứ ba ngay tình là tài sản thuộc trường hợp phải đăng ký theo quy định. Một số tài sản thuộc trường hợp phải đăng ký đã phân tích ở phần trên. Nếu tài sản không thuộc trường hợp phải thực hiện việc đăng ký thì không thuộc trường hợp bảo vệ người thứ ba ngay tình theo quy định tại khoản 2, Điều 133 của BLDS năm 2015.

Thứ hai, tài sản giao dịch với với người thứ ba ngay tình chưa thực hiện việc đăng ký tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, tài sản mà người thứ ba ngay tình nhận được phải thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền. Như vậy, chỉ những tài sản thuộc trường hợp bán đấu giá và được đem bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật thì người thứ ba ngay tình mới được bảo vệ quyền lợi. Cho nên tài sản mặc dù được tổ chức bán đấu giá nhưng việc bán đấu giá không đúng quy định của pháp luật (ví dụ như: tổ chức bán đấu giá không được pháp luật quy định nhưng tổ chức bán đấu giá tài sản) thì không thuộc trường hợp bảo vệ người thứ ba ngay tình.

Thứ tư, tài sản mà người thứ ba ngay tình nhận được do giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản. Người trực tiếp giao dịch tài sản với người thứ ba ngay tình phải là chủ sở hữu của tài sản đã giao dịch mà việc xác định quyền sở hữu tài sản đối với người này là theo bản án, quyết định của Toà án hoặc là theo quyết định của cơ quan Nhà nước khác do pháp luật quy định và đã có hiệu lực pháp luật và hiệu lực thi hành.

Sau khi giao dịch người thứ ba ngay tình và người chủ sở hữu tài sản được thực hiện thì bản án, quyết định của Toà án bị hủy, sửa theo trình tự, thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc phúc thẩm nếu xét xử lại hoặc trường hợp quyết định của cơ quan Nhà nước khác bị hủy, sửa theo bản án, quyết định của Toà án hoặc quyết định của cơ quan Nhà nước cấp theo do quyết định này bị khởi kiện hoặc khiếu nại theo quy định.

Kết luận

Quy định tại khoản 2, Điều 133 của BLDS năm 2015 thì thấy rằng nếu thuộc các trường hợp như đã nêu trên thì giao dịch tài sản với người thứ ba ngay tình không bị vô hiệu. Do đo, tại khoản 3, Điều 133 của BLDS năm 2015 mới có quy định: “Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2, Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại”. Quy định này là hoàn toàn hợp lý và không có bất cập gì. Bởi lẽ không chỉ quyền lợi của người thứ ba ngay tình được bảo vệ mà quyền lợi của người chủ sở hữu tài sản cũng được bảo vệ thông việc việc được quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.

DƯƠNG TẤN THANH - TRẦN VĂN LỰC

Học viên cao học Luật Trường Đại học Trà Vinh

Một số vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện về biện pháp tạm giam trong BLTTHS

Lê Minh Hoàng