Ảnh minh họa.
Quy định của pháp luật về biện pháp bắt buộc chữa bệnh
Điều 49 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về bắt buộc chữa bệnh như sau: Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật này, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.
Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.
Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.
Đây là quy định mà pháp luật dự liệu các trường hợp người phạm tội bị bắt buộc chữa bệnh, đồng thời nó còn thể hiện tính chất nhân đạo của Nhà nước ta đối với người phạm tội. Cho dù người phạm tội có thực hiện hành vi nguy hiểm như thế nào đối với xã hội, gây ra hậu quả ra sao, xâm phạm bao nhiêu quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ thì khi có cơ sở xác định người phạm tội mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì yêu cầu tiên quyết được đặt ra là áp dụng biện pháp tư pháp “bắt buộc chữa bênh” đối với người phạm tội. Trường hợp người phạm tội bị bắt buộc chữa bệnh có thể xảy ra tại bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Trường hợp thứ nhất: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh được quy định tại Điều 21 Bộ luật này. Cụ thể là “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Đây là trường hợp mà một người trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì bản thân họ đã bị các bệnh nêu trên, nếu không bị bệnh thì chắc chắn hành vi này đã không xảy ra trên thực tế vì khi đó họ có đầy đủ nhận thức để điều khiển hành vi của mình như thế nào cho phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội và quy định của pháp luật.
Tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật này đã quy định rất rõ các yếu tố cấu thành tội phạm: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện…”. Vì mắc các bệnh được quy định tại Điều 21 Bộ luật này mà người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi hay nói cách khác họ hoàn toàn không có năng lực trách nhiệm hình sự, do vậy mà các đối tượng này sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi mà họ thực hiện không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Và trong trường hợp này, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ trên kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần mà ra quyết định đưa những người này điều trị bắt buộc tại một cơ sở điều trị chuyên khoa.
Trường hợp thứ hai: Khác với trường hợp 1, đây là trường hợp mà người phạm tội mắc bệnh khi đang trong giai đoạn “sau khi thực hiện hành vi phạm tội đến trước khi bị kết án”. Mặc dù cũng mắc bệnh dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi nhưng những người này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội danh do mình thực hiện. Vì đang trong tình trạng không còn khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi nên không thể tiếp tục buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự mà trách nhiệm này sẽ bị gián đoạn cho đến khi người phạm tội khỏi bệnh. Tương tự trường hợp 1, Tòa án sẽ căn cứ theo kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần mà ra quyết định buộc người phạm tội phải chữa trị tại một cơ sở điều trị chuyên khoa.
Trường hợp thứ ba: Đang chấp hành hình phạt tù. Đây là trường hợp mà người phạm tội bị mắc bệnh trong khi đang chấp hành hình phạt tù, việc mắc bệnh này dẫn đến làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của người phạm tội. Vì vậy khi có quyết định của Tòa án về việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì thời hạn chấp hành hình phạt tù tạm thời ngưng cho đến khi người phạm tội được điều trị khỏi bệnh. Trừ trường hợp có lý do được miễn chấp hành hình phạt, nếu không người phạm tội vẫn phải tiếp tục chấp hành hình phạt tù trong thời hạn còn lại.
Đối với trường hợp này, pháp luật quy định thời hạn bắt buộc áp dụng biện pháp chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt. Điều này có nghĩa thời hạn chữa bệnh bao lâu thì được trừ vào thời hạn hình phạt tù còn lại, nếu khi khỏi bệnh mà thời gian điều trị bằng hoặc dài hơn phần thời hạn còn lại thì người phạm tội không phải tiếp tục chấp hành hình phạt nữa.
Cả ba trường hợp áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh nêu trên đều phải đảm bảo vấn đề người phạm tội chỉ khi nào điều trị khỏi bệnh thì mới tiếp tục bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hình phạt tù còn lại. Việc bệnh của người phạm tội chỉ mới dừng ở mức thuyên giảm, chưa khỏi thì không đủ cơ sở để tiếp tục truy cứu hoặc áp dụng hình phạt.
Để áp dụng biện pháp Bắt buộc chữa bệnh, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ vào quy định về đối tượng, trình tự, thủ tục, thẩm quyền áp dụng tại các điều: Điều 447; Điều 449; Điều 450; Điều 451; Điều 452 của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành để áp dụng khi cần thiết.
Vướng mắc trong quá trình áp dụng
Thứ nhất, trong trường hợp khi cơ quan tố tụng giải quyết nguồn tin về tội phạm có nghi ngờ người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự sau đó theo quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, cơ quan tố tụng sẽ tiến hành trưng cầu giám định để xác định năng lực trách nhiệm hình sự, trong trường hợp kết luận giám định xác định người bị tố giác là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự” thì việc xử lý các bước tiếp theo với người bị thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện như thế nào? Khi xem xét các Điều 447; Điều 449; Điều 450; Điều 451; Điều 452 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì không có quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục đối với trường hợp này, do đó cơ quan tố tụng không có căn cứ pháp luật để áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quy định của Điều 49 Bộ luật Hình sự, cơ quan tố tụng không thể áp dụng tùy tiện trong trường hợp mà pháp luật và các văn bản hướng dẫn không có quy định.
Cơ quan chức năng trong giai đoạn xác minh, giải quyết nguồn tin về tội phạm sẽ căn cứ vào đâu để đề nghị Viện Kiểm sát áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà không có năng lực trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật thì chỉ có thể áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và trong giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra phải đề nghị Viện Kiểm sát áp dụng biện pháp tư pháp này nhưng không quy định việc áp dụng trong giai đoạn xác minh nguồn tin về tội phạm. Khi đã có kết luận giám định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự nên không phải chịu trách nhiệm hình sự thì việc khởi tố bị can, sau đó đề nghị Viện Kiểm sát áp dụng biện pháp tư pháp đối với họ là vi phạm tố tụng vì không thỏa mãn yếu tố về chủ thể trong cấu thành tội phạm, do đó không thể sử dụng phương pháp khởi tố họ sau đó sẽ áp dụng biện pháp tư pháp này để giải quyết được.
Thứ hai, nếu việc áp dụng biện pháp Bắt buộc chữa bệnh đối với người có hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự không kịp thời, nhanh chóng thì sẽ rất nguy hiểm nếu để họ ngoài xã hội, gây ra mối đe dọa lớn tới sức khỏe, tài sản, tính mạng của cộng đồng.
Đề xuất, kiến nghị
Trong thời gian tới đề nghị cơ quan có thẩm quyền có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền đối với trường hợp áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh từ giai đoạn xác minh, giải quyết nguồn tin về tội phạm. Theo tác giả, có thể hưởng dẫn theo hướng cho phép cơ quan thụ lý giải quyết, xác minh nguồn tin về tội phạm khi cần thiết sẽ đề nghị Viện Kiểm sát có thẩm quyền áp dụng biện pháp Bắt buộc chữa bệnh với người có hành vi nguy hiểm khi có căn cứ, vì rõ ràng Viện Kiểm sát hoàn toàn có thẩm quyền kiểm sát vụ việc ngay từ giai đoạn giai quyết, xác minh nguồn tin về tội phạm.
VŨ VIỆT PHƯƠNG
Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 1
Xe đưa đón học sinh cần có quy chuẩn riêng biệt