/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Bàn về biện pháp tạm giam trong Bộ luật Tố tụng hình sự: Kiến nghị, đề xuất

Bàn về biện pháp tạm giam trong Bộ luật Tố tụng hình sự: Kiến nghị, đề xuất

04/10/2024 22:21 |

(LSVN) - Tạm giam là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án áp dụng đối với bị can, bị cáo. Tạm giam là một trong những biện pháp ngăn chặn có tính chất nghiêm khắc nhất trong các biện pháp ngăn chặn của tố tụng hình sự. Người bị áp dụng biện pháp tạm giam sẽ bị cách li với xã hội trong một thời gian nhất định, bị hạn chế một số quyền của công dân. Chế định tạm giam trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) hiện hành đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quá trình điều tra, truy tố và xét xử diễn ra thuận lợi, tránh tình trạng bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội.

Ảnh minh hoạ.

Về trường hợp áp dụng biện pháp tạm giam

Theo khoản 2 và 3 Điều 119 BLTTHS, tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong các trường hợp phạm tội nghiêm trọng hoặc ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định mức phạt tù trên 2 năm, tạm giam cũng có thể được áp dụng nếu có căn cứ xác định người phạm tội rơi vào một trong các trường hợp sau:

- Đã bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác nhưng vẫn vi phạm.

- Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can.

- Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn.

- Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu sẽ tiếp tục phạm tội.

- Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật.

- Tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án hoặc tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án.

- Đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm, hoặc người thân thích của những người này.

Ngoài ra, đối với các trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù đến 2 năm, tạm giam có thể được áp dụng nếu bị can tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã. Khi rơi vào các trường hợp này, bị can có thể bị áp dụng biện pháp tạm giam theo quy định của pháp luật.

Về thời hạn tạm giam

Đối với giai đoạn điều tra theo quy định tại Điều 173 BLTTHS năm 2015 thì thời hạn tạm giam tối đa đối với bị can phạm tội ít nghiêm trọng là 03 tháng, đối với tội nghiêm trọng thì Cơ quan điều tra chỉ được tạm giam tối đa 05 tháng, tội rất nghiêm trọng là 07 tháng và tội đặc biệt nghiêm trọng là 12 tháng.

Đối với giai đoạn chuẩn bị xét xử theo quy định tại khoản 2 Điều 278 “Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều 277 của Bộ luật này” và bắt tạm giam bị cáo tại phiên tòa theo  khoản 3 Điều 329, khoản 3 Điều 347 BLTTHS năm 2015 “Thời hạn tạm giam bị cáo là 45 ngày kể từ ngày tuyên án.”

Một số vướng mắc, bất cập

Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng biện pháp này vẫn còn tồn tại một số vướng mắc và bất cập.

Thứ nhất, khoản 1 Điều 119 BLTTHS năm 2015 quy định: “Tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng”. Trên thực tế trong quá trình giải quyết các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thông thường các cơ quan tố tụng sẽ áp dụng biện pháp tạm giam. Việc này xuất phát từ tâm lý của người có thẳm quyền tiến hành tố tụng, nếu không áp dụng biện pháp tạm giam đối với người phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng trường hợp bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn thì người tiến hành tố tụng sẽ là người chịu trách nhiệm thậm chí có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu nhận thấy có dấu hiệu tội phạm. Do đó, trong thực tế, biện pháp tạm giam thường được áp dụng đối với các trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy việc quy định mang tính chất tùy nghi đối với trường hợp này là không hợp lý, gây lúng túng tromg quá trình áp dụng pháp luật của những cơ quan tiến hành tố tụng, áp dụng một cách cứng nhắc trong khi việc tạm giam không thật sự cần thiết, ảnh hưởng tới quyền của bị can, bị cáo.

Thứ hai, về thời hạn tạm giam để điều tra theo quy định tại khoản 2 Điều 173 BLTTHS quy định:

“Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam. Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau:

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 01 tháng;

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 02 tháng;

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 03 tháng;

d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng.”

Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 172 BLTTHS lại quy định:

“Trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra. Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng;

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng và lần thứ hai không quá 02 tháng;

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng;

d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá 04 tháng.”

Trong thực tế, khi thời hạn tạm giam được gia hạn, tổng thời gian tạm giam vẫn có thể ngắn hơn thời hạn điều tra, đặc biệt đối với những vụ án phức tạp, đòi hỏi thời gian điều tra kéo dài hơn. Ví dụ, trong một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, thời hạn điều tra có thể được gia hạn nhiều lần và kéo dài hơn tổng thời hạn tạm giam đã được quy định, mặc dù thời hạn tạm giam đã được gia hạn tối đa. Khi thời hạn tạm giam hết mà điều tra vẫn chưa hoàn tất, cơ quan điều tra có thể phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác, như cấm đi khỏi nơi cư trú, hoặc thực hiện các biện pháp quản lý bị can, bị cáo khác để đảm bảo bị can không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội trong thời gian chờ kết thúc điều tra. Tuy nhiên nếu xuất hiện trường hợp bị can, bị cáo không đue điều kiện để áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác thì việc quản lý bị can, bị cáo trong khoảng thời gian bị khuyết giữa thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam là khó khăn, vướng mắc cần được hướng dẫn.

Thứ ba, tại giai đoạn xét xử, trường hợp khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, nếu thời hạn tạm giam gần hết, HĐXX có thể căn cứ vào khoản 3 Điều 278 BLTTHS để tiếp tục ra quyết định tạm giam bị cáo cho đến khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm. Tuy nhiên, nếu phiên tòa bị hoãn (theo Điều 297 BLTTHS), thời hạn tạm giam có thể hết trước khi vụ án được xử lý tiếp, và BLTTHS không quy định rõ về thủ tục tạm giam tiếp theo trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, trường hợp trong phiên tòa phát sinh tình tiết mới cần làm rõ và không thể giải quyết ngay tại tòa, HĐXX sẽ căn cứ Điều 280 BLTTHS để ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát điều tra bổ sung. Nhưng sau khi nghị án, nếu thời hạn tạm giam đã hết, không có quy định cụ thể về việc tạm giam tiếp theo trong giai đoạn này, tạo ra một khoảng trống pháp lý.

Kiến nghị, đề xuất

Thứ nhất, đề xuất sử đổi khoản 1 Điều 119 BLTTHS theo hướng bắt buộc tạm giam đối với bị can, bị cáo về tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, cụ thể: “Tạm giam phải được áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng”.

Thứ hai,đề xuất sửa đổi khoản 2 Điều 173 BLTTHS theo hướng tương thích với khoản 2 Điều 172 BLTTHS cụ thể như sau:

“a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 02 tháng;

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng và lần thứ hai không quá 02 tháng;

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng;

d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá 04 tháng.”

Thứ ba, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định tại Điều 278 BLTTHS, đồng thời làm rõ thêm các quy định liên quan đến việc tạm giam sau khi hoãn phiên tòa hoặc trả hồ sơ điều tra bổ sung. Cụ thể: Quy định rõ thời hạn tạm giam tiếp theo khi hoãn phiên tòa hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nhằm đảm bảo tính minh bạch trong thủ tục tố tụng; Cụ thể hóa thủ tục tạm giam sau khi phiên tòa bị hoãn hoặc sau khi nghị án nhưng cần điều tra bổ sung, nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn.

PHẠM CAO SƠN

Tòa án quân sự khu vực Quân chủng Hải quân

 

Nguyễn Mỹ Linh