Biện pháp xem xét, thẩm định tại chỗ được quy định tại khoản 1 Điều 101 BLTTDS 2015 thì theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ với sự có mặt của đại diện UBND cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức, nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định và phải báo trước để đương sự biết và chứng kiến việc xem xét, thẩm định tại chỗ. Trường hợp có đương sự vắng mặt, Tòa án vẫn tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ theo thủ tục chung.
Khi tiến hành biện pháp xem xét, thẩm định tại chỗ, Thẩm phán phải ra quyết định và phải gửi cho UBND cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định kèm theo văn bản đề nghị UBND hoặc cơ quan, tổ chức cử đại diện tham gia việc xem xét, thẩm định tại chỗ.

Ảnh minh hoạ.
Việc xem xét, thẩm định tại chỗ phải được ghi thành biên bản, phải ghi rõ kết quả xem xét, thẩm định, mô tả rõ hiện trường, có chữ ký của người xem xét, thẩm định và chữ ký hoặc điểm chỉ của đương sự nếu họ có mặt, của đại diện UBND cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định và những người khác được mời tham gia việc xem xét, thẩm định. Biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ phải được đại diện UBND cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định ký tên và đóng dấu xác nhận.
Tuy nhiên, thành phần, số lượng người của UBND cấp xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức tham gia việc xem xét, thẩm định tại chỗ pháp luật lại chưa quy định cụ thể nên ở mỗi địa phương hay trong từng vụ án khác nhau lại có sự tham gia khác nhau của các cá nhân, cơ quan này. Trên thực tế khi có yêu cầu xem xét, thẩm định tại chỗ, UBND cấp xã thường cử cán bộ địa chính, cán bộ tài chính, Công an viên, thậm chí có nơi cử cán bộ tư pháp tham gia xem xét, thẩm định tại chỗ. Chính vì pháp luật không quy định thành phần, số lượng người của UBND, cơ quan, tổ chức tham gia xem xét, thẩm định tại chỗ nên nhiều trường hợp việc xem xét, thẩm định tại chỗ phải hoãn khi vắng một trong những người đã được cử tham gia, gây tốn kém cho đương sự khi phải chi phí xem xét, thẩm định cho nhiều người không cần thiết và kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
So với BLTTDS 2005 thì BLTTDS 2015 đã quy định rõ về nghĩa vụ nộp tiền và nghĩa vụ chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ tại Điều 156 và Điều 157, qua đó giải quyết những khó khăn của Tòa án trong việc tiến hành xem xét biện pháp thu thập chứng cứ này; đồng thời trong trường hợp có người cản trở việc tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ thì Thẩm phán yêu cầu UBND cấp xã, Công an xã, phường, thị trấn nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định tại chỗ hỗ trợ trong trường hợp có hành vi cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ. Tuy nhiên, trên thực tế, cũng không ít trường hợp đương sự đang trực tiếp quản lý tài sản là nhà đất tranh chấp không hợp tác với Tòa án, gây khó khăn, cản trở hoặc không cho Tòa án thẩm định bằng việc đóng cổng, đóng cửa, bỏ đi khỏi nhà đất tranh chấp mỗi khi Tòa án đến xem xét, thẩm định tại chỗ dẫn tới việc Tòa án không thể giải quyết được vụ án, không ít vụ án phải tạm đình chỉ không thời hạn.
Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ thì BLTTDS chỉ quy định chủ thể phải nộp tạm ứng, chủ thể phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ nhưng chưa quy định rõ chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ gồm những chi phí gì, chi cho ai, cụ thể bao nhiêu. Ngoài ra, thực tiễn giải quyết vụ việc dân sự liên quan đến tài sản là nhà cửa, đất đai thì cần phải có đo đạc, vẽ sơ đồ hiện trạng tài sản tranh chấp. Chi phí đo đạc, vẽ sơ đồ thường khá nhiều nhưng cũng chưa được quy định rõ trong luật dẫn đến chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc ở mỗi Tòa án áp dụng khác nhau, thậm chí giữa các Thẩm phán trong cùng Tòa cũng vận dụng khác nhau.
Mặc khác, vì không có quy định cụ thể về chi phí đo đạc nên nhiều Tòa án, Thẩm phán để đương sự tự liên hệ đến các cơ quan có chức năng đo đạc để yêu cầu đo đạc, lập bản đồ sau đó cung cấp cho Tòa án nhưng việc đo đạc không có sự chứng kiến của Tòa án, sơ đồ đo đạc được vẽ theo ý của người yêu cầu đo nên bản vẽ không khách quan, không phản ánh đúng hiện trạng tài sản tranh chấp nên không thể sử dụng để làm căn cứ giải quyết vụ án. Do đó, cần có hướng dẫn cụ thể cho vấn đề này.
Thực tế, mặc dù luật quy định rõ biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ phải mô tả rõ ràng, đầy đủ hiện trạng tài sản cần xem xét, thẩm định tại chỗ nhưng có nhiều Thư ký ghi biên bản không đầy đủ, không mô tả cụ thể, rõ ràng đặc điểm, số lượng của từng loại tài sản; nhiều tài sản có số lượng lớn như cây cối không được kiểm đếm đầy đủ dẫn đến sau khi giải quyết, xét xử bản án có hiệu lực thì không thể thi hành, dẫn đến bản án bị hủy, sửa.
Đối với tình trạng đương sự chống đối hoạt động xem xét, thẩm định tại chỗ; định giá tài sản, thì cần có biện pháp phối hợp giữa Hội đồng định giá, Tòa án, chính quyền địa phương, Công an xã. Nếu có người có hành vi cản trở, Hội đồng định giá cần đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc người có hành vi thực hiện hoặc không thực hiện hành vi nào đó tương ứng với quy định tại Điều 127 BLTTDS 2015.
Cần hoàn thiện quy định của pháp luật trong việc xem xét, thẩm định tại chỗ, cụ thể về mức chi đối với các thành phần tham gia xem xét, thẩm định tại chỗ. Đối với các trường hợp phải xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá lại không phải do lỗi của đương sự thì cần quy định cụ thể ai là người phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.
PHẠM VĂN PHƯƠNG
Toà án quân sự Quân khu 7