Ảnh minh họa.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet, các hoạt động kinh doanh trên không gian mạng ngày càng phát triển về kinh nghiệm giao dịch, tham gia các quan hệ lao động, thương mại trên không gian mạng của nhiều người còn hạn chế nên hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, mạng internet đang diễn biến rất phức tạp.
Ngày nay cơ hội việc làm, hoạt động mua sắm của người dân được mở rộng hơn trước rất nhiều. Với các sàn thương mại điện tử, các hoạt động kinh doanh online, các dịch vụ viễn thông phát triển thì nhiều người có thể ngồi ở nhà cũng kiếm được tiền bằng các công việc online trên mạng internet. Việc mua sắm cũng vậy, số lượng người mua sắm qua mạng internet ngày càng nhiều. Đây là môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên môi trường mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet cũng là nơi tìm ẩn nhiều rủi ro, các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên các môi trường mạng này ngày càng phát triển và diễn biến phức tạp.
Các chiêu trò, phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên mạng internet rất đa dạng như: Gọi điện đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác bằng cách giả danh cơ quan tố tụng, các cơ quan chức năng để buộc nạn nhân phải chuyển tiền vào tài khoản rồi chúng chỉ định; làm quen hứa hẹn tặng quà để yêu cầu nạn nhân phải gửi tiền chi phí hóa đơn vận chuyển phải tiền thuế để nhận hàng rồi chiếm đoạt; dụ dỗ lôi kéo nạn nhân tham gia vào các hoạt động đầu tư như sàn thương mại điện tử, chứng khoán quốc tế,... để nhận chuyển tiền rồi chiếm đoạt. Đặc biệt là lừa đảo trong thương mại điện tử, tuyển cộng tác viên của các sàn thương mại điện tử để các nạn nhân chuyển tiền mua hàng rồi chiếm đoạt số tiền đó.
Các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản không chỉ do người Việt Nam thực hiện trên không gian mạng mà còn có những người nước ngoài, tội phạm có tổ chức tập máy chủ ở nước ngoài, đặc biệt là xuất hiện nhiều ở Campuchia. Thời gian gần đây, cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều trường hợp các đối tượng là người Trung Quốc, tổ chức các đường dây lừa đảo ở Campuchia và thuê người Việt Nam hoặc dụ dỗ ép buộc, mua chuộc người Việt Nam tiếp tay giúp sức cho nhóm đối tượng lừa đảo này. Phương thức thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của chúng chủ yếu là thông qua hình thức kêu gọi đầu tư và cộng tác viên với những chiêu trò dụ dỗ là "việc nhẹ lương cao".
Trong đó, phần lớn nạn nhân là những người trẻ hoặc những người nhẹ dạ cả tin muốn có công việc làm thêm để tăng thu nhập nhưng không vẫn không có thu nhập mà lại mất cả vốn lẫn lời. Các đối tượng chiếm đoạt tiền của rất nhiều người trong một thời gian rất ngắn bởi những kịch bản đã được dựng sẵn, nên việc đấu tranh với các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng internet là cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn mạng.
Trong số các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet thì sẽ có đối tượng chủ mưu, đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng giúp sức, xúi giục, tạo thành một mạng lưới, tổ chức lừa đảo hoạt động trong không gian rộng, với nhiều nạn nhân và với những kịch bản đã được dựng trước. Với đặc điểm của môi trường mạng là lượng người tiếp cận rất nhiều, nên chỉ cần vài phần trăm số người tương tác và mắc bẫy, chuyển tiền là số tiền chiếm đoạt đã rất lớn.
Các đối tượng chủ mưu cầm đầu các đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet quy mô lớn thường là người nước ngoài hoặc các đối tượng cộm cán trong nước. Thời gian gần đây, các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng không trực tiếp thực hiện hành vi mà tuyển dụng những người khác thực hiện hành vi lừa đảo bằng những kịch bản và các đối tượng này đã lập từ trước. Có những người vì thiếu hiểu biết mà đã tiếp tay cho nhóm đối tượng lừa đảo, trở thành những người "thực hành" trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội lừa đảo những người khác để được chia một phần giá trị lừa được của nạn nhân.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, người thực hiện hành vi phạm tội trong lãnh thổ Việt Nam, người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, người nước ngoài phạm tội ở nước ngoài với nạn nhân là người Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài phạm tội với người nạn nhân ở Việt Nam thì đều có thể bị xử lý hình sự theo pháp luật Việt Nam. Do đó, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet dù đối tượng thực hiện hành vi phạm tội là người Việt Nam hay người nước ngoài, hành vi thực hiện ở Việt Nam hay ở nước ngoài mà nạn nhân là người Việt Nam thì vẫn có thể xử lý hình sự bằng pháp luật Việt Nam theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo đó, người nào thực hiện thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 174 Bộ luật Hình sự, với chế tài cao nhất là 20 năm tù hoặc tù chung thân. Đối với hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet để chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 290 với chế tài cao nhất có thể tới 20 năm tù.
Với hành vi chiếm đoạt tài sản chị giá 500.000.000 đồng trở lên thì các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet sẽ phải đối mặt với hình phạt tới 20 năm tù. Với các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, có tiền án tiền sự thì phải chịu mức án nghiêm khắc. Với những đối tượng giúp sức, xúi giục thì mức hình phạt sẽ nhẹ hơn.
Còn đối với những người lao động bị lừa, sau đó bị nhóm đối tượng này khống chế ép buộc phải thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác mà không phải ý chí của cá nhân mình thì có thể sẽ được miễn trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ yếu tố ý chí của những người này khi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong suốt quá trình thực hiện hành vi này như thế nào để xác định có đủ điều kiện được miễn trách nhiệm hình sự hay không.
Tất cả những số tiền do phạm tội mà có sẽ bị tịch thu để trả lại người bị hại hoặc sung vào công quĩ nhà nước. Nếu các đối tượng đã sử dụng số tiền phạm tội mà có để thực hiện các hoạt động rửa tiền nhằm che giấu nguồn gốc tài sản thì các đối tượng này sẽ bị xử lý hình sự thêm một tội danh nữa là tội "Rửa tiền" theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Tình hình tội phạm về công nghệ cao hiện nay đang diễn biến rất phức tạp không chỉ ở Việt Nam mà còn diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, chủ trương chính sách về đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao giai đoạn hiện nay cần được quan tâm nhiều hơn, quyết tâm, quyết liệt hơn để đảm bảo an ninh, an toàn mạng, bảo vệ tài sản hợp pháp của công dân.
Để đấu tranh với tội phạm công nghệ cao có hiệu quả, tác giả kiến nghị cần phải hoàn thiện chính sách và pháp luật về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm qua mạng internet. Đồng thời, cần phải cùng cố xây dựng lực lượng đảm bảo an ninh an toàn mạng ngày càng hùng hậu, tinh nhuệ, được trang bị những thiết bị hiện đại để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cần phải đổi mới phương thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đặc biệt là tuyên truyền để người dân nhận diện các phương thức thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng internet, những cảnh báo kịp thời và những giải pháp để ứng phó, xử lý tình huống khi gặp phải nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng internet.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý các dịch vụ viễn thông, dịch vụ trung gian thanh toán để hạn chế những tình huống các đơn vị này vô tình hay cố ý tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo. Quản lý chặt chẽ các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, các phương tiện trung gian thanh toán, các thẻ sim điện thoại và xử lý nghiêm các đối tượng thực hiện các hành vi mua bán dữ liệu cá nhân. Đây là những nguyên nhân mầm móng trực tiếp, tạo điều kiện cho các đối tượng dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng internet.
Có cơ chế phối hợp cũng như các quy định cứng để các đơn vị cung cấp dịch vụ mạng viễn thông, mạng internet có trách nhiệm hơn nữa trong việc bảo vệ khách hàng, phối hợp với cơ quan chức năng trong việc điều tra, phát hiện và xử lý tội phạm.
Ngoài ra, cần phải cùng cố và tăng cường lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ cao ở tất cả các cơ quan bảo vệ pháp luật, xây dựng lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ cao giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ và được trang bị ngày càng đầy đủ các máy móc thiết bị hiện đại, đủ sức để đấu tranh với các đối tượng phạm tội công nghệ cao ngày càng tinh vi trong giai đoạn hiện nay. Phát động phong chào đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao, kêu gọi người dân phát hiện, báo tin cho lực lượng chức năng để kịp thời bóc gỡ các đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet đảm bảo hoạt động kinh doanh, môi trường làm việc trên mạng internet được lành mạnh và an toàn cho tất cả mọi người.
Với các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng internet thì cần phải xử lý nghiêm minh với những chế tài nghiêm khắc của pháp luật.
Tiến sĩ, Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG
Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp
Covid-19 chính thức được xem là bệnh nghề nghiệp hưởng bảo hiểm xã hội