Ảnh minh họa.
Một số vấn đề chung về chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện
Tha tù trước thời hạn có điều kiện là một chế định mới, được đưa vào Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 (BLHS 2015). Chế định này thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước, nhằm khắc phục những bất cập trong chính sách đặc xá, giảm gánh nặng trong công tác thi hành án phạt tù nhưng vẫn đảm bảo được sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, đồng thời không làm thay đổi mục đích của hình phạt là giáo dục và trừng trị đối với hành vi phạm tội.
Chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện được quy định tại Điều 66, Điều 106 BLHS 2015 và được hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP, ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. Thủ tục xét tha tù trước hạn có điều kiện được quy định tại Điều 368 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS 2015) và Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/02/2018 quy định phối hợp thực hiện quy định của BLTTHS 2015 về tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 66 BLHS 2015, người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù hoặc người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm ít nghiêm trọng có thể được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều kiện: Phạm tội lần đầu; Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt; Có nơi cư trú rõ ràng; Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và án phí; Đã chấp hành được ít nhất là một phần hai mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 15 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn. Trường hợp người phạm tội là người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng, người đủ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì phải chấp hành được ít nhất là một phần ba mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 12 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn.
Các trường hợp được tha tù trước thời hạn có điều kiện nêu trên phải không thuộc một trong các trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 Điều 66 BLHS 2015, đó là: Người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII (các tội xâm phạm an ninh quốc gia), Chương XXVI (các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh), Điều 299 BLHS 2015; Người bị kết án 10 năm tù trở lên về một trong các tội quy định tại Chương XIV (các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người) do cố ý hoặc người bị kết án 07 năm tù trở lên đối với một trong các tội quy định tại các Điều 168, Điều 169, Điều 248, Điều 251 và Điều 252 BLHS 2015; Người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 40 BLHS 2015 [1].
Sau khi được tha tù trước thời hạn, người được tha tù phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách. Thời gian thử thách bằng thời gian còn lại của hình phạt tù (khoản 3 Điều 66 BLHS 2015). Thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách kể từ ngày Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện có hiệu lực pháp luật (khoản 1 Điều 59 Luật Thi hành án hình sự 2015 và mục 2 Công văn số 170/TANDTC-PC ngày 01/8/2018 của Tòa án nhân dân Tối cao).
Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính 02 lần trở lên trong thời gian thử thách, thì Tòa án có thể hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người đó và buộc họ phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành. Nếu người đó thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án buộc người đó chấp hành hình phạt của bản án mới và tổng hợp với phần hình phạt tù chưa chấp hành của bản án trước theo quy định tại Điều 56 BLHS 2015 (khoản 4 Điều 66 BLHS 2015).
Nếu người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đã chấp hành được ít nhất là một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách (khoản 5 Điều 66 BLHS 2015).
Bất cập và kiến nghị hoàn thiện
Bất cập về thời gian công bố quyết định, tổ chức tha phạm nhân có quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện:
Theo khoản 9 Điều 368 BLTTHS 2015: “Ngay sau khi nhận được quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, cơ sở giam giữ phải tổ chức công bố quyết định này và thực hiện các thủ tục thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện...” và theo khoản 1 Điều 7 Thông tư số 12/2018/TT-BCA ngày 07/5/2018 của Bộ Công an về việc Quy định thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện (gọi tắt là Thông tư 12/2018): “Ngay sau khi nhận được quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, cơ sở giam giữ tổ chức công bố quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện của Toà án cho phạm nhân đang chấp hành án biết và tiến hành tha phạm nhân được tha tù trước thời hạn có điều kiện...”.
Theo các quy định trên thì ngay sau khi nhận được quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện thì cơ sở giam giữ phải công bố và tổ chức tha phạm nhân. Nhưng theo mục 2 Công văn số 170/TANDTC-PC ngày 01/8/2018 của Tòa án nhân dân Tối cao thì thời điểm có hiệu lực pháp luật của Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện là sau 15 ngày kể từ ngày ký, ban hành mà theo khoản 8 BLTTHS 2015 thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, Tòa án phải gửi quyết định đi (khi cơ sở giam giữ nhận được quyết định thì chưa tới 15 ngày kể từ ngày ban hành). Trong trường hợp này, nếu cơ sở giam giữ công bố và tổ chức tha phạm nhân ngay sau khi nhận quyết định thì lúc này quyết định vẫn chưa có hiệu lực pháp luật.
Theo khoản 1 Điều 59 Luật Thi hành án hình sự 2019: “Ngay sau khi nhận được quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải niêm yết danh sách phạm nhân được tha tù trước thời hạn có điều kiện tại cơ sở giam giữ phạm nhân. Ngay sau khi quyết định tha tù trước thời hạn có hiệu lực pháp luật, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện cấp giấy chứng nhận tha tù trước thời hạn có điều kiện và tha phạm nhân. Thời gian thử thách được tính từ ngày quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện có hiệu lực pháp luật...”. Theo quy định trên thì ngay sau khi quyết định tha tù trước thời hạn có hiệu lực pháp luật thì cơ sở giam giữ mới công bố và tổ chức tha phạm nhân.
Từ các quy định trên, ta thấy chưa có sự thống nhất trong thời gian công bố quyết định, tổ chức tha phạm nhân khi có quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Theo quan điểm của tác giả, việc công bố quyết định và tổ chức tha phạm nhân khi có quyết định tha tù trước hạn có điều kiện phải diễn ra sau khi quyết định này có hiệu lực pháp luật vì nếu tha phạm nhân trước khi quyết định này có hiệu lực pháp luật, trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị (Điều 336, 337 BLTTHS) và Tòa án cấp trên chấp nhận kháng nghị hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện thì phải bắt giam lại phạm nhân và kèm theo thực hiện các thủ tục có liên quan sẽ mất thời gian, chi phí và có thể phát sinh những tình huống khó giải quyết liên quan đến việc bắt giam lại phạm nhân.
Từ quan điểm trên tác giả đề xuất kiến nghị như sau: Thống nhất nội dung các quy định pháp luật, cụ thể là sửa đổi nội dung khoản 9 Điều 368 BLTTHS 2015 và khoản 1 Điều 7 Thông tư số 12/2018 thành: “Ngay sau khi quyết định tha tù trước thời hạn có hiệu lực pháp luật, cơ sở giam giữ phải tổ chức công bố quyết định này và thực hiện các thủ tục thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện...”. Việc sửa đổi này để đảm bảo thống nhất các quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tha tù trước thời hạn có điều kiện.
============== [1] Theo khoản 3 Điều 40 BLHS 2015, “3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; b) Người đủ 75 tuổi trở lên; c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”. |
HUỲNH HẢI DUY
Tòa án quân sự Quân khu 9
Giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản có kỳ hạn và không có lãi