/ Luật sư - Bạn đọc
/ Bàn về đề xuất bỏ hình phạt tử hình

Bàn về đề xuất bỏ hình phạt tử hình

07/04/2025 07:41 |5 ngày trước

(LSVN) - Việc bỏ án tử hình trong một số tội danh và tiến tới bỏ hình phạt tử hình trong pháp luật hình sự là xu hướng tất yếu thể hiện xã hội phát triển và tính tự giác chấp hành pháp luật của công dân ngày một cao.

Trong hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay, hình phạt tử hình là một trong các hình phạt chính. Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hình phạt chính bao gồm 07 loại hình phạt là: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân và tử hình.

Hình phạt tử hình tồn tại trong hệ thống pháp luật Việt Nam từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trước đó, thời phong kiến cũng đã duy trì hình phạt này khá phổ biến. Hình thức thi hành hình phạt tử hình thời phong kiến rất đa dạng, mang tính chất trừng phạt tàn nhẫn.

Tuy nhiên, xã hội hiện nay thì đa số các quốc gia đã bỏ hình phạt tử hình, một số quốc gia còn áp dụng hình phạt tử hình thì việc thi hành án tử hình cũng thể hiện sự nhân đạo và bớt hà khắc hơn xưa. Nếu như trước đây, thời phong kiến có rất nhiều hình thức thi hành hình phạt tử hình như treo cổ, chặt đầu, thậm chí có nhiều hình thức tàn nhẫn như voi giày, ngựa xé, tứ mã phanh thây thì trong xã hội hiện đại các hình thức thi hành hình phạt tử hình giảm dẫn đó gần như đã được loại bỏ khỏi hệ thống pháp luật các quốc gia.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo thống kê của Tổ chức Ân xá quốc tế, đến năm 2022, trên thế giới, có 112 nước đã hoàn toàn bãi bỏ án tử hình, 55 nước vẫn áp dụng hình phạt này và 32 nước chưa bãi bỏ hoàn toàn án tử hình, nhưng đã đặt nó dưới lệnh tạm hoãn.

Điều 3 của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 ghi nhận: “Ai cũng có quyền được sống, tự do, và an toàn thân thể”.

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị cũng khuyến khích các quốc gia bãi bỏ hoặc hạn chế dần và có lộ trình để tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình. 

Hình phạt tử hình được đề cập khá cụ thể trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1989. Công ước này có hiệu lực từ ngày 23/3/1976 và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là khung pháp lý quốc tế quan trọng về vấn đề hình phạt tử hình.

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị đã có 168 quốc gia trên thế giới đã phê chuẩn công ước này (tính đến tháng 7/2015) và Việt Nam cũng là một quốc gia tham gia vào Công ước này khá sớm. Cụ thể, Việt Nam đã gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1982, chỉ sau 06 năm sau khi Công ước này có hiệu lực.

Như vậy có thể thấy, Việt Nam là một quốc gia rất coi trọng quyền con người, vấn đề nhân quyền luôn được Đảng và nhà nước ta quan tâm đúng mực. Công ước ICCPR có ý nghĩa đặc biệt lớn về vấn đề nhân quyền, nó điều chỉnh những quyền cơ bản của con người thuộc phạm trù các quyền dân sự và chính trị. Các bên tham gia ký kết sẽ phải tôn trọng các quyền dân sự và chính trị của từng cá nhân bao gồm quyền sống, quyền tự do tôn giáo, tự do phát biểu, tự do hội họp, quyền bầu cử và quyền được xét xử bình đẳng và theo đúng trình tự pháp luật… Các quốc gia có thể xem xét tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, truyền thống pháp luật của quốc gia mình để tự quyết định có tham gia vào công ước này hay không, khi đã tham gia vào công ước thì quốc gia đó có trách nhiệm phải thực thi các quy định của Công ước sao cho phù hợp với đặc điểm của quốc gia nhất.

Quyền sống cũng là quyền cơ bản và quan trọng nhất của con người, được Hiến pháp nước ta ghi nhận, cụ thể tại Điều 19 Hiến pháp năm 2013 quy định “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”.

Vơi tư cách là thành viên của đa số các Công ước quốc tế về nhân quyền, Việt Nam đã có những biện pháp để thực hiện tích cực nghĩa vụ của quốc gia thành viên, trong đó thành tựu nổi bật là sự nội luật hóa các quy định của công ước quốc tế trong việc đảm bảo quyền con người, đặc biệt là quyền sống.

Theo quan điểm lập pháp của Việt Nam, cùng với sự phát triển của xã hội, ý thức chấp hành pháp luật của công dân ngày càng cao thì sẽ thu hẹp các tội danh có hình phạt tử hình tiến tới bỏ hẳn hình phạt tử hình trong hệ thống hình phạt Việt Nam.

Đối với chính sách hình sự, hình phạt tử hình có sức răn đe mạnh mẽ, khi xã hội còn lạc hậu, ý thức pháp chấp hành pháp luật của công dân còn chưa tốt, các tội phạm về ma túy, giết người, khủng bố, phạm xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phạm xâm phạm trực tiếp đến các quan hệ xã hội quan trọng còn diễn ra phổ biến thì hình phạt tử hình có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, có tính răn đe mạnh mẽ để bảo vệ các quan hệ xã hội, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, xu hướng quốc tế hóa, vai trò trách nhiệm của các quốc gia gia nhập các công ước về nhân quyền thì việc bỏ và tử hình là xu hướng tất yếu.

Điều 6 Công ước ICCPR quy định về quyền sống của con người và hình phạt tử hình. Khoản 1 Điều 6 Công ước này đã khẳng định quyền sống của con người là quyền cố hữu, không ai được tước bỏ quyền này một cách trái pháp luật, cụ thể: “Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tuỳ tiện.”.

Như vậy, quyền sống được Công ước quy định rất rõ và các quốc gia thành viên có nghĩa vụ phải tôn trọng và bảo vệ quyền sống của con người. Tuy nhiên, việc bảo đảm quyền sống của con người theo Công ước không đồng nghĩa với việc duy trì hình phạt tử hình là vi phạm quyền sống của con người. Hình phạt tử hình hiện nay còn được quy định trong pháp luật hình sự của khá nhiều quốc gia. Trong các quốc gia còn duy trì hình phạt tử hình thì việc xóa bỏ hoàn toàn hình phạt này còn chưa phù hợp vào thời điểm hiện tại vì những lý do riêng của quốc gia đó. Công ước ICCPP cũng không có điều khoản nào bắt buộc các quốc gia thành viên phải xóa bỏ hình phạt tử hình, tuy nhiên các quốc gia có nghĩa vụ phải hạn chế sử dụng nó, có thể là giảm số tội phạm có áp dụng hình phạt tử hình và việc áp dụng hình phạt này trên thực tế.

Khoản 2 Điều 6 Công ước ICCPR đã thể hiện rõ quan điểm phải hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình như sau: “Ở những nước mà hình phạt tử hình chưa được xoá bỏ thì chỉ được phép áp dụng án tử hình đối với những tội ác nghiêm trọng nhất, căn cứ vào luật pháp hiện hành tại thời điểm tội phạm được thực hiện và không được trái với những quy định của Công ước này và của Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng. Hình phạt tử hình chỉ được thi hành trên cơ sở bản án đã có hiệu lực pháp luật, do một toà án có thẩm quyền phán quyết”.

Công ước đã đặt ra một giới hạn để các quốc gia chưa thể xóa bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình có thể dựa vào để phần nào hạn chế được việc quy định và áp dụng hình phạt tử hình, khiến các quốc gia thành viên không quy định và sử dụng hình phạt tử hình một cách bừa bãi, tùy tiện.

Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 Việt Nam, sửa đổi, bổ sung 2017 đang áp dụng tại Việt Nam hiện nay vẫn duy trì hình phạt tử hình, tuy nhiên việc quy định hình phạt tử hình theo hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay cũng có nhiều đổi mới so với Bộ luật Hình sự trước đây và cơ bản phù hợp với luật pháp quốc tế.

Sự phát triển của xã hội, xu hướng quốc tế hóa đòi hỏi phải giảm bớt các tội danh có hình phạt tử hình, hạn chế đến mức tối đa tiến tới loại bỏ hình phạt tử hình là cần thiết. Do đó, theo quan điểm cá nhân tác giả hoàn toàn đồng ý với đề xuất của Bộ Công an để khi sửa đổi Bộ luật Hình sự sẽ bỏ bớt các tội danh có hình phạt tử hình tiến tới loại bỏ hình phạt này khỏi hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam.

Điều 40 Bộ luật Hình sự quy định: “Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.”.

Quy định này cho thấy Việt Nam đã thực hiện đúng quy định của công ước ICCPR khi cho rằng tử hình chỉ áp dụng đối với những tội ác nghiêm trọng nhất, chỉ áp dụng tử hình đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng trong một số tội phạm cụ thể, tránh việc áp dụng hình phạt tử hình một cách tùy tiện.

Khoản 2 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về hình phạt tử hình cũng nêu rõ “Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người từ đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử”.

Công ước ICCPR đặt ra yêu cầu “cứng” là không được áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi và phụ nữ có thai. Việt Nam đã mở rộng hơn đối tượng này cho phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi để đảm bảo đứa trẻ được nuôi dưỡng một cách tốt nhất hoặc đối với người từ đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử bởi lẽ có ý kiến cho rằng những người từ đủ 75 tuổi trở lên thì khả năng tái phạm hay thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội khác khá thấp, hơn nữa điều này thể hiện tính nhân đạo trong pháp luật hình sự Việt Nam.

Khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, các trường hợp sau không thi hành án tử hình gồm: Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người từ đủ 75 tuổi trở lên; Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, nhận hối lộ mà sau khi kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Có thể thấy chính sách hình sự Việt Nam luôn có những điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Bộ luật Hình sự 2015 vẫn quy định 18 tội danh có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Thực tiễn cho thấy, một số tội danh có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội không cần thiết phải duy trì hình phạt tử hình. Việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội danh theo đề xuất của Bộ công an sẽ phù hợp với luật pháp và cam kết quốc tế, tạo ra sự đồng bộ với luật pháp quốc tế, tạo môi trường đầu tư năng động lành mạnh gia tăng hợp tác và giao lưu quan hệ quốc tế.

Việc bỏ bớt các tội danh có hình phạt tử hình cũng cho thấy sự văn minh của xã hội và hiệu quả trong quản lý xã hội và phòng ngừa tội phạm, đảm bảo ngày càng đầy đủ hơn quyền con người, quyền công dân trong khuôn khổ pháp luật.

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Bộ Công an soạn thảo. Đáng chú ý, tại tờ trình dự án luật, Bộ Công an cho biết, dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án đối với các tội danh gồm:

- Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109 Bộ luật Hình sự hiện hành);

- Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114);

- Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 194);

- Tội vận chuyển trái phép chất ma tuý (Điều 250);

- Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421).

- Tội gián điệp (Điều 110);

- Tội tham ô tài sản (Điều 353);

- Tội nhận hối lộ (Điều 354).

Tiến sĩ, Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Các tin khác