Ảnh minh họa.
Nguyễn Hữu Tr. đã có vợ con ở Bình Phước nhưng vẫn thuê phòng trọ tại TP. HCM và chung sống với cô M. như vợ chồng. Sau đó Tr. quay về quê lo cho vợ con. Trong thời gian này, Tr. và cô M. vẫn liên lạc với nhau. Cô M. bảo Tr. quay lại sống với mình nhưng Tr. không đồng ý.
Gần tết, cô M. gọi Tr. xuống lấy đồ để trả phòng trọ và chấm dứt quan hệ với nhau. Đến tối, hai người đi uống bia, khi về tới phòng trọ, cả hai cãi nhau dữ dội về việc cô M. muốn Tr. bỏ vợ về chung sống với mình. Trong lúc nóng giận, Tr. quay sang bóp cổ nạn nhân đến chết.
Sau khi giết chết cô M. phát hiện trong phòng nạn nhân có một chiếc xe máy, Tr. đã đem xe đi gửi rồi bỏ về quê. Vài ngày sau, Tr. quay lại TP. HCM lấy xe của cô M. đem đi cầm cố.
Sau khi bị bắt, Tr. đã bị khởi tố, truy tố về hai tội "Giết người" và "Cướp tài sản". Xét xử sơ thẩm, TAND TP. HCM đã phạt Tr. án tử hình về tội "Giết người", 4 năm tù về tội "Cướp tài sản", tổng hợp hình phạt chung là tử hình.
Ở đây, xác định tội danh "Giết người" đối với Tr. không phải bàn cãi. Tuy nhiên, với tội "Cướp tài sản" thì vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Đây là hành vi của tội "Cướp tài sản". Anh Tr. đã thực hiện hành vi bóp cổ cô M. cho tới khi cô M. không thể phản kháng lại, lợi dụng thời điểm này để chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên ở trường hợp này có thể thấy được anh Tr. thực hiện hành vi giết người với nguyên nhân hai người đang có mâu thuẫn tình cảm do đó rất khó để xác định hành vi bóp cổ cô M. đến chết là có ý định chiếm đoạt tài sản chiếc xe máy.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Đây là hành vi của tội "Công nhiên chiếm đoạt tài sản". Công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi công khai lấy tài sản trước sự chứng kiến của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản mà không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc bất cứ một thủ đoạn nào nhằm uy hiếp tinh thần của người quản lý tài sản. Tính công khai của hành vi này được thể hiện ở chỗ, người thực hiện không hề giấu giếm hành vi vi phạm của mình. Đồng thời, khi bị chiếm đoạt tài sản, chủ sở hữu hay người quản lý tài sản biết rõ người chiếm đoạt tài sản và hành vi chiếm đoạt đó nhưng không thể ngăn cản hay làm gì khác.
Trong trường hợp này, Tr. đã lấy tài sản của cô M. ngay một cách công khai nhưng cô M. không thể ngăn cản do đã chết và cũng không thể biết rõ là anh Tr. đã chiếm đoạt tài sản.
Quan điểm thứ ba (cá nhân tác giả) cho rằng: Đây là hành vi của tội "Trộm cắp tài sản". Hành vi chiếm đoạt tài sản được coi là lén lút khi thực hiện một cách cố ý không cho chủ tài sản biết hành vi chiếm đoạt của mình. Người thực hiện hành vi có ý thức giấu giếm hành vi chiếm đoạt của mình, che giấu hành vi đó đối với chủ tài sản (Còn đối với những người khác thì ý thức che giấu hành vi này có thể có cũng có thể không).
Khi cô M. chết, tài sản của cô M. được trao cho người thừa kế theo quy định pháp luật. Lúc này người nhận thừa kế không biết mình là người sở hữu chiếc xe máy, đồng thời hành vi của Tr. là lén lút, chiếm đoạt tài sản thuộc sở hữu của cá nhân khác trong trường hợp này là người thừa kế.
Từ những quan điểm trên, tác giả cho rằng hành vi giết người rồi chiếm đoạt tài sản của người bị giết là trái pháp luật. Căn cứ vào nguyên nhân, mục đích giết người và những chủ thể nhận thừa kế sau khi người bị giết đã chết mới có thể xem xét để phán quyết đây là hành động phạm tội gì. Nếu ý định chiếm đoạt tài sản có trước khi hành vi giết người thực hiện thì hành vi này phạm tội "Cướp tài sản"; còn nếu ý định chiếm đoạt tài sản có sau khi thực hiện hành vi giết người thì phạm tội "Trộm cắp tài sản".
Trên đây là quan điểm tác giả, rất mong nhận được sự góp ý, trao đổi của bạn đọc.
ĐẶNG ĐÌNH THÁI
Tòa án Quân sự Quân khu 4