Bàn về hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự 2015

24/07/2022 22:36 | 2 năm trước

(LSVN) - Hình phạt tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt theo pháp luật hình sự Việt Nam. Tuy nhiên, tử hình là một hình phạt đặc biệt, một loại hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt, nó tước đi quyền sống của người bị kết án, vì thế nó chỉ được quy định áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Khi hình phạt được thi hành thì khả năng khắc phục sai lầm trong hoạt động tư pháp là không thể. Bài viết này tập trung phân tích về hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS).

Ảnh minh họa.

1. Lý luận chung về hình phạt tử hình 

Khái niệm tử hình

Theo Từ điển Giải thích thuật ngữ Luật học “Tử hình là hình phạt tước bỏ quyền sống của người bị kết án, tử hình được coi là hình phạt đặc biệt trong hệ thống hình phạt của luật hình sự Việt Nam, là hình phạt nghiêm khắc nhất; tử hình chỉ được áp dụng đối với các trường hợp phạm tới đặc biệt nghiêm trọng và được thi hành theo một thủ tục tố tụng chặt chẽ”.

Khái niệm hình phạt tử hình theo quy định tại Điều 40 BLHS năm 2015: “Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định”.

Như vậy, từ các khái niệm trên có thể khái quát về hình phạt tử hình như sau: 

Tử hình là hình phạt tước bỏ quyền sống của người bị kết án, là hình phạt đặc biệt trong hệ thống hình phạt của luật hình sự Việt Nam do Tòa án quyết định áp dụng đối đã với phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tại phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do BLHS quy định.

Đặc điểm của hình phạt tử hình

Từ khái niệm nêu trên, bản chất của hình phạt tử hình là chế tài hình sự nghiêm khắc nhất của một nhà nước, dẫn đến hậu quả là tước đi quyền sống vĩnh viễn, loại trừ một cá nhân ra khỏi xã hội. Với tư cách là một loại hình phạt “đặc biệt”, hình phạt tử hình còn có các đặc điểm riêng thể hiện bản chất “đặc biệt mà các loại hình phạt khác không có. Các đặc điểm đó là:

Thứ nhất, hình phạt tử hình là chế tài hình sự nghiêm khắc nhất, dẫn đến hậu quả là tước đoạt mạng sống của người phạm tội, không một hình phạt nào trong hệ thống hình phạt có khả năng này. Hình phạt tử hình tước bỏ quyền được sống là quyền tự nhiên quan trọng nhất của con người. Áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội, loại bỏ hoàn toàn sự tồn tại của họ trong đời sống xã hội vì lợi ích chung của cộng đồng.

Thứ hai, xuất phát đặc điểm nêu trên, hình phạt tử hình có tính chất không thể khắc phục nếu được thi hành. Bởi nếu ở những hình phạt khác, thì khi phát hiện có oan sai, chúng ta vẫn có thể khắc phục được hậu quả. Những người bị kết án tử hình thì sau đó đủ có chứng minh được người đó hoàn toàn cách nào để khôi phục quyền sống của họ vô tôi thì cũng không làm cách nào để khôi phục quyền sống của họ.

Thứ ba, hình phạt tử hình chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng được quy định trong BLHS trong những trường hợp nghiêm trọng. Không phải đối với mọi tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đều quy định hình phạt từ hình và nếu BLHS có quy định hình phạt tử hình trong chế tài thì không phải mọi trường hợp đều có thể áp dụng.

Thứ tư, hình phạt tử hình không đặt ra mục đích cải tạo, giáo dục người bị kết án. Tuy nhiên, tử hình vẫn đạt được mục đích phòng ngừa riêng của nó khi loại bỏ khả năng phạm tội mới của người bị kết án và mục đích phòng ngừa chung khi có tác dụng răn đe mạnh mẽ, ngăn ngừa những cá nhân khác trong xã hội phạm tội.

2. Quy định về hình phạt tử hình theo Bộ luật Hình sự 2015

Về điều kiện áp dụng hình phạt tử hình

Tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt, tước đi quyền sống của người bị kết án, BLHS năm 2015 quy định các điều kiện rất chặt chẽ liên quan đến việc áp dụng hình phạt tử hình.

Khác với BLHS năm 1999 quy định: “Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng”, BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bỏ điều kiện áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chặt chẽ nhằm thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt này. Khoản 1 Điều 40 BLHS năm 2015 quy định: “Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma tuý, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định”.

Theo đó, BLHS năm 2015 quy định cụ thể về loại tội: Chỉ áp dụng đối với một số tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia (Điều 108, 109, 110, 112, 113, 114), xâm phạm tính mạng con người (Điều 123, 142); các tội phạm về ma túy (Điều 248, 250, 251), các tội phạm về tham nhũng (Điều 353, 354) và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do BLHS quy định (Điều 194 tội “Sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”, Điều 299 tội “Khủng bố”, Điều 421, 422, 423 các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh).

Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã mở rộng diện đối tượng không bị áp dụng hình phạt tử hình (Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015) theo hướng ngoài đối tượng như quy định theo BLHS năm 1999 là người chưa thành viên (BLHS năm 2015 là người dưới 18 tuổi) và phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, bổ sung thêm đối tượng là người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Việc bổ sung đối tượng này vào diện không bị áp dụng hình phạt từ hình thể hiện chính sách hình sự nhân đạo đối với một đối tượng được sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước là những người cao tuổi.

Ngoài ra, BLHS năm 2015 đã mở rộng các trường hợp không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế (Điều 40) theo hướng ngoài 02 trường hợp như quy định của BLHS năm 1999 (người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc là phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi), bổ sung thêm hai trường hợp là không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ đủ 75 tuổi trở lên, người bị kết án tử hình về tội “Tham ô tài sản”, tội “Nhận hối lộ” mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Quy định trên thể hiện sự tiến bộ vượt bậc trong lập pháp hình sự Việt Nam về tính nhân đạo. Quy định không áp dụng hình phạt hoặc thi hành án tử hình đối với người “đủ 75 tuổi trở lên” này không được đề cập trong ICCPR cũng như pháp luật của quốc tế. Đây là độ tuổi bị hạn chế về vấn đề sức khoẻ cũng như sự minh mẫn trong nhận thức khi họ thực hiện hành vi của mình, do đó BLHS 2015 xem đây là đối tượng đặc biệt cần được quan tâm, bảo vệ và đương nhiên sẽ không áp dụng hình phạt tử hình.

Căn cứ quyết định hình phạt tử hình

Quyết định hình phạt là việc Toà án lựa chọn loại hình phạt và xác định mức hình phạt cụ thể trong phạm vi luật định để áp dụng đối với người phạm tội cụ thể Điều 50 BLHS 2015 quy định: “Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự”.

Với tư cách là một loại hình phạt đặc biệt trong hệ thống hình phạt tước đi quyền sống của người bị kết án, khi cân nhắc và quyết định hình phạt tử hình Toà án phải tuân thủ các căn cứ quyết định hình phạt nêu trên, cụ thể là:

- Căn cứ vào các quy định của Phần quy định chung và Phần các tội phạm của BLHS

Khi quyết định hình phạt tử hình, Toà án phải căn cứ vào các quy định của Phần các tội phạm của BLHS Toà án chỉ được phép áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội khi điều khoản áp dụng đối với người phạm tội có quy định hình phạt này. Nếu điều khoản được áp dụng không quy định hình phạt tử hình thì dù đó là loại tội đặc biệt nghiêm trọng (có mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm, tù chung thân) thì chúng ta cũng không được áp dụng trong bất kỳ trường hợp nào.

Bên cạnh đó, Toà án phải căn cứ vào các quy định của Phần chung BLHS. Đó là các quy định về nguyên tắc xử lý người phạm tội: Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (Điều 3 BLHS năm 2015)

- Cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội

Điều 9 BLHS năm 2015 quy định: “Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây: Tội phạm ít nghiêm trọng, Tội phạm nghiêm trọng, Tội phạm rất nghiêm trọng và Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm từ đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc từ hình.

Mặc dù Điều 40 BLHS năm 2015 quy định tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định. Tuy nhiên, không phải mọi tội phạm đặc biệt nghiêm trọng trong các nhóm tội nêu trên BLHS đều quy định áp dụng hình phạt tử hình mà chỉ có 18 tội đặc biệt nghiêm trọng có quy định hình phạt tử hình. 

- Căn cứ vào nhân thân người phạm tội

Nhân thân người phạm tội là tổng hợp những đặc điểm về tâm sinh lý và hoàn cảnh xã hội của một người có ảnh hưởng nhất định đến tính nguy hiểm của hành vi phạm tội mà người này thực hiện. Nhân thân người phạm tội là phạm trù chỉ rõ khả năng tiếp nhận biện pháp cải tạo giáo dục của xã hội, khả năng tự cải tạo của người phạm tội. Đây chính là căn cứ để Tòa án lựa chọn loại chế tài phù hợp đối với người phạm tội nhằm đạt được mục đích của hình phạt.

Khi quyết định hình phạt tử hình đối với người phạm tội, Toà án cũng phải dựa trên cơ sở nhân thân người phạm tội như không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người từ đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc xét xử, hình phạt tử hình chỉ được áp dụng khi bản thân người phạm tội có nhân thân rất xấu, phản ánh tình trạng không có khả năng cải tạo, giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống.

- Căn cứ vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Các tình tiết tăng nặng (giảm nhẹ) trách nhiệm hình sự là những tình tiết không đóng vai trò định tội và định khung hình phạt nhưng có tác dụng làm tăng (giảm) mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự này là một trong những căn cứ để Toà án lựa chọn loại hình phạt tương xứng với mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Thông thường các vụ án áp dụng hình phạt tử hình, bị cáo thường tập trung nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có tính tiết giảm nhẹ nhưng không đáng kể.

Một số quy định khác liên quan đến hình phạt tử hình

- Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có quy định hình phạt tử hình

Về nguyên tắc, mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng công minh theo đúng pháp luật. Trên cơ sở này, Điều 27 BLHS năm 2015, quy định: “Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng. Theo quy định của BLHS năm 2015, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội đặc biệt nghiêm trọng là 20 năm kể từ ngày tội phạm được thực hiện. Trong thời hạn trên, nếu người phạm tội lại phạm tội mới mà Bộ luật quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên một năm tù, thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu đối tội cũ được tính lại kể từ ngày phạm tội mới; Nếu người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ. Nếu thực hiện tội phạm được quy định trong Chương XII (Các tội xâm phạm an sinh quốc gia), Chương XXVI (Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh), tội “Tham ô tài sản” và tội “Nhận hối lộ” thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353, 354 của BLHS năm 2015 thì không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 28 BLHS năm 2015).

- Thời hiệu thi hành bản án tử hình

Về nguyên tắc, mọi bản án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành nghiêm chỉnh. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Toà án, Viện Kiểm sát, Công an), trong phạm vi chức năng và quyền hạn của mình, phải phối hợp thực hiện đầy đủ các biện pháp cần thiết để thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án 

Đối với thời hiệu thi hành bản án tử hình theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 60 BLHS năm 2015: “20 năm đối với các trường hợp xử phạt tù chung thân hoặc từ hình”. Không áp dụng thời hiệu thi hành bản án (tử hình) đối với các tội quy định trong Chương XIII (Các tội xâm phạm an ninh quốc gia), Chương XXVI (Các tội phá hoại hoà bình chống loài người và tội phạm chiến tranh), tội “Tham ô tài sản” và tội “Nhận hối lộ” thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353, 354 của BLHS năm 2015 thì không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự Điều 61 BLHS năm 2015.

- Quy định tại phần thứ hai Bộ luật hình sự 2015

BLHS năm 2015 quy định chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với 18 tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia (Điều 108, 109, 110, 112, 113, 114), xâm phạm tính mạng con người (Điều 123, 142), các tội phạm về ma túy (Điều 248, 250, 251), các tội phạm về tham nhũng (Điều 353, 354) và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do BLHS quy định (Điều 194 tội “Sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”, Điều 299 tội “Khủng bố”; Điều 421,422,423 Chương Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh).

Việc bỏ hình phạt từ hình nói chung và đối với một số tội phạm cụ thể nói riêng là một vấn đề hết sức hệ trọng mang tính chính trị - pháp lý sâu sắc, do vậy, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng thận trọng và phải xuất phát từ một số tiêu chí cơ bản sau đây tầm quan trọng và yêu cầu bảo vệ khách thể bị xâm hại; tính chất, mức độ nghiêm trọng của tội phạm cũng như đặc điểm nhân thân của người phạm tội; yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, khả năng trấn áp tội phạm bằng các biện pháp ngoài tử hình, có tính đến xu hướng chung trên thế giới là thu hẹp dần và tiến tới bãi bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình.

3. Giải pháp hoàn thiện pháp luật hình sự về hình phạt tử hình

Giải pháp hoàn thiện các quy định ở phần thứ nhất

Thứ nhất, hoàn thiện Điều 40 BLHS 2015 theo hướng định nghĩa rõ hơn về hình phạt tử hình được nêu trong điều luật đảm bảo được ghi nhận trong BLHS qua đó chỉ rõ bản chất của loại hình phạt này là “tước đi quyền sống của người bị kết án theo quy định của pháp luật”. Đồng thời bổ sung điều kiện áp dụng hình phạt tử hình để thể hiện đó là hình phạt đặc biệt trong hệ thống hình phạt nước ta.

Về điều kiện áp dụng cần bổ sung điều kiện chỉ áp dụng hình phạt tử hình khi thấy rằng áp dụng các hình phạt khác (tù có thời hạn, tù chung thân) không đáp ứng yêu cầu phòng chống tội phạm. Đồng thời, cần sửa lại điều kiện áp dụng hình phạt tù chung thân tại Điều 39 BLHS, huỷ bỏ điều kiện “chưa đến mức bị xử phạt tử bình”.

Thứ hai, nghiên cứu việc bổ sung loại hình phạt tù “chung thân không giảm án” hoặc “hình phạt tử hình được hoãn thi hành một thời gian nhất định” (như BLHS Trung Quốc có quy định trường hợp hoãn thi hành án tử hình 2 năm) vào BLHS để áp dụng cho một số tội phạm về tham nhũng (Tội “Tham ô”, “Nhận hối lộ”) trong những trường hợp không thi hành án tử hình có điều kiện, tăng khả năng thu hồi tài sản cũng như điều tra các hành vi phạm tội, đối tượng phạm tội có liên quan.

Giải pháp hoàn thiện chế tài các quy phạm phần thứ hai

Trong giai đoạn hiện nay, hình phạt tử hình vẫn có vai trò và vị trí quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, hạn chế tình hình phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo sự phát triển của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và nhu cầu hội nhập, chúng ta cần tiếp tục thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình trong BLHS, chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với một số tội phạm thật sự cần thiết. Theo đó, cùng với sự phát triển về khoa học quản lý, khả năng kiểm tra giám sát trong hoạt động quản lý kinh tế, nâng cao đời sống vật chất hưởng đến nền hành chính “công khai, minh bạch, cán bộ không dám tham nhũng không thể tham nhũng không cần tham nhũng và không muốn tham nhũng” thì việc duy trì hình phạt tử hình không cần thiết nên có thể xóa bỏ. 

Danh mục tài liệu tham khảo:

1. Bộ luật Hình sự của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);

2. Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Trường Đại học Luật Hà Nội, NXB. CAND, Hà Nội, 2018;

3. Nguyễn Ngọc Hòa, Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015, dược sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Phần chung), NXB Tư Pháp, Hà Nội, 2017;

4. Nguyễn Ngọc Hòa chủ biên (1999), Từ điển Giải thích thuật ngữ Luật học (Luật hình sự và Luật tố tụng hình sự), NXB CAND.

NGUYỄN PHI HÙNG

Toà án Quân sự Quân khu 4

Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về hoạt động chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu tại Việt Nam