Bàn về nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự Việt Nam

23/04/2022 16:15 | 2 năm trước

(LSVN) - Suy đoán vô tội là một nguyên tắc lâu đời và có vai trò đặc biệt quan trọng trong tố tụng hình sự (TTHS), là kết quả của quá trình đấu tranh bảo vệ quyền con người của nhân loại. Tại Việt Nam, nguyên tắc này đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 và Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015. Hoàn thiện pháp luật về nguyên tắc suy đoán vô tội là nhu cầu tất yếu đặt ra cho Việt Nam trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp, vì vậy nghiên cứu về nguyên tắc này có ý nghĩa quan trọng trong khoa học và thực tiễn lập pháp.

Ảnh minh họa.

1. Tổng quan về nguyên tắc suy đoán vô tội

1.1. Khái niệm nguyên tắc suy đoán vô tội

Nguyên tắc của TTHS được hiểu là những phương châm, định hướng quan trọng phải tuân theo trong toàn bộ hay một số giai đoạn của hoạt động TTHS.

Suy đoán vô tội theo tiếng Anh là “presumption of innocence” hay “the right to be presumed innocent”, với nghĩa là quyền được giả định vô tội, theo đó, người bị cáo buộc thực hiện một tội phạm được coi là không có tội cho đến khi cơ quan công tố thuyết phục được Tòa án rằng bị cáo đã phạm tội (1).

Như vậy, nguyên tắc suy đoán vô tội là những phương châm, định hướng quan trọng phải tuân theo trong TTHS. Theo đó, một người bị buộc tội được coi là không có tội cho tới khi tội phạm của họ được chứng minh theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định và có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

1.2. Nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội

Nguyên tắc suy đoán vô tội được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế như Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966. Nguyên tắc này cũng được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013 tại khoản 1, Điều 31 như sau: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Nguyên tắc này bao gồm 05 nội dung sau:

Một là, người bị buộc tội được coi là không có tội cho tới khi bị kết tội bởi một bản án có hiệu lực pháp luật. Toà án là cơ quan duy nhất có quyền xét xử và kết tội một người, không một cá nhân, cơ quan, tổ chức nào có thể phán quyết một người phạm tội, kể cả cơ quan điều tra, truy tố.

Hai là, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không được đối xử với người bị buộc tội như người phạm tội, không được định kiến, thiên lệch khi giải quyết vụ án. Mọi quyền con người của người bị buộc tội phải được tôn trọng ngay cả khi bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế, ngăn chặn, người bị buộc tội chỉ bị hạn chế một phần quyền con người trong giới hạn luật định.

Ba là, việc chứng minh tội phạm phải được thực hiện theo một trình tự, thủ tục nghiêm ngặt do Luật TTHS quy định. Các cơ quan điều tra trong quá trình thu thập các tài liệu, chứng cứ phải khách quan và đúng pháp luật. Nghiêm cấm các hình thức bức cung, nhục hình, “mớm cung”,... và các phương pháp thu thập tài liệu, chứng cứ trái pháp luật.

Bốn là, việc kết tội một người phải dựa trên những chứng cứ xác thực đã được kiểm tra, xác minh công khai tại phiên toà và không còn bất cứ sự nghi ngờ nào. Mọi sự nghi ngờ không chứng minh được theo trình tự, thủ tục luật định phải được xử lý theo hướng có lợi cho người bị buộc tội. Khi không đủ căn cứ chứng minh tội phạm theo trình tự, thủ tục luật định thì phải kết luận người bị buộc tội không có tội, các quyền và lợi ích hợp pháp của họ phải được khôi phục theo quy định của pháp luật.

Năm là, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về bên buộc tội, người bị buộc tội có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh. Người bị buộc tội không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình và có quyền giữ im lặng, không trả lời các câu hỏi của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội (2).

1.3. Ý nghĩa của nguyên tắc suy đoán vô tội

Nguyên tắc suy đoán vô tội có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với quá trình giải quyết vụ án hình sự, được ví như nguyên tắc “vàng” trong TTHS.

Nguyên tắc này đảm bảo cho việc chứng minh tội phạm được chính xác và khách quan, từ đó bảo vệ công lý, công bằng và tránh được oan sai. Bởi lẽ những người tiến hành tố tụng sẽ không thể vô tư, khách quan khi thu thập, đánh giá các chứng cứ nếu như trong đầu họ đã mặc nhiên coi người bị buộc tội là người phạm tội. Trách nhiệm hình sự là chế tài cao nhất áp dụng với những cá nhân, pháp nhân có hành vi vi pháp pháp luật nghiêm trọng, vì vậy nếu sự thật của vụ án bị che lấp bởi những định kiến, suy nghĩ cảm tính, chủ quan của những người tiến hành tố tụng thì thiệt hại đối với người bị kết tội oan là rất lớn.

Bên cạnh đó, nguyên tắc suy đoán vô tội thể hiện tính nhân đạo trong TTHS, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội với vị thế là bên yếu hơn trong quan hệ với Nhà nước cùng bộ máy điều tra, truy tố xét xử hùng mạnh được thực hiện bằng quyền lực nhà nước (3).

2. Nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội trong BLTTHS 2015

BLTTHS 2015 đã cụ thể hoá quy định của Hiến pháp 2013 tại Điều 13 như sau:

“Điều 13. Suy đoán vô tội

Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

Như vậy, chủ thể có quyền được suy đoán vô tội là người bị buộc tội, bao gồm người bị người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo (điểm đ, khoản 1, Điều 4, BLTTHS 2015).

Ngoài Điều 13, nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội còn được quy định tại các điều luật khác của BLTTHS 2015. Cụ thể:

Một là, BLTTHS 2015 đã ghi nhận Toà án là cơ quan duy nhất có quyền tuyên một người là phạm tội. Khoản 1, Điều 326 quy định “Chỉ Thẩm phán và Hội thẩm mới có quyền nghị án”.

Hai là, BLTTHS 2015 yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi tiến hành tố tụng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phải tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết (Điều 8). Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải quan tâm, tạo điều kiện cho người bị buộc tội trong việc đưa ra chứng cứ, yêu cầu và tranh luận dân chủ trước Tòa án để chứng minh họ không có tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

BLTTHS 2015 quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của VKS, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế phải được thực hiện theo quy định của BLTTHS. Nghiêm cấm các hình thức tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe của con người (Điều 10).

Ba là, BLTTHS 2015 quy định mọi hoạt động TTHS phải tuân thủ trình tự, thủ tục luật định. Điều 7 xác định: “Mọi hoạt động TTHS phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật này. Không được giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định”. Chứng cứ sẽ vô hiệu (Điều 87), hồ sơ phải được trả lại để điều tra bổ sung (Điều 236 và Điều 280), bản án bị hủy để điều tra lại hoặc xét xử lại khi xét xử phúc thẩm (Điều 358) và trong thủ tục giám đốc thẩm (khoản 3, Điều 371, Điều 388) nếu phát hiện có vi phạm thủ tục tố tụng.

Bốn là, BLTTHS 2015 quy định việc nghị án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ của vụ án, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác (khoản 2, Điều 326).

Năm là, BLTTHS 2015 quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội (Điều 15).

Đặc biệt, BLTTHS 2015 đã ghi nhận quyền im lặng của người bị buộc tội. Theo đó, người bị buộc tội có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội (các Điều 58 - Điều 61). Lời nhận tội của người bị buộc tội chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của người bị buộc tội làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội (Điều 98).

3. Một số bất cập trong quy định và thực tiễn áp dụng BLTTHS 2015 về nguyên tắc suy đoán vô tội

Có thể thấy BLTTHS 2015 đã có những thay đổi tiến bộ so với BLTTHS 2003 (4), quy định khá đầy đủ về nguyên tắc suy đoán vô tội. Tuy nhiên, BLTTHS 2015 vẫn còn một số bất cập như sau:

Thứ nhất, nội dung trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tại Điều 15 với tên gọi “Xác định sự thật của vụ án” là chưa phù hợp. Bên cạnh đó, việc quy định Toà án có trách nhiệm chứng minh tội phạm (5) là không phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội, trách nhiệm này chỉ thuộc về cơ quan buộc tội (tức Cơ quan điều tra, VKS). Toà án đóng vai trò trung gian, xét xử vụ án dựa trên những tài liệu, chứng cứ được xem xét công khai và kết quả tranh tụng giữa bên “buộc tội” và bên “gỡ tội” tại phiên toà (6).

Thứ hai, mặc dù đã ghi nhận quyền im lặng của người bị buộc tội song khoản 3, Điều 466, BLTTHS 2015 lại quy định người bị buộc tội có thể bị xử lý về hành vi từ chối khai báo hoặc từ chối cung cấp tài liệu, đồ vật. Quy định này mâu thuẫn với quyền không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.

Từ khi có BLTTHS 2015, nhận thức của các thẩm phán, hội thẩm nhân dân, cán bộ điều tra, kiểm sát viên, luật sư và cả dư luận đã có những thay đổi tích cực (7). Sự phản ánh của các Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, báo chí và nhân dân về vụ án Hồ Duy Hải đã cho thấy sự ảnh hưởng của nguyên tắc vô tội. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cũng chính vụ án này đã thể hiện nguyên tắc suy đoán vô tội chưa được các Thẩm phán áp dụng triệt để. Bởi trong Quyết định giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã kết luận trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra có một số vi phạm, thiếu sót nhưng vẫn bác kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao vì cho rằng những sai sót đó không làm thay đổi bản chất vụ án.

Về hình thức, nguyên tắc suy đoán vô tội đã có bước tiến mới là việc thay thế vành móng ngựa bằng “bục khai báo” trong các phiên toà hình sự bắt đầu từ phiên toà vào tháng 01/2018 của TAND TP. Hà Nội.

Một nguy cơ đe doạ đến nguyên tắc suy đoán vô tội đến từ các phiên toà xét xử lưu động. Việc xét xử lưu động được thực hiện nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhưng không đảm bảo quyền được suy đoán vô tội của bị cáo bởi các cơ quan tố tụng, đặc biệt là tòa án đã ngầm kết tội bị cáo trước khi xét xử. Từ đó, mới đưa vụ án xét xử lưu động để mọi người chứng kiến, rút kinh nghiệm và được giáo dục pháp luật (8).

4. Một số biện pháp bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội

Từ những phân tích trên, để nguyên tắc suy đoán vô tội được áp dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả, người viết đề xuất một số biện pháp cụ thể như sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật về nguyên tắc suy đoán vô tội.

Trong thời gian tới các nhà làm luật cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định của BLTTHS 2015 như sau:

i) Điều 13 nên được sửa lại thành:

Điều 13. Suy đoán vô tội

1. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

2. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về bên buộc tội. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

3. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.

ii) Bỏ quy định tại khoản 3, Điều 466, BLTTHS 2015, ghi nhận người bị buộc tội có quyền không trả lời các câu hỏi của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

iii) Tiếp tục hoàn thiện các quy định của BLTTHS về các nguyên tắc liên quan mật thiết với nguyên tắc suy đoán vô tội như nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm, nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, quyền được bào chữa,...

iv) Bổ sung quy định yêu cầu địa điểm mở phiên toà phải được tổ chức tại trụ sở Toà án.

Hai là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng

Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân chính là những người có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội. Vì vậy, để nguyên tắc này được thực hiện trên thực tế cần phải tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ phù hợp theo chức năng, nhiệm vụ của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân về quyền được suy đoán vô tội

Để nguyên tắc suy đoán vô tội được đi vào đời sống cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân về quyền được suy đoán vô tội. Người bị buộc tội cần hiểu rõ nguyên tắc suy đoán vô tội, đặc biệt là trách nhiệm chứng minh và quyền im lặng để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

(1) Bùi Tiến Đạt (2015), Quyền giả định vô tội và quyền im lặng: Lý thuyết và thách thức từ thực tiễn, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 22 (302), tr. 4.

(2) Đào Trí Úc (2011), Các nguyên tắc của TTHS Việt Nam, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Luật học, số 27, tr. 14-15.

(3) Đỗ Đức Minh & Trần Quang Minh (2020), Bàn về nguyên tắc SĐVT, <https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/ban-ve-nguyen-tac-suy-doan-vo-toi>, truy cập ngày 04/6/2021.

(4) BLTTHS 2003 chỉ quy định “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật” tại Điều 9.

(5) Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo khoản 1, Điều 34, BLTTHS 2015 bao gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và cả Toà án.

(6) Trần Thái Dương (2017), Quyền được SĐVT theo Hiến pháp và vấn đề bảo đảm thực thi ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Luật học, số 3, tr. 12-13.

(7) Lê Thị Thuý Nga (2020), Bảo đảm nguyên tắc SĐVT trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, Tạp chí Nghề luật, số 12, tr. 42.

(8) Lã Khánh Tùng (2018), Thực thi các quyền hiến định trong lĩnh vực tư pháp - một số tiến triển và thách thức, Hội thảo Khoa học Đánh giá 5 năm thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Hà Nội, tr. 326.

 

Danh mục tài liệu tham khảo:

1. Hiến pháp năm 2013;

2. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003;

3. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;

5. Đào Trí Úc (2011), Các nguyên tắc của tố tụng hình sự Việt Nam, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Luật học, số 27, tr. 10-18.

6. Bùi Tiến Đạt (2015), Quyền giả định vô tội và quyền im lặng: Lý thuyết và thách thức từ thực tiễn, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 22 (302), tr. 3-11.

7. Trần Thái Dương (2017), Quyền được suy đoán vô tội theo Hiến pháp và vấn đề bảo đảm thực thi ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Luật học, số 3, tr. 3-17.

8. Lã Khánh Tùng (2018), Thực thi các quyền hiến định trong lĩnh vực tư pháp - một số tiến triển và thách thức, Hội thảo Khoa học Đánh giá 5 năm thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Hà Nội, tr. 322-329.

9. Lê Thị Thuý Nga (2020), Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, Tạp chí Nghề luật, số 12, tr. 41-47.

10. Đỗ Đức Minh & Trần Quang Minh (2020), Bàn về nguyên tắc suy đoán vô tội, <https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/ban-ve-nguyen-tac-suy-doan-vo-toi>, truy cập ngày 20/01/2022.

Tiến sĩ, Luật sư NGÔ NGỌC DIỄM - ĐỖ THỊ HÀ

Công ty Luật TNHH ThinkSmart, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm quy định và thực tiễn thực hiện