/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Bàn về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt theo Điều 54 BLHS

Bàn về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt theo Điều 54 BLHS

09/03/2022 15:06 |

(LSVN) - Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung phân tích quy định của Bộ luật Hình sự về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng và thể hiện quan điểm cá nhân về những quy định còn tồn tại quan điểm áp dụng khác nhau; đưa ra kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

Ảnh minh họa.

Quyết định hình phạt là hoạt động tư duy của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân (Hội thẩm quân nhân) ngay sau khi đã xác định tội danh đối với hành vi phạm tội. Nếu định tội là tiền đề, là cơ sở cho việc quyết định hình phạt, thì quyết định hình phạt là kết quả cuối cùng của hoạt động xét xử. Quyết định hình phạt chính xác có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động xét xử của Tòa án. Để quyết định hình phạt chính xác, Tòa án còn phải tuân theo những nguyên tắc, những căn cứ về quyết định hình phạt đã được quy định trong Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, Tòa án còn phải xem xét, cân nhắc đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của từng địa phương, yêu cầu của việc đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm và yếu tố khác có liên quan đến việc quyết định hình phạt.

Mục 2 Chương VIII Bộ luật Hình sự quy định về quyết định hình phạt trong các trường hợp cụ thể bao gồm: Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng (Điều 54); quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội (Điều 55); quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt (Điều 57); quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm (Điều 58).

Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung phân tích quy định của Bộ luật Hình sự về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng và thể hiện quan điểm cá nhân về những quy định còn tồn tại quan điểm áp dụng khác nhau; đưa ra kiến nghị hoàn thiện pháp luật. 

1. Quy định của điều luật  

Điều 54 Bộ luật Hình sự về trường hợp quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng thể hiện:

- Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.

- Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

- Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.

2. Thực tiễn áp dụng

Thứ nhất, về áp dụng khoản 1 Điều 54 BLHS: 

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Khi có đủ căn cứ áp dụng khoản 1 Điều 54 đối với bị cáo, Tòa án quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật . Tuy nhiên, hình phạt áp dụng phải cùng loại với hình phạt bị truy tố ban đầu.

Ví dụ: Nguyễn Quốc A. phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo khoản 2 Điều 174 BLHS có khung hình phạt từ 2 năm đến 07 năm, khi áp dụng khoản 1 Điều 54 thì Tòa án sẽ quyết định hình phạt đối với A theo khoản 1 Điều 174 đó là: “1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm“.

Theo quan điểm trên đưa ra, phạm vi áp dụng phải là hình phạt cùng loại, đó là hình phạt tù mà khoản 1 quy định từ 6 tháng đến 3 năm trong khi khoản 1 có cả hình phạt cải tạo không giam giữ.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Vì điều luật không quy định phạm vi áp dụng phải là hình phạt cùng loại nên khi áp dụng khoản 1 Điều 54 BLHS để quyết định hình phạt nhẹ hơn cho bị cáo, không cần áp dụng hình phạt cùng loại với hình phạt bị truy tố ban đầu. 

Qua nghiên cứu, tác giả thấy rằng việc hiểu và áp dụng như quan điểm thứ nhất đưa ra thể hiện nhìn nhận áp dụng pháp luật có phần máy móc và tùy tiện. Áp dụng như quan điểm thứ hai đưa ra là phù hợp với quy định của điều luật trên cả phương diện lý luận và thực tiễn áp dụng. Mặc dù Điều 54 BLHS năm 2015 bổ sung nhiều quy định mới so với Điều 47 BLHS 1999, tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có Nghị quyết hướng dẫn áp dụng nên vẫn có thể áp dụng tinh thần Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của Bộ luật Hình sự năm 1999. Theo đó, quy định về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng được quy định tại “mục 10. Quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật Hình sự (Điều 47)”. Đối với việc quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật và việc áp dụng hình phạt có nhất thiết phải cùng loại hay chỉ cần là hình phạt trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đó đã được Nghị quyết quy định cụ thể, rõ ràng như sau: 

“10. Quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật hình sự (Điều 47).

Khi quy định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật hình sự cần thực hiện đúng các quy định tại Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 1999 và cần chú ý các điểm sau đây:

a- Quy định "Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật" được áp dụng trong trường hợp điều luật có từ hai khung hình phạt trở lên và người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự không phải theo khung hình phạt nhẹ nhất. Nếu các khung hình phạt của điều luật được sắp xếp theo thứ tự 1, 2, 3... và từ nhẹ nhất đến nặng nhất, thì theo quy định này khi có từ hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 trở lên, Toà án chỉ có thể quy định một hình phạt trong khung hình phạt của khoản 1, nếu người phạm tội bị xét xử theo khoản 2; Toà án chỉ có thể quyết định một hình phạt trong khung hình phạt của khoản 2, nếu người phạm tội bị xét xử theo khoản 3...”.

Ví dụ: Một người phạm tội "Trộm cắp tài sản" và có từ hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 trở lên, việc áp dụng quy định trên đây của Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 1999 như sau: Nếu người phạm tội bị xét xử theo khoản 2 Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới 2 năm tù, nhưng phải trong khung hình phạt của khoản 1; cụ thể là chỉ được phạt tù từ 6 tháng đến dưới 2 năm hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm.

Hơn nữa, nếu áp dụng như quan điểm thứ nhất sẽ bộc lộ rõ vướng mắc, bất cập gây bất lợi cho người phạm tội, không thể hiện được chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, không phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới hiện nay về bảo vệ quyền con người. 

Thứ hai, áp dụng khoản 2 Điều 54 BLHS:

Quan điểm thứ nhất: Quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 BLHS là hai trường hợp riêng biệt nên việc áp dụng khoản 2 không phụ thuộc vào việc phải đáp ứng điều kiện có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS như khoản 1 Điều 54 quy định. Theo đó, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 54 BLHS, người phạm tội chỉ cần đáp ứng điều kiện “phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể”  thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật.

Quan điểm thứ hai: Người phạm tội được áp dụng khoản 2 khi phải thỏa mãn đủ các điều kiện sau: Một là, người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS; Hai là, người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể. Bởi vì, chỉ riêng áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt áp dụng trong khung liền kề nhẹ hơn người phạm tội đã phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51; trong trường hợp này hình phạt họ được áp dụng còn dưới mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề nhẹ hơn khung hình phạt được áp dụng hoặc có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn nằm ở khung thứ nhất hoặc thứ hai của khung hình phạt liền kề của khung hình phạt được áp dụng hoặc họ có thể bị xử phạt mức hình phạt tối thiểu của các loại hình phạt.

Nghiên cứu quy định tại khoản 2 Điều 54 BLHS, chúng tôi nhất trí với quan điểm thứ hai đưa ra. Như đã phân tích ở trên, khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015 là một bổ sung mới, trước đây BLHS năm 1999 chưa quy định. Trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người phạm tội và để đảm bảo nguyên tắc công bằng khi quyết định hình phạt của Tòa án đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức, có vai trò không đáng kể trong vụ án đồng phạm, nhưng bị truy tố và xét xử ở khung hình phạt nặng cùng với các đồng phạm khác.

Mục đích nhà làm luật tách riêng khoản 1, khoản 2 là để cụ thể hóa đối tượng được áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 54 BLHS đó là đối tượng đặc biệt “người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể”. Chỉ người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể mới được áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 54 BLHS. Do đó, khi áp dụng quy định này, cần lưu ý đó là người bị kết án vẫn phải đảm bảo nguyên tắc bắt buộc là có từ 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS.

3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng là chế định thể hiện sự ưu việt của pháp luật hình sự Việt Nam, đề cao tính nhân văn, nhân đạo đối với người có hành vi phạm tội thông qua việc giảm bớt trách nhiệm hình sự bằng việc áp dụng loại hình phạt khác nhẹ hơn và mức hình phạt bị áp dụng thấp hơn so với việc người bị kết án sẽ bị áp dụng loại hình phạt, mức hình phạt nặng hơn nếu người đó bị Tòa án quyết định hình phạt trong trường hợp thông thường. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho người bị kết án nhận ra lỗi lầm, tích cực cải tạo để trở thành người có ích cho gia đình, xã hội. 

Tuy nhiên, quy định về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng theo Điều 54 BLHS là quy định mang tính tùy nghi; Tòa án có thể quyết định áp dụng hoặc không áp dụng. Vì là quy định mang tính tùy nghi nên hiệu quả áp dụng quy định này trong một số trường hợp chưa đáp ứng được mục đích đấu tranh, phòng ngừa và chống tội phạm, quyền lợi của người phạm tội chưa được bảo đảm ở mức cao nhất. 

Bên cạnh đó, việc áp dụng quy định này trên thực tiễn vẫn chưa có sự thống nhất giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng tại các địa phương khác nhau do chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng cụ thể. 

Trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng cụ thể, khắc phục những vướng mắc còn tồn tại làm cơ sở áp dụng thống nhất trong hệ thống Tòa án. Và để bảo đảm hiệu quả áp dụng quy định này, trong tương lai cần sửa đổi quy định Điều 54 BLHS từ quy định áp dụng tùy nghi sang quy định áp dụng mang tính bắt buộc nếu người phạm tội đáp ứng đủ các điều kiện.

PHÙNG HOÀNG

Tòa án Quân sự Quân khu 1

Giá tính lệ phí trước bạ đối với nhà ở

Lê Minh Hoàng