Bàn về tiêu chuẩn nhân sự giới thiệu bầu giữ chức danh Chủ nhiệm Đoàn Luật sư

24/04/2023 06:00 | 1 năm trước

(LSVN) - Tiêu chuẩn điều kiện để một người được giới thiệu bầu giữ chức danh Chủ nhiệm Đoàn Luật sư hiện nay được quy định rất cụ thể, chi tiết, rõ ràng tại các văn bản pháp luật, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và trước mỗi kỳ Đại hội các cơ quan chức năng cũng có hướng dẫn cụ thể.

Ảnh minh họa.

Qua nghiên cứu, tác giả thấy rằng một người có thể được giới thiệu bầu giữ chức danh Chủ nhiệm Đoàn Luật sư cần đáp ứng một số tiêu chuẩn cơ bản sau:

Thứ nhất, người đó phải trung thành với Tổ quốc và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành quy định của pháp luật, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư Việt Nam.

Thứ hai, người đó phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về bằng cấp, chứng chỉ và phải là Luật sư. Để trở thành Chủ nhiệm Đoàn Luật sư trước hết cá nhân đó cần là một Luật sư. Khi là một Luật sư có nghĩa người đó đã tuân thủ các tiền đề giáo dục và đào tạo đầy đủ để trở thành Luật sư và có thể thực hiện các hoạt động Luật sư liên quan đến đoàn. Bằng việc trở thành Luật sư và thực hiện hành nghề Luật sư còn đảm bảo rằng người đó có hiểu biết sâu sắc và kiến ​​thức chuyên sâu về lĩnh vực pháp lý. 

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư cũng cần có kiến thức, kinh nghiệm trong việc quản lý, lãnh đạo để có thể lãnh đạo, điều hành Đoàn Luật sư hoạt động một cách bài bản, có kế hoạch đi theo đúng mục tiêu, định hướng do Đoàn Luật sư đề ra.

Thứ ba, người đó cần có kinh nghiệm và thành tựu nhất định trong hoạt động Luật sư. Không chỉ có bằng cấp và chứng chỉ, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư cần phải có kinh nghiệm làm việc trong ngành luật trong một thời gian nhất định (ít nhất 03 năm). Quá trình này giúp người đó tích lũy được nhiều kiến ​​thức và kinh nghiệm về thực tiễn hoạt động Luật sư để có thể điều hành đoàn một cách hiệu quả. 

Bên cạnh đó bằng kinh nghiệm, thành tựu của Luật sư trong quá trình làm việc và cống hiến, Luật sư dễ dàng tạo được uy tín, mối quan hệ với đồng nghiệp cũng như với các cơ quan của Đảng, chính quyền, cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương. Trong quá trình làm việc lâu năm, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư có thể phát triển mạnh mẽ hơn các kỹ năng quản lý, lãnh đạo và giao tiếp để đưa Đoàn Luật sư mình đến những thành công lớn hơn.

Thành tựu và năng lực của Chủ nhiệm Đoàn Luật sư cũng đóng vai trò quan trọng. Có những Chủ nhiệm Đoàn Luật sư đã thể hiện được sự xuất sắc qua các dự án hoặc các chiến lược phát triển đoàn, qua đó đã giành được lời đánh giá cao từ khách hàng và đồng nghiệp.

Thứ tư, người đó cần có sự chuyên môn và chuyên sâu về pháp luật, và nghề nghiệp Luật sư. Chủ nhiệm Đoàn Luật sư cần phải có sự chuyên môn vững vàng trong lĩnh vực mà mình hoạt động. Vì vậy, người trở thành chủ nhiệm Đoàn Luật sư cần có nền tảng kiến ​​thức chuyên môn và kinh nghiệm để hiểu rõ các quy trình, quy định và yêu cầu pháp lý của nghề Luật sư. 

Điều quan trọng là họ phải được đào tạo và cập nhật liên tục các kiến ​​thức mới nhất về lĩnh vực luật pháp để có thể thực hiện công việc của mình một cách hiệu quả và đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của khách hàng. Với tư cách là người đại diện và chịu trách nhiệm về mọi mặt hoạt động của Đoàn Luật sư, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư cần có trách nhiệm phải làm gương cho các Luật sư trong đoàn, liên tục học hỏi và nâng cao kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp của bản thân cũng như tạo môi trường để các Luật sư trong đoàn được học tập, phát triển, từ đó xây dựng một Đoàn Luật sư vững mạnh, phát triển.

Thứ năm, người đó cần có kỹ năng lãnh đạo và quản lý. Chủ nhiệm Đoàn Luật sư cần phải có kỹ năng lãnh đạo và quản lý tốt để có thể điều hành đoàn một cách hiệu quả và phát triển đoàn lên những tiềm năng mới. Kỹ năng lãnh đạo bao gồm khả năng thể hiện lòng tự tin, sáng tạo ý tưởng, xác định mục tiêu và quyết định hợp lý để chuẩn bị các chiến lược và lập kế hoạch phát triển cho đoàn. Kỹ năng quản lý cần thiết để đảm bảo việc hoạt động của đoàn được giám sát và điều phối một cách hiệu quả.

Thứ sáu, người đó phải là người có tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam. Là người đứng đầu cơ quan, đại diện cho Đoàn Luật sư tại một tỉnh, thành phố, đạo đức, liêm chính, trách nhiệm, sự gương mẫu, nêu gương là yêu cầu quan trọng không chỉ mới nghề Luật sư. Trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng khi xét tuyển chọn chủ nhiệm Đoàn Luật sư. 

Nghề Luật sư là một nghề cao quý. Sứ mệnh của Luật sư là bảo vệ khách hàng, bảo vệ công bằng xã hội vì vậy vấn đề đạo đức cần được Luật sư quan tâm và đặt lên hàng đầu trong quá trình làm việc. Chủ nhiệm Đoàn Luật sư phải có sự tôn trọng đối với nghề Luật sư, biết giữ bí mật của khách hàng, nghiêm túc và cẩn thận trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý và giúp đỡ khách hàng của mình.

Thứ bảy, người đó phải có thời gian và sẵn sàng dành thời gian và nhiệt huyết đóng góp cho công việc chung của Đoàn. Trên thực tế, Luật sư gắn với hoạt động nghề nghiệp. Việc đòi hỏi một Luật sư giành toàn tâm, toàn ý cho công tác của Đoàn Luật sư là rất khó khăn nếu không muốn nói là không thể. Vì các nhân Luật sư còn trách nhiệm với khách hàng, với Công ty Luật, Văn phòng Luật sư của mình. Nhưng khi đã nhận trách nhiệm Luật sư nên sẵn sàng hy sinh, đóng góp và cống hiến cho nghề.

Thứ tám, Luật sư chỉ được bầu làm Chủ nhiệm Đoàn Luật sư nhiều nhất không quá 02 nhiệm kỳ liên tiếp tính đến thời điểm tổ chức Đại hội nhiệm kỳ Đoàn Luật sư. Trường hợp Đoàn Luật sư có khó khăn trong việc tìm kiếm Luật sư đủ tiêu chuẩn, điều kiện để bầu làm Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thì báo cáo Ban Thường vụ Liên đoàn xem xét, cho ý kiến về nhân sự dự kiến bầu làm Chủ nhiệm. Trong trường hợp được Ban Thường vụ Liên đoàn đồng ý thì Luật sư được đề xuất dự kiến bầu cũng chỉ được bầu làm Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tối đa là 03 nhiệm kỳ liên tiếp.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Tiêu chuẩn để được giới thiệu bầu làm Chủ nhiệm Đoàn Luật sư

Từ khoá : lsvn.vn LSVN tiêu chuẩn