/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Bàn về tình tiết ‘Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội’ theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự

Bàn về tình tiết ‘Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội’ theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự

07/09/2021 22:59 |

(LSVN) - Người dưới 18 tuổi là đối tượng được cả xã hội quan tâm, chăm lo để phát huy đầy đủ tư duy, tố chất khi trưởng thành, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã có nhiều quy định nhằm bảo vệ tốt hơn cho người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên nhiều quy định trong BLHS đối với người dưới 18 tuổi vẫn còn nhiều bất cập hạn chế trong đó có việc áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (TNHS) “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội”.

Ảnh minh họa.

Theo Từ điển Tiếng Việt thì “Xúi giục là dùng lời lẽ dễ nghe để tác động đến người khác nhằm làm cho nghe theo mà làm một việc gì đó một cách thiếu suy nghĩ, thường là việc đáng lẽ không nên làm”.

Dưới góc độ pháp luật xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội là việc dùng lời lẽ dễ nghe để tác động đến tâm lý của người dưới 18 tuổi để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Mặc dù BLHS năm 2015 có quy định cụ thể về độ tuổi của đối tượng bị xúi giục là người dưới 18 tuổi, tuy nhiên trong thực tiễn áp dụng tình tiết này vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế:

Thứ nhất: Có áp dụng tình tiết xúi giục người chưa thành niên phạm tội hay không khi người chưa thành niên không bị truy cứu TNHS?

Đối với vấn đề này hiện nay tồn tại hai quan điểm:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Cần áp dụng tình tiết xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội ngay cả khi người dưới 18 tuổi không bị truy cứu TNHS, vì tình tiết này quy định chung chỉ cần khi có chứng cứ chứng minh người phạm tội đã kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người dưới 18 tuổi phạm tội và người dưới 18 tuổi đã nghe theo mà thực hiện tội phạm.

Quan điểm thứ hai cho rằng (chúng tôi đồng tình với quan điểm này): Để áp dụng tình tiết xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội thì phải thỏa mãn hai điều kiện:

Điều kiện thứ nhất: Người phạm tội phải có hành vi kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi phạm tội, đây là điều kiện cần.

Điều kiện thứ hai: Người dưới 18 tuổi phải bị truy cứu TNHS, đây là điều kiện đủ.

Đồng thời cũng giống như một số tội phạm trong BLHS như tội “Che dấu tội phạm” Điều 18, tội “Không tố giác tội phạm” Điều 19… để thỏa mãn các yếu tố của các hành vi phạm tội này thì phải có tội phạm thực tế xảy ra được quy định trong BLHS. Nếu đã có hành vi xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội nhưng người dưới 18 tuổi không bị truy tố tức là đối tượng bị xúi giục chưa thỏa mãn các yếu tố của tội phạm quy định trong BLHS nên không áp tình tiết xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội khi người dưới 18 tuổi chưa bị truy cứu TNHS.

Thứ hai: Người dưới 18 tuổi xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội thì có áp dụng tình tiết xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội không?

Theo cuốn "Giải đáp một số vấn đề về hình sự, dân sự, kinh tế, lao động hành chính và tố tụng" của Tòa án Nhân dân Tối cao xuất bản năm 1999, tại điểm 27, trang 42 viết: “... Tại điểm a, khoản 1, Điều 39 (BLHS năm 1985) xúi giục người chưa thành niên phạm tội là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của người phạm tội. Điểm này không quy định người xúi giục phải là người thành niên. Vì vậy, nếu người chưa thành niên phạm tội mà có hành vi xúi giục người chưa thành niên khác phạm tội thì khi xét xử tòa án phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “xúi giục người chưa thành niên phạm tội” quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 39 BLHS năm 1985. Theo dõi các văn bản hướng dẫn thi hành BLHS đến nay, nội dung giải đáp trên của Tòa án Nhân dân Tối cao đến nay vẫn chưa có sự thay đổi. 

Nếu áp dụng hướng dẫn nêu trên thì trường hợp người dưới 18 tuổi xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội sẽ áp dụng tình tiết xúi giục người dưới 18 tuổi điều này là không phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách hình sự trong xử lý TNHS với người dưới 18 tuổi. Theo quy định tại Điều 90 BLHS áp dụng Bộ luật Hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này; theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này.

"Điều 91. Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

1. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm".

Ngoài ra, còn một số quy định như Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa; Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm…

Chính sách hình sự với người dưới 18 tuổi nhằm phân hóa người dưới 18 tuổi và trên 18 tuổi phạm tội và phù hợp đặc điểm trong tâm, sinh lý của độ tuổi này. 

Vì vậy, theo quan điểm của chúng tôi không áp dụng tình tiết xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội khi người dưới 18 tuổi xúi giục là phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối xử lý TNHS với người dưới 18 tuổi, đồng thời cần có văn bản hướng dẫn cụ thể đó là “Chỉ áp dụng tình tiết tăng nặng TNHS xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội khi người xúi giục là người trên 18 tuổi”.

TRẦN VĂN HÙNG

Thẩm phán Tòa án quân sự khu vực Quân khu 4

Cần chuẩn bị những gì cho F0 tự cách ly, điều trị tại nhà?

Lê Minh Hoàng