Thời gian qua, nạn sản xuất, buôn bán hàng giả ở nước ta diễn biến hết sức tinh vi và phức tạp. Hàng giả đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, từ miền quê đến thành thị, từ miền núi đến đồng bằng, không trừ một loại hàng nào, từ nhỏ như chiếc tăm, đôi tất, rồi đến cả một nhà xưởng sản xuất hàng giả với doanh thu lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Nguy hiểm nhất là hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh... Loại hàng giả này không những làm suy giảm lòng tin của người tiêu dùng, phương hại đến nền kinh tế của đất nước mà hơn thế nữa loại hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh còn làm suy yếu đi cả một thế hệ tương lai của đất nước.
Tác giả kịch liệt lên án hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả nói chung và hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh nói riêng. Đồng thời, hoàn toàn đồng ý và tán thành với chủ trương chống sản xuất, buôn bán hàng giả của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Chế tài đối với loại tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả hiện nay cũng xem là đủ mạnh. Hình phạt cao nhất với nhóm tội này là phạt tù chung thân (trước ngày 01/7/2025 hình phạt cao nhất với nhóm tội này là tử hình). Tuy nhiên, vì lợi nhuận siêu lớn mà các đối tượng phạm tội sẵn sàng chấp nhận và tìm mọi cách để sản xuất, buôn bán hàng giả.
Bên cạnh đó, cũng cần có phân tích đầy đủ hơn về thế nào là hàng giả và căn cứ pháp lý đối với hàng giả; các yếu tố cấu thành tội phạm của tội sản xuất, buôn bán hàng giả và hình phạt đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả hiện nay. Qua đó góp phần giúp cho các doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất, kinh doanh hàng hóa. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi không đề cập đến xử phạt hành chính trong lĩnh vực này, mà chỉ tập trung vào chế tài hình sự đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.
1. Về khái niệm hàng giả
Bộ luật Hình sự hiện hành không có điều khoản mô tả cụ thể thế nào là hàng giả mà chỉ đưa ra các hình phạt đối với tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả". Tuy nhiên, căn cứ vào các qui định tại một số luật chuyên ngành (Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi 2022; Luật Dược 2016,...) và một số Nghị định liên quan như Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định về “Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” để đi đến một mô tả khái quát về hàng giả.
Tại khoản 7, Điều 3, Nghị định 98/2020/NĐ-CP nêu trên, thì hàng giả gồm:
"a) Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
b) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
c) Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016;
d) Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;
đ) Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;
e) Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả".

Lực lượng chức năng TP. Hà Nội triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán hơn 100 tấn thuốc tân dược, thực phẩm chức năng giả, 5/2025. Nguồn: Internet.
2. Sản xuất và buôn bán hàng giả
Sản xuất hàng giả là hành vi làm ra (tạo ra) sản phẩm hàng hóa giả về hình thức và/hoặc chất lượng so với hàng thật (đã được pháp lý hóa) đang được lưu thông trên thị trường (nhằm mục đích thu lợi bất chính). Người phạm tội chỉ cần thực hiện một khâu của quá trình sản xuất hàng giả mà không cần thực hiện toàn bộ quá trình tạo ra hoàn chỉnh sản phẩm giả đã cấu thành tội sản xuất hàng giả rồi.
Buôn bán hàng giả là việc một người biết là hàng giả mà vẫn có hành vi mua bán, trao đổi hàng hóa giả (nhằm mục đích thu lợi bất chính). Người phạm tội chỉ cần thực hiện một khâu mua hoặc bán hàng hóa giả (nhằm mục đích thu lợi bất chính) đã cấu thành tội buôn bán hàng giả mà không cần thực hiện đồng thời cả hành vi mua và bán hàng hóa giả.
Từ phân tích nêu trên và căn cứ quy định tại khoản 7, Điều 3, Nghị định 98/2020/NĐ-CP, có thể chia thành hai nhóm hàng giả mà người sản xuất hàng giả thường hay thực hiện là:
Thứ nhất, nhóm sản xuất hàng giả về hình thức, mẫu mã, tem nhãn, xuất xứ (gọi tắt là giả về hình thức);
Thứ hai, nhóm sản xuất hàng giả về chất lượng hàng hóa.
Trong đó, giả về chất lượng hàng hóa lại được chia ra: Giả về chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp khác đã được pháp lý hóa (đã được đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) và giả về chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp mình, do chính doanh nghiệp mình đã công bố (nhưng khi sản xuất chỉ đạt dưới 70% chất lượng so với mức đã đăng ký, công bố áp dụng).
- Với nhóm hàng giả thứ nhất (giả về hình thức sản phẩm hàng hóa): Người sản xuất (doanh nghiệp sản xuất): Sản xuất ra sản phẩm hàng hóa giống một loại “hàng thật” của doanh nghiệp khác đang tồn tại khách quan, đã đưa vào lưu thông, được xã hội chấp nhận, sử dụng, có những đặc tính, chất lượng nhất định, được trao đổi, mua bán trên thị trường và đã được pháp lý hóa (đăng ký chất lượng, mẫu mã, thương hiệu...) với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì đều bị coi là sản xuất hàng giả.
- Với nhóm hàng giả thứ 2 (giả về chất lượng sản phẩm hàng hóa): Người sản xuất (doanh nghiệp sản xuất): Sản xuất ra sản phẩm hàng hóa do chính doanh nghiệp đó đã đăng ký chất lượng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng sau đó lại sản xuất ra sản phẩm có chất lượng chỉ đạt dưới 70% so với chất lượng đã đăng ký trước đó thì bị coi là sản xuất hàng giả. Chính mình làm giả sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp mình (không đúng như với đăng ký, công bố) thì bị coi là sản xuất hàng giả. Và trường hợp doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm hàng hóa giống về mẫu mã với hàng hóa cùng loại của doanh nghiệp khác đã được pháp lý hóa (đăng ký chất lượng, mẫu mã...) thì cho dù chất lượng sản phẩm hàng hóa làm ra đó có ngang bằng hoặc tốt hơn cũng vẫn bị coi là sản xuất hàng giả (giả sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp khác).
Ví dụ:
- Sản xuất hàng giả của chính doanh nghiệp mình: Doanh nghiệp A sản xuất sản phẩm sữa IQ không đạt chất lượng (dưới 70%) như chất lượng đã đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì bị coi là sản xuất hàng giả. (Sản xuất sản phẩm hàng hóa giả của mình).
- Sản xuất hàng giả của doanh nghiệp khác: Doanh nghiệp A sản xuất một loại sữa EQ giống về mẫu mã với sữa EQ của doanh nghiệp B đã được pháp lý hóa (đăng ký chất lượng, mẫu mã... với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) thì cho dù chất lượng sữa của doanh nghiệp A có thể ngang bằng hoặc tốt hơn sữa của doanh nghiệp B vẫn bị coi là sản xuất hàng giả. (Sản xuất sản phẩm hàng hóa giả của người khác).
3. Về dấu hiệu pháp lý của tội phạm
a) Khách thể của tội phạm
Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả xâm hại tới trật tự quản lý kinh tế, các quy định của Nhà nước về quản lý thị trường, đồng thời xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
b) Đối tượng tác động của tội phạm
Đối tượng tác động của tội phạm này là hàng giả. Căn cứ quan trọng nhất để phân biệt hàng thật với hàng giả là dấu hiệu hình thức (hiểu theo nghĩa là hình dáng bên ngoài và hình thức pháp lý) của hàng hóa rồi đến chất lượng hàng hóa (dưới 70% so với chất lượng đã đăng ký). Khi đã giả về hình thức thì trong mọi trường hợp có chất lượng ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn hàng thật đều bị coi là hàng giả.
c) Mặt khách quan của tội phạm
Hành vi sản xuất hàng giả: là hành vi làm ra sản phẩm có kiểu dáng, nhãn mác như kiểu dáng, nhãn mác của hàng hóa do một cơ sở sản xuất khác đã đăng ký và được chấp nhận bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Người phạm tội có thể tạo ra hoàn chỉnh một sản phẩm hoặc một phần của sản phẩm giả với chất lượng sản phẩm ngang bằng hay tốt hơn hàng thật đã được đăng ký chất lượng đều bị coi là sản xuất hàng giả. Hoặc người phạm tội có hành vi tạo ra sản phẩm có chất lượng kém hơn chất lượng do chính họ đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (dưới 70%) đều bị coi là sản xuất hàng giả.
Đối với hành vi buôn bán hàng giả: là hành vi của người biết là hàng giả mà vẫn mua đi bán lại (hoặc trao đổi) nhằm thu lợi bất chính. Người phạm tội chỉ cần có hành vi mua hàng giả về để bán kiếm lời cũng đã cấu thành của tội buôn bán hàng giả mà không cần phải thực hiện hết cả hai hành vi mua - bán hàng giả.
d) Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội sản xuất, buôn bán hàng giả là pháp nhân thương mại, công dân Việt Nam, người nước ngoài có đủ năng lực trách nhiệm hình sự theo qui định của pháp luật.
e) Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm được thực hiện bằng lỗi cố ý trực tiếp và có động cơ, mục đích là thu lợi bất chính.
4. Về hình phạt đối với nhóm tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả"
Hình phạt đối với nhóm tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả" được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2025) (BLHS). Ngay tại Điều 192 BLHS 2015 về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” qui định: Người nào có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi (cùng nhóm tội) quy định tại các Điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196, 200 BLHS 2015 thì đã cấu thành tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả".
Hình phạt đối với nhóm tội về sản xuất, buôn bán hàng giả theo BLHS 2015 là rất nặng, cụ thể:
- Điều 192 BLHS 2015 quy định về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả”. Khung cơ bản là phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng (từ ngày 01/7/2025, theo Luật số 86/2025/QH15 về sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự được Quốc hội thông qua ngày 25/6/2025 thì mức phạt tiền này đã tăng gấp đôi so với trước) hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Khoản 3 có khung hình phạt tù từ 7 năm đến 15 năm đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên...
- Điều 193 BLHS 2015 quy định về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”. Khung cơ bản là phạt tù từ 2 năm đến 5 năm (không có phạt tiền ở khung cơ bản đối với Điều 193 này). Khoản 4 có khung hình phạt tù lên đến 15 năm, 20 năm hoặc tù chung thân.
- Điều 194 BLHS 2015 quy định về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”. Khung cơ bản là phạt tù từ 2 năm đến 7 năm (và cũng không có phạt tiền ở khung cơ bản đối với Điều 194 này). Khoản 4 có khung hình phạt tù lên đến 20 năm, tù chung thân. Trước ngày 01/7/2025 hình phạt cao nhất đối với tội này là tử hình.
- Điều 195 BLHS 2015 quy định về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi”. Khung cơ bản là phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng (từ ngày 01/7/2025 theo Luật số 86/2025/QH15 về sửa đổi bổ sung một số Điều của Bộ luật Hình sự 2015 được Quốc hội thông qua ngày 25/6/2025 thì mức phạt tiền này đã tăng gấp đôi ), hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Khoản 4 có khung hình phạt tù từ 15 năm đến 20 năm tù.
Ngoài ra, đối với pháp nhân thương mại phạm vào các tội nêu trên thì bị phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn...

Luật sư Bùi Minh Kính, Công ty Luật TNHH Minh Kính, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
Từ quy định tại các Điều 192, 193, 194, 195 BLHS 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2025) cho thấy hình phạt đối với nhóm tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả" là rất nặng. Điều 194 có khung hình phạt lên đến tù chung thân đối với tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” (trước ngày 01/7/2025 hình phạt cao nhất của tội này là tử hình). Tuy nhiên, vì lợi nhuận lớn mà các đối tượng phạm tội bất chấp, vẫn lao vào sản xuất, buôn bán hàng giả, không từ bất cứ thủ đoạn nào và ngày càng hết sức tinh vi, phức tạp.
5. Một số đề xuất góp phần hạn chế, ngăn chặn nạn sản xuất, buôn bán hàng giả hiện nay
Đối với nhóm tội sản xuất, buôn bán hàng giả thì người có hành vi sản xuất, buôn bán dù chỉ một khâu của quá trình (sản xuất hoặc buôn bán) nhưng khi lượng hàng hóa là hàng giả tương đương với hàng thật ở mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự (ví dụ: Hàng giả tương đương với giá trị hàng thật từ 30.000.000 đồng trở lên là có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1, Điều 192 BLHS 2015) mà không cần người sản xuất hoặc buôn bán hàng giả phải tham gia tất cả các khâu của quá trình sản xuất hoặc buôn bán hàng giả.
Ví dụ: Chỉ sản xuất ra tem nhãn giả của sản phẩm đã đủ cấu thành của tội sản xuất hàng giả mà không cần phải sản xuất ra toàn bộ sản phẩm. Hoặc chỉ cần mua hàng hóa giả về (cất kho) để bán kiếm lời, không cần phải thực hiện đầy đủ cả hành vi mua và bán đã có thể cấu thành của tội buôn bán hàng giả rồi.
Vì vậy, để góp phần hạn chế tiến tới ngăn chặn, đẩy lùi toàn bộ tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả thì việc trước tiên cần làm là:
Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta đối với công tác phòng, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, theo đúng tinh thần: “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Thứ hai, xử lý nghiêm minh, công khai, nhanh chóng đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, nhất là hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh... “Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.
Thứ ba, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung cũng như pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả tới đông đảo người dân, nhất là các cá nhân và doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa.
Thứ tư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương thi hành công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức lực lượng trực tiếp quản lý, giám sát đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên thị trường. Xử lý nghiêm với những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, tiếp tay cho hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả.
Thứ năm, khuyến khích và tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, tự mình xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp mình để có chỗ đứng vững trên thị trường và vươn tầm khu vực, thế giới, thay vì chạy theo, sản xuất theo các thương hiệu hàng hóa (nổi tiếng) đã được pháp lý hóa của doanh nghiệp khác.
Thứ sáu, đối với doanh nghiệp sản xuất, buôn bán hàng hóa cần tổ chức các lớp học, các buổi thảo luận chuyên đề, mời các chuyên gia là các luật sư, các giảng viên ngành luật, cán bộ quản lý nhà nước chuyên ngành tham gia, trao đổi, chia sẻ kiến thức pháp lý để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hướng tới phát triển bền vững.
Trên đây là một số trao đổi về hành vi “Sản xuất, buôn bán hàng giả” và mức hình phạt được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2025). Thực tiễn cho thấy có các hành vi sản xuất hàng giả thường gặp phải như: Giả về chất lượng; giả về xuất xứ; giả về mẫu mã, tem nhãn... Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xem xét đến các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để lượng hình.
Rất mong các cá nhân, doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh cần thượng tôn pháp luật, không vì chạy theo lợi nhuận mà bất chấp tất cả, qua đó để tránh những rủi ro pháp lý cho chính bản thân mình, doanh nghiệp mình, tiến tới xây dựng một xã hội văn minh không có hàng giả, chung tay bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN ngay từ bên trong, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới - “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Luật sư BÙI MINH KÍNH
Công ty Luật TNHH Minh Kính
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội