(LSVN) - Hiện nay, trên thị trường văn bản cam kết tài sản riêng của vợ, chồng được thực hiện thủ tục công chứng để làm căn cứ chứng minh rằng quyền sử dụng đất của người khác có được do giao dịch bằng tài sản riêng của người đó diễn ra rất phổ biến. Vậy việc thực hiện thủ tục công chứng đối với văn bản này có đúng quy định của pháp luật hay không là vấn đề sẽ được phân tích trong bài viết này.
Ảnh minh họa.
Văn bản cam kết tài sản riêng của vợ chồng không phải là một giao dịch dân sự
Theo quy định tại Điều 116, Bộ luật Dân sự năm 2015: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.
Việc một người đưa ra một lời cam kết rằng tài sản là của người vợ hoặc người chồng là khẳng định một sự thật đã tồn tại chứ không làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của bất kỳ chủ thể nào. Do đó, văn bản cam kết tài sản riêng của vợ, chồng không phải là một giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014: “Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch)...”.
Như vậy, văn bản cam kết tài sản riêng của vợ, chồng không phải là một hợp đồng và cũng không phải là một giao dịch dân sự nên không thuộc đối tượng của hoạt động công chứng. Do đó, việc công chứng viên thực hiện thủ tục công chứng văn bản cam kết tài sản riêng của vợ, chồng là trái quy định của Luật Công chứng 2014.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật Công chứng 2014: “Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh,...”.
Trên thực tế, các văn bản cam kết tài sản riêng của vợ, chồng thường chỉ dựa trên lời cam kết của một bên mà không có bất kỳ chứng cứ để chứng minh lời cam kết đó là đúng. Văn bản công chứng là một tài liệu có giá trị pháp lý đặc biệt, và tại điểm c khoản 1 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 cũng một lần nữa khẳng định rằng: Những tình tiết, sự kiện đã được ghi trong văn bản và đã được công chứng, chứng thực hợp pháp không phải chứng minh.
Do đó, việc thực hiện thủ tục công chứng đối với văn bản cam kết tài sản riêng của vợ chồng chỉ dựa trên lời trình bày, lời cam kết của một hoặc các bên mà không có bất kỳ chứng cứ nào khác để chứng minh lời trình bày, lời cam kết này là đúng trên thực thế thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc xem xét, đánh giá tài liệu, chứng cứ và ảnh hưởng đến việt xét xử một cách khách quan trong quá trình tố tụng tại Tòa án.
Như vậy, từ những căn cứ nêu trên có thể khẳng định rằng văn bản cam kết tài sản riêng của vợ, chồng không phải là một hợp đồng và cũng không phải là một giao dịch dân sự nên không thuộc đối tượng của hoạt động công chứng theo Luật Công chứng 2014. Do đó, việc thực hiện thủ tục công chứng văn bản cam kết tài sản riêng của vợ, chồng là trái quy định của pháp luật.
Văn bản cam kết tài sản riêng của vợ, chồng chỉ có thể được thực hiện thủ tục “Chứng thực chữ ký”
Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định: “Chứng thực chữ ký là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực”.
Và theo quy định tại khoản 1 Điều 23 của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP: “Người yêu cầu chứng thực chữ ký phải chịu trách nhiệm về nội dung của giấy tờ, văn bản mà mình ký để yêu cầu chứng thực chữ ký...”
Do đó, việc thực hiện thủ tục chứng thực chữ ký đối với Văn bản cam kết tài sản riêng của vợ, chồng là hợp lý và đảm bảo tuân thủ pháp luật. Bởi vì:
- Thủ tục chứng thực chữ ký được thực hiện đối với giấy tờ, văn bản mà không bắt buộc phải là hợp đồng, giao dịch.
- Người yêu cầu chứng thực chữ ký sẽ phải chịu trách nhiệm về nội dung của giấy tờ, văn bản mà mình ký để yêu cầu chứng thực chữ ký. Khi đó, người ký văn bản cam kết tài sản riêng của vợ, chồng sẽ phải chịu trách nhiệm về nội dung lời trình bày, lời cam kết trong văn bản mà mình cam kết.
- Nếu có đủ căn cứ để chứng minh là tài sản riêng của một người (vợ hoặc chồng) thì người đó vẫn thực hiện giao dịch dân sự hoặc thực hiện quyền của người sử dụng đất không cần có bất kỳ bản cam đoan, cam kết. Bởi vì, họ đã có đủ cơ sở để chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của mình thì việc một người không phải chủ sở hữu, không có quyền sử dụng đưa ra lời cam kết hoặc cam đoan tài sản đó không phải của họ không có ý nghĩa về mặt pháp lý.
Thực tiễn áp dụng pháp luật
Qua những nghiên cứu của cá nhân tác giả, hiện nay, việc thực hiện thủ tục công chứng đối với văn bản cam kết tài sản riêng của vợ, chồng diễn ra khá phổ biến. Đồng thời, văn bản cam kết tài sản riêng của vợ, chồng được công chứng cũng là một thành phần tài liệu nằm trong hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất được Văn phòng đăng ký đất đai tại một số tỉnh, thành phố yêu cầu để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất là tài sản riêng của vợ hoặc của chồng.
Đồng thời, trong thực tiễn xét xử tại Tòa án, một số vụ án tác giả nghiên cứu và theo dõi liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu liên quan đến văn bản cam kết tài sản riêng của vợ, chồng do không thuộc đối tượng công chứng, trái quy định của Luật Công chứng 2014 đã không được Tòa án chấp thuận.
Mặc dù pháp luật đã có quy định khá rõ ràng, tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng đang tồn tại những bất cập và vô hình chung đã tạo ra thói quen áp dụng pháp luật chưa chính xác làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp của các chủ thể liên quan.
Một số ý kiến đóng góp hoàn thiện quy định pháp luật
Để pháp luật được áp dụng một cách thống nhất và tránh gây nhầm lẫn nhiều cách hiểu liên quan đến vấn đề này, tác giả có một số ý kiến đóng góp hoàn thiện pháp luật như sau:
Thứ nhất, cần sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng 2014 theo hướng yêu cầu các tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch công chứng phải được chứng minh bằng tài liệu, chứng cứ cụ thể. Như vậy mới đảm bảo được những tình tiết, sự kiện đã được ghi trong văn bản và đã được công chứng, chứng thực hợp pháp không phải chứng minh và đặc biệt là trong hoạt động tố tụng dân sự.
Thứ hai, trong quá trình xét xử, Tòa án cần có một quan điểm áp dụng pháp luật thống nhất xác định văn bản cam kết tài sản riêng của vợ, chồng không phải là một hợp đồng, giao dịch dân sự nên không thuộc đối tượng công chứng theo Luật Công chứng 2014.
Luật sư TRẦN XUÂN MINH
Công ty Luật TNHH TMX