Ảnh minh họa.
Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản được hiểu là việc các bên thực hiện hợp đồng như thế nào khi có hoàn cảnh thay đổi xảy ra. Trong trường hợp thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, các bên có thể không thực hiện đúng hay không thực hiện đầy đủ cam kết ban đầu mà vẫn có thể không bị coi là vi phạm nghĩa vụ. Ngoài ra, các bên có thể tiếp tục thực hiện hợp đồng hay sửa đổi hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng. Tất nhiên là hệ quả này được áp dụng rất hạn chế và phải do Tòa án có thẩm quyền quyết định trừ trường hợp các bên đàm phán lại. Ở đây, nó khác với sự kiện bất khả kháng làm cho hợp đồng không thể thực hiện được ở hoàn cảnh thay đổi cơ bản không nghiêm trọng tới mức đó nhưng nếu vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng thì sẽ bất công với một bên và có lợi cho bên còn lại.
Chế định về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi sẽ đảm bảo công bằng và giảm rủi ro giữa các bên vì khi hoàn cảnh thay đổi, sự cân bằng quyền lợi giữa hai bên sẽ không còn nữa. Sự thay đổi này không được các bên mong muốn nên nếu buộc một bên phải chấp nhận những thiệt hại để thực hiện hợp đồng là hoàn toàn không công bằng. Do vậy, pháp luật buộc các bên phải thương lượng, đàm phán sửa đổi hợp đồng để giảm thiểu rủi ro. Trường hợp các bên không thể đàm phán được thì hợp đồng mới có thể bị chấm dứt theo quyết định của Tòa án.
Điều kiện để áp dụng quy định điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi được quy định tại khoản 1 Điều 420 Bộ luật Dân sự 2015 khi có đủ các điều kiện như nguyên nhân và thời điểm thay đổi hoàn cảnh; tính không lường trước được; mức độ của sự thay đổi và thiện chí khắc phục hậu quả của bên bị ảnh hưởng.
Thứ nhất, về nguyên nhân dẫn đến hoàn cảnh thay đổi
Thời điểm của sự thay đổi của hoàn cảnh là sau khi các bên đã giao kết hợp đồng vì nếu diễn ra trước hoặc tại thời điểm giao kết thì bắt buộc các bên phải nhận thức được để bảo đảm lợi ích của nhau. Các nguyên nhân này có thể là những rủi ro bất thường từ thiên nhiên như sạt lở, giông bão, sương muối, dịch bệnh hay sự thay đổi về hoàn cảnh kinh tế, xã hội như chiến tranh, chính sách pháp luật mới, khủng hoảng kinh tế, sự mất giá nghiêm trọng của đồng tiền, sự thay đổi của thị trường. Trong trường hợp một bên có hành vi lừa dối, tạo dựng lên các tình huống hay vi phạm hợp đồng khiến việc thực hiện hợp đồng gặp trở ngại thì dù bên đó có gặp khó khăn, chịu tổn thất nghiêm trọng từ việc thực hiện hợp đồng cũng không được áp dụng “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” để đưa ra các yêu cầu đàm phán lại nội dung hay chấm dứt hợp đồng.
Thứ hai, về thời điểm xảy ra và nhận biết được hoàn cảnh thay đổi
Không chỉ xảy ra sau khi giao kết hợp đồng, mà sự thay đổi của hoàn cảnh phải là không thể lường trước, không thể dự đoán được tại thời điểm các bên giao kết. Nếu tại thời điểm này, hoàn cảnh thực hiện hợp đồng đã có những dự báo về sự thay đổi, hoặc trong khả năng của mình, các bên có thể đánh giá được rủi ro có thể xảy ra thì cũng không thể được coi là hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Bởi lẽ, khi đó có thể coi các bên đã chấp nhận rủi ro để đạt được mục đích của hợp đồng tại thời điểm giao kết, do vậy, các bên phải có nghĩa vụ thực hiện đúng những thỏa thuận đã đề ra.
Trong trường hợp sự thay đổi của hoàn cảnh diễn ra trước khi các bên giao kết hợp đồng mà trong quá trình thực hiện, một bên hoặc các bên mới nhận thấy điều đó, thì không thể được coi là “hoàn cảnh thay đổi cơ bản”. Bởi lẽ trong trường hợp này, hoàn cảnh thay đổi là do sự nhìn nhận, đánh giá hoàn cảnh của các bên khi giao kết hợp đồng không chính xác, dẫn đến nội dung hợp đồng được thiết lập dựa trên những sai lầm nên hợp đồng đó sẽ vô hiệu.
Thứ ba, về mức độ thay đổi của hoàn cảnh thực hiện hợp đồng
Để đánh giá được thế nào là "thay đổi lớn" cần phải có các căn cứ để xác định các yếu tố khách quan về mặt môi trường, kinh tế xã hội tác động đến hợp đồng tại thời điểm các bên giao kết và các yếu tố chủ quan về năng lực tài chính, năng lực chuyên môn của các bên trong hợp đồng. Tùy từng hoàn cảnh mà đưa ra các căn cứ, cơ sở hợp lý để đánh giá nếu biết trước hoàn cảnh hợp đồng thay đổi như hiện tại, các bên trong hợp đồng có chấp thuận giao kết hoặc giao kết với các nội dung hợp đồng hiện tại hay không.
Thứ tư, về trách nhiệm ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại của bên có lợi ích bị ảnh hưởng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản
Xuất phát từ nguyên tắc thiện chí, trung thực trong quá trình thực hiện hợp đồng, trường hợp có sự kiện bất ngờ xảy ra ảnh hưởng đến lợi ích của mình thì bên thiệt hại phải nỗ lực trong việc giảm thiểu tối đa thiệt hại. Bên bị thiệt hại phải chứng minh rằng mình đã nỗ lực hết sức trong khả năng và điều kiện của mình để ngăn ngừa và giảm thiểu thiệt hại. Trường hợp bên có lợi ích ảnh hưởng, mặc dù có khả năng ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng nhưng đã không nỗ lực thực hiện thì phải tự gánh chịu rủi ro. Theo đó, khi có sự kiện, hoàn cảnh gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến mình, bên chịu ảnh hưởng không được ỷ lại mà phải nỗ lực khắc phục những thiệt hại đó. Chỉ khi những nỗ lực này không thể giải quyết được hoàn toàn, triệt để những thiệt hại mà hoàn cảnh thay đổi có thể mang lại thì yêu cầu đàm phán lại nội dung hợp đồng của bên bị thiệt hại mới trở nên phù hợp, cần thiết và công bằng với bên còn lại.
Việc áp dụng trên thực tiễn còn một số bất cập, hạn chế và cần có sự sửa đổi, bổ sung để đảm bảo áp dụng pháp luật mang tính mềm dẻo và hiệu quả hơn, cụ thể như:
Một là, chưa đưa ra khái niệm “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” mà mới chỉ liệt kê các điều kiện xác định. Các điều kiện áp dụng còn chung chung, khó xác định do mang tính định tính.
Hai là, quy định về đàm phán lại hợp đồng của các bên không rõ ràng, chưa đưa ra quy định là quyền hay nghĩa vụ đàm phán, không quy định bên yêu cầu phải đưa ra các căn cứ chứng minh hoàn cảnh thay đổi, thiếu chế tài nếu không hợp tác hay từ chối đàm phán, chưa đề cập đến nội dung và thời gian đàm phán. Ngoài ra, quy định về hệ quả khi đàm phán không thành còn gây nhiều cách hiểu khác nhau về trường hợp hợp đồng được ưu tiên sửa đổi hay chấm dứt.
Ba là, trong trường hợp tòa án chấm dứt hợp đồng hay sửa đổi hợp đồng thì quyền và nghĩa vụ của các bên được giải quyết như thế nào? Bộ luật dân sự 2015 chưa có quy định về giải quyết hậu quả của việc chấm dứt hợp đồng hoặc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, quyền và nghĩa vụ của các bên giải quyết như thế nào? Vấn đề này cần được giải thích cụ thể hơn để đảm bảo việc áp dụng trong thực tiễn.
Bởi vậy, để giải quyết mâu thuẫn trong các quy định của pháp luật để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp và Tòa án thuận lợi trong việc thực hiện, áp dụng pháp luật, cần phải chỉnh sửa Điều 420 Bộ luật dân sự 2015 cho phù hợp, và ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung này và vận dụng nó vào thực tiễn một cách chính xác, như: Cần làm rõ thế nào là “hoàn cảnh” của hợp đồng, thế nào là “thay đổi cơ bản” để từ đó xác định thế nào là hoàn cảnh thay đổi cơ bản; Các điều kiện xác định hoàn cảnh thay đổi cơ bản trước mắt phải được hướng dẫn để đảm bảo tính phù hợp, thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật; phải sửa đổi, hoàn thiện quy định về đàm phán lại và ban hành hướng dẫn quy trình đàm phán lại; sửa đổi các quy định về hệ quả khi đàm phán không thành để đảm bảo việc mở rộng thẩm quyền cho cơ quan giải quyết tranh chấp; cần có quy định về một số trường hợp và một số loại hợp đồng không áp dụng hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Có thể nói, pháp luật Việt Nam đang dần thay đổi tích cực để phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế. Trong quá trình này, việc nghiên cứu, học hỏi và tiếp thu có chọn lọc pháp luật quốc tế và pháp luật nước ngoài đem đến những giá trị vô cùng to lớn. Ngoài những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam thì việc đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật cũng cần được quan tâm đúng mức và đi vào thực chất hơn.
PHẠM VĂN PHƯƠNG
Toà án quân sự Quân khu 7
Một số quy định cần hoàn thiện nhằm thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất