Ảnh minh họa.
Điều này được thể hiện qua ví dụ sau đây:
Khoảng 22 giờ ngày 18/2/2021 Nguyễn văn A. và Hoàng Văn K. rủ nhau đi trộm cắp tài sản, khi đi đến khu vực xóm 5, xã H.L., huyện H.N., tỉnh N.A. thì phát hiện có một đường dây cáp của Công ty viễn thông V.T., cả hai dừng xe lại và dùng 01 con dao dài khoảng 1,2m chặt đứt dây cáp dài khoảng 20m, sau đó cả hai cuộn tròn lại mang lên khu vực đồi vắng đốt lấy các sợi dây đồng đem đi bán, cả hai đã bán được với số tiền 5.000.000 đồng và chia đôi, sau đó cả hai về nhà.
Sự việc bị phát hiện cả hai ra đầu thú và thừa nhận về hành vi phạm tội. Sau đó giữa hai bên gia đình Nguyễn Văn A. và Hoàng Văn K. đã thỏa thuận với Công ty viễn thông V.T. về việc bồi thường thiệt hại theo đó số tiền bồi thường là 5.000.000 đồng và đã bồi thường xong, cam kết không khiếu kiện.
Vụ án sau đó được Tòa án đưa ra xét xử A. và K. bị kết án về tội “Phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia” quy định tại Điều 303 BLHS. Liên quan đến xử lý số tiền 5.000.000 đồng là tiền có được từ việc bán dây cáp quang hiện tồn tại hai quan điểm:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Đối với số tiền 5.000.000 đồng là tiền do phạm tội mà có nên cần phải áp dụng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 47 BLHS để tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Đối với số tiền 5.000.000 đồng không phải là tiền do phạm tội mà có nên không áp dụng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 47 để tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước vì các bị cáo đã bồi thường toàn bộ thiệt hại vật chất được xác định do hành vi phạm tội gây ra theo quy định tại khoản 1 Điều 48 BLHS nên số tiền mà các bị cáo có được từ bán dây đồng không phải là tiền do phạm tội mà có.
Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất: Căn cứ vào thời điểm “có được” vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm, có thể chia vật, tiền do phạm tội mà có thành các loại: Vật, tiền bạc mà người phạm tội chiếm đoạt trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt; Vật, tiền bạc mà người phạm tội có được sau khi định đoạt vật và tiền bạc đã chiếm đoạt trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt. Đó có thể là vật, tiền do mua bán, đổi chác những thứ đã chiếm đoạt mà có; vật, tiền lời, lãi từ việc sử dụng trái phép tiền của Nhà nước, tập thể, cá nhân gửi tiết kiệm, cho vay lãi.
Việc bị cáo bồi thường cho Công ty viễn thông theo khoản 1 Điều 48 BLHS là trách nhiệm mà bị cáo phải thực hiện đó là hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra. Có thể hiểu rằng việc thỏa thuận về vấn đề bồi thường thiệt hại giữa các bị cáo và Công ty viễn thông V.T. là sự tự nguyện của hai bên và luật quy định hai bên chỉ thỏa thuận đối với riêng vấn đề bồi thường thiệt hại còn các vấn đề khác liên quan trong đó có vấn đề xử lý vật chứng cần tuân thủ quy định của BLHS và Bộ luật Tố tụng hình sự hai bên không có quyền thỏa thuận mà trách nhiệm xử lý thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng.
Đối với số tiền 5.000.000 đồng đây bản chất là tiền có được sau khi định đoạt tài sản đã chiếm đoạt trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt nguồn gốc của số tiền 5.000.000 đồng có được từ một hành vi phạm tội nên cần tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn đối với việc xử lý đối với số tiền có được từ việc bán tài sản chiếm đoạt để trong thực tiễn áp dụng được thống nhất.
TRẦN VĂN HÙNG
Tòa án Quân sự khu vực Quân khu 4
Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị không cách ly tập trung với hành khách đi máy bay