Quy định về bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án
Tạm giam là biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS) nhằm đảm bảo cho việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tạm giam có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, đảm bảo quyền con người, quyền công dân không bị xâm hại; tạm giam là một biện pháp nghiêm khắc, nhằm cách ly người phạm tội một thời gian nhất định để hạn chế người bị tạm giam một số quyền con người, quyền công dân như quyền cư trú, quyền đi lại…
Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng cho thấy vẫn còn những vướng mắc, bất cập về thời hạn ra quyết định tạm giam sau khi kết thúc phiên toà sơ thẩm đối với vụ án đang xét xử mà Tòa án có căn cứ cho rằng cần phải bổ sung chứng cứ hoặc bỏ lọt tội phạm hoặc cần phải xử bị cáo về tội danh khác với cáo trạng mà Viện Kiểm sát truy tố, nên sau khi kết thúc phần nghị án Hội đồng xét xử ra quyết để trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả nêu lên những vướng mắc, bất cập đó và đề nghị có văn bản hướng dẫn thi hành.

Ảnh minh họa.
Tố tụng hình sự là những trình tự, thủ tục của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, đánh giá một hành vi cụ thể có phải là tội phạm được quy định trong bộ luật hình sự hay không, người thực hiện hành vi có phải chịu trách nhiệm hình sự không và một số vấn đề liên quan đến thi hành án hình sự. Trong đó, việc Hội đồng xét xử tiến hành các thủ tục xét xử tại phiên tòa là một phần của quá trình tố tụng. Người bị đưa ra xét xử là bị cáo, bị cơ quan tiến hành tố tụng là Tòa án có Quyết định đưa ra xét xử theo quy định tại bộ luật Tố tụng hình sự. Bị cáo không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, dù bị cáo bị tuyên là có tội tại phiên tòa sơ thẩm và bị bắt tạm giam nhưng vẫn chưa bị coi là có tội và phải chấp hành bản án do bị cáo có quyền kháng cáo, Tòa án, Viện kiểm sát có quyền kháng nghị theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, để đảm bảo cho hoạt động tố tụng, bảo vệ an toàn cho xã hội và những người liên quan trong vụ án, bị cáo có thể bị Hội đồng xét xử áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam sau khi tuyên án. Cụ thể, Điều 329 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án như sau:
“Điều 329. Bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án
1. Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà bị xử phạt tù nhưng xét thấy cần tiếp tục tạm giam để bảo đảm thi hành án thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo, trừ trường hợp được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 328 của Bộ luật này.
2. Trường hợp bị cáo không bị tạm giam nhưng bị xử phạt tù thì họ chỉ bị bắt tạm giam để chấp hành hình phạt khi bản án đã có hiệu lực pháp luật. Hội đồng xét xử có thể ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay tại phiên tòa nếu có căn cứ cho thấy bị cáo có thể trốn hoặc tiếp tục phạm tội.
3. Thời hạn tạm giam bị cáo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này là 45 ngày kể từ ngày tuyên án.
4. Trường hợp bị cáo bị xử phạt tử hình thì Hội đồng xét xử quyết định trong bản án việc tiếp tục tạm giam bị cáo để bảo đảm thi hành án”.
Bình luận về bắt giam bị cáo sau khi tuyên án
Bắt giam bị cáo sau khi tuyên án là một trong những biện pháp ngăn chặn để bảo đảm thi hành án, do đó đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng đặc biệt là ở giai đoạn xét xử phải xem xét một cách toàn diện và đầy đủ để ra một quyết định chính xác. Mặc dù trước đó tại Điều 202 BLTTHS 2003 cũng đã quy định về vấn đề này, song nội dung của điều luật chưa được cụ thể, rõ ràng dẫn đến việc áp dụng vào thực tiễn còn nhiều vướng mắc. Từ đó, buộc các cơ quan có thẩm quyền phải ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể trong trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà bị phạt tù nhưng đến ngày kết thúc phiên tòa hết hạn tạm giam thì Tòa án lại tiếp tục ra quyết định tạm giam để bảo đảm việc thi hành án...
Tuy nhiên, trên thực tế đã xảy ra không ít trường hợp sau khi tuyên án bị cáo không bị bắt giam ngay để bảo đảm cho việc thi hành án mà cho tại ngoại để chờ thi hành án dẫn đến việc bị cáo bỏ trốn gây khó khăn cho công tác thi hành án. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trên, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể các trường hợp bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án. Cụ thể, theo quy định tại khoản 3 Điều 278 BLTTHS 2015 quy định: “Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên toà thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì Hội đồng xét xử ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên toà”.
Như vậy, trong thực tiễn áp dụng cho thấy hầu hết các vụ án mà các bị cáo đang bị tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa. Sau khi kết thúc phiên tòa có nghĩa là sau khi tuyên án thì HĐXX ban hành quyết định tiếp tục tạm giam đối với bị cáo với thời hạn tạm giam là 45 ngày kể từ ngày tuyên án theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 329 BLTTHS 2015.
Nếu bị cáo đang bị tạm giam mà bị xử phạt tù mà sau khi trừ đi thời gian tạm giam, thời hạn hình phạt tù còn lại từ 45 (bốn mươi lăm) ngày trở lên, thì quyết định tạm giam của Hội đồng xét xử ghi thời hạn tạm giam là 45 (bốn mươi lăm) ngày, kể từ ngày tuyên án. Nếu thời hạn hình phạt tù còn lại dưới 45 (bốn mươi lăm) ngày, thì quyết định tạm giam ghi thời hạn tạm giam bằng thời hạn hình phạt tù còn lại, kể từ ngày tuyên án và cần ghi thêm: “hết thời hạn tạm giam này, Trại tạm giam có trách nhiệm trả tự do ngay cho bị cáo, nếu họ không bị giam, giữ về hành vi phạm pháp luật khác”.
Trường hợp bị cáo không bị tạm giam nhưng bị xử phạt tù thì họ chỉ bị bắt tạm giam để chấp hành hình phạt khi bản án đã có hiệu lực pháp luật. Hội đồng xét xử có thể ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay tại phiên tòa nếu có căn cứ cho thấy bị cáo có thể trốn hoặc tiếp tục phạm tội. Thời hạn tạm giam bị cáo trong trường hợp Hội đồng xét xử quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay tại phiên tòa là 45 ngày kể từ ngày tuyên án.
Đối với bị cáo bị phạt tử hình thì Hội đồng xét xử quyết định trong bản án việc tiếp tục tạm giam bị cáo để bảo đảm thi hành án. Trong trường hợp này, thời hạn tạm giam là vô thời hạn. Đây là quy định mới bổ sung cho khiếm khuyết của Bộ luật cũ khi không quy định biện pháp tạm giam đối với bị cáo bị tuyên phạt tử hình.
Bất cập và kiến nghị
Vấn đề đặt ra trong các vụ án có tuyên phạt bị cáo về hình phạt tử hình có cần phải ra lệnh 45 ngày kể từ ngày tuyên án giống như hình phạt tù.
Theo khoản 4 Điều 329 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: “Trường hợp bị cáo bị xử phạt tử hình thì Hội đồng xét xử quyết định trong bản án việc tiếp tục tạm giam bị cáo để bảo đảm thi hành án”.
Như vậy, việc có tiếp tục tạm giam bị cáo đã được đề cập trong bản án và chỉ riêng đối với hình phạt tù mới quy định phải ra lệnh tạm giam tiếp tục 45 ngày kể từ ngày tuyên án để bảo đảm thi hành án chứ không quy định đối với hình phạt tử hình.
Trong khi đó, bản án sơ thẩm là bản án chưa có hiệu lực pháp luật và có thể bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn luật định. Vậy nên các nội dung trong bản án là chưa có hiệu lực. Tại Điều 262 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định: “Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án, Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án Trại tạm giam nơi đang giam giữ bị cáo”. Do đó, nếu không ra quyết định tạm giam tiếp theo thì không có cơ sở để cơ quan giam giữ tiếp tục thực hiện biện pháp tạm giam đối với bị cáo.
Như vậy, để thực hiện tạm giam bị cáo nhằm bảo đảm cho việc thi hành án, Hội đồng xét xử vẫn cần phải tiếp tục ban hành quyết định tạm giam với thời hạn là 45 ngày nhằm phù hợp cho thời gian kháng cáo, kháng nghị và thi hành án. Bên cạnh đó, trường hợp không có kháng cáo, kháng nghị đương nhiên bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật và việc ghi nhận tiếp tục tạm giam để bảo đảm thi hành là cơ sở để có thể thực hiện tạm giam đối với bị cáo.
Bắt giam bị cáo sau khi tuyên án là một trong những biện pháp ngăn chặn để bảo đảm thi hành án, do đó đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng đặc biệt là ở giai đoạn xét xử phải xem xét một cách toàn diện và đầy đủ để ra một quyết định chính xác.