/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Bàn về việc cần quy định lại hình phạt tử hình đối với tội 'Cướp tài sản'

Bàn về việc cần quy định lại hình phạt tử hình đối với tội 'Cướp tài sản'

16/09/2022 17:41 |

(LSVN) - Tử hình là một hình phạt đặc biệt được quy định trong Bộ luật Hình sự, hình phạt tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất đối với người phạm tội, tước đi quyền được sống đối với người bị kết án và chỉ áp dụng đối với người phạm tội có tính chất nguy hiểm đặc biệt lớn cho xã hội. Trước đây, Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009, quy định mức cao nhất trong khung hình phạt đối với tội "Cướp tài sản" là tử hình. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, đã bỏ hình phạt tử hình đối với tội "Cướp tài sản". Điều này thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta đang xây dựng, thế nhưng việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội "Cướp tài sản" cũng mang đến nhiều thách thức mới với công cuộc đấu tranh phòng và chống loại tội phạm này.

Ảnh minh họa.

Quy định của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 (BLHS) về tội “Cướp tài sản”

Khoản 1, Điều 168, BLHS quy định hành vi “Cướp tài sản” như sau: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản…”.

Hành vi cướp tài sản đồng thời xâm hại hai quan hệ được pháp luật hình sự bảo vệ: Quan hệ nhân thân và Quan hệ sở hữu. Để có thể chiếm đoạt được tài sản, trước hết, người phạm tội xâm phạm đến thân thể, tự do của con người (Quan hệ nhân thân) bằng ba dạng hành vi sau:

Một là, hành vi dùng vũ lực: Hành vi dùng vũ lực là hành vi dùng sức mạnh (có hoặc không có công cụ, phương tiện phạm tội) tác động vào người khác nhằm đè bẹp hoặc làm tê liệt sự chống cự của người này nhằm chống lại việc chiếm đoạt tài sản. Sự nguy hiểm của hành vi này thể hiện ở tốc độ tấn công, vị trí tấn công làm cho người bị tấn công không thể phản kháng được. Hành vi dùng vũ lực thể hiện ở mức độ cao có khả năng đè bẹp hoặc làm tê liệt sự kháng cự hoặc làm cho người bị tấn công tê liệt về ý chí, không dám kháng cự. Những hành vi dùng vũ lực này có thể là những hành vi như: Đâm, chém vào vị trí nguy hiểm, trọng yếu trên cơ thể…

Hai là, hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc: Hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc là hành vi thể hiện bằng lời nói hoặc bằng cử chỉ hoặc cả hai dọa sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc nếu chống cự lại việc cướp tài sản. Vũ lực đe dọa sẽ thực hiện có thể nhằm vào chính người bị đe dọa nhưng cũng có thể nhằm vào người khác có quan hệ thân thích với người bị đe dọa, như: Dọa sẽ giết chết người đang sở hữu tài sản hoặc dọa giết chết thân của người đang sở hữu tài sản. Hành vi đe dọa dùng vũ lực thể hiện tính chất mãnh liệt có thể làm tê liệt ý chí, khống chế được ý chí của người bị tấn công. Để đánh giá mức độ nguy hiểm của hành vi đe dọa dùng vũ lực có thể dựa vào một số yếu tố như: Nội dung và hình thức đe dọa; tương quan giữ bên đe dọa và bên bị đe dọa; hoàn cảnh không gian và thời gian…

Ví dụ: Đối tượng thực hiện hành vi cướp ngân hàng, khi vào ngân hàng đối tượng dùng súng bắn chỉ thiên lên trần nhà và hô to ai chống cự sẽ bắn chết.

Ba là, hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được: Đây không phải là hành vi dùng vũ lực, cũng không phải là hành vi đe dọa dùng vũ lực nhưng có khả năng làm cho người bị tấn công không thể ngăn cản được hành vi chiếm đoạt tài sản, những hành vi này có khả năng đè bẹp hoặc làm tê liệt sự kháng cự, như: Hành vi đầu độc nạn nhân, hành vi dùng thuốc mê…

Có thể thấy, để chiếm đoạt được tài sản, người phạm tội đang có những hành vi nguy hiểm có thể xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người sở hữu tài sản, người chiếm giữ tài sản ở thời điểm phạm tội. Những hành vi này thể hiện tính chất đặc biệt nguy hiểm cho xã hội.

Điều 168, BLHS quy định bốn khung hình phạt chính, một khung hình phạt bổ sung và một khung hình phạt cho chuẩn bị phạm tội này, bao gồm(1):

Một là, khung hình phạt cơ bản có mức phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Hai là, khung hình phạt tăng nặng thứ nhất, có mức phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Ba là, khung hình phạt tăng nặng thứ hai, có mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Bốn là, khung hình phạt tăng nặng thứ ba, có mức phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Năm là, khung hình phạt cho người chuẩn bị phạm tội, người chuẩn bị phạm tội cướp tài sản thì bị phạm tù từ 01 năm đến 05 năm.

Sáu là, khung hình phạt bổ sung, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Một số vụ án cướp tài sản có tính chất đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm thời gian gần đây

Ví dụ 1: Vụ án cướp ngân hàng ở Hải Phòng. Ngày 07/01/2022, N.V.N mang theo súng, đạn đến Phòng giao dịch Ngân hàng V., tại quận Hải An, TP. Hải Phòng. Tại đây, đối tượng nổ súng uy hiếp bảo vệ, yêu cầu nhân viên đưa hơn 3,5 tỉ đồng cho vào ba lô rồi cướp xe máy tẩu thoát. Sau đó, đối tượng này dùng số tiền cướp được lên Hà Nội mua xe máy phân khối lớn trị giá khoảng 680 triệu đồng. Khi đối tượng đang lẩn trốn ở Thái Nguyên thì bị bắt giữ(2). Đối tượng đã phải lĩnh án tù chung thân với hành vi phạm tội của mình.

Ví dụ 2: Vụ cướp ngân hàng ở Hà Nội. Tháng 07/2020 đối tượng có tên H.N, nguyên Tổng Giám đốc Công ty G. - đơn vị chuyển phát nhanh, đã rủ P.H.M dùng súng cướp ngân hàng tại Phòng giao dịch Ngân hàng B. được hơn 940 triệu đồng. Nguyên nhân của vụ cướp là do làm ăn thua lỗ, dẫn đến nợ nần, N. đã rủ M. đi cướp. Đây là vụ án gây rúng động dư luận thời điểm đó bởi các đối tượng chọn địa điểm cướp ngay tại con phố đông đúc tại thủ đô Hà Nội, tại thời điểm cướp phòng giao dịch cũng có rất đông khách hàng. Sau khi cướp ngân hàng xong, các đối tượng tiếp tục dùng súng cướp xe máy của người đi đường rồi tẩu thoát(3).

Ví dụ 3: Vụ cướp “nổi tiếng” nhất trong năm 2020 xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh. Ngày 10/10/2020, P.T.T. sử dụng hai trái nổ (trước đấy, T. đã lên mạng tìm hiểu cách chế tạo trái nổ mua một số vật dụng để tạo thành 02 trái nổ, giống bom nhưng không có thuốc nổ và kíp nổ) bình khò lửa, chai xăng uy hiếp các nhân viên của Ngân hàng T., cướp 2,2 tỉ đồng rồi tẩu thoát(4). Nguyên nhân của vụ cướp được cho là T. muốn có tiền để tiến thân vào ngành giải trí để được nổi tiếng. Dù chỉ mang tính chất nghiệp dư, nhưng với sự nguy hiểm, T.  đã cướp được số tiền hơn 02 tỉ đồng.

Ngoài các vụ án đã nêu trên, trong khoảng thời gian những năm gần đây còn xảy ra rất nhiều các vụ cướp khác đã được đăng tải và đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc điểm chung của các vụ cướp này là các đối tượng có sử dụng vũ khí nguy hiểm như súng, dao, kiếm, thuốc nổ tự chế… và đặc biệt là các đối tượng thể hiện sự liều lĩnh, manh động, sẵn sàng tấn công người bị hại nếu không được đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, các vụ cướp ngân hàng với số tiền bị cướp rất lớn đã và đang có dấu hiệu gia tăng.

Hiện nay, với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin và mạng xã hội, việc mua bán các vật liệu để chế tạo súng tự chế, bom tự chế không hề khó. Như đã nói, mức hình phạt cao nhất cho tội "Cướp tài sản" chỉ là chung thân, chưa đủ tính chất răn đe đối với những đối tượng đang có ý định thực hiện loại tội phạm này. Khoản 4, Điều 168, BLHS quy định khung hình phạt cao nhất cho tội "Cướp tài sản" là chung thân, với một trong các tình tiết định khung tăng nặng sau:

“a, Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

  b, Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

  c, Làm chết người;

  d, Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp”.

Tội “Cướp tài sản” tác động cùng lúc đến hai quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ là Quan hệ nhân thân và Quan hệ sở hữu. Trước khi có thể tác động đến Quan hệ sở hữu (chiếm đoạt được tài sản), người thực hiện tội phạm này phải thực hiện hành vi tác động đến Quan hệ nhân thân (dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được). Như đã phân tích ở trên, các hành vi của người phạm tội tác động đến Quan hệ nhân thân là hết sức nguy hiểm, tính chất và mức độ nguy hiểm đặc biệt lớn cho xã hội. Hiện nay, các đối tượng phạm tội thường rất manh động, liều lĩnh, sẵn sàng tấn công, đe dọa tấn công người bị hại, người quản lý hợp pháp tài sản bằng vũ khí nguy hiểm có sức sát thương lớn và có khả năng làm chết nhiều nguời.

Khi so sánh quy định tại khoản 4, Điều 168, BLHS với quy định tại điểm l, khoản 1, Điều 123, BLHS và quy định tại khoản 4, khoản 5, Điều 134, BLHS, việc quy định mức cao nhất trong khung hình phạt dành cho tội “Cướp tài sản” (xâm phạm cùng một lúc hai quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ) là chưa đủ sức răn đe, đặt ra thách thức rất lớn trong công cuộc đấu tranh phòng và chống loại tội phạm này.

Đề xuất kiến nghị

Từ những dẫn chứng và phân tích đã nêu, để góp phần đấu tranh phòng và chống loại tội phạm này, giảm thiểu việc gây ra tâm lý hoang mang, lo sợ trong xã hội trước những vụ cướp rúng động dư luận thời gian gần đây, tác giả kiến nghị cần quy định lại hình phạt tử hình tại khoản 4, Điều 168, BLHS, cụ thể:

“4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a, Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b, Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

c, Làm chết người;

d, Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp”.

(1) Xem Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

(2) https://tienphong.vn/ke-no-sung-cuop-ngan-hang-o-hai-phong-linh-an-tu-chung-than-post1464295.tpo

(3) https://cand.com.vn/Ban-tin-113/Da-bat-duoc-2-doi-tuong-cuop-ngan-hang-o-BIDV-Ngoc-Khanh-Ha-Noi-i574486/

(4) https://tuoitre.vn/co-gai-thach-thuc-danh-hai-lanh-19-nam-tu-vi-cuop-ngan-hang.

LÊ XUÂN QUANG

Tòa án Quân sự Khu vực - Quân khu 1

Một số vấn đề về nghị án được quy định tại Điều 326 BLTTHS

Lê Minh Hoàng