/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Bàn về yếu tố vụ lợi trong vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ

Bàn về yếu tố vụ lợi trong vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ

30/07/2024 15:55 |

(LSVN) - Hiện nay, tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là một trong những nhóm tội phạm đang có chiều hướng tăng cả về quy mô cũng như tính chất. Đã có nhiều bị cáo từng là cán bộ cấp cao vi phạm tội danh này đã bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử.

Luật sư Hoàng Doanh Trung.

Theo Điều 356 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi cho cá nhân hay tổ chức mà thực hiện các công việc trái pháp luật. Như vậy, yếu tố “vụ lợi” là yếu tố then chốt để cấu thành tội danh này. Tuy nhiên trong thực tiễn có những vụ án, các bị cáo không có mục đích lợi dụng cương vị công tác để tạo ra những hệ quả có lợi cho cá nhân như quy định của điều luật. 

Vụ án Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa mà Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa vừa hoàn tất cáo trạng là một ví dụ khi hành vi vi phạm của các bị cáo được kết luận là “không có mục đích tư lợi”,  còn đối tượng được hưởng lợi thì không được xác định rõ ràng.

Bàn về yếu tố vụ lợi và “đối tượng” vụ lợi

Yếu tố “vụ lợi” được coi là then chốt để cấu thành tội “lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong thi hành công vụ”. Sự “vụ lợi” không chỉ được hiểu là khi trên cương vị công tác được giao, người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi nhằm mục đích khai thác vị thế của mình nhằm hướng tới những lợi ích trái pháp luật, mà còn là một hành vi có tính chủ ý, chủ quan mà đích đến là vụ lợi cho chính người có chức vụ, quyền hạn.

Về mặt khách quan, người phạm tội phải là người có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để đạt được một mục đích cụ thể, có lợi cho mình về kinh tế, chính trị hoặc một quyền lợi nhất định mà điều đó không nằm trong phạm vi, chức trách của người vi phạm được pháp luật quy định. Yếu tố hệ quả của hành vi này, ngoài việc người thực hiện hành vi vụ lợi, còn thể hiện thông qua một vấn đề khác là thiệt hại. Theo đó, có thể hiểu rằng thông qua sự vụ lợi trái pháp luật, người vi phạm đạt được mục đích phạm tội, còn thiệt hại từ hành vi phạm tội gây ra sẽ ảnh hưởng, tác động đến các chủ thể khác được pháp luật bảo vệ, thông qua hoạt động đúng đắn, có trật tự của nó, bao gồm: Nhà nước, tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Ngoài yếu tố vụ lợi như một động cơ có tính chủ quan, chức vụ, quyền hạn chính là công cụ, là điều kiện cần để người phạm tội thực hiện tội phạm này.

Ngày 08/7/2024, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành cáo trạng số 30/CT–VKS–P3, truy tố 3 bị cáo nguyên là các cán bộ UBND xã Vĩnh An về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” theo khoản 3 Điều 356 BLHS. Tuy nhiên trong vụ án này, yếu tố vụ lợi cá nhân xác định là không có. Ngược lại, hành động của họ được kết luận là vụ lợi cho một đối tượng mà về mặt khoa học và cơ sở pháp lý, chưa được BLHS quy định.

Trong vụ án này, cơ quan Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Thanh Hóa đã kết luận (Kết luận 135): “Đây là vụ án mà các bị can chỉ có mục đích vụ lợi cho xã Vĩnh An trong quá trình xây dựng nông thôn mới mà gây ra thiệt hại 1.256.271.500 cho ngân sách Trung ương, không có mục đích tư lợi…”.  Tại khoản 7 Điều 3 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP có hướng dẫn về một số tình tiết là dấu hiệu định tội của các tội phạm về chức vụ, “vụ lợi” được khái quát như sau: “Vụ lợi” quy định tại khoản 1 các điều 356, 357 và 359 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng cho mình hoặc cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Từ kết luận của cơ quan điều tra có thể thấy rõ, các cơ quan tố tụng đã xác định rằng, các bị can không có mục đích vụ lợi cá nhân mà “chỉ có mục đích vụ lợi cho xã Vĩnh An”. Mặc dù vậy, kết luận điều tra đã không xác định rõ đối tượng “xã Vĩnh An” trong vụ án này có ý nghĩa cụ thể là gì, bởi lẽ nó có thể gây ra sự nhầm lẫn khác nhau giữa các ý nghĩa: đây là UBND xã Vĩnh An (hành chính); xã Vĩnh An (địa lý) hay xã Vĩnh An (là một cộng đồng dân cư). Đây là một vấn đề mà Kết luận điều tra cũng như cáo trạng đều không làm rõ. Về nguyên tắc, đối tượng được hưởng lợi, là một trong các yếu tố quan trọng bậc nhất để xác định tính chất của một hành vi, để thoả mãn các yếu tố cấu thành tội Lợi dụng chức vụ trong thi hành công vụ.

Bất cập trong xác định thiệt hại và xác định đối tượng bị thiệt hại

Mặc dù, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn về vấn đề này, tuy nhiên, thực tế xét xử các vụ án kinh tế tham nhũng, đặc biệt là các vụ án liên quan đến sai phạm trong quản lý đất đai, tài sản nhà nước vẫn còn không ít những quan điểm trái ngược, thiếu thống nhất về xác định thiệt hại.

Tại BLHS  năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cách tính thiệt hại không được quy định cụ thể mà tuỳ vào hành vi phạm tội, khách thể bị tội phạm xâm phạm, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ có những phương hướng tiếp cận về xác định thiệt hại khác nhau. Đối với tội phạm xâm phạm sở hữu, nếu gây thiệt hại về vật chất thì người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra.

Trong các vụ án về tội “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong thi hành công vụ” ngoài yếu tố vụ lợi, việc xác định thiệt hại có ý nghĩa quan trọng trong xử lý vụ án là cơ sở để định tội danh, định khung hình phạt và xác định trách nhiệm bồi thường của các bị cáo, góp phần thu hồi tài sản cho Nhà nước. Trong vụ án xảy ra tại xã Vĩnh An, cơ quan điều tra đã xác định số tiền thiệt hại cho ngân sách Trung ương là 1.256.271.500 đồng. Khi xác định như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, việc người hưởng thụ các khoản tiền có biết hay không biết nguồn gốc số tiền này thì việc phải thu hồi để khắc phục thiệt hại của ngân sách luôn là ưu tiên hàng đầu, vì đây là chủ thể đặc biệt do đã có hành vi phạm tội xảy ra liên quan trực tiếp đến Ngân sách. Kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa cũng như cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa, trong số tiền 1.256.271.500 đồng (các bị cáo đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước) thì có 20 hộ dân được hưởng hơn 191,7 tỉ đồng, còn lại  hơn 1,06 tỉ đồng được sử dụng vào việc thanh toán các công trình xây dựng nông thôn mới tại xã Vĩnh An. Do đó có thể hiểu, số tiền hơn 1,25 tỉ đồng (thiệt hại cho ngân sách) đã không còn điều kiện (cơ sở) để thu hồi.

Về nguyên tắc, trong vụ án hình sự việc thu hồi tài sản bị thất thoát, thiệt hại không chỉ là góp phần làm giảm tính nghiêm trọng của hành vi phạm tội mà còn là một tiêu chí vô cùng quan trọng đánh giá hiệu lực, hiệu quả của công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Mặt khác, giả định rằng số tiền bị thiệt hại trong vụ án này được thu hồi và có cơ sở để thù hồi, trước hết Nhà nước khôi phục lại được một khoản thiệt hại trong ngân sách, sau đó, các bị cáo cũng có cơ sở được xem xét về trách nhiệm hình sự  đốivới những thiệt hại đã gây ra.

Ngược lại, trong trường hợp này cơ quan tố tụng xác định ngân sách nhà nước bị thiệt hại, nhưng số tiền bị cho là “thiệt hại” này lại được nộp vào ngân sách, sau đó phân bổ lại cho địa phương để phục vụ các công trình xây dựng cơ bản. Đây là một hướng kết luận khá mâu thuẫn bởi lẽ, nhà nước bị thiệt hại mà không có giải pháp thu hồi ngay cả khi đã xác định được hướng đi và nơi tới của các khoản tiền là không giải quyết được hệ quả của tội phạm. Mặt khác, các cáo buộc cũng tạo ra sự bất lợi cho các bị cáo khi họ không hưởng lợi, không vụ lợi nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về hinh sự hết sức nặng nề, trong khi các chủ thể có liên quan lại được hưởng thành quả từ những việc làm dẫn đến các bị cáo phải rơi vào vòng lao lý . Phải khẳng định rằng việc làm này của các bị cáo tại thời điểm đó đã góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng các công trình Nông thôn mới cho xã Vĩnh An, tạo tiền đề cho huyện Vĩnh Lộc và tỉnh Thanh Hoá hoàn thành mục tiêu của chương trình.

Bên cạnh đó, phải nhìn nhận một cách khách quan, chính xác về chủ thể bị thiệt hại. Tại bản Kết luận 135, cơ quan điều tra xác định các bị can đã có hành vi phạm tội và hành vi đó dẫn đến “gây thiệt hại cho ngân sách trung ương 1.256.271.500 đồng”. 

Về mặt định nghĩa, “ngân sách trung ương” được quy định tại khoản 15 điều 4 Luật Ngân sách nhà nước 2015 là các khoản thu ngân sách nhà nước phân cấp cho cấp trung ương hưởng và các khoản chi ngân sách nhà nước thuộc nhiệm vụ chi của cấp trung ương. Bên cạnh đó, khoản 1, điều 6 Luật Ngân sách nhà nước 2015 cũng quy định, ngân sách nhà nước gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Ngân sách địa phương gồm ngân sách của các cấp chính quyền địa phương.

Như vậy, thuật ngữ ngân sách trung ương được hiểu là các khoản thu ngân sách nhà nước phân cấp cho cấp trung ương hưởng và các khoản chi ngân sách nhà nước thuộc nhiệm vụ chi của cấp trung ương”, nghĩa là chỉ các khoản thu chi liên quan đến các cơ quan lãnh đạo cao nhất, chung cho cả nước và tách biệt hoàn toàn với ngân sách nhà nước, cụ thể, các cơ quan này gồm: cơ quan trung ương (Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ) không bao gồm cấp tỉnh trở xuống.

Bên cạnh đó, thuật ngữ “ngân sách nhà nước” cũng được định nghĩa rất rõ. Theo đó, ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.

Từ các viện dẫn (nêu trên) có thể hiểu, “ngân sách” là một công cụ, không phải chủ thể pháp lý vì ngân sách phụ thuộc và được quản lý bởi cơ quan có thẩm quyền quản lý, phân bổ. Theo đó, Quốc hội phân bổ ngân sách, Chính phủ quản lý, phân bổ, sử dụng chứ bản thân ngân sách không tự phân bổ hay thêm, bớt. Do đó, trong vụ án này cần phải xác định rõ chủ thể bị thiệt hại  (nếu có) là “Nhà nước” chứ  không phải “ngân sách trung ương” hay “ngân sách nhà nước” như kết luận điều tra và cáo trạng đã nêu.

Tuy nhiên, nếu kết luận Nhà nước bị thiệt hại thì sẽ rất mâu thuẫn.Bởi trong vụ án này, nếu khẳng định Nhà nước (ngân sách nhà nước) bị thiệt hại 1,2 tỉ đồng 1,2 tỉ đồng này là do các bị cáo “lợi dụng chức vụ quyền hạn” để có được và  sử dụng số tiền này (1,2 tỉ đồng) để hoàn thành các chương trình mục tiêu mà nhà nước đặt ra (giao cho họ) Khoản tiền này cũng đã được cơ quan điều tra làm rõ, truy vết được quá trình lưu chuyển (nộp kho bạc, chi từ kho bạc...) đúng quy định và cũng xác định được điểm đến ( chi hợp lệ) nhưng lại không thu hồi  được. Bởi số tiền này đã được chi hợp lệ, hợp pháp cho mục tiêu phát triển nông thôn mới, được hệ thống chính quyền của tỉnh Thanh Hóa công nhận. Trong khi đó, các bị cáo lại bị kết tội và truy tố  theo khoản 3 Điều 356 và đối diện với khung hình phạt tương đương với một tội danh “rất nghiêm trọng” là có phần quá nghiêm khắc, nặng nề ,đối với các bị cáo nếu bị tuyên án từ 10-15 năm như luật định.

HOÀNG DOANH TRUNG

TRẦN VĂN QUYẾT

Công ty Luật PSSLAWYERS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Nguyễn Mỹ Linh