Chia sẻ với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Thạc sĩ, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng, Chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em TP. HCM) đánh giá: Phải thừa nhận rằng, giữa báo chí và Luật sư có mối quan hệ cộng hưởng mật thiết với nhau trong việc tuyên truyền phổ biến pháp luật, bảo vệ lẽ phải và công lý.
Thạc sĩ, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng, Chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em TP. HCM).
Trong các sự kiện pháp lý của xã hội, Luật sư trở thành một kênh thông tin hữu ích giúp báo chí nắm vững hơn các quy định pháp luật, đưa ra các quan điểm cá nhân về các vụ việc xảy ra trong xã hội. Để thực hiện giải đáp, tư vấn pháp luật trên báo, báo chí cũng cần sự hỗ trợ của các Luật sư để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cộng đồng. Thông qua quan điểm của Luật sư, các cơ quan báo chí dẫn chiếu đến cho người đọc thêm những góc nhìn đánh giá sâu sắc hơn về mỗi vụ việc, nhận định của mình thông qua báo chí, giúp người dân nắm bắt rõ hơn về tình hình vụ việc.
Đồng thời, có trường hợp, ý kiến của các Luật sư thông qua báo chí kịp thời hỗ trợ để các cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra những phán quyết hợp với lòng dân.
Mặt khác, về trách nhiệm xã hội thì theo quy tắc đạo đức và ứng xử nghề Luật sư Việt Nam đã được ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc, quy định mối quan hệ giữa Luật sư và các cơ quan thông tin đại chúng, như: Luật sư cần phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền pháp luật, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và các tiêu cực xã hội.
Việc đồng hành của báo chí cùng Luật sư trong các loạt bài điều tra cũng rất có ích, đạt được hiệu quả cao và nhanh nhất.
Cả Luật sư và báo chí đều là nguồn tin, là đầu mối thông tin khá chính xác để tìm đến khai thác, hỗ trợ theo tôn chỉ mục đích của đơn vị mình. Ví dụ với những thông tin về ngược đãi, bạo hành, xâm hại trẻ em thì các Luật sư chuyên về bảo vệ quyền trẻ em sẽ ưu tiên tiếp cận và can thiệp hơn so với những đối tượng khác. Và cùng với sự góp mặt của báo chí để đưa thông tin tới với bạn đọc nhanh hơn, rộng hơn.
Đánh giá về vai trò của báo chí với hoạt động Luật sư, Luật sư Lê Hồng Hiển - Giám đốc Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự chia sẻ, báo chí phản ánh các vấn đề thời sự an ninh trật tự, thông qua thông tin báo chí, các Luật sư nắm được tình hình, nội dung các sự việc có tính chất hình sự, các tranh chấp trong xã hội, để chủ động tiếp cận thị trường, khách hàng và cung cấp dịch vụ pháp lý, bào chữa theo quy định của pháp luật.
Báo chí công khai hoá các thông tin về quá trình tác nghiệp của Luật sư, phản ánh các vấn đề, nguy cơ, sự đe dọa nhằm vào Luật sư để cản trở hoạt động hành nghề của họ, từ đó kiến nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư.
Thông qua báo chí, xã hội tiếp cận sâu hơn với giới Luật sư, tạo ra sự ủng hộ của cộng đồng xã hội đối với hoạt động tác nghiệp của Luật sư, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ pháp lý khi có nhu cầu.
Luật sư Lê Hồng Hiển - Giám đốc Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự.
Ngược lại, Luật sư cũng có vai trò vô cùng quan trọng với báo chí. Họ là người hoạt động trong lĩnh vực luật pháp, có trình độ nghiệp vụ và am hiểu xã hội, Luật sư thông qua báo chí để truyền tải quan điểm nhận thức của mình trước các vấn đề mang tính pháp lý trong đời sống, giúp người dân hiểu biết pháp luật hơn, biết cách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Thậm chí những phát ngôn của giới Luật sư thông qua báo chí còn định hướng dư luận, hướng xã hội đến các phản ứng phù hợp với khuân khổ luật pháp; góp phần nâng cao dân trí trong lĩnh vực pháp luật.
Thông qua báo chí, kết quả của hoạt động bào chữa của Luật sư đến với cộng đồng, phản ánh công khai, minh bạch những tồn tại, hạn chế của cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng... để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá, thẩm định, kiểm tra lại các hoạt động của cơ quan, tổ chức liên quan, từ đó bảo vệ tốt cho lợi ích của khách hàng.
THANH THANH
Một số điểm mới đáng chú ý liên quan đến các loại Hợp đồng xây dựng