/ Pháp luật - Đời sống
/ Bào chữa và thủ tục đăng ký bào chữa

Bào chữa và thủ tục đăng ký bào chữa

03/05/2023 17:28 |

(LSVN) - Trong bài viết này, tác giả làm rõ các quy định của pháp luật hiện hành về bào chữa là gì và thủ tục đăng kí bào chữa như thế nào.


Ảnh minh họa.

Bào chữa là gì?

Theo quy định của Hiến pháp 2013: Bào chữa là việc dùng lí lẽ, chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo. Bào chữa là quyền hiến định của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự.

Có thể nhận thấy, bào chữa có những đặc điểm cụ thể như sau:

Thứ nhất, về vấn đề nội dung, bào chữa là tất cả các hoạt động của người bị buộc tội bao gồm bị can, bị cáo và người bào chữa từ khi bị buộc tội cho đến khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Thông qua các hành vi cụ thể, họ sẽ sử dụng các quyền luật định để làm sáng tỏ những tình tiết chứng minh cho sự vô tội hay làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng như những tình tiết khác có lợi cho người bị buộc tội. Đó có thể là hành vi tố tụng hướng tới việc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ sự buộc tội của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc nhằm đưa ra chứng cứ nhằm làm giảm nhẹ trách nhiệm của người bị buộc tội hoặc các hành vi tố tụng nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích được pháp luật bảo vệ của người bị buộc tội kể cả khi chúng không trực tiếp liên quan tới việc làm giảm trách nhiệm hình sự trong vụ án.

Thứ hai, về vai trò, bào chữa là một trong những nội dung cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự, đối lập với chức năng buộc tội của cơ quan tiến hành tố tụng, người bào chữa có vai trò gỡ tội. Chính sự đối lập này đảm bảo cho hoạt động tố tụng hình sự được dân chủ, khách quan và công bằng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội.

Thứ ba, về quyền bào chữa, quyền bào chữa không chỉ thuộc về bị can, bị cáo mà còn thuộc về người bị tình nghi phạm tội, túc là những người bị bắt, bị tạm giữ nhưng chưa bị khởi tố và người bào chữa, người đại diện hợp pháp của họ. Như vậy, chủ thể của quyền bào chữa là người bị buộc tội, bao gồm người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Như vậy, quyền bào chữa là một trong những quyền quan trọng của công dân khi tham gia tố tụng và luôn được đề cập trong các đạo luật của mỗi quốc gia. Ở nước ta, nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa là nguyên tắc Hiến định, đồng thời là nguyên tắc đặc thù của tố tụng hình sự. Việc ghi nhận và thực hiện nguyên tắc này góp phần quan trọng vào việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội, giúp Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án giải quyết vụ án khách quan, toàn diện và chính xác.

Thủ tục đăng ký bào chữa

Theo Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định nội dung như sau:

“1. Trong mọi trường hợp tham gia tố tụng, người bào chữa phải đăng ký bào chữa.

2. Khi đăng ký bào chữa, người bào chữa phải xuất trình các giấy tờ:

a) Luật sư xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu Luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội;

b) Người đại diện của người bị buộc tội xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và giấy tờ có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về mối quan hệ của họ với người bị buộc tội;

c) Bào chữa viên nhân dân xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử bào chữa viên nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận;

d) Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý xuất trình văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ Luật sư kèm theo bản sao có chứng thực.

3. Trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại Điều 76 của Bộ luật này thì người bào chữa xuất trình các giấy tờ:

a) Luật sư xuất trình Thẻ Luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử Luật sư của tổ chức hành nghề Luật sư nơi Luật sư đó hành nghề hoặc văn bản phân công của Đoàn Luật sư đối với Luật sư hành nghề là cá nhân;

b) Bào chữa viên nhân dân xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử bào chữa viên nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận;

c) Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý xuất trình Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ Luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước.

4. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa quy định tại khoản 5 Điều này thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ và lưu giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa vào hồ sơ vụ án; nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa và phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

5. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng từ chối việc đăng ký bào chữa khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 72 của Bộ luật này;

b) Người bị buộc tội thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa từ chối người bào chữa.

6. Văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng, trừ các trường hợp:

a) Người bị buộc tội từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa;

b) Người đại diện hoặc người thân thích của người bị buộc tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa.

7. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hủy bỏ việc đăng ký bào chữa và thông báo cho người bào chữa, cơ sở giam giữ khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Khi phát hiện người bào chữa thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 72 của Bộ luật này;

b) Vi phạm pháp luật khi tiến hành bào chữa”.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, trong mọi trường hợp, người bào chữa muốn tham gia tố tụng hình sự phải đăng ký bào chữa.

Đăng ký bào chữa là căn cứ xác lập trách nhiệm của người bào chữa khi tham gia tố tụng hình sự, tạo cơ sở thiết lập mối liên hệ giữa người bào chữa và người bị buộc tội.

Về bản chất, thủ tục này đã hủy bỏ một rào cản lớn, xóa bỏ cơ chế hành chính xin – cho giữa người bào chữa với các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng.

Theo đó, khi đăng ký người bào chữa phải xuất trình các giấy tờ chứng minh tư cách người bào chữa của mình.

Một là, Luật sư xuất trình Thẻ Luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu Luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội.

Hai là, người đại diện của người bị buộc tội xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và giấy tờ có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về mối quan hệ của họ với người bị buộc tội.

Ba là, bào chữa viên nhân dân xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử bào chữa viên nhân dân của ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.

Bốn là, trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý xuất trình văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ Luật sư kèm theo bản sao có chứng thực.

Nghĩa vụ của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc đăng ký bào chữa của người bào chữa

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ quy định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa quy định tại khoản 5 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ và lưu giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa vào hồ sơ vụ án; nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa và phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải từ chối việc đăng ký bào chữa khi thuộc một trong các trường hợp:

- Trường hợp thứ nhất, là người bào chữa đã tham gia tố tụng hình sự với tư cách: Người đã tiến hành tố tụng vụ án đó, người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kết án mà chưa được xóa án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.

- Trường hợp thứ hai, là người bị buộc tội thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa từ chối người bào chữa.

Văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng.

Điều này đồng nghĩa với việc kể từ khi có thông báo người bào chữa, người bào chữa sẽ không thể bị thay đổi tùy tiện bởi ý chí đơn phương của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Văn bản thông báo người bào chữa sẽ chỉ mất đi giá trị khi:

Một là, người bị buộc tội từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa.

Hai là, người đại diện hoặc người thân thích của người bị buộc tội là người có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa.

PHẠM LINH TRANG

Tòa án quân sự Quân khu 1

Pháp luật về đất tôn giáo: Thực trạng và những vấn đề đặt ra

Bùi Thị Thanh Loan