/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Bào chữa viên nhân dân – Một chế định chưa có tiền lệ trong lịch sử nghề Luật sư thế giới

Bào chữa viên nhân dân – Một chế định chưa có tiền lệ trong lịch sử nghề Luật sư thế giới

05/01/2021 18:10 |

(LSO) - Từ sự trải nghiệm cùng cực, lầm than qua năm châu bốn biển, có điều kiện tiếp thu các giá trị văn minh pháp lý nhân loại, bản thân bị thực dân Pháp bắt bớ, giam cầm, được trả tự do với sự trợ giúp pháp lý của luật sư H. Loseby qua 9 phiên tòa ở Hồng Kông năm 1931. Thấu hiểu giá trị quan trọng của quyền bào chữa và tự bào chữa của người bị buộc tội như là thành trì cần thiết, bảo đảm thực hiện các quyền tự do, dân chủ khác, nên chỉ sau 1 tháng 8 ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL ngày 10/10/1945, khai mở lịch sử 75 năm hình thành và phát triển nghề Luật sư cách mạng đến ngày hôm nay.

Giai đoạn từ 1945 đến 1954, trong lịch sử nghề Luật sư Việt Nam có vị trí đặc biệt với sự xuất hiện của chế định “bào chữa viên nhân dân”. Đây là sự thể hiện trên thực tế tư tưởng pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh, tính linh hoạt trong chỉ đạo, vận dụng trong điều kiện cuộc kháng chiến chống Pháp ở trong giai đoạn quyết liệt, đất nước đối diện thách thức “ngàn cân treo sợi tóc” với chính quyền cách mạng còn non trẻ. Cùng với đường lối của Đảng Lao động Việt Nam qua Chính cương 1951 là: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, một trong những vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm là làm thế nào bảo đảm được các quyền và tự do dân chủ của nhân dân trong điều kiện chiến tranh.

Sau khi giành chính quyền dân chủ nhân dân, đất nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống thực dân Pháp, mặc dù đã duy trì về mặt pháp lý tổ chức Luật sư, nhưng thực tế hoạt động gặp rất nhiều khó khăn, trong đó phải kể đến tình trạng bị can chưa được sử dụng đầy đủ quyền chọn người bào chữa của mình, chưa có một “danh sách những người bào chữa” mà mình có thể lựa chọn. Hơn nữa, việc tổ chức phiên tòa và xét xử trong điều kiện thời chiến là cực kỳ khó khăn, “có khi phải xử án ngay trong lòng địch bằng những hình thức phiên tòa lưu động, lanh lẹ, những thủ tục đơn giản thích hợp” [1].

Luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa.

Khi đánh giá về đóng góp của cán bộ tư pháp nói chung và giới Luật sư nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những trở ngại đó và quyết tâm khắc phục: “Công việc tư pháp cũng như mọi công việc khác càng làm ta càng tiến bộ, nhưng càng tiến bộ ta càng thấy rõ những sự trở ngại và những cố gắng để giải quyết hoặc khắc phục những trở ngại và những khuyết điểm nó còn sót lại. Và ta phải càng cố gắng để giải quyết hoặc khắc phục những trở ngại và khuyết điểm ấy” [2]. Vào thời điểm đó, Bộ Tư pháp nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa theo chỉ đạo của Bác Hồ đã tự “kiểm điểm” là “chúng ta chưa nhận thấy một cách sâu sắc tầm quan trọng của quyền tự do bào chữa trong chế độ dân chủ nhân dân của ta nói chung và trong nền tư pháp dân chủ nhân dân của ta nói riêng…, ý thức tôn trọng pháp luật của Nhà nước của chúng ta còn thiếu sót nhiều”. Từ đó, Bộ Tư pháp khẳng định dưới chế độ dân chủ nhân dân, quyền bào chữa là một quyền tự do dân chủ trọng yếu trong các quyền tự do dân chủ của người công dân. Như Đại hội Luật gia dân chủ quốc tế họp năm 1956 đã từng nhận định, quyền tự do bào chữa là “thành trì cần thiết cho các quyền tự do khác”, xâm phạm đến quyền tự do bào chữa thì không thể nào thực hiện được các quyền tự do dân chủ khác, mặc nhiên thủ tiêu các quyền tự do đó [3].

Một trong những biện pháp giải quyết và khắc phục tình trạng chưa tôn trọng và bảo đảm quyền tự do bào chữa của bị can chính là việc thiết lập chế định bào chữa viên nhân dân, tạo điều kiện cho bị can có thể nhờ người bào chữa một cách rộng rãi, thiết thực, đơn giản về thủ tục và đặc biệt là không phải trả tiền thù lao cho người bào chữa.

Ngày 18/6/1949, trong điều kiện cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn hết sức quyết liệt, giữa bộn bề công việc của chính quyền cách mạng, trong khi tổ chức hành nghề Luật sư như quy định trước đây chưa có điều kiện thực tế để hoạt động, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 69/SL, quy định “từ nay đến khi nào có thể lệ khác, trước các tòa án thường và tòa án đặc biệt xử việc tiểu hình và đại hình, trừ tòa án binh tại mặt trận, bị can có thể nhờ một công dân không phải là Luật sư, bào chữa cho. Công dân do bị can đã tự chọn để bênh vực mình phải được ông Chánh án thừa nhận. Nếu bị can không có ai bênh vực, ông Chánh án có thể, tự mình hay theo lời yêu cầu của bị can, cử một người ra bào chữa cho bị can". Điểm đặc biệt của chế định này là: a) Bị can có quyền nhờ người bào chữa trước tòa án; b) Người bào chữa cho bị can có thể không nhất thiết phải là Luật sư; c) Người bào chữa này không được nhận tiền thù lao của bị can hay của thân nhân bị can. Từ Sắc lệnh số 69/SL nói trên, Bộ Tư pháp đã ban hành Nghị định số 01/NĐ-VY ngày 12/01/1950 [4], quy định chi tiết chế độ bào chữa viên nhân dân. Khi thiết lập chế độ bào chữa viên nhân dân, do quy định người đứng ra bênh vực không được nhận tiền thù lao của bị can hay của thân nhân bị can, nên Nghị định số 885-HCTP ngày 04/6/1956 của Liên Bộ Tài chính - Tư pháp (sau này Nghị định số 99-HCTP ngày 28/8/1957 của Liên Bộ Tài chính - Nội vụ - Tư pháp sửa đổi) đã hướng dẫn chi tiết.

Có thể nói, chế định bào chữa viên nhân dân là một chế định đặc thù của một giai đoạn lịch sử cách mạng của nước ta, đã kịp thời phát huy tác dụng tích cực của nó trong việc tham gia và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trước tòa án và đó là nét đặc sắc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nghề luật sư trên thế giới.

Tiến sĩ, Luật sư PHAN TRUNG HOÀI
Ủy viên Đảng Đoàn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC)
_________________________________
[1] Vũ Đình Hoè: Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội 2001- tr.214.
[2] Hồ Chí Minh: Bàn về Nhà nước và pháp luật, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000 - tr.475.
[3] Công báo nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Số 34/1956 - tr.328.
[4] Số chuyên đề về Pháp lệnh luật sư năm 2001, Nhà xuất bản Tư pháp, 2002, tr.183.
/nghi-dinh-82-nd-cp-nang-tam-quan-tri-to-chuc-hanh-nghe-luat-su-de-tranh-nhung-rui-ro-phap-ly.html