Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, mục đích xây dựng Nghị định định quy định về hoạt động thông tin cơ sở nhằm hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu lực pháp lý của các quy định pháp luật đối với lĩnh vực thông tin cơ sở để khẳng định và phát huy vai trò, thế mạnh của toàn bộ hệ thống.
Đồng thời, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước đối với hoạt động thông tin cơ sở, để thông tin cơ sở thực sự là kênh thông tin, tuyên truyền thiết yếu, phát huy sức mạnh ở cơ sở.
Nghị định sẽ kế thừa toàn bộ các quy định còn phù hợp của Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg và các văn bản pháp luật có liên quan về hoạt động của đài truyền thanh cấp xã, bảng tin công cộng, bản tin, tài liệu không kinh doanh phục vụ hoạt động thông tin cơ sở, tuyên truyền viên cơ sở.
Bổ sung mới nội dung quy định về hoạt động truyền thanh - truyền hình cấp huyện nhằm lấp các khoảng trống pháp lý trong hoạt động thông tin cơ sở hiện tại chưa được điều chỉnh tại bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào: Hoạt động của toàn bộ các cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện (Chương II).
Đồng thời, Nghị định bổ sung mới nội dung quy định về hoạt động thông tin, tuyên truyền thiết yếu phục vụ nhiệm vụ chính trị thông qua các ứng dụng công nghệ mới như: Tin nhắn viễn thông, truyền thông trên mạng xã hội nhằm huy động một phần năng lực của hệ thống truyền tải thông tin hiện có (mạng viễn thông di động: tin nhắn viễn thông; mạng xã hội) vào việc cung cấp nội dung thông tin thiết yếu của thông tin cơ sở mà thực tiễn hiện nay đã và đang thực hiện song chưa được luật hóa bằng các quy định cụ thể (Chương VIII, IX).
Bên cạnh đó, bổ sung mới và làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của thông tin cơ sở; chính sách của Nhà nước về phát triển thông tin cơ sở; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thông tin cơ sở.
Nâng cao hiệu lực pháp lý của các quy định pháp luật hiện hành (mới dừng ở Quy chế hoạt động do Thủ tướng Chính phủ ban hành) đối với các thiết chế thông tin cơ sở như đài truyền thanh cấp xã, bảng tin, tuyên truyền viên tại Quyết định 52/2016/QĐ-TTg để tạo hành lang pháp lý rõ hơn (quy định được các vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, xác lập vị trí của các đối tượng thuộc lĩnh vực thông tin cơ sở như: Chức năng, nhiệm vụ; nhân sự làm công tác thông tin cơ sở (chức danh, điều kiện, tiêu chuẩn, quyền, nghĩa vụ...) nhằm khẳng định và phát huy vai trò, thế mạnh của toàn bộ hệ thống; quy định về mô hình tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, điều kiện, tiêu chuẩn, chức danh đối với nhân sự làm công tác thông tin cơ sở.
PV
Pháp luật quy định như thế nào về các căn cứ để trả hồ sơ điều tra bổ sung?