Ảnh minh họa.
Thực hiện quyền bào chữa của bị cáo trong giai đoạn xét xử là tiền đề pháp lý để bị cáo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước sự xét xử của Tòa án, mặt khác giúp Tòa án kết án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không kết án oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm. Việc bảo đảm quyền bào chữa trong tố tụng hình sự góp phần bảo đảm quyền con người, một tiêu chí trong công cuộc cải cách tư pháp đang diễn ra trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy quyền bào chữa của bị cáo trong giai đoạn xét xử sơ thẩm còn bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc như quy định của pháp luật còn bất cập, chưa đồng bộ; nhận thức về quyền bào chữa của bị cáo còn hạn chế… Vì thế vẫn còn tình trạng xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
1. Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm thì tư cách tham gia tố tụng trong vụ án của người bị buộc tội là bị cáo. Tại điểm g khoản 2 Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định bị cáo có quyền “Tự bào chữa, nhờ người bào chữa”. Như vậy, quyền bào chữa của bị cáo tiếp tục được đảm bảo theo quy định tại Điều 61 như sau:
- Được nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử;
- Được tham gia phiên tòa;
- Được giải thích về quyền và nghĩa vụ tại phiên tòa;
- Được đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của BLTTHS;
- Được đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
- Được trình bày ý kiến tranh luận tại phiên tòa;
- Được nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử vào nghị án;
- Có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án.
Mặt khác, để đảm bảo quyền tự bào chữa thì Bộ luật Tố tụng hình sự còn quy định bị cáo có quyền nhờ người khác bào chữa cho mình trong giai đoạn xét xử sơ thẩm. Phần lớn những người thực hiện hành vi phạm tội đều do hiểu biết pháp luật còn hạn chế dẫn đến phạm tội nên việc tự mình thực hiện quyền bào chữa không hiệu quả. Vì thế, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo thì ngoài việc tự họ có thể bào chữa pháp luật còn quy định cho họ quyền nhờ người khác bào chữa cho mình.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 72 BLTTHS năm 2015 thì “Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa”.
Ngoài những quy định trên thì pháp luật còn quy định về trường hợp chỉ định người bào chữa cho bị cáo trong giai đoạn xét xử sơ thẩm nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp của họ được tốt nhất và trách những sai sót không thể khắc phục được, đồng thời thể hiện quan điểm chính sách nhân đạo của Nhà nước.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 76 BLTTHS năm 2015 thì “Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ: Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi”.
2. Một số vướng mắc, hạn chế và kiến nghị
Thứ nhất, BLTTHS năm 2015 chỉ quy định cho người bào chữa có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ nhưng bị cáo lại không có quyền này. Như vậy, trong trường hợp bị cáo không có người bào chữa thì việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ không được thực hiện. Đặc biệt trong trường hợp nếu bị cáo bị tạm giam thì việc thu thập chứng cứ sẽ rất khó khăn, qua đó sẽ không đảm bảo được quyền bào chữa của mình và làm ảnh hướng tới việc xác định sự thật khách quan của vụ án, từ đó Tòa án dễ kết án oan sai hơn. Chính vì thế, BLTTHS cần bổ sung quyền của bị cáo được tự mình thu thập chứng cứ.
Thứ hai, quy định về việc người bào chữa gặp bị cáo còn nhiều khó khăn, hạn chế. Tại khoản 1 Điều 73 BLTTHS năm 2015 quy định người bào chữa có quyền chủ động “Gặp, hỏi người bị buộc tội” nhưng không có quy định nào cho phép bị cáo được quyền chủ động yêu cầu gặp người bào chữa trong trường hợp bị tạm giữ, tạm giam. Đặc biệt, thực trạng chỉ định người bào chữa hiện nay thì một số trường hợp người bào chữa được chỉ định còn có thái độ hời hợt, làm cho có, cho xong việc.
Chính vì thế, khi bị cáo muốn gặp người bào chữa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình nhưng lại không có cách nào để gặp. Việc chủ động yêu cầu gặp người bào chữa khi đang bị tạm giữ, tạm giam có thể làm sáng tỏ những chứng cứ, những tình tiết quan trọng của vụ án mà bị cáo chỉ tin tưởng người bào chữa của mình mới nói ra. Do đó, để quyền bào chữa được áp dụng tối đa, đặc biệt là trường hợp bị tạm giữ, tạm giam thì BLTTHS cần bổ sung thêm quy định về quyền của bị cáo được yêu cầu gặp người bào chữa của mình trong bất kỳ thời gian nào.
Thứ ba, thủ tục đăng ký bào chữa cho người bào chữa theo quy định tại Điều 78 BLTTHS năm 2015 vẫn còn gây khó khăn cho người bào chữa khi đăng ký. Quy định này còn chung chung chưa cụ thể về trách nhiệm trong việc cấp đăng ký bào chữa, dẫn tới những khó khăn cho người bào chữa khi làm thủ tục đăng ký bào chữa ảnh hưởng tới quyền bào chữa của bị cáo. Mặt khác, không có quy định nào xử lý trách nhiệm nếu có vi phạm thủ tục đăng ký bào chữa.
Vì vậy, BLTTHS cần quy định cụ thể người có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký bào chữa của người bào chữa và trách nhiệm của họ nếu vi phạm thủ tục đăng ký bào chữa. Theo tác giả, trong giai đoạn xét xử sơ thẩm này thì nên quy định thẩm quyền này cho Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thực hiện.
LÊ VĂN THANH
Tòa án quân sự Khu vực, Quân khu 1
Xem xét việc rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa