(LSVN) - Bảo tồn hay “xóa sổ” lễ hội chọi trâu là câu hỏi gây ra không ít quan điểm trái chiều từ học giới cũng như dư luận cả nước nhiều năm trở lại đây. Nhiều người cho rằng hình ảnh “người bạn hiền lành của nhà nông” lao vào đánh nhau là rất phản cảm. Con trâu được coi là “đầu cơ nghiệp” nay lại trở thành vật cá độ mỗi dịp tết đến xuân về, bên cạnh đó ngày càng có nhiều biến tướng từ một lễ hội truyền thống.
Ảnh minh họa.
Những năm qua, lễ hội chọi trâu đã nhận được không ít phản hồi thiếu tích cực. Nhiều người cho rằng hình ảnh con trâu hiền lành chọi nhau là rất phản cảm, con trâu được coi là “đầu cơ nghiệp” nay lại trở thành vật cá độ mỗi dịp lễ hội… Việc tổ chức lễ hội này đã đi chệch khỏi ý nghĩa ban đầu, bị thương mại hóa và thậm chí gây nên tai nạn chết người. Nhiều lễ hội chọi trâu được tổ chức nhằm mục đích cá cược ăn thua. Người không có kinh nghiệm huấn luyện trâu cũng có thể tham gia. Thậm chí, trâu không đủ tiêu chuẩn cũng vẫn được chọi. Điển hình là vụ việc xảy ra ngày 01/07/2017 tại lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Phòng, con trâu số 18 có biểu hiện bất thường, hung hăng những vẫn được vào sân thi đấu và đã húc chết chủ. Vậy thì có nên duy trì lễ hội chọi trâu khi ngày càng có nhiều biến tướng từ lễ hội này.
TS. Phạm Hoàng Mạnh Hà.
Đối với câu hỏi này, TS. Phạm Hoàng Mạnh Hà cho biết đúng là gần đây quan điểm “xóa sổ” lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã và đang nhận được không ít sự đồng tình, hưởng ứng. Người ta điểm được nhiều “tì vết” tại lễ hội như nạn “cò” chèo kéo du khách, rồi cờ bạc trá hình (con trâu trở thành phương tiện để giới mê đỏ đen “đặt cửa”), “thương mại hóa” lễ hội (thịt trâu chọi, các dịch vụ “ăn theo” hoặc được “thổi giá” cao ngất ngưởng, hoặc được bán với giá “trên trời”) và quan trọng hơn là hình ảnh bạo lực, phản cảm khi từng cặp trâu chọi húc nhau trong sự hò reo, phấn khích của đám đông… Dăm ba năm trước, dư luận cả nước còn rúng động trước sự kiện “trâu chọi húc chết chủ” ở chính lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.
Những tồn tại, hạn chế này thành hai loại. Thứ nhất là dạng “điểm đen phát sinh” như cá độ, tiểu thương “chặt chém” du khách hay cái chết của chủ con trâu nọ. Có thể khẳng định, những tệ nạn này xuất hiện ở hầu hết các lễ hội trên cả nước và dường như đã trở thành “một phần không thể thiếu” trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Cơ quan chức năng, dẫu có làm mạnh tay cũng khó “tiệt nọc”. Vịn vào những “tì vết” này và đề xuất “dẹp” lễ hội là không thỏa đáng. Không thể vì nạn cá độ mà “khai tử” các giải bóng đá trên thế giới; cũng chẳng thể mượn câu chuyện “kinh doanh ấn Đền Trần” mà “xóa sổ” cả một lễ hội. Đành rằng lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã ghi nhận hiện tượng chủ trâu tử vong ngay trên “sới” nhưng ai dám khẳng định các sinh hoạt, lễ hội khác chưa từng xảy ra tai nạn chết người. Nói cách khác, không thể vì tấm biển treo sai quy cách hay một hình vẽ bậy trên bức tường mà đòi phá hủy cả ngôi nhà.
“Điểm đen” thứ hai, “đậm” hơn và cũng khó bao biện, “tẩy xóa” chính là hình ảnh mang tính bạo lực, thậm chí có phần “dã man” như đã nói (hai con trâu húc nhau đến “đổ máu”). Những “cáo buộc” tương tự cũng được áp cho lễ hội “chém lợn” làng Ném Thượng (nay là phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh) hay tục “đâm trâu” của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số trên vùng đất cao nguyên (“đâm trâu” theo tiếng Ba Na là x'trǎng, tộc người Gia Lai gọi là m-năm-thu, người Lạch gọi là sa-rơ-pu người Cor gọi là xa-ố-piêu…).
Còn với thế giới, cảnh tượng “đẫm máu” cũng có ở lễ tục “sát ngư” trên quần đảo Faroe - Đan Mạch (có từ cuối thế kỷ XVI) hay tục lệ “tàn sát” cá voi gây tranh cãi tại đất nước mặt trời mọc (Nhật Bản). Không còn nghi ngờ gì nữa, nhiều lễ hội văn hóa - lịch sử đang phải chịu sự “phán xét” gay gắt từ cuộc sống hiện tại. Càng đáng nói khi hơn 3 năm trước, ông David Neale - Giám đốc phúc lợi động vật - Tổ chức động vật Châu Á đã gửi thư đến Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng kêu gọi chấm dứt lễ hội chọi trâu Đồ Sơn bởi “có thể khiến con người ngày càng trở nên vô cảm trước những hành vi bạo lực, đặc biệt là trẻ em khi tâm lý và nhận thức còn chưa vững vàng”.
Cái mà người ta cho là “bạo lực”, “man sợ” còn xuất hiện ở nhiều sinh hoạt văn hóa cộng động khác; thậm chí, ở cấp độ cao hơn nhiều, với chính con người - chủ thể lễ hội.
“Đến hẹn lại… hành xác” - ngày 16 tháng Giêng hàng năm, tại “cái nôi” của nền văn hóa Khảo cổ học Óc Eo nổi tiếng (tỉnh An Giang), người dân lại tiến hành các nghi thức cúng Quan Thánh Đế. Để chứng tỏ lòng thành với các đấng siêu nhiên, người được lựa chọn “trao xác” cho thần linh sẽ không ngừng thực hiện các động tác “hành hạ cơ thể” mà đỉnh điểm là việc dùng một thanh kiếm, tự tay rạch lưỡi. Máo trào ra, đỏ lòm, thấm ướt sấp giấy “bùa” (toàn bộ số “bùa” này sẽ được trao cho những người tham dự lễ hội). Đáng kể hơn, không chỉ một mà có nhiều người cùng được lựa chọn. Họ đưa mình vào trạng thái vô thức để tiến hành các thao tác: Ngồi trên bàn chông nhọn, dùng sắt đâm xuyên quai hàm… Giải thích ý nghĩa nghi thức “hành xác” mà người ngoài nhìn vào đều cảm thấy rùng rợn này là quan niệm: Cơ thể “người trao xác” càng đau đớn thì càng được thần linh chứng giám, ban phúc lớn cho cộng đồng.
TS. Phạm Hoàng Mạnh Hà tin rằng nếu tách nghi thức “hành xác” khỏi lễ hội Quan Thánh Đế, nhiều khả năng hình ảnh ấy sẽ bị cộng đồng mạng “ném đá” không thương tiếc. Nhưng rõ ràng, các hành động “man rợ” kia đã và đang diễn ra trong sự thành kính, tôn sùng của cộng đồng cư dân bản địa. Bởi vậy, có lẽ sẽ phiến diện, thiếu khách quan nếu chúng ta chỉ nhìn vào một “lát cắt” rồi “trùm” cho lễ hội “tấm chăn” mang tên bạo lực, phi nhân ái hay dung tục, phảm cảm…
Với lễ hội chọi trâu cũng thế, liệu có hợp lý, khách quan khi tách hình ảnh chọi trâu khỏi không gian văn hóa Đồ Sơn và quan trọng hơn là đưa nó ra khỏi “vùng tín niệm” của cộng đồng cư dân nơi đây để nhận định, đánh giá? Diễn biến lễ hội chọi trâu Đồ Sơn những năm qua cho thấy nó thỏa mãn được cả hai nhu cầu: “Tâm linh” và “thụ hưởng”. Dưới góc độ con người là chủ thể của TS. Phạm Hoàng Mạnh Hà xếp lễ hội chọi trâu vào nhóm lễ hội Thi tài (bên cạnh lễ hội Nông nghiệp, lễ hội Phồn thực, lễ hội Lịch sử, lễ hội Văn nghệ). Cũng như lễ hội đua voi ở Tây Nguyên của đồng bào M'nông (Buôn Ma Thuột) thường tổ chức vào tháng 3 âm lịch. Sự “tài giỏi” biểu hiện ở việc con người đã thuần phục được các loài dã thú (voi) hay huấn luyện một loài vật chỉ quen kéo cày phô diễn sức mạnh.
Việc gọi tên, trao giải cho chú voi nhanh nhất hay con trâu khỏe nhất chỉ là thông điệp bề mặt. Ý nghĩa sâu xa chính là ca ngợi sự giỏi giang, tài trí của chủ nhân khi đã thuần hóa, “dạy dỗ” được chúng. Một “tín hiệu văn hóa” (dẫu bạo lực) cũng cần đặt trong vùng văn hóa đã sinh dưỡng nó; không nên chỉ nhìn vào hình ảnh “hai con trâu húc nhau”. Và cũng không thể dùng nhãn quan của đại diện Tổ chức Động vật châu Á (như nội dung bức thư mà tôi đã đề cập) để “tổng kết” về lễ hội chọi trâu.
TS. Đinh Đức Tiến.
Theo nhận định của TS. Đinh Đức Tiến thì lễ hội chọi trâu là một lễ hội dân gian có truyền thống, đã có từ lâu đời và không nên bỏ lễ hội này, không những thế cần duy trì và tổ chức bài bản hơn nữa. Việc đứng từ góc nhìn phiến diện sẽ thực sự là thiếu hiểu biết nếu đề nghị bỏ lễ hội này chỉ bởi những cảm giác nhất thời. Dưới góc nhìn con trâu luôn gắn với hình ảnh hiền lành nhưng lại bắt ra chọi gây phản cảm đã trở thành quan điểm đang tác động không tích cực đến lễ hội cũng như quản lý lễ hội dân gian truyền thống trong nhiều năm qua.
“Nếu chúng ta tiếp tục giữ quan điểm cấm tổ chức những lễ hội, vô tình chúng ta đang phá hoại lễ hội truyền thống và làm lệch lạc đi, thậm chí là gián tiếp loại bỏ đi những giá trị văn hóa đặc thù của mỗi lễ hội”, TS. Tiến chia sẻ.
Nhìn nhận vào thực tế, nếu lễ hội truyền thống mất đi những nghi thức, sinh hoạt đặc thù thì hãy thử hình dung, các lễ hội dân gian trên cả nước sẽ giống nhau theo kiểu cách "Nhân bản lễ hội truyền thống trong đời sống đương đại".
Cùng với đó, việc loại bỏ những giá trị văn hóa truyền thống đặc thù - sự kiện văn hóa đặc biệt sẽ vô tình khiến chúng ta không những không thu hút được lượng khách đến tham quan và phát triển du lịch, mà còn kìm hãm sự phát triển kinh tế của địa phương.
Lễ hội chọi trâu tại Đồ Sơn thường làm ta liên tưởng đến một lễ hội nổi tiếng, đó là lễ hội đấu bò tót ở Tây Ban Nha và việc trở thành 'thương hiệu", văn hóa cho quốc gia này đối với thế giới sẽ làm ta phải suy sét liệu bỏ đi lễ hội mang giá trị văn hóa truyền thống như chọi trâu có là điều ta đáng nên làm.
Đứng từ góc nhìn truyền thống và văn hóa tâm linh, chúng ta sẽ thấy những lễ hội có những ý nghĩa riêng có để tồn tại trong từng không gian văn hóa nhất định. Các vấn đề văn hóa rất khó hoặc không thể xác định đúng - sai một cách rạch ròi, vấn đề là chúng ta đứng từ quan điểm, góc nhìn nào mà thôi.
Vấn đề đặt ra là, phải luôn tôn trọng chủ thể văn hóa (cộng động sản sinh ra lễ hội) - người dân Đồ Sơn, thay vì đề nghị bỏ hay đưa ra những mệnh lệnh hành chính để bỏ, thì hãy trao quyền ấy cho người dân địa phương. Họ sẽ là người quyết định bỏ hay giữ sản phẩm văn hóa của cộng đồng mình (tôn trọng quyền tự quyết của chủ thể văn hóa).
“Bởi văn hóa cần sự đa dạng và chúng ta cần tôn trọng sự đa dạng văn hóa theo tôn chỉ của UNESCO: Tôn trọng và Chấp nhận những thứ khác biệt với mình”, TS. Đinh Đức Tiến nhận định.
MỸ LINH – HOÀNG LÂM