Bảo vệ an toàn cho Luật sư và quyền hành nghề luật sư trong bối cảnh mới

07/10/2024 15:34 | 4 giờ trước

(LSVN) - Nhân dịp Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam 10/10, có lẽ chúng ta cần nhìn nhận lại một cách toàn diện hơn về nghề luật sư và những thách thức đặc thù mà họ đang phải đối mặt. Luật sư không chỉ bảo vệ quyền lợi cho khách hàng mà còn là người đảm bảo công lý được thực thi. Tuy nhiên, song song với sứ mệnh đó, Luật sư cũng đang phải đối diện với những áp lực và nguy cơ vô cùng nghiêm trọng, từ bạo lực thể xác đến những hình thức tấn công tinh thần và xã hội.

Không ít lần, các vụ việc Luật sư bị hành hung, đe dọa hoặc bị tấn công về danh dự, nhân phẩm được đưa tin trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, ít ai nhận ra rằng những sự kiện này chỉ là bề nổi của vấn đề. Bởi trong thực tế, các Luật sư còn đối diện với những hành vi tinh vi hơn nhiều, đó là sự đe dọa, bôi nhọ, và áp lực xã hội đến từ các bên có lợi ích trong các vụ tranh chấp. Những hình thức này không chỉ làm suy giảm tinh thần mà còn tạo ra một môi trường làm việc đầy rủi ro, thậm chí khiến nhiều Luật sư phải lo ngại cho an toàn của chính mình và gia đình.

Vấn đề đặt ra là, trong bối cảnh đó, chúng ta có đủ biện pháp và công cụ để bảo vệ các Luật sư khỏi những mối đe dọa này hay không? 

Hiện nay, mặc dù các quy định pháp lý đã có, nhưng việc thực thi lại chưa thực sự nghiêm túc, đồng bộ và còn nhiều hạn chế. Các Luật sư khi bị tấn công, đặc biệt là những hình thức tấn công không bằng vũ lực, vẫn thường bị xem nhẹ. Trong khi đó, những áp lực này ảnh hưởng trực tiếp đến công việc và tinh thần của họ. Khi Luật sư bị tấn công, không chỉ có họ chịu thiệt thòi mà còn làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, những thân chủ mà họ bảo vệ. Trong nhiều vụ việc, các hành vi tấn công Luật sư vẫn chưa được xử lý nghiêm minh và kịp thời. Điều này tạo ra sự bất an và thiếu niềm tin vào hệ thống bảo vệ Luật sư.

Vì thế, cần có những biện pháp quyết liệt hơn trong việc bảo vệ quyền hành nghề, danh dự, và tính mạng của luật sư. Điều này không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là của toàn bộ xã hội.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của các Luật sư. Liên đoàn không chỉ thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi của Luật sư mà còn chủ động lên tiếng trong những vụ việc cụ thể khi có Luật sư bị đe dọa, tấn công. Khi các Luật sư bị tấn công hoặc đe dọa, Liên đoàn đã trở thành "bức tường" vững chắc, tin cậy để họ dựa vào.

Liên đoàn đã có một hệ thống báo cáo và xử lý khá nhanh chóng, đồng thời phối hợp kịp thời với cơ quan chức năng để đảm bảo các Luật sư được bảo vệ đầy đủ trong suốt quá trình hành nghề.

Liên đoàn cũng xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan Công an, để đảm bảo an toàn cho Luật sư trong quá trình tác nghiệp. 

Luật sư Trương Anh Tú kiến nghị một số giải pháp để bảo vệ các Luật sư khỏi những hình thức tấn công.

Để bảo vệ các Luật sư khỏi những hình thức tấn công, tác giả đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến việc bảo vệ Luật sư, đồng thời đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thực thi các quy định này. Chỉ khi có sự đồng lòng từ phía Nhà nước, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, và chính các Luật sư thì chúng ta mới có thể tạo ra một môi trường hành nghề an toàn, nơi mà Luật sư có thể tự tin thực thi nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi cho người dân mà không phải lo lắng về những nguy cơ đối với tính mạng và danh dự của mình.

Thứ hai, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong việc bảo vệ thành viên. Liên đoàn nên thiết lập một hệ thống phản ứng nhanh, có thể can thiệp kịp thời khi Luật sư bị tấn công hoặc đe dọa. Đồng thời, các khóa đào tạo về kỹ năng tự bảo vệ và nhận diện nguy cơ cũng rất cần thiết để luật sư có thể đối phó với những tình huống khẩn cấp.

Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức về vai trò của Luật sư trong xã hội cũng cần được đẩy mạnh. Người dân cần hiểu rằng Luật sư không chỉ là người đứng ra bảo vệ quyền lợi của thân chủ mà còn góp phần vào việc đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, để đạt được sự thay đổi toàn diện, bản thân các Luật sư cũng cần phải ý thức rõ ràng, chủ động hơn trong việc tự bảo vệ mình. Điều này bao gồm cả việc tuân thủ đúng quy định pháp luật trong quá trình hành nghề, hợp tác với cơ quan chức năng, và tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với các bên trong xã hội. Các Luật sư cần nắm rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, đồng thời không ngần ngại lên tiếng, phản ánh khi gặp phải những tình huống nguy hiểm. 

Bên cạnh đó, việc hợp tác giữa các đồng nghiệp, chia sẻ thông tin và hỗ trợ lẫn nhau cũng là yếu tố quan trọng giúp các Luật sư đối phó với những thách thức trong nghề.

Nhân Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam 10/10, giới Luật sư chúng ta cùng nhìn lại vai trò và trách nhiệm của mình trong việc xây dựng một môi trường nghề nghiệp an toàn, đồng thời cùng nhau phấn đấu để nghề luật sư không chỉ là biểu tượng của công lý mà còn là một nghề nghiệp được xã hội tôn trọng và bảo vệ đúng mực.

Luật sư TRƯƠNG ANH TÚ

Chủ tịch TAT Law Firm