(LSO) - Trong khoảng ba năm qua, số vụ vi phạm pháp luật có tính manh động diễn ra thường xuyên. Phần nhiều lại là những vụ tội phạm có hành vi côn đồ, thú tính, tàn độc để lại hậu quả hết sức thương tâm. Số vụ vi phạm trật tự xã hội, lưu manh tự phát cũng càng nhiều và thường xuyên hơn. Chúng đã và đang tạo sự bất an trong nhiều bộ phận dân cư và gây hoang mang trong đời sống xã hội.
Bên cạnh các vụ trọng án về kinh tế, nhóm các tội phạm phát sinh trong quan hệ xã hội hàng ngày chiếm tỷ lệ rất lớn, chúng gây sự bất an bằng hành vi tự phát, ít hiểu biết về luật pháp, thiếu giáo dục, văn hóa, không lường trước được hậu quả của hành vi nên coi thường pháp luật. Rất nhiều vụ việc, lý do tưởng chừng rất đơn giản, song lại nhanh chóng trở thành côn đồ do một hành động liều lĩnh, thái độ bức xúc, dẫn tới một hậu quả tai hại để đời.
Có thể nói, đó là những hành vi manh động, nhưng manh động đã dẫn đến tội phạm. Thuộc nhóm tội phạm này có mấy vụ điển hình như: vụ tháng 10/2019 hai nhóm 30 côn đồ ở Lương Sơn - Hòa Bình mang súng rượt đuổi bắn nhau; vụ tháng 3/2020, cũng hai nhóm côn đồ hẹn nhau lái ô tô, mang súng bắn nhau ở Hà Đông, rồi lại nhóm hỗn chiến tương tự ở Hải Phòng, ở Quy Nhơn vào tháng 5/2020. Đặc biệt là vụ có tổ chức, tụ tập đến 50 người của hai phe, có dao rựa, súng... sẵn sàng hỗn chiến, gây náo loạn tại phố Tự An - Buôn Mê Thuột vào cuối tháng 6/2020, có người đã bị chém trọng thương. Cùng trong tháng này là vụ có tới 200 côn đồ, đều mặc áo màu cam, ngông nghênh mang đủ loại hung khí, rầm rộ xuống đường phố phóng xe tới quán Ốc hương, quận Bình Tân đập phá, đánh đuổi khách, làm náo loạn cả một vùng, rất kinh hãi...
Xô xát nhiều nhất là những vụ va chạm giao thông. Hầu như mọi người tham gia giao thông ở thành phố đã đều chứng kiến các vụ cãi vã, ẩu đả lẫn nhau giữa các tay lái. Hễ hơi va chạm - vì nhiều nguyên nhân khác nhau - cứ tranh chấp cái đã. Người lành thường nhịn, đã nhịn, đối phương vẫn không tha, thế là dễ thành ẩu đả. Va quệt nhẹ có thể tự dàn xếp, nhưng lại bị đối phương đánh chết như ở Thuận An tháng 4 và ở Bình Dương tháng 12/2019. Còn các vụ đánh trọng thương, đánh té tát thì nhiều vô kể.
Ở lĩnh vực giáo dục, việc đào tạo học sinh, trang bị kiến thức trong hệ thống các trường phổ thông cơ sở, ngoài những thành tựu lớn và cơ bản nhất đã và tiếp tục giành được, cũng còn khá nhiều hạn chế. Đó là những khuất tất trong việc tổ chức thi cử, trong việc xây dựng và bảo vệ trường lớp... Song, đặc biệt là tình trạng manh động bạo lực của học sinh. Từ năm 2019 sang 2020, ở khá nhiều trường lớp đã xảy ra vụ việc cá nhân học sinh đánh nhau, rồi chuyển sang “đánh hội đồng”. Điều đáng lưu tâm là hệ lụy của các vụ ẩu đả ấy đã gây sự phiền toái đáng kể tới người khác, và từ đó, như tâm lý vô cảm, người lớn ngại can đỡ xô xát ngoài đường và học sinh cũng ít can ngăn mấy bạn đánh đấm, bôi nhọ bạn mình.
Hội chứng bạo lực học đường, bạo lực trong giao thông và quy mô hơn là từ các nhóm côn đồ đang trở thành vấn nạn đang nhức nhối của xã hội. Bên cạnh đó là các tệ nạn khác như lừa đảo, bắt cóc, vu khống... đang gây nên tâm lý bất ổn trong bộ phận lớn các khu cư dân, địa phương và đến việc đầu tư công sức nhiều mặt của các cơ quan an ninh, cơ quan tư pháp.
Vậy, nguyên nhân của sự gia tăng các vấn nạn này là từ những yếu tố nào? Chỉ dừng lại ở mấy vấn nạn dễ biểu hiện ở bề ngoài như kể trên, qua tìm hiểu, chúng tôi lại nhận thấy phần nhiều các ý kiến đang nghiêng về lỗi của việc không kiểm soát được các mạng điện tử mang nội dung tiêu cực hiện nay. Rõ ràng, các trang mạng không kiểm soát được hoặc ít kiểm soát được đang lan tràn và bắt khách. Chúng ta dễ dàng thấy ở đó bao chuyện, bao hình ảnh sát thủ, bịa đặt và quan hệ thiếu lành mạnh, coi thường luân lý đạo đức và luật pháp. Ở độ tuổi chưa ổn định, các bậc cha mẹ lại ít dành thời gian quan tâm nên con cái thường dễ mắc hoặc dễ bị ảnh hưởng từ lỗi này...
Còn những đối tượng khác là người đã trưởng thành? Chúng tôi thấy có hai luồng ý kiến chủ yếu được lập luận từ những bức xúc bản năng của những người có hành vi vi phạm ấy.
Thứ nhất, họ bị ảnh hưởng bởi các thông tin mang tính phản ứng xã hội. Thiếu niềm tin nên luôn không bằng lòng với người khác, ít nhận biết về trật tự quan hệ xã hội nên không tự ý thức pháp luật, do vậy không kiểm soát được hành vi của mình. Từ một vài vụ, nhanh chóng trở thành hiệu ứng đối với nhóm người có hoàn cảnh tương tự.
Thứ hai, được đánh giá xuất phát từ nhu cầu cuộc sống. Xã hội tiến bộ, nhiều người có thu nhập cao, các mức đóng góp sinh hoạt, học tập, chữa bệnh, ăn uống đều cần chi phí cao hơn nhiều so với thu nhập của họ. Thời gian tiếp nối, đòi hỏi phát sinh, trong khi năng lực và điều kiện có hạn, phải vật lộn với khó khăn... Vì lo toan mà dẫn đến ức chế, từ ức chế dẫn đến phản ứng, phản ứng gặp điều kiện sẽ bộc lộ ra bằng hành vi, nếu không kiên định thì khó kiểm soát được ví như khi họ gặp tình huống va chạm nào đó. Còn những mâu thuẫn bột phát nội bộ không được hóa giải thì dẫn đến mâu thuẫn ngay trong cùng khu dân cư... Rồi đến các tranh chấp ở mức cao hơn, họ tổ chức thành một tập thể hết sức manh động và liều lĩnh, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về mọi mặt: cá nhân, gia đình và xã hội. Đó cũng là một cách lý giải có cơ sở mà chúng ta rất đáng quan tâm.
Tiến trình phát triển kinh tế - xã hội đang thể hiện sự đổi mới hằng ngày trên khắp các miền đất nước. Cơ chế kinh tế thị trường được thúc đẩy với tốc độ hiện nay tất nhiên kéo theo sự chênh lệch về các mức thu nhập khác nhau, theo đó người lao động phổ thông cần phải đầu tư công sức rất nhiều mới có thể gia tăng được nguồn thu ở mức có thể. Theo chúng tôi, Nhà nước cần xem xét, định giá thêm về các chuẩn mực ở từng ngành để cân đối các khả năng, nguồn lực và định lượng tốc độ gia tăng, ví như việc cân đối đồng bộ quy hoạch cấu trúc đô thị sao cho các nhu cầu nhà ở phù hợp với đường sá và nâng cấp chất lượng các công trình… hay việc giãn cách, cân đối định mức thu nộp học phí, dịch vụ y tế…, nâng cao chất lượng phục vụ nhiều mặt để gián tiếp giảm nhẹ cường độ lao động, làm tương quan dần cung và cầu thiết yếu, giảm nhẹ áp lực tư tưởng cá nhân cũng như gia đình người lao động phổ thông.
Và cuối cùng, một yếu tố không thể thiếu là tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến quy tắc, pháp luật và học tập nâng cao ý thức trật tự công cộng. Cần đề cao việc hướng dẫn chấp hành bởi nó cũng đồng nghĩa với việc ngăn chặn sớm các hành vi vi phạm pháp luật, xây dựng và phát huy bản chất tốt đẹp của xã hội chúng ta.
NGUYỄN VĂN LƯƠNG