/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Bảo vệ người thứ ba ngay tình theo Bộ luật Dân sự 2015 và thực tiễn áp dụng

Bảo vệ người thứ ba ngay tình theo Bộ luật Dân sự 2015 và thực tiễn áp dụng

27/03/2021 19:33 |

(LSVN) - Bảo vệ người thứ ba ngay tình trong các giao dịch dân sự vô hiệu là vấn đề luôn được các nhà làm luật quan tâm. So với Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005, BLDS năm 2015 đã được sửa đổi theo hướng bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người thứ ba ngay tình. Tuy vậy, trên thực tế, việc áp dụng vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc. Bài viết làm rõ những quy định mới của BLDS năm 2015 về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự vô hiệu và những bất cập trong thực tiễn áp dụng để cùng trao đổi và bình luận.

Ảnh minh họa. 

Quy định của BLDS năm 2015 về bảo vệ người thứ ba ngay tình và một số vướng mắc trong thực tiễn

Các quy định về bảo vệ người thứ ba ngay tình đã được đề cập từ BLDS năm 1995, BLDS năm 2005 và BLDS hiện hành năm 2015. Tuy nhiên, cả ba Bộ luật này đều chưa ra được khái niệm thế nào là người thứ ba ngay tình. Theo Điều 180 BLDS năm 2015, quy định về chiếm hữu ngay tình là “việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu”. Tại Điều 181 BLDS năm 2015 quy định chiếm hữu không ngay tình là “việc chiếm hữu mà người chiếm hữu biết hoặc phải biết rằng mình không có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu”.

Theo từ điển giải thích thuật ngữ luật học thì: “Người thứ ba ngay tình khi tham gia giao dịch dân sự vô hiệu là người được chuyển giao tài sản thông qua giao dịch mà họ không biết, không buộc phải biết tài sản đó do người chuyển giao cho họ thu được từ một giao dịch dân sự vô hiệu”. Như vậy, hiểu một cách chung nhất người thứ ba ngay tình là người đang chiếm hữu tài sản ngay tình nghĩa là người đó có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu vì không biết và không buộc phải biết rằng người đã thực hiện giao dịch với mình không có quyền chuyển giao đối với tài sản giao dịch. Họ hoàn toàn trung thực, ngay thẳng khi tham gia vào giao  dịch đó.

Nhằm bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người thứ ba ngay tình và sự ổn định trong các giao dịch dân sự, các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ người thứ ba ngay tình sửa đổi theo hướng ngày càng hoàn thiện.

Theo Điều 133 BLDS năm 2015, người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu được bảo vệ trong các trường hợp sau:

“1. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.

2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.

Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.

3. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại”.

Như vậy, so với BLDS năm 2005, quy định về người thứ ba ngay tình trong BLDS năm 2015 có một số điểm mới:

Một là, BLDS năm 2015 quy định rộng hơn về đối tượng giao dịch, thay thế cụm từ “động sản không phải đăng ký” bằng cụm từ “tài sản không phải đăng ký”.

Hai là, BLDS năm 2015 bổ sung thêm quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự trước đó vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu. Đây là quy định hoàn toàn mới so với BLDS năm 2005. Theo BLDS năm 2005, đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu thì tất cả các giao dịch với người thứ ba ngay tình đều không có hiệu lực trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa. Quy định này dẫn đến thực trạng giao dịch dân sự trước đó bị vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký quyền sở hữu và chuyển giao cho người thứ ba ngay tình, người này căn cứ vào việc tài sản đã đăng ký quyền sở hữu đã thiết lập giao dịch, nhưng khi các đồng sở hữu tài sản khởi kiện thì tòa án vẫn yêu cầu người thứ ba phải trả lại tài sản. Quy định này không những không bảo vệ cho những người tham gia giao dịch một cách ngay thẳng, trung thực mà còn không bảo đảm tính ổn định trong các giao dịch dân sự. Theo quy định của BLDS năm 2015 thì trong trường hợp này, giao dịch với người thứ ba vẫn có hiệu lực. Chủ sở hữu tài sản chỉ có thể yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại. Quy định mới này hoàn toàn phù hợp với Luật Đất đai và các văn bản pháp luật khác về thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu được xác định kể từ thời điểm đăng ký, đề cao giá trị của việc đăng ký tài sản, bảo vệ người ngay tình, góp phần ổn định các giao dịch dân sự [1].

Từ những phân tích trên cho thấy, quy định của BLDS năm 2015 về bảo vệ người thứ ba ngay tình là có lý, có tình. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các quy định trên vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc cần phải nghiên cứu để hoàn thiện.

Vướng mắc liên quan đến việc nhận diện người thứ ba ngay tình. Xét về bản chất, pháp luật bảo vệ người thứ ba ngay tình là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho các chủ thể tham gia giao dịch trên tinh thần ngay thẳng, trung thực, bảo đảm tính ổn định trong các giao dịch dân sự. Nhưng thế nào được xem là người thứ ba ngay tình? Trên thực tế, có những chủ thể lợi dụng quy định của pháp luật nhằm hợp pháp hóa quyền sở hữu tài sản từ một giao dịch dân sự vô hiệu ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ sở hữu. Nghĩa là ngay sau khi chiếm hữu tài sản từ một giao dịch vô hiệu, người này tiến hành đăng ký tài sản và ngay sau đó giao dịch với người thứ ba. Căn cứ vào khoản 2 Điều 133 BLDS năm 2015, giao dịch với người thứ ba được chấp nhận. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp giao dịch với người thứ ba cũng chỉ là giả tạo. Vì vậy, nếu không xác định được bản chất của giao dịch thì quy định tại khoản 2 Điều 133 BLDS đã tạo điều kiện cho các chủ thể trục lợi.

Việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản mua được từ phiên bán đấu giá. Trên thực tế, có nhiều tranh chấp liên quan đến tài sản bán đấu giá. Mặc dù khoản 2 Điều 133 BLDS 2015 có quy định đối với tài sản chưa đăng ký quyền sở hữu nhưng nếu người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá thì giao dịch với người thứ ba có hiệu lực. Tuy nhiên trên thực tế, người mua được tài sản bán đấu giá rất khó khăn trong việc đăng ký quyền sở hữu tài sản do chủ sở hữu tài sản đấu giá khởi kiện về sai phạm trong thủ tục bán đấu giá. Về phía các tòa án lại có quan điểm giải quyết không giống nhau. Có tòa án thì cho rằng phải xem xét việc bán đấu giá có đúng thủ tục hay không mới giải quyết bảo vệ người thứ ba ngay tình. Có tòa án lại cho rằng dù bán đấu giá không đúng thủ tục thì vẫn bảo vệ người thứ ba ngay tình [2]. Theo quan điểm của tác giả, dù việc bán đấu giá có đúng thủ tục hay không đúng thủ tục thì vẫn phải bảo vệ quyền lợi của người mua được tài sản đấu giá, bởi lẽ việc bán đấu giá là hoạt động được tiến hành công khai, người mua tài sản đấu giá cũng hoàn toàn ngay thẳng khi tham gia giao dịch, do đó quyền lợi của họ phải được pháp luật bảo vệ. Việc tổ chức bán đấu giá không đúng thủ tục, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu thì chủ sở hữu có quyền khởi kiện tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Điều này phù hợp với quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016, theo đó người mua được tài sản trúng đấu giá sẽ được nhận tài sản trúng đấu giá, được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến tài sản là tài sản chung của vợ chồng. Theo Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, đối với tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu và những tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình thì việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng. Tuy nhiên, tại Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 lại quy định: nếu vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán, chiếm hữu động sản không phải đăng ký quyền sở hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó. Vậy, trường hợp người đứng tên một khoản tiền lớn gửi trong ngân hàng (mà lãi từ tiền gửi hiện đang là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình) tự mình xác lập giao dịch với người thứ ba ngay tình thì hợp đồng có hiệu lực hay phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng? Đây là vướng mắc trong thực tiễn mà pháp luật cần có hướng dẫn cụ thể để có sự áp dụng thống nhất cũng như bảo đảm quyền lợi của bên không đứng tên trên tài khoản ngân hàng, bảo vệ lợi ích chung cho gia đình.

Một vài kiến nghị

Quy định về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong các giao dịch dân sự vô hiệu được quy định trong BLDS năm 2015 được sửa đổi theo hướng cơ bản hoàn thiện hơn, khắc phục được những hạn chế của BLDS năm 2005, tạo ra sự ổn định trong giao dịch dân sự, bảo đảm quyền lợi chính đáng của các chủ thể khi tham gia giao dịch trên tinh thần trung thực, ngay thẳng. Mặc dù có nhiều điểm tiến bộ nhưng việc vận dụng các quy định về bảo vệ người thứ ba ngay tình theo BLDS năm 2015 vẫn còn nhiều vướng mắc. Để khắc phục tình trạng trên, bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật, xin có một vài kiến nghị như sau:

Thứ nhất, BLDS năm 2015 cần sớm bổ sung khái niệm thế nào là người thứ ba ngay tình, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần có hướng dẫn giải thích rõ về thuật ngữ “ngay tình”, những  điều kiện, dấu hiệu để nhận diện chính xác người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự, tránh trường hợp các chủ thể lợi dụng quy định của pháp luật về bảo vệ người thứ ba ngay tình nhằm tạo ra các giao dịch giả tạo để trục lợi.

Thứ hai, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần có hướng dẫn cụ thể về trường hợp người mua được tài sản từ bán đấu giá trong trường hợp việc bán đấu giá vi phạm thủ tục đấu giá để có sự thống nhất về đường lối giải quyết.

Thứ ba, pháp luật cần có những hướng dẫn cụ thể về việc định đoạt tài sản chung của vợ chồng khi tham gia giao dịch với người thứ ba ngay tình như tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán, vàng bạc có giá trị lớn để từ đó có những giới hạn nhất định cho các bên tham gia giao dịch nhằm bảo đảm quyền lợi của vợ (chồng) cũng như quyền lợi của các thành viên khác trong gia đình.

==============

[1] Tưởng Duy Lượng (2018), Quy định của Bộ luật Dân sự về bảo vệ người thứ ba ngay tình và thực tiễn giải quyết, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 3, tr 14-15.

[2] Nguyễn Thị Linh (2020), Một số vấn đề về chế định bảo vệ người thứ ba ngay tình theo Bộ luật Dân sự năm 2015, thực tiễn và giải pháp hoàn thiện, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 22, tr 44-47.

Thạc sĩ NGUYỄN THỊ HỒNG THÚY

Khoa Lý luận Chính trị - Trường Đại học Hải Phòng

Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Lê Minh Hoàng