/ Đạo đức & ứng xử nghề nghiệp luật sư
/ Bảo vệ quyền, lợi ích của khách hàng cũ trong hoạt động hành nghề Luật sư

Bảo vệ quyền, lợi ích của khách hàng cũ trong hoạt động hành nghề Luật sư

08/02/2023 14:36 |

(LSVN) - Quy tắc 15, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định về xung đột lợi ích trong hoạt động hành nghề Luật sư. Theo đó xung đột này có thể liên quan, phát sinh giữa Luật sư với khách hàng cũ.

Ảnh minh họa.

Khách hàng cũ là khách hàng mà Luật sư đã hoàn thành xong vụ việc. Trong quá trình cung cấp dịch vụ pháp lý, Luật sư đã nắm được thông tin liên quan đến khách hàng cũ. Vì vậy, chỉ khi được khách hàng hoặc pháp luật cho phép thì Luật sư mới được tiết lộ thông tin. Trong trường hợp sau khi thực hiện xong vụ việc cho khách hàng cũ, Luật sư được khách hàng mới đến yêu cầu thực hiện vụ việc. Nếu Luật sư nhận và thực hiện vụ việc của khách hàng mới xung đột về lợi ích có thể xảy ra một số trường hợp.

Vụ việc trong đó khách hàng mới có quyền lợi đối lập với khách hàng cũ trong cùng một vụ việc. Đây là trường hợp hai khách hàng của Luật sư có quyền lợi đối lập nhau, theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 9 Luật Luật sư, đây là điều cấm, nên Luật sư không thể nhận và thực hiện vụ việc cả hai khách hàng có quyền lợi đối lập nhau. Vì vậy, khi tiếp nhận thông tin, nếu phát hiện một bên là khách hàng cũ Luật sư không được nhận và thực hiện vụ việc với khách hàng mới. 

Trường hợp sau khi nhận vụ việc của khách hàng mới, Luật sư mới phát hiện ra đối tác của khách hàng mới là khách hàng cũ, Luật sư phải từ chối việc tiếp nhận thực hiện với khách hàng mới. Trường hợp này xung đột sẽ xảy ra giữa Luật sư với khách hàng cũ và nguyên tắc giữ bí mật thông tin và tiết lộ thông tin không được đảm bảo.

Ví dụ: Năm 2021, Luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý với doanh nghiệp C, khi Luật sư tiếp xúc với hồ sơ, tài liệu của doanh nghiệp Luật sư biết được doanh nghiệp C kinh doanh bị thua lỗ, có khả năng dẫn đến phá sản. Sau khi kết thúc vụ việc, Luật sư đã bàn giao hồ sơ tài liệu và thanh lý hợp đồng dịch vụ pháp lý với doanh nghiệp C. Một thời gian sau, doanh nghiệp D tìm đến Luật sư và ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý về tư vấn, soạn thảo về hợp đồng mua bán doanh nghiệp. Đến ngày đàm phán, Luật sư phát hiện ra đối tác của doanh nghiệp D chính là doanh nghiệp C (khách hàng cũ của Luật sư). Do Luật sư nắm rõ được khả năng tài chính và những bí mật khác của doanh nghiệp C, Luật sư không thể tiết lộ và sử dụng cho doanh nghiệp D. Vì vậy, nếu Luật sư tiếp tục thực hiện vụ việc thì không thể bảo vệ tốt nhất cho lợi ích của doanh nghiệp D. Đồng thời có thể vi phạm đến nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của doanh nghiệp C.

Trường hợp này, xung đột lợi ích đã xảy ra do ảnh hưởng từ quyền lợi và nghĩa vụ của Luật sư đối với khách hàng mới, khách hàng cũ, làm cho Luật sư bị hạn chế trong việc bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng. Đối với vụ việc này, Luật sư cần từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc với doanh nghiệp D.

Trường hợp vụ việc khác có liên quan trực tiếp mà trước đó Luật sư đã thực hiện cho khách hàng cũ Luật sư cũng không được thực hiện. Đây là trường hợp có liên quan đến nghĩa vụ của Luật sư là “giữ bí mật thông tin của khách hàng”. Nghĩa là trước đây Luật sư đã thực hiện vụ việc cho khách hàng cũ; biết được thông tin của khách hàng cũ. Nếu đem thông tin này cho khách hàng mới thì có thể mang lại bất lợi cho khách hàng cũ. Vụ việc khác có liên quan là vụ việc có cùng một đối tượng giao dịch, có cùng trách nhiệm và tính chất của quan hệ tranh chấp. Vì vậy, khi có khách hàng đến nhờ Luật sư một vụ việc khác có liên quan trực tiếp mà trước đó Luật sư đã thực hiện cho khách hàng cũ thì Luật sư phải từ chối tiếp nhận vụ việc với khách hàng mới.

Ví dụ: Doanh nghiệp A (nhà máy sản xuất giày dép) ký hợp đồng bán sản phẩm cho doanh nghiệp B. Đồng thời doanh nghiệp B bán lại sản phẩm đó cho doanh nghiệp C (hàng được giao nhận tay ba tại nhà máy của doanh nghiệp A). Quá trình thực hiện, do doanh nghiệp A vi phạm các điều khoản của hợp đồng, doanh nghiệp B đã khởi kiện doanh nghiệp A ra Tòa (doanh nghiệp C tham gia với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan). Doanh nghiệp A đã nhờ Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích của mình trước Tòa. Quá trình xét xử vụ việc, Luật sư biết rằng doanh nghiệp A yếu kém trong vấn đề quản trị sản xuất nên không giao đủ số lượng hàng hóa theo tiến độ cho doanh nghiệp B. Mặt khác, quá trình đàm phán, thương thảo hợp đồng doanh nghiệp A cũng không chú trọng xem xét đến các điều khoản quy định quyền, nghĩa vụ của các bên, điều khoản phạt hợp đồng bồi thường thiệt hại… Bởi vậy, doanh nghiệp A thường hay thua thiệt khi có tranh chấp xảy ra với đối tác. Sau khi thanh lý xong hợp đồng dịch vụ pháp lý với doanh nghiệp A, doanh nghiệp C tìm đến Luật sư nhờ tư vấn, thương thảo hợp đồng mua bán sản phẩm với doanh nghiệp A.

Nhận thấy, đây là khách hàng cũ của Luật sư (doanh nghiệp A). Nếu Luật sư giúp cho doanh nghiệp C thì phải tiết lộ những thông tin mà Luật sư nắm rõ từ doanh nghiệp A cho doanh nghiệp C thì gây bất lợi cho doanh nghiệp A. Trong trường hợp này Luật sư phải từ chối tiếp nhận vụ việc mà doanh nghiệp C yêu cầu.

Luật sư HOÀNG THANH BÌNH 

Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc

Phó Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Luật sư cần giữ hòa khí khi giải quyết tranh chấp với đồng nghiệp

Bùi Thị Thanh Loan