(LSVN) - Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Đây là một quy định tiến bộ và đầy chất nhân văn trong hệ thống pháp luật Việt Nam nhằm ghi nhận và bảo vệ quyền làm cha mẹ của các cá nhân kém may mắn trong cộng đồng.
Với quy định này cho thấy không thể phủ nhận những giá trị tích cực mà nó mang lại trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh, thể hiện sự đánh giá và nhìn nhận một cách toàn diện vấn đề quyền con người trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Bên cạnh đó, ngoài việc phát huy tốt những yếu tố tích cực thì việc hoàn thiện các quy phạm pháp luật về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là vô cùng cần thiết. Trong bài viết này, tác giả phân tích một số bất cập trong các quy định về thủ tục đề nghị thực hiện kĩ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo pháp luật Việt Nam hiện hành và trên cơ sở đó, đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật điều chỉnh về vấn đề này.
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là một trong những quy định mới của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Qua 05 năm thực hiện, quy định này đã và đang phát huy được những giá trị tích cực trong việc ghi nhận và bảo vệ các quyền nhân thân của cá nhân, mang lại hạnh phúc cho hàng trăm cặp vợ chồng bế tắc trong nỗ lực tìm kiếm cơ hội làm cha mẹ của những đứa con có cùng huyết thống với chính họ. Điều này cho thấy, các quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong mục tiêu chung là xây dựng pháp luật vì nhân dân, vì con người.
Tuy nhiên, với đặc thù là một quan hệ pháp luật mới, những quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo hiện nay vẫn còn bộc lộ những bất cập, hạn chế trong quá trình áp dụng, trong đó có một số quy định về thủ tục mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, cần thiết phải sớm hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tham gia quan hệ pháp luật, đồng thời nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về chế định đầy tính nhân văn này.
Trong trường hợp các bên có yêu cầu về việc thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, trước hết phải gửi hồ sơ đề nghị thực hiện đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật này. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ sở được cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ phải có kế hoạch điều trị để thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Trường hợp không thể thực hiện được kỹ thuật này thì phải trả lời bằng văn bản, đồng thời nêu rõ lý do. Việc quy định về hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được đề cập khá cụ thể tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (Nghị định số 10/2015/NĐ-CP) như sau: “Cặp vợ chồng vô sinh gửi hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật này, gồm:
a) Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản cam kết tự nguyện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Bản cam đoan của người đồng ý mang thai hộ là chưa mang thai hộ lần nào;
d) Bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của vợ chồng nhờ mang thai hộ xác nhận;
đ) Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về việc người vợ có bệnh lý, nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi và người mẹ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
e) Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đối với người mang thai hộ về khả năng mang thai, đáp ứng quy định đối với người nhận phôi theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định này và đã từng sinh con;
g) Bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ này;
h) Bản xác nhận của chồng người mang thai hộ (trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng) về việc đồng ý cho mang thai hộ;
i) Bản xác nhận nội dung tư vấn về y tế của bác sỹ sản khoa;
k) Bản xác nhận nội dung tư vấn về tâm lý của người có trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên;
l) Bản xác nhận nội dung tư vấn về pháp luật của luật sư hoặc luật gia hoặc người trợ giúp pháp lý; m) Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo quy định tại Mẫu số 06 ban hành kèm theo Nghị định này”.
Về cơ bản, hồ sơ đề nghị thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo bao gồm các loại giấy tờ cần thiết nhằm mục đích chứng minh các yếu tố đảm bảo cho việc thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là đủ điều kiện và đúng pháp luật. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này vẫn còn tồn tại một số quy định bộc lộ những điểm hạn chế, bất cập cần được cân nhắc, rà soát, điều chỉnh nhằm bảo vệ tốt hơn các quyền lợi hợp pháp của các chủ thể trong việc thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Trong đó, đáng chú ý là một số vấn đề sau:
Một là, mặc dù Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 không có quy phạm nào quy định trực tiếp người có quyền nhờ mang thai hộ, nhưng theo quy định tại khoản 2 Điều 95 của Luật này có thể xác định người có quyền nhờ mang thai hộ bắt buộc phải là “vợ chồng”. Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 3 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định cặp vợ chồng vô sinh có quyền nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Việc quy định rõ ràng đối tượng, chủ thể nào có quyền nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là rất cần thiết. Bởi lẽ, đây là một trong những cơ sở quan trọng cho việc xây dựng cơ chế pháp lý chặt chẽ và phù hợp, đảm bảo hoạt động mang thai hộ là đúng mục đích nhân đạo.
Tuy nhiên, Điều 14 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP không đề cập đến văn bản cần thiết cần có trong hồ sơ là các loại giấy tờ chứng minh mối quan hệ hôn nhân của vợ chồng nhờ mang thai hộ như giấy chứng nhận đăng ký kết hôn/xác nhận về quan hệ hôn nhân được xác lập trước ngày 03/01/1987 cho đến nay (trong trường hợp sống chung nhưng chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn). Bên cạnh đó, việc xác định tư cách chủ thể là vợ chồng trong trường hợp nam nữ kết hôn trái pháp luật vẫn còn tồn tại những băn khoăn nhất định. Nam nữ kết hôn trái pháp luật thì về nguyên tắc, họ không phải là vợ chồng hợp pháp nên cũng không thể trở thành chủ thể có quyền nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là điều đương nhiên. Đây cũng là cơ sở để nhằm đảm bảo rằng quyền lợi hợp pháp của những đứa trẻ được sinh ra không bị xâm phạm hoặc ít nhất là không bị ảnh hưởng. Song, thực tế hiện nay đường lối xử lý hủy việc kết hôn trái pháp luật là khá “linh động”. Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật được ghi nhận tại Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, cụ thể như sau: “Trường hợp tại thời điểm kết hôn, hai bên kết hôn không có đủ điều kiện kết hôn nhưng sau đó có đủ điều kiện kết hôn quy định tại Điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình thì Tòa án xử lý như sau: a) Nếu hai bên kết hôn cùng yêu cầu Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án quyết định công nhận quan hệ hôn nhân đó kể từ thời điểm các bên kết hôn có đủ điều kiện kết hôn…”.
Tuy nhiên, văn bản công nhận của Tòa án có được xem xét là một văn bản để hợp pháp hóa quan hệ hôn nhân trái pháp luật của các bên trong việc quan hệ hôn nhân trái pháp luật trước đó hay không? Nếu các bên có văn bản của Tòa án công nhận hôn nhân, sau đó, họ có yêu cầu thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì đây có được xem là cơ sở để xác định chủ thể có quyền nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không? Những vấn đề này hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, tạo ra những vướng mắc nhất định trong việc thực hiện và tham gia quan hệ pháp luật về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo của các chủ thể trong thực tiễn hiện nay.
Vì vậy, nếu hồ sơ đề nghị không có các loại giấy tờ chứng minh mối quan hệ hôn nhân giữa họ thì không đủ căn cứ pháp lý để xác định bên nhờ mang thai hộ có phải là vợ chồng hay không. Do đó, tác giả cho rằng, các loại giấy tờ để chứng minh quan hệ hôn nhân giữa họ là văn bản mang tính bắt buộc trong hồ sơ đề nghị thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Hai là, điểm d khoản 1 Điều 14 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP cũng quy định hồ sơ đề nghị mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải có bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do Ủy ban nhân dân cấp xã “nơi thường trú” của vợ chồng nhờ mang thai hộ xác nhận. Tuy nhiên, quy định này dẫn đến sự thiếu đồng bộ, thống nhất với một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong đó điển hình là Luật Hộ tịch năm 2014. Bởi lẽ, theo quy định của Luật Hộ tịch năm 2014, nơi trường trú chỉ là một trong những nơi cư trú của cá nhân. Nơi cư trú được giải thích tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú như sau: “Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Mỗi công dân chỉ được đăng ký thường trú tại một chỗ ở hợp pháp và là nơi thường xuyên sinh sống”. Trong khi đó, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP, việc xác nhận tình trạng chưa có con chung chỉ thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của vợ chồng.
Vậy, nếu trong trường hợp vợ chồng không có nơi thường trú mà chỉ có nơi tạm trú thì đương nhiên có thể họ sẽ không thể có bản xác nhận tình trạng đang không có con chung của Ủy ban nhân dân nơi thường trú, trong khi đó, việc xác nhận của Ủy ban nhân dân nơi tạm trú đương nhiên không có giá trị. Vì vậy, theo tác giả, quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP là chưa phù hợp và cần có sự điều chỉnh kịp thời nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp của chủ thể cũng như tăng tính kiểm soát xác thực của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời tạo ra sự đồng bộ trong việc áp dụng pháp luật. Do đó, tác giả đề xuất, quy định này cần được điều chỉnh theo hướng, bản xác nhận chưa có con chung do Ủy ban nhân dân cấp xã “nơi cư trú” của vợ chồng nhờ mang thai hộ xác nhận.
Ba là, một trong những yêu cầu quan trọng về điều kiện của người mang thai hộ là bản thân người này phải đã từng sinh con[1]. Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 14 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP thì có thể xác định, việc xác nhận người mang thai hộ đã từng sinh con thuộc thẩm quyền của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng theo tác giả, điều này là không cần thiết bởi lẽ sẽ làm tăng tính phức tạp về thủ tục, tạo ra sự rườm rà không cần thiết vì việc người mang thai hộ đã từng sinh con có thể chứng minh dễ dàng qua việc họ xuất trình giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh của bất kì người con nào của họ và như vậy sẽ trở nên đơn giản hóa về mặt thủ tục cũng như phù hợp với Luật Hộ tịch, tạo thuận lợi cho các bên trong việc thực hiện hồ sơ đề nghị mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Do đó, tác giả cho rằng, với điểm e khoản 1 Điều 14 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP, bên nhờ mang thai hộ chỉ cần cung cấp “Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đối với người mang thai hộ về khả năng mang thai, đáp ứng quy định đối với người nhận phôi theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định này”.
Bốn là, tại điểm h Điều 14 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP yêu cầu hồ sơ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cần phải có “Bản xác nhận của chồng người mang thai hộ (trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng) về việc đồng ý cho mang thai hộ”. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, pháp luật hiện hành chưa dự liệu về việc nếu rơi vào trường hợp người chồng của người mang thai hộ bị mất năng lực hành vi dân sự, khó khăn trong nhận thức và điều khiển hành vi thì sẽ được giải quyết như thế nào.
Rõ ràng, đối với trường hợp người chồng mất năng lực hành vi dân dự hoặc có khó khăn trong nhận thức và điều khiển hành vi thì không thể có khả năng thể hiện ý chí về sự đồng ý hay không đồng ý để vợ thực hiện mang thai hộ, khi đó, yêu cầu về bản xác nhận nêu trên trong hồ sơ là không có cơ sở. Điều này tạo ra những khó khăn nhất định trong việc áp dụng pháp luật trên thực tế cho cả các bên tham gia cũng như cơ sở y tế khi thẩm định hồ sơ. Vì với điều kiện “cứng” này thì văn bản thể hiện sự đồng ý của người chồng của người mang thai hộ là bắt buộc, dẫn đến hệ quả là người mang thai hộ dù đủ các điều kiện khác nhưng không có văn bản đồng ý của người chồng thì cũng không thể thực hiện được. Do đó, quy định về điều kiện “người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng” tại điểm d khoản 3 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và yêu cầu bản xác nhận của người chồng tại điểm h khoản 1 Điều 14 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP cần thiết có những hướng dẫn cụ thể nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia.
Theo đó, tác giả đề nghị sửa quy định tại điểm h nêu trên theo hướng: “Bản xác nhận của chồng người mang thai hộ (trừ trường hợp người phụ nữ mang thai hộ độc thân hoặc chồng của người mang thai hộ bị mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức và điều khiển hành vi) về việc đồng ý cho mang thai hộ”.
Tóm lại, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là một trong những quy định tiến bộ và đầy chất nhân văn trong hệ thống pháp luật Việt Nam nhằm ghi nhận và bảo vệ quyền làm cha mẹ của các cá nhân kém may mắn trong cộng đồng. Với quy định này cho thấy không thể phủ nhận những giá trị tích cực mà nó mang lại trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh, thể hiện sự đánh giá và nhìn nhận một cách toàn diện vấn đề quyền con người trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Bên cạnh đó, ngoài việc phát huy tốt những yếu tố tích cực thì việc hoàn thiện các quy phạm pháp luật về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là vô cùng cần thiết. Trong đó, những vấn đề pháp lý có liên quan cụ thể như quy định về hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cũng cần được cân nhắc và đảm bảo sự đồng bộ thống nhất, thuận lợi và hiệu quả, góp phần đảm bảo quyền lợi chính đáng của các chủ thể có liên quan trong quan hệ pháp luật về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nói riêng và quan hệ pháp luật về hôn nhân và gia đình nói chung.
[1]. Xem quy định tại điểm b khoản 3 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: Người được nhờ mang thai hộ phải “đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần”. |
Thạc sĩ NGUYỄN THỊ LÊ HUYỀN Đại học Luật thuộc Đại học Huế (Tạp chí Dân chủ & Pháp luật) |